Ngẫm về câu “Người nghèo không nói 3 câu, không quản 3 việc”
Tục ngữ nói “Người nghèo không nói ba câu, ít tiền không quản ba việc” đó là ba câu gì, là ba việc gì?
Nội dung chính
Người nghèo không nói ba câu
1. Không nói lời than phiền
Người ta khi chán nản khó tránh khỏi sẽ than phiền những lời bực bội, cáu giận.
Đối mặt với nghèo khó, cáu kỉnh nổi giận vốn không có tác dụng. Động một chút là oán giận chỉ có thể khiến mọi người càng xa cách bạn. Người luôn không ngừng oán trách, than phiền thì khó có ai tin tưởng, quan tâm và giúp đỡ.
Cổ nhân giảng: “Nhịn một lúc sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Cho dù không giàu có, sung túc, có những việc không hài lòng chúng ta cũng nên khoan dung độ lượng, lạc quan đối đãi và nhìn nhận, không oán trời trách đất, tính toán so đo. Người tốt tất có phúc báo, người ác tất có ác báo. Trong tâm luôn bao dung với mọi người, tự lượng sức mình, tất cả sẽ trở nên rộng rãi, vận khí tốt cũng tự nhiên sẽ tới.
2. Không nói lời xui xẻo
Khi bần cùng nghèo khổ, cần có thái độ tích cực, hướng thiện. Nói những lời xui xẻo, bực tức chẳng khác nào dội gáo nước lạnh vào đầu khiến người ta họa vô đơn chí, gặp càng nhiều nạn lớn, đi vào bế tắc.
Đối mặt với cái nghèo, người ta không thể không có chí khí, nếu không có chút tiến thủ, nói những lời chán nản, thái độ ủ rũ, thì làm sao có thể tìm được cách khắc phục?
Mỗi người đều có nỗi khổ riêng, không buồn khổ vì việc này thì phiền não vì chuyện khác. Trong nghịch cảnh, đừng nên nản lỏng, nhụt chí. Luôn trong tâm thái tích cực, cảm ơn hướng thiện, mới có thể thoát ra khỏi nghịch cảnh, hướng đến cuộc đời tốt đẹp hơn.
Hãy ghi nhớ hai từ này, cố lên!
3. Đừng nói lời khoe khoang, ngông cuồng
Lời nói ngông cuồng là những lời vô căn cứ, kiêu ngạo, cuồng vọng tự đại, khoe khoang đến mức tối đa. Vốn đã nghèo, nếu nói những lời không thực tế thì càng khó lấy được lòng tin của người khác. Nói lời ngông cuồng cũng lại như vậy.
Cổ nhân giảng: “Thiên cuồng tất hữu vũ, nhân cuồng tất hữu họa” , nghĩa là: trời nổi cuồng phong tất sẽ có mưa, người ngông cuồng thì tất có họa. Con người sống ở trên đời, nhất định phải khiêm nhường, nguyện ý ở chỗ thấp. Nếu luôn ngang ngược, tự đắc thì chỉ có thể gặp họa không lường trước được.
Tục ngữ nói: “lúa chín cúi đầu, bậc trí giả thường ôn hòa điềm đạm”. Cho nên, khiêm tốn mà sống là một loại trí tuệ.
Trong ‘Kinh Dịch’ giảng rằng, hết thảy phép tắc làm người và đạo lý đều là thiên địa âm dương biến hóa. Trong mỗi một quẻ hào đều có hung và cát. Quẻ hung là để cảnh giới con người bỏ ác hành thiện. Quẻ cát là động viên, khuyến khích con người mỗi ngày cần phải làm một việc thiện. Duy nhất có quẻ khiêm (khiêm nhường) là mỗi một hào đều là cát tường, may mắn.
Người ta có thể kiên quyết, nhưng không nên kiêu ngạo. Khi nghèo khó không nên nói những lời ngông cuồng, khoe khoang.
Có ít tiền không nên quản ba việc
1. Không quản việc của người khác
Có một số sự việc bản thân nó không có đúng sai, tất cả chỉ là tương đối. Nếu không có trí tuệ và tài năng hơn người, lại nhàn rỗi quản việc của người khác, không chỉ không có tác dụng còn dễ gây họa, thêm dầu vào lửa.
Đừng cho rằng lấy việc giúp người làm vui là điều tốt. Trên thực tế, giúp người khác và quản việc bao đồng không có sự phân chia ranh giới rõ ràng. Điều khiến đối phương cam tâm tình nguyện chính là giúp người khác làm vui; điều khiến đối phương không vui chính là tọc mạch, quản việc bao đồng.
Đặc biệt là khi bạn không có tiền, không có khả năng, điều đó có nghĩa là không đủ tư cách. Để tránh chuốc vạ vào thân, không nên nói cũng chẳng nên quản những việc không liên quan tới bạn.
2. Không quản việc tranh chấp kinh tế
Tranh chấp kinh tế là những xung đột do tiền bạc gây ra. Suy cho cùng, ai cũng có ý kiến riêng, nếu bạn có tiền để xoay xở chuyện này, có lẽ sẽ có người nghe lời bạn. Dù bạn có chút vô lý, nhưng điều đó chứng tỏ bạn có khả năng.
Nếu bạn không có tiền và rất nghèo, liệu người khác có nghĩ rằng kế hoạch của bạn hiệu quả không? Do đó, nếu không có tiền, hãy cố gắng không tham gia vào các cuộc tranh chấp kinh tế của người khác.
3. Không làm người bảo lãnh, bảo đảm
Người bảo lãnh là người trung gian, và người bảo lãnh cần phải là người có uy tín và kinh tế vững chắc. Trong hầu hết các trường hợp không thuận lợi, người bảo lãnh sẽ “đứng mũi chịu sào”.
Cho dù bản thân có đạo đức tốt, được người khác tin tưởng, nhưng không có tiền thì không nên đứng ra làm người bảo đảm, bảo lãnh cho người khác. Một khi đối phương có vấn đề, bên cho vay nhất định sẽ tìm đến đòi nợ người bảo lãnh. Bản thân không có tiền, nguồn vốn không nhiều, đến lúc đó tiến thoái lưỡng nan, tổn hại tới uy tín, từ đó có thể hủy hoại thanh danh, huỷ hoại gia đình chính mình.
Cổ nhân cũng đã nhắc nhở chúng ta trong đối nhân xử thế, nói chuyện, hành xử nhất định cần lượng sức mình, không nên tùy tiện, nếu không người bị hại chính là bản thân mình.
Theo Vision Times