Ông Thần Nghèo
Thần Tài được thờ cúng rất nhiều nhưng có bao giờ bạn biết đến Thần Nghèo không? Câu chuyện cổ tích dưới đây sẽ gợi mở cho bạn một cách sống để có thể thoát khỏi Thần Nghèo đấy.
Xưa ở một ngôi làng ven biển có một đôi vợ chồng rất trẻ. Người chồng là một thanh niên khôi ngô tuấn tú lại sáng dạ, có khả năng sữa chữa tất cả các loại đồ dùng hư hỏng, chẳng may sau khi cưới vợ không lâu thì anh ta bị chứng bệnh lạ: vô cùng sợ nước. Người vợ không xinh đẹp nhưng rất hiền lành ngoan ngoãn và có tài nấu ăn rất diệu. Nàng có khả năng biến tất cả những thực phẩm người ta cho là bỏ đi thành những món ăn vô cùng ngon miệng.
Nội dung chính
Cuộc sống nghèo khổ của một đôi vợ chồng
Cuộc sống của họ sẽ chẳng có gì để phàn nàn nếu như người chồng không sợ nước, anh rất sợ nước nên chẳng thể theo những người đánh cá trong làng chài ra khơi, và sợ nước nên anh cũng không dám động tay vào một cái gì bẩn vì sợ rằng mình không thể rửa được tay, vậy nên dù có tài năng nhưng anh lại chẳng thể làm gì. Vì thế quanh năm suốt tháng người vợ phải tảo tần lo hết mọi việc.
Và hoàn cảnh đó khiến cho vợ chồng họ càng ngày càng trở nên nghèo túng, hằng ngày nàng phải ra bãi biển chờ những người đàn ông trong làng chài lưới về, sau khi chia cá cho các bà vợ của họ đem ra chợ bán thì nàng lượm lặt những con tôm cá nhỏ bị bỏ lại trên mặt đất đem về làm thức ăn, nàng sẽ đi hái những lá rau thơm trong vườn do chính tay nàng trồng và giã nhuyễn cùng mớ tôm cá vụn để làm thành món chả có hương vị rất đặc biệt mà chồng nàng vô cùng thích, nhưng cho dù sự vén khéo của nàng có tài tình đến mấy cũng không đủ nuôi cả hai người.
Cho đến một ngày nàng không chịu đựng được sự vất vả thêm nữa và đã oán trách người chồng của mình bằng những lời lẽ cay nghiệt nhất. Nhưng đáp lại nàng chỉ là sự cam chịu và bất lực của chồng. Và nàng hiểu rằng dù nàng có kêu khóc cỡ nào thì cũng không thể thay đổi được điều gì.
Sự khổ nhọc kéo dài lâu ngày đã khiến nàng sinh bệnh, nàng ho không ngớt, đã thăm khám qua bốn, năm vị đại phu nhưng vẫn không ai biết nguyên nhân căn bệnh của nàng, hình dung của nàng ngày càng tiều tụy. Nhưng với bản tính chung thủy nàng không quay lưng với người chồng kết tóc, trong khi vừa hằn học trách móc chồng không làm gì cho cuộc sống khá hơn nàng vừa tự nhủ mình vẫn là phải kiên trì thêm nữa, cố gắng thêm nữa.
Rồi một ngày kia, khi đứa con đầu tiên của nàng vừa ra đời, nhìn thấy đứa bé vừa yếu ớt vừa khuyết mất một đôi chân. Nỗi buồn của nàng dâng lên đến tận cùng và trong lúc đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, nàng ngất lịm.
Nguyên nhân của sự nghèo khổ là do Thần Nghèo an bài
Một người đàn ông tiến đến vỗ vai nàng, gọi mãi nàng mới mở mắt ra, qua khe mắt chưa mở hẳn nàng nhìn thấy một người giống hệt chồng nàng nhưng lại không phải chồng nàng, người này ăn mặc rách rưới khổ sở, dáng vẻ gày gò ốm đói, bên vai lại mang theo một túi đồ rách nát đựng vài ba món đồ gì không rõ cứ nhấp nhô theo những cử động của người mang, người ấy bước đi chân trần và những ngón tay ngón chân đầy ghét gỉ như một người đã không tắm lâu năm, liếc nhìn người đàn ông một lượt, nghĩ mình đã quá nghèo, ai dè lại gặp một kẻ còn nghèo hơn, nàng đau xót hỏi:
“Ông là ai?”
Người đó đáp:
“Ta là Thần nghèo. Cũng là chồng của nàng đây.”
