Nguyện Ước đã có buổi trò chuyện với ông Lê Khắc Ánh, một cán bộ lãnh đạo trong bộ máy chính quyền. Trải qua hơn 10 năm thực hành tu Đạo, ông có nhiều chiêm nghiệm về xã hội cũng như Pháp môn mà ông đang tu. Được sự đồng ý của ông, chúng tôi xin đăng tải một số nội dung buổi trò chuyện.

Phóng viên (PV): Cảm ơn ông đã nhận lời trò chuyện cùng Nguyện Ước. Ông có thể giới thiệu đôi chút về bản thân?

Ông Lê Khắc Ánh (LKA): Tôi là Lê Khắc Ánh, sinh năm 1972, là một cán bộ lãnh đạo đơn vị sự nghiệp trong bộ máy chính quyền. Trước năm 2022, vị trí của tôi tương đương hàm Vụ trưởng.

Trước khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) tôi khá nổi tiếng là một người nhanh nhẹn, tháo vát, chịu khó làm ăn, buôn bán. Tôi đã tham gia buôn bán xe máy từ đầu những năm 1990, sau này là buôn ôtô, bất động sản… Lúc đó, tôi làm về công tác Kế hoạch đầu tư (là bộ phận chi phối, tác động được đến nguồn vốn ngân sách cấp). Vừa làm công chức Nhà nước, vừa làm ăn bên ngoài, tôi luôn quay cuồng trong vòng quay của tiền tài, danh vọng, kèn cựa hơn thua, thụ hưởng vật chất… Trong đầu lúc nào cũng toan tính để thu lợi cho mình mà chẳng hề ngại dối lừa những người mua xe về chất lượng những chiếc xe bị “mông má”, cũng không ngại làm khó đơn vị để được họ “cảm ơn”…

Tôi cũng nổi tiếng là người chịu khó lễ bái tại các chùa chiền, đền to, phủ lớn. Giống như nhiều người mê muội khác, tôi cũng tưởng rằng sức khỏe, hạnh phúc, tài lộc… là đến từ việc đi lễ, thờ cúng, hương khói xin xỏ mà ra. Hậu quả là ‘tiền mất tật mang’.

PV: Bận bịu với vòng quay danh lợi và công việc của một cán bộ quản lý, cơ duyên nào đưa ông đến với Pháp Luân Công?

LKA: Giữa năm 2010, tôi nhận được một bức thư trên internet. Nội dung thư đề nghị ký tên thỉnh nguyện chống nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc. Hơi sốc và tò mò, tôi đã đọc bức thư. Đọc xong, tôi có thiện cảm với những học viên Pháp Luân Công kiên định niềm tin tín ngưỡng của họ, dù bị chính quyền Trung Quốc đàn áp dã man và mổ cướp tạng sống. Tôi ngay lập tức ký tên chống nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc.

Lúc đó, do bận rộn với công việc nên tôi chưa tìm hiểu kỹ về Pháp Luân Công. Vài tháng sau, tôi có chuyến công tác 2 tháng ở Nhật Bản. Tình cờ mở lại đúng bức thư thỉnh nguyện và đường link cuốn sách. Có thời gian rảnh, trong ba buổi tối, tôi đọc xong cuốn Chuyển Pháp Luân – cuốn sách chính của Pháp Luân Công.

Với nhận thức của tôi lúc đó, dù mới đọc một lượt cuốn sách nhưng những gì hiểu được cũng khiến nội tâm tôi chấn động. Nhìn cuốn sách hay mục lục cũng không có gì đặc biệt, nhưng càng đọc, càng đọc, có gì đó như khai mở trí não. Những Đạo lý, Pháp lý, những bí ẩn của nhân loại, con người, thời không, Phật – Đạo – Thần hay vạn sự vạn vật đều có lời giải đáp hợp lý, thỏa đáng. Tôi cũng nhận ra thế giới quan của mình bắt đầu thay đổi từ đây.

PV: Vậy là từ năm 2010 đến nay, ông vẫn tập luyện Pháp Luân Công ạ?

LKA: Đúng vậy.

