Chúng ta hay có ý đi tìm cao nhân để học hỏi, nhưng cao nhân thực sự lại thường không để lộ bản thân mình, thâm tàng bất lộ; bề ngoài phẳng lặng như mặt hồ, nhưng bên trong lại ẩn chứa trí tuệ hơn người. 

Cao nhân lại hay ẩn mình

Những người thực sự có bản sự lại thường không khoe khoang bản thân mình; thường ẩn giấu tài năng vì để tránh phiền phức không cần thiết. Họ đủ cao minh để biết bản thân đang ở chỗ nào; và không nhất thiết phải so đo với những người không xứng đáng.

Chuyện kể rằng, vào thời Xuân thu Chiến quốc có một vị công tử con nhà giàu tên là Ôn Như Xuân. Ngay từ nhỏ Như Xuân đã rất thích chơi đàn; đến khi lớn lên cũng có thể sáng tác và chơi đàn không tồi. Anh ta thường xuyên khoe khoang tài nghệ của mình ở trước mặt người khác.

Một hôm, Ôn Như Xuân một mình đến Sơn Tây du ngoạn. Khi anh ta đến trước một ngôi chùa thì chợt nhìn thấy một đạo sĩ đang nhắm mắt ngồi thiền. Bên cạnh đạo sĩ có một chiếc túi; miệng túi hé mở lộ ra một góc của cây đàn cổ.

Ôn Như Xuân rất lấy làm hiếu kỳ, tự hỏi mình: “Lão đạo sĩ này cũng biết chơi đàn ư?” Sau đó, anh ta tiến lại gần hỏi lão đạo sĩ bằng vẻ trịch thượng: “Xin hỏi đạo trưởng biết chơi đàn chứ?”

Đạo sĩ hé mắt trả lời một cách rất khiêm nhường: “Cũng biết đôi chút! Tôi đang muốn tìm cao nhân bái sư học đàn đây.”

cao nhân là gì; cao nhân ở bên cạnh ta; bậc cao nhân là gì
Hiểu rõ lòng người thì không cần tranh đấu (ảnh Trithucvn)

Tài chưa đủ thường thích khoe khoang

Ôn Như Xuân vừa nghe thấy đạo sĩ muốn tìm cao nhân bái sư, lập tức hứng thú trong lòng; muốn thể hiện tài nghệ cho đạo sĩ xem. Anh ta nói một cách không khách sáo rằng: “Thế thì để tôi đàn cho ông xem.”

Vị đạo sĩ lấy cây đàn cổ từ trong túi ra đưa cho Ôn Như Xuân. Ôn Như Xuân lập tức ngồi khoanh chân dưới đất đánh đàn. Đầu tiên, anh ta đánh tùy hứng một bài; đạo sĩ mỉm cười chẳng nói một lời. Ôn Như Xuân không thấy đạo sĩ khen mình một câu nên trong lòng có chút mất hứng.

Ôn Như Xuân bèn đem hết tài nghệ của mình ra chơi một bài khác; đạo sĩ vẫn lẳng lặng. Anh ta bực quá nổi giận nói: “Tại sao ông chẳng nói năng gì vậy, có phải tôi chơi dở không vậy?”

Đạo sĩ nói: “Cũng được, nhưng không phải là bậc cao nhân để tôi bái sư!”

Lúc này Ôn Như Xuân đã không còn chút kiên nhẫn nào, không nén nổi cơn bực tức nói: “Ông chơi đàn giỏi, thế thì hãy để tôi mở rộng tầm mắt xem nào!”

Đạo sĩ vẫn giữ vẻ ôn nhu, chẳng nói chẳng rằng, cầm cây đàn, vuốt nhẹ vài cái, bắt đầu chơi. Tiếng đàn cầm vang lên, âm thanh như nước chảy réo rắt; như gió chiều hiu hiu. Ôn Như Xuân nghe ngất ngây say đắm; ngay cả cây cổ thụ cạnh chùa cũng đầy chim từ đâu bay đến đậu xuống.

Khúc nhạc hết đã lâu rồi, Ôn Như Xuân mới bừng tỉnh lại; biết rằng hôm nay đã gặp cao nhân; lập tức quỳ trước mặt đạo sĩ xin được bái sư.

Cao nhân biết tiến biết lùi

Cao nhân thực sự là như thế nào? Chính là có thể thắng nhưng không nhất định phải thắng; có thể đánh bại kẻ khác nhưng không nhất định phải đánh bại. Trong tâm thấu tỏ mọi việc, biết tiến biết lùi; khi xuất động thì long trời lở đất; khi thu mình thì như hổ nằm rồng ẩn.

Trọng thần Tả Tông Đường cuối đời nhà Thanh, Trung Quốc là một người đánh cờ cực giỏi; là một cao thủ cờ vây thời đó; không mấy ai có thể làm đối thủ của ông.

Một lần, trên đường đi đánh trận, Tả Tông Đường gặp một ông lão đang ngồi sắp cờ; bên cạnh là tấm biển “Thiên hạ đệ nhất cờ vây”. Ông rất tức giận, bèn dừng lại, nói muốn đọ cao thấp với ông lão. Quả nhiên, ông lão ấy liên tục thua Tả Tông Đường 3 ván cờ.

chân nhân bất lộ tướng; chân nhân bất lộ diện; thế ngoại cao nhân
Có thể thắng nhưng không nhất định phải thắng (ảnh Epoch Times)

Tả Tông Đường nói với ông lão: “Mau dỡ cái biển thiên hạ đệ nhất cờ vây của ông xuống đi!”

Với khí thế đang lên, Tả Tông Đường cùng quân đội của mình đã thắng một trận oanh liệt. Trên đường trở về, họ lại ghé ngang qua căn nhà của ông lão. Vị tướng rất tò mò, muốn xem xem tấm biển “Thiên hạ đệ nhất cờ vây” đã được gỡ xuống chưa; nhưng quá ngạc nhiên, nó vẫn được treo trên mái nhà. 

Thắng người chi bằng khoan dung với người

Tả Tông Đường bước vào hỏi lý do tại sao tấm biển vẫn chưa được hạ xuống. Vị chủ nhà một lần nữa điềm tĩnh, bảo rằng ông ta vẫn là “Thiên hạ đệ nhất cờ vây”; và ngỏ ý đánh thêm 3 trận nếu Tả Tông Đường không phục. Không chút do dự, vị tướng quân nhận lời và nhanh chóng bước vào tranh cao thấp.

Trong cả ba trận này, Tả Tông Đường đều thua một cách tâm phục khẩu phục trước kỹ năng chơi cờ của đối thủ.

Trong lúc Tả Tông Đường đang bàng hoàng thì ông lão nói: “Lần trước, ngài dẫn quân đi đánh trận, tôi không thể làm ảnh hưởng tới tâm trạng và nhuệ khí của ngài được. Giờ ngài đã thắng trận trở về, tôi tất nhiên phải chơi hết mình rồi, sao có thể nhường nữa!”

Có câu ‘kẻ đại trí nhìn như ngu ngốc’, cao nhân đôi khi nhìn lại thấy rất bình thường. Tranh giành so đo thiết nghĩ cũng chỉ dùng cho những người cùng tầng thứ; khi bản thân đã ở một cảnh giới hoàn toàn khác thì đâu còn coi trọng những việc đó.