“Thần nghèo? Thần nghèo là chồng tôi ư?” – Nàng lẩm bẩm một mình rồi thầm nghĩ hèn chi người đó nhìn giống chồng nàng đến thế. Nàng yếu ớt đáp:
“Xin lỗi, nhưng chồng tôi đâu đến nỗi “khổ sở” như ông đây; dù nghèo thật nhưng tôi đâu để chồng tôi rách rưới đến vậy. Thưa ông Thần nghèo, hay là ông đã nhầm ?”
“Không có nhầm lẫn gì ở đây; vì nàng đã kết hôn với một Thần nghèo nên nàng mới càng sống càng nghèo đến như vậy; bản chất của Thần nghèo là phải nghèo, thứ nhất vì không có ai thờ cúng cho Thần nghèo cả; thứ hai thân làm Thần nghèo thì chỉ có thể chỉ đạo cho việc làm cho nghèo đi; không thể nào làm ngược lại; đó là bản chất công việc của Thần nghèo.”
“Trời ơi, tội nghiệp chồng tôi; tôi đã trách lầm anh ấy là một người vô trách nhiệm và lười biếng, đâu biết rằng…chuyện này hóa ra là như vậy.”
“Sao nàng không trách ta; không thắc mắc vì sao ta lại tìm nàng kết duyên để khiến nàng phải nghèo khổ cả đời ?”
“Làm sao trách được, vì chàng là Thần, Thần phải làm việc của Thần, ắt có nguyên do.”
“Được, nàng là người đầu tiên nói như vậy; ai cũng muốn đuổi Thần nghèo đi; muốn tránh càng xa càng tốt; không ai như nàng, vậy ta sẽ cùng nàng sống mãi mãi bên nhau đến đầu bạc răng long.”
Nghe tám chữ : “ Mãi mãi bên nhau, Đầu bạc răng long” vừa thốt ra từ Thần nghèo; nàng cảm thấy một cơn rùng mình chạy dọc theo sống lưng xông lên tận óc và trào ra ngoài thành hai dòng nước mắt chảy dài không sao kiềm lại được. Nếu là trước đây khi yêu nhau chồng nàng nói những lời ngọt ngào này chắc hẳn nàng đã hạnh phúc lắm; nhưng trong hoàn cảnh này nàng hiểu rằng điều đó cũng có ý nghĩa là cả đời này nàng càng sống càng nghèo khổ mãi cho đến tận lúc chết.
Nước mắt giàn giụa ướt đẫm trên khuôn mặt của nàng khiến nàng chợt tỉnh cơn mê, hóa ra nàng mới vừa trải qua một giấc mơ kỳ lạ. Người đang ngồi bên chính là chồng của nàng, anh ta đang ôm dỗ đứa con của hai người ngủ trong tay, trong lòng nàng dâng lên một hoài nghi với giấc mơ vừa trải qua, nàng nhìn chồng với ánh mắt vô cùng nghi ngại.
Cao nhân nhìn ra được người bị Thần Nghèo đeo bám
Một ngày kia nàng quyết định đi tìm một người để hóa giải nghi vấn trong lòng; nàng tìm đến một ông lão tu luyện sống một mình trên vách núi ở làng bên cạnh; nói là làng bên cạnh nhưng từ khu làng chài của nàng phải đi bộ rất xa mới tới được khu làng bên kia; vì hai làng cách nhau nửa cái vịnh biển. Khi chuẩn bị trèo lên ngọn núi nơi ông lão tu luyện ở thì nàng đã thấy một ông cụ râu tóc đều đã bạc phơ rồi mà mặt mũi vẫn hồng hào phương phi; da dẻ lại mịn màng rất đẹp, ông đã ngồi sẵn ở dưới chân núi tự bao giờ.
Hồi nhỏ nàng nghe bà ngoại nàng kể lại rằng hồi bà ngoại còn nhỏ bà đã từng gặp ông; tóc râu đều bạc trắng nhưng gương mặt cứ mãi trẻ hoài, nay bà ngoại nàng mất đã lâu mà nàng tìm gặp được ông thì hình dung của ông vẫn còn in như trong lời bà kể khi xưa, nàng cung kính cất tiếng hỏi:
“Thưa cụ, cụ có phải là Đông Viễn chân nhân người ta thường hay nói đến không ạ?”
“Còn con có phải là đến tìm ta để hỏi về Thần Nghèo?”
Qúa đỗi ngạc nhiên vì câu chuyện trong giấc mơ nàng chưa từng hé răng với ai mà ông lão đã biết; nàng vội vàng quỳ phục xuống đất kể lại đầu đuôi sự việc và hỏi ông cụ rằng:
“Có thật chồng của con chính là thân phàm của Thần nghèo hay không thưa cụ?”