Cơ duyên đưa ông Ánh biết đến Pháp Luân Công từ một lá thư đề nghị ký tên thỉnh nguyện chống nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc. Thiện cảm với những học viên Pháp Luân Công kiên định niềm tin tín ngưỡng, ông lập tức ký tên

PV: Như vậy môn này phải có điều gì đặc biệt mới khiến ông kiên trì thế?

LKA: Lợi ích tôi nhận được từ Pháp Luân Công là rất nhiều, không thể kể hết. Đầu tiên là sức khỏe. Tôi lúc đó mới hơn 30 tuổi mà cơ thể lúc nào cũng uể oải, mệt mỏi. Căn bệnh viêm xoang, dạ dày, thoái hóa đốt sống cổ, thường xuyên cứng đơ vai gáy khiến tôi sống rất khổ sở. 5 bài tập của Pháp Luân Công có tác dụng rất lớn cải biến sức khỏe. Tôi tập luyện thời gian ngắn, thân thể chuyển biến rõ ràng, những bệnh kể trên đều khỏi, không cần một viên thuốc. Đến tận bây giờ, sau 13 năm tập luyện, tôi luôn luôn khỏe mạnh, không uống một viên thuốc nào.

Điều thay đổi to lớn hơn, chính là tâm tính của tôi. Như đã nói, hồi đó tôi được tiếng là tháo vát năng động, nhưng đó là con người luôn toan tính, kèn cựa, luôn đặt lợi ích cá nhân lên trên hết, chỉ lo vun vén cho lợi ích bản thân, gia đình, thậm chí còn làm dối trá, không thật… Tính tình thì nóng nảy, gia trưởng, áp đặt…

Khi hiểu một người tu luyện cần chiểu theo Chân Thiện Nhẫn làm người tốt, tôi dần dần thay đổi, cải biến tâm tính của mình. Tôi bắt đầu biết sống vì người khác, cống hiến cho cộng đồng. Tôi dừng các hành vi bất chính phục vụ lợi ích, dục vọng cá nhân. Trong cư xử, tôi cố gắng chú ý lời nói, hành vi của mình để không làm tổn thương người khác. Trong mâu thuẫn, xung đột, hoặc bị đối xử bất công, tôi luôn cố gắng kiềm chế, nhẫn nhịn. Trong các mối quan hệ làm ăn, tôi coi trọng lợi ích của người khác. Trong công việc, tôi đặt tâm sức hoàn thành với chất lượng cao nhất có thể, “dĩ công vi thượng”. Tôi luôn cố gắng lấy đạo lý, tâm thiện để xử lý công việc thay cho kiểu lợi dụng vị trí, ưu thế hành chính như trước đây

PV: Vừa làm công tác, vừa tu luyện, ông có gặp phản ứng nào từ đồng nghiệp, hay cấp trên khiến bản thân cảm thấy ‘khó xử trí’?

LKA: Thời gian đầu, do có một số thông tin không chính xác, thiếu thiện cảm về Pháp Luân Công nên có một số lãnh đạo cấp trên cũng trao đổi riêng với tôi. Sau khi tôi giải thích rõ Pháp Luân Công chỉ dạy người ta làm người tốt, tốt hơn nữa và luôn cố gắng hành xử nhẫn nhịn trong mâu thuẫn, xung đột; tôi cũng tặng họ cuốn sách Chuyển Pháp Luân để tự họ nghiên cứu và nhận định, họ đã thay đổi rất nhiều.

Các anh chị em cấp dưới lúc đầu còn lo lắng, ngại phiền phức khi tôi chia sẻ về Đại Pháp nhưng sau khi hiểu ra, họ cũng đã thay đổi rất nhiều, giảm thiểu cái tôi, cái tư, biết cống hiến nhiều hơn cho việc công và đáng mừng là khá nhiều người đã bước vào tu luyện.

Ông Ánh học Chuyển Pháp Luân – cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp.

PV: Như ông nói, thì tu luyện vừa tốt cho bản thân, vừa đem đến những điều lợi cho cộng đồng. Từ góc nhìn của người tu luyện, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những lợi ích này?

