Như thế nào mới gọi là nội tâm mạnh mẽ?
Một nội tâm mạnh mẽ chính là dám đối mặt với khốn cùng, nhưng vì biết rõ Thiên mệnh nên có thể thản nhiên, không cưỡng cầu.
Khổng Tử từng nói với đồ đệ về dũng khí: “Biết rằng khốn cùng là định mệnh, biết rằng hanh thông là do gặp thời, lâm đại nạn mà không sợ hãi, đó là cái dũng của Thánh nhân”.
Theo quan điểm của Khổng Tử, sự bất khả chiến bại của một người phụ thuộc vào nội tâm của người đó. Sức mạnh của nội tâm đến từ khả năng nuôi dưỡng tính kiên nhẫn để chờ đợi thời vận sau khi biết ý nghĩa sâu sắc của Thiên mệnh và cuối cùng là tu dưỡng được nội tâm tĩnh lặng như nước.
Nội tâm mạnh mẽ nằm ở việc lắng nghe Thiên mệnh khi đã cố gắng hết sức
Trong Luận ngữ, Nghiêu viết rằng: “Bất tri mệnh, vô dĩ vi quân tử dã; bất tri lễ, vô dĩ lập dã; bất tri ngôn, vô dĩ tri nhân dã”. Có nghĩa là “không biết Thiên mệnh thì không phải là người quân tử; không biết lễ thì không biết lập thân trong chính đạo; không biết phân biệt lời nói của người thì không hiểu người”.
Thiên mệnh — cho dù là Đạo giáo chủ trương tu luyện xuất thế gian, hay Nho giáo chú trọng phép tắc đạo đức trong thế gian, đều coi đó là tinh hoa tối cao. Khổng Tử nói rằng “50 tuổi mà biết Thiên mệnh” có nghĩa là khi con người đến 50 tuổi đã trải qua hết thảy vui buồn được mất nơi thế gian mới biết điều gì nên làm và không nên làm. Cũng là để khuyên răn mọi người hãy thuận theo Thiên mệnh mà hành sự, không nên liều lĩnh, cưỡng cầu.
Trong Trung Dung, chương 14 có viết rằng: “Bậc quân tử bình an thuận theo Thiên mệnh, kẻ tiểu nhân mạo hiểm làm liều trái đạo để cầu may”.
Người ta nói, quân tử làm được đại sự, phần lớn đều chọn vị trí khiêm tốn an phận mà chờ thời vận đến. Còn tiểu nhân lại mạo hiểm mưu cầu lợi ích quá đáng không phải của mình, cuối cùng chẳng được gì cả. Con người sở dĩ sợ hãi khi đối mặt với khó khăn chủ yếu là vì còn có những kỳ vọng quá mức và sợ phải mất đi. Khổng Tử đã kê một “phương thuốc” để chữa tâm bệnh của mọi người chính là học cách “tuân theo Thiên mệnh”.
Chính là, dù chăm chỉ làm việc cũng không mong đợi kết quả. Dù nỗ lực đến quên ăn nhưng bởi vì từ sớm đã coi nhẹ vinh nhục mà thấu hiểu được mọi sự được mất trên đời.
Nội tâm mạnh mẽ là biết tuân theo mệnh trời và chờ đợi thời vận
Người xưa luôn cho rằng thành bại đều do ba điểm: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, mà thiên thời đứng ở vị trí đầu tiên.
Người có nội tâm mạnh mẽ thường là người có tầm nhìn xa. Sở dĩ người đó có thể nhẫn chịu sự tịch mịch tạm thời, bởi vì người đó luôn tin rằng nhất định sẽ có một thời cơ thích hợp nào đó mang đến cho họ tiền đồ tươi sáng.
Kim Nhân Kiệt đã viết trong phần thứ hai của “Truy Hàn Tín” rằng: “Thời vận chưa tới vua nhàn rỗi, Thái Công cũng như vị ngư ông.” Khương Thái Công (Khương Tử Nha) đoán được thời vận nhà Thương sắp tàn nên ngày ngày ra câu cá ở bờ sông Vị chờ thời cơ để lập nghiệp lớn. Sau đó, ông có đóng góp to lớn trong việc thành lập nước Tề. Điển tích “Câu cá chờ thời” của Khương Thái Công là một câu chuyện thể hiện đức tính kiên nhẫn của người làm việc lớn.
Đáng tiếc thời thế xoay chuyển không phải một sớm một chiều. Đại đa số mọi người thường đánh mất nội tâm bền bỉ khi phải chờ đợi trong thời gian dài đằng đẵng, vì vậy họ trở nên suy tính hơn thiệt, cuối cùng bỏ cuộc. Trong Luận ngữ – Tử Hãn, Khổng Tử có một câu nói nổi tiếng: “Mùa lạnh, mới biết cây tùng cây bách rụng lá sau cùng”. Lời nói này nhằm khuyên răn thế nhân: thường là thời điểm khó khăn nhất, sau khi kiên nhẫn vượt qua, bạn mới biết được ai mới là người mạnh mẽ.
Cái gốc của một nội tâm mạnh mẽ nằm ở sự tin tưởng vào khả năng của chính mình, và tất nhiên cũng không thể tách rời việc “nằm gai nếm mật” kiên nhẫn chờ đợi thời vận.
Nội tâm mạnh mẽ nằm ở tâm thái nhẹ nhàng sau khi thấu hiểu được thời vận
Trong tác phẩm “Nhạc Dương lâu ký”, Phạm Trọng Yêm viết: “Bất dĩ vật hỉ, bất dĩ kỷ bi”. Có nghĩa là “Không vì ngoại vật mà vui, không vì bản thân mà buồn”, chính là cảnh giới không vui buồn vì được mất cá nhân. Trong chốn quan trường, ông ấy 3 lần bị giáng chức, nhưng ông không vì điều này mà động tâm, điều đó cho thấy nội tâm mạnh mẽ kiên định của Phạm Trọng Yêm.
Những bậc trí giả, phàm là những người có nội tâm thoáng đạt, tấm lòng quảng đại đều có một trạng thái tinh thần trầm tĩnh thản nhiên siêu xuất người thường. Ví như những bậc trí giả nổi tiếng Trang Tử và Bách Lý Hề trong thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, Đào Tiềm trong triều đại Ngụy Tấn, Tô Thức và Bạch Cư Dị trong triều đại Đường Tống. Trong cuộc đời của họ dù ít hay nhiều đều trải qua biết bao biến cố thăng trầm. Nhưng chính nhờ tâm thái không vui buồn vì được mất cá nhân đã giúp họ có thể đối đãi với những thăng trầm được mất trong cuộc đời, đây là một cảnh giới không hề dễ đạt được.
Trạng thái tinh thần trầm tĩnh thản nhiên là trạng thái vong ngã mà Nho giáo chủ trương, là trạng thái vô vi tiêu dao mà Đạo giáo thường nói đến, là cái không mà Phật giáo truyền giảng, cũng là trạng thái tu dưỡng thâm sâu của bản thân và cảnh giới tư tưởng tối cao có thể giúp con người vượt qua tất cả.
Con người sống trên đời không thể cầu mọi việc lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, đường đi đều bằng phẳng. Nhưng khi bạn gặp thử thách chông gai mà sức lực kiệt quệ, hãy nhớ câu nói của Khổng Tử: “Nội tâm mạnh mẽ thực sự không phải là sự dũng cảm khi đối mặt với khó khăn mà là dũng khí của bậc thánh nhân thấu hiểu Thiên mệnh khi gặp đại nạn không hề sợ hãi”.
Theo 360doc