“Đúng là như vậy, nhưng chồng con không biết gì cả, còn Thần nghèo thì biết rõ tất cả. Chồng con cũng không hiểu vì sao trước đây anh ta không sợ nước mà bây giờ lại sợ nước; cũng rất khổ tâm vì không làm được việc gì để kiếm ra tiền và chăm lo cho con. Bây giờ con của các con lại tật nguyền lớn lên cũng không thể giúp đỡ gì cho con được; Thần nghèo đã ở đâu thì ở đó sẽ càng sống càng nghèo. Chỉ khi nào con rời xa Thần nghèo thì con mới hết nghèo được thôi. Ta chỉ có thể tiết lộ được bấy nhiêu, ngoài ra không thể nói thêm bất cứ điều gì nữa.”
“ Dạ con hiểu rồi thưa cụ; cảm tạ cụ đã ở đây đón con và cho con biết đó không phải chỉ là giấc mơ.”
“ Ta biết con đi xa lại không có tiền ăn đường; đến được đây sẽ không còn đủ sức lên núi nên mới xuống đây đón con; vậy con hãy ăn quả lê này và quay về sớm, việc con đến đây Thần Nghèo biết rõ; nhưng chồng con thì không biết gì, vì chồng con vẫn là người phàm, vẫn u minh ở cõi mê.”
“Dạ con đội ơn cụ.”
Nói rồi nàng đưa hai tay nhận quả lê từ Đông Viễn chân nhân và rời đi. Mới đi được mấy bước quay đầu lại nhìn thì không còn thấy lão chân nhân đâu nữa cả.
Nhớ đến chồng, nàng chỉ ăn nửa quả lê đủ lấy sức về đến nhà. Lúc này chồng nàng đang cho con húp nước hồ thay sữa. Và nàng đưa cho chồng một nửa quả lê còn lại.
Hai vợ chồng nàng cùng ngạc nhiên vì thật thần kỳ; từ khi ăn nửa quả lê ấy cả hai người đều không còn cảm thấy cái đói cồn cào nữa; ngày nào nàng kiếm không đủ ba bữa cơm thì vợ chồng cùng nhịn ăn để dành cơm cho con trai; mà sức khỏe vẫn không ảnh hưởng gì.
Nàng hiểu rằng nếu còn chung sống với chồng thì số phận của nàng vĩnh viễn sẽ là nghèo khổ; dù cho quả lê tiên có giúp nàng đỡ đi cảm giác cồn cào đói khát đi nữa thì nàng vẫn phải sống quay quắt trong nỗi túng thiếu và sự khinh rẻ của người đời; nhưng trước sau vẫn không nghĩ đến việc rời bỏ chồng con.
Một thiện niệm hóa giải nghiệp thoát khỏi Thần Nghèo
Đột nhiên một suy nghĩ lóe lên trong đầu nàng; nàng quyết định từ nay không lo lắng cho tương lai nữa; vì tương lai vốn sẵn định cho nàng nghèo rồi thì nàng còn lo lắng làm chi; nàng quyết định không chắt bóp chi tiêu để dành giụm tiền nữa; trước đây vì sống quá tiết kiệm nên dù có tiền thì cũng xảy ra ốm đau bệnh tật để nàng phải vô cùng xót xa mà đưa hết tiền cho đại phu bốc thuốc. Từ nay nàng sẽ yêu thương chồng nàng hơn; không trách móc chồng nữa; hễ chồng nàng cần thì dù chỉ còn một xu cuối cùng nàng cũng sẵn sàng đưa ra.
Người chồng từ ấy sống thật là thoải mái; không còn nghe thấy những lời than van cùng những giọt nước mắt tủi hờn của vợ; vợ lại khéo léo vun vén nên dù trong nhà không có lấy một đồng tiền để dành; không có cơm ngon áo đẹp nhưng lại đủ no đủ ấm và đủ hạnh phúc.
Một năm sau, con nàng vừa tròn một tuổi; ngày thôi nôi con nàng cũng chỉ cho con được ăn chả cá vụn mà không có tiền mua thịt; hôm con nàng vừa thôi nôi xong thì đến đêm lên cơn sốt rồi không qua khỏi; nàng khóc hết nước mắt vì thương con trai tật nguyền còn bé bỏng đã yểu mệnh. Hai vợ chồng chôn cất con xong thì một tháng sau chồng nàng lại lại lên cơn sốt khủng khiếp; chồng nàng sốt li bì suốt bảy ngày bảy đêm không hạ; nàng chăm chồng thức bảy ngày bảy đêm thì kiệt sức rồi thiếp đi lúc nào chẳng hay.