LKA: Đây là những vấn đề rất lớn, mà tôi cũng chỉ có thể chia sẻ được thông qua những hiểu biết có hạn của tôi. Chúng ta nói về một câu chuyện thế này: Nhiều người Việt chúng ta tin rằng có số phận. Nhưng nếu hỏi số phận là do ai tạo ra và nguyên lý hình thành số phận thì ít người trả lời được. Không hiểu nguyên lý tạo ra số phận của mình nên không thể tìm ra cách cải biến số phận cho tốt lên được. Hầu hết đều muốn có phúc, lộc vẹn toàn nhưng không hiểu được những hành vi nào sẽ mang đến phúc lộc, còn hành vi nào làm tổn phúc nên người ta không biết cách để giữ gìn hay vun bồi cho nó.

Kể từ khi tu luyện Đại Pháp, được biết đến các Pháp lý, tôi hiểu rằng: Con người xoay vần trong kiếp luân hồi. Cái chết mà con người nói đến chỉ là sự tử vong của thân xác thịt này mà thôi, còn cá nhân đó sau khi chết lại chuẩn bị cho một kiếp sống mới. Trên thế giới, đã có nhiều công trình nghiên cứu cho thấy rõ luân hồi thực sự tồn tại. Ví như, cuốn sách “Tiền kiếp – Có hay không?” của tác giả Jim B. Tucker của Đại học Virginia (Mỹ). Cuốn “Chứng cứ về Thiên đường” (Proof Of Heaven) của bác sỹ, chuyên gia phẫu thuật thần kinh Eben Alexander (Mỹ) kể lại trải nghiệm của bản thân trong 7 ngày hôn mê sâu. Kết quả điều tra xã hội học về trải nghiệm cận tử do các nhân viên y tế Trung Quốc thực hiện với 81 trường hợp được cứu sống sau khi chết lâm sàng trong trận động đất tại Đường Sơn (Trung Quốc) ngày 28/7/1976 được công bố trên tạp chí Popular Medicine, ấn bản số 5 (1993) cho thấy hoạt động ý thức của con người vẫn tồn tại sau khi hồn lìa khỏi xác và có rất nhiều thể thời không khác và các sinh mệnh đang tồn tại độc lập với thế giới chúng ta đang sống…

Sau khi chết, cá nhân ấy không mang theo được bất kỳ của cải hay vật chất gì của thế gian, dù cả đời đã vất vả, nhọc nhằn tích cóp. Hành trang sang kiếp sống mới của mỗi người chỉ là 2 loại vật chất: Đức và Nghiệp (mà trong Phật giáo gọi là Thiện nghiệp và Ác nghiệp). Hai loại vật chất này vô hình nếu nhìn bằng cặp mắt của con người nhưng những người có khả năng đặc biệt có thể nhìn thấy chúng. Thông qua học Đại Pháp, nên tôi biết được rằng, hai vật chất ấy chúng đối nghịch nhau: Đức màu trắng, Nghiệp màu đen. Trong kiếp sống mới, Đức sẽ mang lại mọi điều tốt đẹp như sức khỏe, tài lộc, công danh, hạnh phúc gia đình, tuổi thọ…; Nghiệp sẽ mang lại mọi khổ đau, bệnh tật, vận hạn… Tương quan hai loại vật chất này cùng với những nhân duyên, hành xử trong quá khứ sẽ là căn cứ để an bài số phận của mỗi người.

Con người nhận được loại vật chất màu trắng (Đức) khi họ chịu khổ, làm điều thiện, giúp đỡ người khác, khi cống hiến cho xã hội, cho cộng đồng… Còn nhận về loại vật chất màu đen (Nghiệp) khi họ làm điều bất chính, đánh đập người, lừa người, hại người, làm tổn hại đến lợi ích xã hội, lợi ích cộng đồng… Lượng Nghiệp và Đức sẽ thay đổi phụ thuộc vào cách hành xử của mỗi cá nhân chúng ta.

Số phận từng cá nhân vốn đã được an bài. Tuy nhiên, không phải là tuyệt đối không thể thay đổi được số phận. Khi bạn làm nhiều điều tốt, sống vì cộng đồng bạn sẽ tích thêm được nhiều Đức và giảm lượng Nghiệp mang theo, số phận bạn sẽ tốt lên. Ngược lại, khi bạn làm nhiều điều xấu, điều bất chính, điều tổn hại đến lợi ích cộng đồng bạn sẽ mất Đức và phải tích thêm Nghiệp, số phận bạn sẽ xấu đi. Đây là nguyên nhân các cụ chúng ta luôn răn dạy con cháu: “Hãy tu nhân, tích Đức”, “Hành thiện tích Đức”, “Không được làm những việc thất Đức, tổn Đức” và nếu tích đủ thì “Đức năng sẽ thắng số”.

Tất cả mọi điều tốt đẹp đến với cuộc đời con người đều từ “kho” Đức mà chúng ta mang theo. Cứ hình dung những lượng Đức mang theo nhất định sẽ được chia ra thành những phần nhất định. Phần dành cho sức khỏe, tuổi thọ, phần dành cho tài lộc, phần dành cho công danh, phần dành cho hạnh phúc vợ chồng, phần dành cho phúc phận con cái đề huề, phương trưởng…

Nếu một cá nhân có chức quyền nhưng luôn suy tính cá nhân, ích kỷ, lợi dụng quyền lực bóp méo việc công để đạt được những lợi ích cá nhân, như lộc tiền, danh vọng… thì cá nhân đó sẽ mất rất nhiều Đức, còn nhận về Nghiệp. Cứ hành xử xấu mãi sẽ khiến phúc phận giảm đi, nhiều tai ương sẽ xuất hiện. Con cái họ có thể trở nên hư hỏng, nghiện ngập; vợ họ có thể sẽ ngoại tình; bệnh tật hoặc khổ đau, tù tội sẽ ập đến với họ…  

Do đó, càng có chức vụ, quyền lực, cá nhân ấy càng nên hành xử đúng với đạo lý “tích đức hành thiện”, tin “nhân quả báo ứng” để đảm bảo có một cuộc sống bình an, thanh thản, phúc lộc vẹn toàn; không nên để lòng tham và sự vô minh khống chế bản thân dẫn đến tự mình hại mình, tự mình làm số phận của mình xấu đi. Tôi cho rằng đây cũng là một trong những hàm nghĩa của lời răn dạy “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”.

Từ trong những Pháp lý mà Sư phụ Lý của Pháp Luân Công giảng, tôi hiểu ra là không có gì là ngẫu nhiên. Không có chuyện “ngẫu nhiên được” hay “ngẫu nhiên mất”. Trong vũ trụ có một Pháp lý luôn vận hành: “Không được thì không mất; có được tất sẽ phải mất; có mất tất sẽ được”. Một cá nhân muốn được những điều tốt đẹp thì họ phải phó xuất, phải vất vả lao động. Nếu sử dụng hành vi bất chính để đạt được điều gì đó, cá nhân ấy sẽ mất Đức (thất Đức, tổn Đức). Một số ví dụ về những trường hợp vô tình bị thất Đức, tổn Đức có thể kể ra như:

 + Người có chức vụ, quyền hạn sử dụng xe công vào mục đích riêng như đi lễ, về quê …

 + Gọi đồ ăn, đồ uống lãng phí, thừa mứa nhưng trong tâm lại nghĩ rằng “tiền chùa”. Nhận quà biếu dù vật đó không hữu ích với mình vì họ cho rằng chẳng mất gì.

 + Người có chức vụ, quyền hạn bao che cho các hành vi gây tổn hại đến lợi ích cộng đồng như: cho vay nặng lãi, bảo kê mại dâm, buôn bán ma túy, bảo kê xe quá tải gây hư hại công trình cầu đường…

 + Người có trách nhiệm trong bộ máy công quyền thực hiện công việc hời hợt, thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho lợi ích cộng đồng hoặc lợi ích của các cá nhân liên quan thì đều phải lấy Đức của mình mà bồi hoàn. Ngược lại khi họ làm tốt, mang lại lợi ích cho cộng đồng thì họ gặt hái được rất nhiều Đức. Nên người có vị trí càng cao, tầm ảnh hưởng càng lớn thì họ càng phải có trách nhiệm và suy xét kỹ trước khi ra các quyết sách; càng phải “Dĩ công vi thượng” vì các quyết sách đó có thể nhận vô lượng Đức hoặc nhận vô lượng Nghiệp… 

Bất kỳ ai khi hiểu Luật Trời, hiểu những quy luật vô hình đang vận hành ấy sẽ không dại gì làm những việc bất chính nữa, không dại gì để mất đi vật chất Đức quý báu của mình nữa, không dại gì tích thêm Nghiệp nữa. Họ sẽ thay đổi, sẽ hết sức tự giác từ trong tâm, để luôn cố gắng làm điều thiện, điều chân chính.

PV: Nhưng thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng, có người làm việc xấu mà họ vẫn cứ sống thoải mái, chẳng bị trừng phạt gì?

LKA: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, luật nhân quả tưởng như vô hình nhưng nếu ta để ý, chiêm nghiệm sẽ thấy nó hiện hữu rõ ràng lắm. Khi chúng ta làm chuyện tốt hôm nay, sẽ nhận được một kết quả tốt cho ngày mai và ngược lại. Cũng không nên nghi ngờ khi trong “cõi mê” này chúng ta thấy đôi lúc người tốt lại chịu thiệt. Thật ra, chúng ta không thể biết được lượng Nghiệp mà họ nợ nhiều ít ra sao. Vì chúng ta là qua luân hồi mà mang theo Đức và Nghiệp mà.

Nên câu hỏi mà bạn hỏi, đúng là có người thấy họ đang làm nhiều điều xấu mà vẫn sống thoải mái đấy; nhưng có thể là những đời trước, họ đã sống tốt và tích được nhiều Đức, họ đang sống “thoải mái” nhờ phần Đức còn sót lại chừng ấy thôi. Còn khi đã hết Đức, chỉ còn lại Nghiệp, thì chúng ta nghĩ một chút cũng sẽ thấy kết cục của họ ra sao.

Thế nên nếu chúng ta hiểu và có niềm tin rằng: “Làm điều thiện, phúc còn chưa tới nhưng họa đã rời xa; làm điều ác, họa còn chưa tới nhưng phúc đã rời xa”, thì từng người trong chúng ta sẽ có một cuộc sống thanh thản và nếu kiên định thực hành, chúng ta sẽ thấy cuộc sống tốt đẹp dần lên.

Ông Ánh luyện bài công pháp thứ hai của Pháp Luân Đại Pháp.

PV: Vâng, tiếp tục với chủ đề của buổi hôm nay là ‘Pháp Luân Công với xã hội’. Tu Pháp Luân Công, theo như ông nói, là đề cao tâm tính, giúp con người sống đạo đức, là rất tốt cho xã hội. Nhưng, tôi cũng muốn hỏi, là sao có ý kiến khá tiêu cực nói Pháp Luân Công là sao chép từ các tôn giáo khác như Phật giáo, Đạo giáo, Cơ đốc giáo…?

LKA: Tôi nghĩ ở đây có thể nhiều người chưa tìm hiểu kỹ thông tin (cũng không loại trừ nhiều người có dụng ý không tốt khi nói về Pháp Luân Đại Pháp). Thực ra những ai thắc mắc về câu hỏi trên, chỉ cần bạn đọc sách của Pháp Luân Công, bạn sẽ thấy trong các cuốn sách ấy đã trả lời rõ cho vấn đề này rồi. Vũ trụ này có đặc tính và nguyên lý vận hành của nó. Các Giác Giả của các chính giáo như Phật giáo, Đạo giáo, Cơ đốc giáo… chính là những người hiểu được điều này và họ truyền lại cho con người để con người nắm được và tu luyện, chỉ có điều cách diễn đạt, cách tiếp cận có thể khác nhau. Ví dụ, như các Giác Giả đều biết sinh mệnh con người có sự luân hồi và trong vòng luân hồi ấy, con người chỉ mang theo được Đức và Nghiệp lực, Phật giáo gọi là Thiện Nghiệp và Ác Nghiệp. Chúa Giê-su thì dạy: “Con người là có tội”, Ngài gọi những Ác nghiệp con người đã gây ra trước đây là “tội”.

Pháp Luân Đại Pháp chỉ ra rằng Chân – Thiện – Nhẫn là đặc tính căn bản của vũ trụ. Trước đây chúng ta biết Đạo gia thiên về tu Chân, coi trọng nói lời Chân, làm việc Chân, tu Chân dưỡng tính để trở thành Chân Nhân. Phật gia thiên về tu Thiện. Pháp Luân Đại Pháp là Đại Pháp dạy con người tu luyện đồng thời cả Chân Thiện Nhẫn, nên Pháp lý nói ra là rất lớn, phạm vi nói đến rất bao trùm, chứ không phải là đi sao chép ở các tôn giáo như có tin đồn thổi.

PV: Vậy về thông tin người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp bỏ bàn thờ tổ tiên?

LKA:  Về chuyện này, tôi nghĩ có thể có ai đó cư xử cực đoan hoặc thông tin thiếu chính xác. Thờ cúng tổ tiên là truyền thống nhớ về nguồn cội của người dân Việt Nam. Các đệ tử tu luyện Đại Pháp tu luyện giữa đời thường và vẫn làm những việc phù hợp tối đa với người thường mà không mâu thuẫn với lời dạy của Sư phụ. Chúng tôi vẫn kính ngưỡng tổ tiên, chỉ có điều chúng tôi không còn cầu khấn, xin xỏ… như trước nữa. Chúng tôi cũng không đi lễ ở các chùa, đền, phủ để cầu tài, cầu lộc… như nhiều người khác vì chúng tôi hiểu rõ rằng không xin thêm được gì cả, tất cả đều là từ lượng Đức mang theo mà có.

PV: Có thông tin cho rằng một số người trong bộ máy chính quyền còn lo ngại việc học viên Pháp Luân Công “tụ tập” hay phát tờ rơi giảng chân tướng về cuộc bức hại tại Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

 LKA: Về những lo ngại từ phía các cơ quan chính quyền và ngành an ninh liên quan đến Pháp Luân Công, tôi xin chia sẻ những hiểu biết của mình như sau:

Trước thời điểm 20/7/1999, Pháp Luân Công phát triển mạnh mẽ và tự do ở Trung Quốc. Các báo cáo về Pháp Luân Công khi đó luôn có những nhận xét tốt đẹp. Nguyên Chủ tịch Quốc hội Kiều Thạch nhận xét: “Pháp Luân Công đối với đất nước và nhân dân chỉ có trăm điều lợi mà không có một điều hại”. Tuy nhiên, chỉ vì vấn đề cá nhân của cựu lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc là Giang Trạch Dân, ông ta tự ý ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công dù các thành viên trong Ban thường vụ Bộ Chính trị không đồng ý.

Từ sau ngày 20/7/1999, Pháp Luân Công đã bị đàn áp ở Trung Quốc. Các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù, bị bức hại với nhiều hình thức khác nhau và đặc biệt đáng lên án họ họ bị mổ cướp nội tạng để phục vụ cho ngành ghép tạng mang lại nhiều lợi nhuận ở Trung Quốc. Những bằng chứng không thể chối cãi của các nhà điều tra độc lập quốc tế được cung cấp khá nhiều trên Internet, đặc biệt là những quảng cáo từ các Website của các bệnh viện có cung cấp dịch vụ ghép tạng kiểu như: “Tìm được tạng phù hợp trong vòng vài ngày”; “Ghép hỏng sẽ được ghép lại”… và những thành tựu bất bình thường về những kỷ lục thời gian cực ngắn của việc ghép tạng tại Trung Quốc… (tôi cũng có một đồng nghiệp đi ghép thận tại Trung Quốc đã tìm được quả thận phù hợp trong vòng 4 ngày).

Việc các học viên trên toàn thế giới nhiều năm qua nỗ lực chia sẻ để nhiều người hiểu rõ chân tướng của sự việc thông qua nhiều hình thức là việc làm chính đáng. Họ kiên định với đức tin của mình, kiên trì giảng chân tướng bằng thiện tâm chứ không có hình thức biểu tình, chống đối đảng phái hay tham gia chính trị gì. Mọi hoạt động của họ không hề vi phạm pháp luật của bất kỳ nước sở tại nào.

Tại Việt Nam, có những thông tin không rõ ràng rằng môn này bị cấm, tà đạo, không thờ cúng tổ tiên…; thậm chí, còn có thông tin là có chỉ đạo ‘ngầm’ hạn chế Pháp Luân Công. Điều này dẫn đến việc nhiều người trong bộ máy chính quyền, công an, viện kiểm sát, tòa án… mất đi cơ hội đắc Pháp và đôi khi còn tạo cho mình nhiều nghiệp chướng. Khi tôi nói chuyện với những người bạn này, họ thường nói: “Tôi làm theo lệnh, không biết là không có tội”. Tôi nói với các bạn ấy rằng: “Cái que sắt gắp than trong lò, bạn muốn an toàn khi cầm nó, đương nhiên phải thử xem nó nóng hay không trước khi cầm chặt nó, nếu không bạn sẽ bị bỏng”.

