Cổ nhân có câu “lời nói đọi máu” bởi vậy mỗi lời nói ác khẩu của cha mẹ có thể phá hủy tâm hồn của con trẻ, gây ra nhiều tác dụng phản diện.

Yêu thương và dạy dỗ con cái là đặc quyền của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên dạy dỗ như thế nào để đứa trẻ lớn lên trở thành người tử tế thì thật không dễ. Mỗi khi đứa trẻ không biết nghe lời, cha mẹ thường mang sự giận dữ của mình để trừng phạt con bằng những lời nói ác khẩu.

Câu chuyện dưới đây như một sự cảnh tỉnh các bậc cha mẹ về tác hại của lời nói ác khẩu với con cái.

Lời nói ác khẩu của cha mẹ là biểu hiện của sự giận dữ

Có một người phụ nữ thông minh và hiền lành. Bà có một đứa con gái mà bà luôn rất yêu thương và cưng chiều.

Một tối nọ, đi làm về sau một ngày tồi tệ, vừa mệt mỏi, vừa căng thẳng. Người mẹ chỉ muốn được nghỉ ngơi yên tĩnh nhưng con gái thì lại đang rất vui vẻ nhảy nhót, ca múa. Cô bé không hề biết mẹ mình đang trong tâm trạng như thế nào, cô chỉ đang sống trong thế giới của bản thân mình.

lời nói ác khẩu
Trẻ em rất vô tư nhưng sự giận dữ của cha mẹ lại tạo ra những lời nói ác khẩu (ảnh: Pexls).

Cô bé càng lúc càng hào hứng, càng nhảy múa, ca hát càng lớn, thể hiện sự vui vẻ của mình cho mẹ thấy. Cô bé hát lớn đến mức làm cho mẹ mình càng đau đầu hơn. Ngay lúc đó, người mẹ mất kiểm soát. Bà nổi giận nhìn cô con gái xinh đẹp của mình mà nói: “Im ngay! Con hát dở quá. Con im đi giúp mẹ!”.

Thực tế thì lúc đó bà mẹ đã không còn khả năng chịu đựng bất kì tiếng ồn nào nữa rồi; không phải là vì con gái bà ấy hát không hay. Nhưng cô bé khi đó lại tin tưởng lời của mẹ mình; từ đó cô bé hình thành một thoả ước với bản thân. Cô bé không còn ca hát nữa. Cô tin rằng giọng mình nghe rất tệ và làm người nghe thấy phiền. Cô bé dần dần trở nên rụt rè khi đến trường. Nếu như được mời hát thì cô bé cũng từ chối. Thậm chí cả nói chuyện với người khác cũng dần trở nên khó khăn với cô.

Tác hại từ những lời nói ác khẩu của cha mẹ

Với cô bé trong câu chuyện trên, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn vì câu nói của người mẹ. Cô bé tin rằng mình phải kiềm chế cảm xúc của mình lại để được chấp nhận và yêu thương. Bất kì khi nào chúng ta nghe ý kiến từ người khác và tiếp nhận nó, chúng ta đều đồng tình với nó trong lòng; điều này khiến nó trở thành một phần “niềm tin” của chúng ta.

Khi cô bé lớn lên, mặc dù bản thân có giọng hát rất tốt nhưng lại không bao giờ cô hát nữa. Một lời “phù phép” vô hình đã biến thành gông kiềm vô hình với cô bé. Và cái “bùa phép” này lại còn là do chính người yêu thương cô bé nhất áp đặt lên. Chính mẹ của cô bé còn không nhận ra mình đã gây hậu quả gì cho con với những lời vô ý của bản thân.

Người mẹ không nhận ra mình đã sử dụng ‘phép thuật hắc ám’ yểm bùa lên con gái của mình. Người mẹ đã không nhận ra sức mạnh lời nói của bà đã vô tình gây ảnh hưởng tiêu cực đến một đúa trẻ.

Con cái chịu tác động rất lớn từ lời nói ác khẩu của cha mẹ

Con cái là sản phẩm của cha mẹ tạo ra; tuy nhiên con cái lại không phải là thứ thuộc sở hữu của cha mẹ. Con cái đến với cha mẹ là nhân duyên; không thể là sở hữu bởi chúng có sứ mệnh riêng của mình.

lời nói ác khẩu
Con cái có sứ mệnh riêng mà cha mẹ không thế ở hữu (ảnh: Pixabay).

Cha mẹ thường vì lấy quyền sở hữu, cùng với tình yêu thương để nuôi dạy con cái; cho nên các con đương nhiên phải sống theo cách mà cha mẹ mình đặt ra. Khi các con lệch hướng cha mẹ sẽ mắng nhiếc; thậm chí dùng những lời ác khẩu để con mình làm theo ý mình. Một đứa trẻ lớn lên trong môi trường toàn lời ác khẩu cũng sẽ đánh mất sự thiện lương của chúng, tương lai đứa trẻ sẽ trở thành hình mẫu tương tự của cha mẹ.

Có những cha mẹ không tiếc lời ác khẩu. Họ thường xuyên nói những lời chê bai con không đẹp về hình thức; lại thiếu tài năng. Nhiều lúc họ dùng các cụm từ như “chết đi”, “biến đi cho khuất mắt”…Đối với một đứa trẻ điều này có thể làm chúng tổn thương tới tận cùng. Cha mẹ cũng vì thế mà vô tình tạo nghiệp lực rất lớn cho bản thân.

Chỉ một lời nói dễ nghe của cha mẹ mà có thể thay đổi vận mệnh của con cái; một lời nói ác khẩu có thể gây tổn thương trái tim một đứa trẻ.