Trong lúc mê man nàng thấy chồng nàng ngồi dậy; nhìn kỹ, nàng lại nhận ra hình dạng này chính là Thần nghèo trong giấc mộng năm xưa; Thần nghèo nhìn nàng mỉm cười nói:
“Từ nay ta không thể ở đây với nàng được nữa, vì nàng quá lương thiện; đáng lý nàng phải oán ghét ta, tìm cách đuổi ta đi hoặc rời bỏ ta; nhưng thay vì làm như bao người khác nàng lại chiều chuộng ta, ta sống quá thoải mái; quá hạnh phúc, nàng cho ta đủ no đủ ấm mà không đòi hỏi điều gì.
Nhưng nàng vô tình lại không biết điều này: Ta chính là Thần Nghèo; nghĩa là ta chỉ sống được khi ta khốn khổ, vừa túng thiếu vừa bất hạnh; không chỉ nghèo vật chất mà phải nghèo lẫn tinh thần. Nhưng nàng đã cố gắng không để cho ta chịu đói khổ; thậm chí còn được giàu có về tình yêu thương nữa; môi trường như vậy sao ta có thể duy trì sự sống của ta đây?
Bản chất công việc của ta là phải tạo ra và duy trì sự nghèo khổ ; nhưng thiện tâm của nàng đã khiến cho công việc của ta không có đất sống khi ở chung với nàng; đứa con của nàng cũng là một Thần nghèo khác tới đầu thai; định là để thay ta tiếp quản duy trì cái sự nghèo của nàng sau khi ta “thiên chuyển công tác”; nhưng cũng không thể sống được với nàng vì nàng đã chăm chút và yêu thương ông ấy nhiều quá mức chịu đựng của một Thần nghèo. Vậy từ đây nàng đã thoát khỏi Thần nghèo và đừng lo gì về tương lai nữa. Bọn ta phải đi làm việc nơi khác đây.”
“Nhưng thưa, biết trước tương lai vẫn là nghèo khổ nên tôi từ lâu cũng đã chẳng lo nghĩ gì đến tương lai nữa rồi; xin chồng cứ sống mãi với tôi.”
“Ây da, thôi được, tấm lòng của nàng thật là cảm động trời xanh; vậy ta sẽ ra đi và để lại thân xác chồng nàng cho nàng, nguyên thần của anh ta từ nay về sau sẽ không bị ta chi phối nữa.”
Nói xong liền biến mất, nàng vừa giật mình tỉnh lại thì thấy chồng nàng đã hạ sốt và khỏe trở lại từ bao giờ; bất ngờ hơn nữa là chồng nàng sau khi tỉnh dậy đã mất hẳn chứng sợ nước; chàng nói với vợ từ nay sẽ làm hết tất cả việc gì có thể làm được để bù đắp những ngày tháng vất vả của vợ.
Với tài sữa chữa đồ đạc rất tài của chàng; chàng nhận sữa tất cả những đồ dùng bị hư hỏng cho mọi người. Đã từng trải qua cảnh nghèo khổ nên hai vợ chồng rất hiểu cảnh khốn khó của người nghèo; vì thế chàng nhận tiền công rất thấp; chính nhờ tiếng lành đồn xa mà những người ở các làng lân cận cũng mang đồ tới nhờ chàng sửa giúp; chẳng mấy năm sau gia cảnh của gia đình họ khá lên thấy rõ, nàng để dành được một ít tiền và sinh được một con trai.
Một ngày đứa con nhỏ 3 tuổi đang ngồi chơi trước sân bỗng nói với nàng:
“Mẹ ạ, con thấy một cụ già trông rất nghèo khổ đi ngang trước ngõ và cười với con.”
Người mẹ vội nhìn ra, định bụng lấy tiền ra giúp đỡ, nhưng tuyệt chẳng thấy ai.
Người mẹ đáp:
“ Mẹ có thấy ai đâu nào?”
Con trai lại nói:
“Đó, ông mặc bộ đồ rách rưới và vai còn mang một túi đồ gì đó, ông vẫn cười với con, sao mẹ không nhìn thấy.”
Người mẹ chợt hiểu ra: có lẽ Thần nghèo vừa đi ngang ngõ và nàng thì thầm kể cho con trai nghe một câu chuyện:
“ Ngày xửa ngày xưa, có một vị Thần chủ trì sự nghèo khổ chốn nhân gian, một ngày nọ….”
Xem thêm: