Kiềm chế sự tức giận là đỉnh cao của bản lĩnh
Kiềm chế sự tức giận là khi chúng ta bao dung với lỗi lầm của người khác; điều này cũng là thể hiện cao nhất của một nhân cách có tu dưỡng.
- Nhận biết và kiểm soát cơn nóng giận để không làm tổn thương người khác
- Muốn biết nhân phẩm của một người, hãy xem thái độ của họ khi tức giận
Nếu muốn hiểu rõ ai đó thì bạn nên quan sát họ vào lúc tức giận thay vì những lúc bình thường; bởi đó là lúc con người ta dễ bộc lộ ra bản tính thật của mình nhất. Qua đó, chúng ta có thể thấy được nhân phẩm cũng như giáo dưỡng của họ.
Nội dung chính
Bộc lộ sự tức giận thấy rõ bản tính thật của mỗi người
Khi mới tốt nghiệp, tôi vào làm việc trong một công ty truyền thông văn hóa và quen biết Lý Tư. Cô ấy vào làm ở công ty sớm hơn tôi nhưng không hề có thói “ma cũ bắt nạt ma mới”; trái lại còn đối đãi với tôi vô cùng nhiệt tình. Khi ở nhà làm cơm, cô ấy cũng thường hay mời tôi tới ăn cùng.
Những việc làm của cô ấy khiến tôi thấy rất cảm động. Vì thế, tôi ngày càng cảm thấy quý mến cô ấy nhiều hơn. Thêm vào đó, vì tuổi tác chênh lệch cũng không quá lớn nên chúng tôi nhanh chóng thân thiết với nhau.
Sau này, công ty có một vị giám đốc nhân sự mới, anh ta vừa tới đã thiết lập những quy tắc mới. Trong đó quy định đi làm muộn hoặc chơi điện thoại trong giờ làm việc thì sẽ bị phạt tiền.
Quy tắc mới được áp dụng ngày đầu tiên, Lý Tư đã bị phạt do dùng điện thoại trong giờ làm việc. Vì thế, trên đường tan làm về nhà, cô ấy cực kỳ tức giận. Suốt cả đường đi, cô ấy đều mắng chửi vị nhân sự kia bằng đủ mọi lời khó nghe.
Tôi liền khuyên cô ấy bỏ qua bởi dù cô ấy có chửi mắng nữa thì cũng không giải quyết được gì. Ngược lại, cô ấy mắng người khác trên đường như vậy sẽ tự tổn hại tới hình tượng của chính mình.
Sự tức giận là thứ không dễ che giấu
Thật không ngờ, Lý Tư lại nổi cơn thịnh nộ với tôi. Cô ấy nói rằng cô ấy quen biết tôi là việc làm thật mù quáng. Cô ấy còn trách tôi đã không nói giúp cô ấy, lại còn đứng về phía vị nhân sự kia. Lúc ấy, tôi sững sờ cả người cảm thấy Lý Tư đang đứng trước mặt mình thật quá xa lạ. Cô ấy không hề giống người mà trước nay tôi từng quen thân.
Kỳ thực trên thế giới này, có những cảm xúc có thể che giấu được ngoại trừ sự tức giận. Bởi khi tức giận sẽ phá hủy lớp vỏ bọc bên ngoài để bộc lộ ra những điều ẩn giấu bên trong, mà khi bình thường rất khó bộc lộ. Khi tức giận, con người ta thường sẽ dễ mất lý trí, mất khả năng kiểm soát cũng như năng lực che đậy bản thân.
Kiềm chế sự tức giận thể hiện sự giáo dưỡng
Cuối năm ngoái, cả nhà cô chú tới nhà tôi cùng ăn bữa cơm tất niên. Ăn cơm xong, cô tôi liền cùng họ hàng ngồi chơi bài còn chú thì về nhà trước. Lúc sắp về, chú dặn cô khoảng 3 giờ thì hãy về nhà; thế nhưng cô ngồi chơi mải miết đến mức quên cả thời gian.
Đến hơn 6 giờ, chú tôi liền gọi điện tới nhắc cô mau trở về. Cô nghe điện thoại xong liền bảo “Chồng em tức giận rồi”. Bố tôi nghe vậy liền lấy xe đưa cô ấy về ngay lập tức. Tôi cũng đi theo hai người về nhà cô ây.
Lúc tôi mở cửa, chú đang quét dọn nhà. Tôi nhìn chú so với lúc bình thường cũng không khác gì. Thấy vậy, bố tôi liền nói: “Nghe nói chú tức giận. Anh chỉ sợ hai người lại cãi nhau nên anh vội đưa cô về nhà ngay”.