Tôi cũng nói thêm về sự thật khi bức tường Berlin sụp đổ. Đã có nhiều binh lính bị truy tố vì đã bắn chết những người trèo tường vượt biên sang Tây Đức. Những người lính bao biện rằng: “họ làm theo lệnh”, nhưng sỹ quan nói: “đúng, tôi ra lệnh nhưng các anh hoàn toàn có thể bắn trượt”. Rõ ràng, chúng ta thấy rằng, không gì cao hơn mệnh lệnh của lương tâm. Ai cũng phải tự chịu trách nhiệm trước các quyết định của chính mình. Do đó, mỗi người phải tìm hiểu kỹ để luôn có lựa chọn đúng đắn.
Phật Pháp từ bi nhưng cũng rất uy nghiêm! Rất nhiều trường hợp bức hại các đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc đã bị quả báo. Cá nhân tôi luôn mong muốn mọi người Việt Nam đều được bình an.

“Thần Phật từ bi trao cho con người một cơ hội nữa. Đại Pháp được hồng truyền ở cõi người, dành cho con người cơ hội để quay đầu hướng Thiện nâng cao tiêu chuẩn đạo đức của bản thân để có thể vượt qua được kiếp nạn”, ông Lê Khắc Ánh chia sẻ.

Vào năm 2016, có người bạn bên công an trao đổi với tôi: “Biết Pháp Luân Công là tốt cho sức khỏe, nhưng các học viên sao không trao đổi với mọi người theo kiểu bạn bè, người thân chia sẻ với nhau mà cứ hay phát tờ rơi, truyền thông tin trên mạng… dễ gây phức tạp an ninh trật tự và có thể bị thế lực xấu lợi dụng?”. Tôi trả lời bạn ấy:

Pháp Luân Công bị đàn áp ở Trung Quốc là do sai lầm cá nhân của Giang Trạch Dân. Rất nhiều người tu luyện đã bị bắt, bị đánh đập, đàn áp dã man, họ còn bị mổ cướp nội tạng. Nhiều Tổ chức nhân quyền, Nghị viện của nhiều nước trên thế giới đã điều tra và ra các Nghị quyết lên án hành vi bức hại và mổ cướp nội tạng đã và đang diễn ra ở Trung Quốc. Bằng việc giảng chân tướng và phơi bày cuộc bức hại ra ánh sáng, đệ tử Đại Pháp chỉ muốn nói lên sự thật để người dân thế giới biết và lên án, yêu cầu Chính phủ Trung Quốc dừng cuộc đàn áp, bức hại vô lý này lại. Đây là một yêu cầu chính đáng.

Thông qua tu luyện, tôi hiểu được rằng: Trong không gian vật chất của chúng ta, con người là sinh vật cao cấp nhất, là trung tâm của vạn sự vạn vật. Các loài động vật, thực vật khác được tạo ra để cuộc sống của con người thêm phồn thịnh (thuyết tiến hóa của Darwin đã được rất nhiều nhà khoa học chỉ ra là sai lầm, không có cơ sở khoa học). Nhưng vì sao loài người lại có được đặc ân ấy? Đó là vì chúng ta được Thần tạo ra với trí tuệ và tri thức hơn hẳn các loài khác nhưng đặc biệt nhất là chúng ta có giá trị và các quy phạm đạo đức của con người. Nhưng nếu khi đạo đức của loài người xuống dốc, thậm chí là băng hoại thì đó là thời điểm hết sức đáng sợ với xã hội loài người vì sẽ đứng trước nguy cơ bị hủy diệt. Rất nhiều truyền thuyết, nhiều câu truyện trong tôn giáo cũng như nhiều bằng chứng khảo cổ học cho ta cái nhìn về nhiều nền văn minh tiền sử đã bị hủy diệt trước nền văn minh chu kỳ này của loài người (ví dụ như nhiều kiến trúc cổ đại to lớn, đẹp đẽ có tuổi thọ hàng chục triệu năm dưới các đáy biển; Khối hóa thạch Bọ ba thùy mà trên đó lại có dấu giày in lên rất rõ. Bọ ba thùy là loài sinh vật sống từ 600 đến 260 triệu năm trước thì tuyệt chủng. Hay như tại Đại học Quốc gia Peru còn có một khối đá 3 vạn năm tuổi có khắc hình người mặc y phục, đội mũ, đi giày, cầm kính viễn vọng).

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng nói về thời Mạt Pháp, thời mà con người không còn Tâm Pháp để ước thúc, ngăn họ không làm việc xấu. Con người hiện nay quả đúng là không còn điều gì mà không dám làm nữa, sẵn sàng vì đồng tiền, vì dục vọng xui khiến mà làm mọi việc từ giết người thuê đến buôn bán ma túy, sản xuất thực phẩm độc hại, thuốc chữa bệnh giả, đồng tính luyến ái… Khi xưa, nếu chỉ thấy một con gà mái gáy là mọi người đã coi là điều hết sức xui xẻo và có lẽ con gà sẽ bị chủ nhân tiêu hủy ngay. Trong chúng ta có lẽ cũng chưa ai thấy chuyện các chú heo, mèo hay chó… giao phối đồng tính bao giờ. Những chuyện phản lại tự nhiên, bại hoại luân lý của Đất Trời lại diễn ra khá phổ biến trong xã hội loài người ngày nay, thậm chí coi như những thú vui thượng lưu. Theo bạn thì đạo đức xã hội bại hoại như vậy nếu cứ phát triển tiếp theo đà này thì sẽ đi đến đâu. Có thể để tồn tại mãi, hay cần hủy diệt. Pompeiji – Thành phố cổ phồn hoa của Đế quốc La Mã đã bị hủy diệt trong chốc lát khi mà núi lửa Vesuvius phun trào ngày 24 tháng 8 năm 79 (SCN) mà nhiều di chỉ khảo cổ cho thấy sự suy đồi đạo đức của cư dân thành phố thời điểm đó. Đây là bài học nhãn tiền trong chu kỳ văn minh lần này của nhân loại. Đứng trước những thảm họa thiên nhiên –  và sự phán xét nghiêm khắc của Thần – thì con người thật nhỏ bé và đáng thương.

Rất nhiều tôn giáo, nhiều dự ngôn của các nhà tiên tri đã nói về thời điểm Đại thẩm phán, về ngày tận thế, thời điểm mà sẽ có rất nhiều người phải chết. Ở Việt Nam cũng có sấm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Bao giờ đá nổi lông chìm. Đồng khô hồ cạn con tìm thấy cha. Mười phần chết bảy còn ba. Chết hai còn một mới ra thái bình” mà hiện tượng đá nổi, đồng khô, hồ cạn thiếu nước sinh hoạt… đã xuất hiện ở khá nhiều nơi (nhiều nước tiên tiến, có nền kinh tế phát triển cũng đã phải cấm sử dụng nước sạch để tưới cây). Các đệ tử Pháp Luân Đại Pháp tin rằng thời điểm mà các dự ngôn đề cập đến đang đến gần.

Thần Phật từ bi trao cho con người một cơ hội nữa. Đại Pháp được hồng truyền ở cõi người, dành cho con người cơ hội để quay đầu hướng Thiện nâng cao tiêu chuẩn đạo đức của bản thân để có thể vượt qua được kiếp nạn. Đây là lý do các đệ tử Pháp Luân Đại Pháp dành nhiều thời gian, tâm sức và tài nguyên để khẩn trương nói với người dân thế giới về Pháp Luân Đại Pháp, về tiêu chuẩn Chân – Thiện – Nhẫn mà mọi người cần sớm tìm hiểu và thực hành theo để nâng cao giá trị đạo đức của mình.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về buổi trò chuyện cũng như những chia sẻ đầy tâm huyết của ông gửi tới độc giả!

Ban Biên tập: Trong cuộc trao đổi, ông Lê Khắc Ánh bày tỏ thành ý sẵn sàng giao lưu, chia sẻ với bạn đọc mong muốn tìm hiểu thêm về Pháp Luân Công. Chúng tôi xin gửi tới quý độc giả số điện thoại 0913219236 của ông Lê Khắc Ánh.