Khi trẻ đã trưởng thành, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng dần thay đổi, có thể là thay đổi theo chiều hướng tốt hơn và cũng có thể là trở nên tồi tệ hơn.

Việc nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái trong giai đoạn mà đứa trẻ đã trưởng thành đòi hỏi những nỗ lực từ cả hai phía; sự kết nối, tôn trọng và đồng cảm là cực kỳ quan trọng. 

Ara Morales Daitter, nhà trị liệu hôn nhân và gia đình tại The Connective, Bắc California, cho biết: “Những đứa trẻ trưởng thành thường khao khát sự khẳng định và thấu hiểu từ cha mẹ”.

Sự khẳng định có sức mạnh chữa lành cho trẻ, là nguồn động lực cho trẻ không ngừng phấn đấu hoàn thiện bản thân. 

nuôi con trưởng thành; nuôi con khôn lớn; con cái trưởng thành
Sự khẳng định có sức mạnh chữa lành cho trẻ (ảnh minh họa: Songdep)

Dưới đây là những điều cha mẹ nên nói với con cái đã trưởng thành của mình, để giúp cải thiện mối quan hệ:

Lời xin lỗi

Nhà trị liệu và tác giả Jor-El Caraballo cho biết đây là điều mà nhiều đứa trẻ trưởng thành muốn nghe nhất từ ​​cha mẹ chúng.

Caraballo nói: “Khi Thế hệ X, thế hệ Y và một số thế hệ Z  bắt đầu suy ngẫm nhiều hơn về quá trình trưởng thành của mình, thì chúng đã dần có nhận thức đầy đủ về những lựa chọn của cha mẹ ảnh hưởng tới chúng như thế nào”.

“Sự khẳng định và lời xin lỗi từ cha mẹ có thể giúp cho những đứa trẻ trưởng thành đang tìm cách phá bỏ các rào cản tiêu cực và tiến về phía trước với tâm lý tốt hơn. Đối với chúng đó là một thành công lớn”. 

Những câu nói bày tỏ sự tự hào về con

Dù ở độ tuổi nào, trẻ đều muốn cha mẹ tự hào về chúng và những gì chúng đã đạt được.

Caraballo nói: “Nhiều bậc cha mẹ nuôi dạy con cái của họ để chúng có thể ‘trở nên tốt hơn’ và phấn đấu đạt được nhiều hơn những gì cha mẹ có”.

Caraballo cho rằng sự kỳ vọng của cha mẹ khiến nhiều người lo ngại về thành tích của con. Nhưng thực tế là điều này đã gây ra những áp lực rất lớn cho con, khiến chúng gặp nhiều cản trở khi cố gắng tiến bước. 

Thay vào đó, chúng ta nên bày tỏ sự tự hào về những nỗ lực của con, điều này giúp con tự tin bước về phía trước. 

“Cha/mẹ tự hào về những gì con đã làm, con là niềm kiêu hãnh của cha/mẹ”. Những lời nói này sẽ là nguồn động lực vô tận để con không ngừng nỗ lực thêm nữa.

Thể hiện sự ủng hộ với những quyết định của con

Một số cha mẹ có thể thúc ép con cái đi theo quỹ đạo cuộc sống tương tự như con đường của mình, vì họ tin rằng đó là con đường “đúng đắn”. Tuy nhiên, có nhiều con đường cũng tốt như vậy, ngay cả khi chúng rất khác với con đường mà cha mẹ chúng đã chọn. 

nuôi con trưởng thành; nuôi con khôn lớn; con cái trưởng thành
Sự ủng hộ của cha mẹ khiến con có động lực sải bước trên đường đời (ảnh minh họa: Parenting)

Việc cha mẹ tôn trọng và hỗ trợ con trong cuộc sống theo cách riêng của chúng, có thể mang lại nhiều sức mạnh hơn.

“Con đường nhân sinh của mỗi người tuy khác nhau, nhưng cha/mẹ luôn ủng hộ con”. Những lời nói này thể hiện sự công nhận hành trình cá nhân của đứa trẻ đã trưởng thành và khẳng định quyền tự chủ của chúng trong việc lựa chọn cuộc sống.

Thay vì khuyên răn, hãy học cách lắng nghe con

“Con muốn lời khuyên hay muốn cha/mẹ lắng nghe?” là câu nói mà những đứa trẻ mong mỏi. Khi trẻ trưởng thành và phải đối mặt với thử thách, đôi khi chúng cần tự mình tìm ra giải pháp mà không cần sự giúp đỡ của cha mẹ.

Cha mẹ nên nói: “Cha/mẹ cũng từng vấp ngã, từng có những quyết định sai lầm'”; “cha/mẹ chỉ đang nói về suy nghĩ của mình từ góc độ của một người đã từng trải, từ góc độ suy nghĩ của cha/mẹ”.

Khi nuôi dạy con cái đã trưởng thành, không phải lúc nào cũng cần bảo vệ như lúc chúng còn nhỏ. Điều quan trọng hơn là lắng nghe, quan sát và hỏi xem chúng có cần đáp lại hay không. 

Luôn bên cạnh con

“Cha/mẹ sẽ luôn bên con”. Câu nói ấm áp này luôn có tác dụng với bất kỳ độ tuổi nào của trẻ. Ngay cả khi đã trưởng thành, đứa trẻ vẫn cảm thấy cha mẹ là nơi bình yên nhất, an toàn nhất. 

Việc nuôi dạy con cái vẫn chưa kết thúc, ngay cả khi con cái đã trưởng thành. Mối quan hệ chỉ thay đổi mà thôi.

Caraballo nói rằng: “Mặc dù cha mẹ già nên điều chỉnh các ưu tiên của mình, nhưng không có nghĩa là không thể tiếp tục tham gia vào cuộc sống của con”.

Khi đứa trẻ đã trưởng thành, chúng ta vẫn có thể ở bên con, nhưng hãy tìm ra giới hạn phù hợp, điều này yêu cầu cha mẹ phải thật tinh tế.

Theo Aboluowang