Chú đáp “Em thực sự giận rồi. Năm mới sắp đến, đâu thể cứ như ngày thường. Trong nhà có biết bao việc cần làm, vậy mà cô ấy lại quên. Để phạt cô ấy, em định một lát nữa sẽ không giúp cô ấy rửa rau nữa”.
Nghe vậy, tôi không khỏi nhìn chú ấy với một cặp mắt khác. Mọi người đều tức giận cả nhưng chú ấy vẫn có thể giữ được giáo dưỡng của mình.
Tức giận phá hủy mọi mối quan hệ
Khi sự tu dưỡng và nhân phẩm của con người đạt tới một mức độ nhất định, họ sẽ không để những sự vật, sự việc bên ngoài khiến lòng mình “nổi sóng”. Khi giận dữ cũng là lúc họ lấy lỗi lầm của mình hoặc của người khác để tự trừng phạt chính bản thân họ hay người khác một cách đau khổ nhất.
Khi đã tức giận ai đó, họ trút hết những bực dọc trong lòng mình ra bên ngoài. Họ không mảy may chú ý tới cảm xúc của đối phương. Họ hành xử như vậy mà không biết việc làm đó chỉ giúp họ thoải mái trong chốc lát; tuy nhiên mâu thuẫn của họ với người kia sẽ càng lớn, mối quan hệ cũng có nguy cơ bị phá vỡ.
Kiềm chế sự tức giận thể hiện người bản lĩnh
Có một câu chuyện kể rằng một vị lão hòa thượng trồng một chậu hoa lan. Ông chăm sóc cây rất tỉ mỉ. Mỗi ngày ông đều nhổ cỏ, bắt sâu và tưới nước cho hoa. Dưới sự chăm sóc chu đáo của lão hòa thượng, cây hoa dần lớn lên và trổ hoa đẹp vô cùng.
Một lần, vì phải ra ngoài gặp bạn nên vị sư đã giao lại trách nhiệm chăm sóc chậu hoa lan cho một vị tiểu hòa thượng. Vị tiểu hòa thượng này học theo lão hòa thượng, cũng chăm cây hoa cẩn thận từng chút một.
Một ngày nọ, tiểu hòa thượng sau khi tưới nước cho hoa lan liền đặt nó lên bệ cửa sổ để đi làm việc. Chẳng ngờ, trời đổ mưa lớn, gió mạnh thổi khiến chậu hoa lan rơi xuống và vỡ tan.
Khi quay về, chú nhìn những cành lá bị bầm dập mà đau lòng. Chú cũng lo sợ lão hòa thượng lúc về biết chuyện sẽ nổi giận trách mắng. Mấy ngày sau, lão hòa thượng cuối cùng cũng trở về. Tiểu hòa thượng liền kể rõ đầu đuôi câu chuyện về cây hoa lan. Chú chuẩn bị tinh thần để nhận cơn thịnh nộ của lão hòa thượng.
Thế nhưng, lão hòa thượng lại không nói một lời nào cả. Tiểu hòa thượng thấy vậy thì bất ngờ lắm. Anh ta liền hỏi ngay rằng tại sao ông không tức giận. Lão hòa thượng cười nhẹ rồi ôn tồn bảo “Ta trồng hoa lan đâu phải vì để tức giận đâu”.
Kiềm chế sự tức giận là người giỏi thật sự
Chỉ một câu đơn giản của hòa thượng nhưng lại cho chúng ta thấy được sự thông tuệ cũng như tấm lòng bao dung của ông. Ở đời, chuyện được và mất, đến và đi là chuyện thường tình. Việc gì đã xảy ra thì cũng xảy ra rồi, chúng ta có tức giận thì cũng chẳng thể quay ngược thời gian để ngăn cản được nữa. Vậy cớ sao không cho qua nhẹ nhàng để cuộc sống được thanh thản và an yên hơn?
Trong mối quan hệ giữa người với người, ai cũng khó tránh được những lúc xô xát hay mâu thuẫn với nhau. Nhưng người dễ nổi cáu không phải kẻ bản lĩnh. Người hiểu được cách khống chế cơn giận mới là người tài giỏi thật sự.
Người thực sự có nhân phẩm tốt ngay cả lúc tức giận nhất vẫn sẽ giữ được sự lễ phép cơ bản. Họ sẽ xem xét sự việc dựa trên lý trí thay vì buông lời cay nghiệt “giận cá chém thớt”. Những người này ngay cả lúc tức giận cũng không thay đổi quá nhiều so với khi bình thường; đồng thời không khiến người khác phải sợ hãi và thay đổi cách nhìn về mình.
Mỗi người khi kiềm chế sự tức giận cũng là lúc chúng ta bao dung với người khác và yêu thương chính bản thân mình bằng trái tim vị tha, độ lượng.
Theo Aboluowang