Phải chăng trẻ em là sứ giả của Thần?
Trẻ em hồn nhiên đôi khi có thể nhìn thấu vấn đề mà không bị cản trở, các em như là sứ giả của Thần để giúp người lớn tìm về bản tính.
Nội dung chính
Có thể hỏi ý kiến từ trẻ em không?
Tuyết đã phủ trắng Stockholm (Thụy Điển), và nhiệt độ xuống tới âm 17 độ. Con đường vừa mới xúc tuyết chưa kịp rải đá, kết quả trở nên trơn trượt. Khoa cấp cứu của bệnh viện quá đông, hầu hết là những người bị thương do tuyết rơi dày đặc.
Tôi vô tình bị trượt chân té ngã trên đường đi làm về và bị sái cổ tay trái. Về đến nhà, tôi thấy tay trái không còn cầm được vật nặng, nắm chặt tay rất khó. Tôi nghĩ nên xin nghỉ ốm cũng được.
Nhưng tôi vẫn hơi do dự: Tôi có nên xin nghỉ ốm không? Do công việc cũng không yêu cầu phải nâng vật nặng, mà tôi cũng không bị thương ở chỗ nào khác; như thế này mà xin nghỉ ốm có vẻ cũng không ổn lắm. Ngay lúc tôi đang suy nghĩ và chưa quyết định được, con gái tôi chạy vào phòng và tìm thứ gì đó, mắt tôi chợt sáng lên, tại sao không hỏi con gái một chút nhỉ?
Có thể mọi người sẽ hỏi, con gái tôi còn quá nhỏ, có khi còn chưa hiểu ‘công việc’ là gì, chứ đừng nói là ‘nghỉ ốm’. Con tôi có thể đưa ra được giải pháp gì chứ?
Con trai khiến chúng tôi kinh ngạc
Thực ra đây là một bí mật nho nhỏ trong gia đình chúng tôi: Khi gặp phải một vấn đề chưa thể quyết định, những đứa trẻ càng ngây thơ và ‘thiếu hiểu biết’ thì càng có giá trị. Bởi vì trẻ em còn giữ được nhiều bản tính hồn nhiên, không có khái niệm về lợi ích được mất, nên thường có thể đánh trúng bản chất của vấn đề, khiến người lớn chúng ta đều cảm thấy không bằng.
Đây không phải là ý nghĩ hão huyền, mà đã có những bài học kinh nghiệm thực tế. Đó là một câu chuyện thú vị khi chúng tôi ở Trung Quốc nhiều năm trước.
Khi đó con gái chưa chào đời, con trai mới 4 tuổi. Bởi vì thị trường chứng khoán lúc đó đang khá tốt; nhiều đồng nghiệp và bạn bè xung quanh tôi đều nói về nó. Chúng tôi cũng rất háo hức muốn thử. Tôi tranh cãi với chồng về việc nên mua cổ phiếu nào. Và cuối cùng thì nói đùa rằng: “Hãy để con trai quyết định”.
Khi ấy con trai đang đọc truyện, tôi gọi con tới và hỏi rằng: “Con nghĩ gia đình chúng ta nên mua cổ phiếu nào?” Sau đó chúng tôi nói cho con biết tên của hai loại cổ phiếu. Tôi nghĩ đây chỉ là trò tung đồng xu, con trai tùy tiện nói ra một cái tên thì coi như là xong. Thật bất ngờ, con trai nhìn chúng tôi và nói: “Đừng vì tham lam mà đánh mất tất cả những gì đang có”. Sau đó con trai mặc kệ chúng tôi kinh ngạc đứng đó mà thản nhiên đọc tiếp cuốn truyện của mình.
Những lời hồn nhiên nhưng lại không hề đơn giản
Chúng tôi nhìn nhau và nói:
“Em đã dạy con từ ‘tham lam’ chưa?”
“Chưa hề”.
“Vậy làm sao con biết được? Lại còn dùng rất chính xác như vậy?”
“Có lẽ con học khi nghe chúng ta nói chuyện”.
“Có thể là đọc được từ một cuốn truyện nào đó”.
“Vấn đề là tại sao con có thể nói những lời mang tính triết lý như vậy? Đó không phải là điều mà một đứa trẻ ở độ tuổi đó có thể nói ra được.”
“Em cũng không biết, có lẽ là Thần Phật mượn miệng của con để điểm hóa cho chúng ta!”
“Vậy bây giờ có mua cổ phiếu nữa hay không?”
“Đã nói đến mức này rồi, còn có thể mua nữa sao?”
“Ừ, thôi quên đi!“
Thị trường chứng khoán sụt giảm ngay sau đó, rơi vào tình trạng trì trệ trong nhiều năm liền. Từ đó về sau, hễ có chuyện gì chưa quyết định được chúng tôi đều hỏi con, hơn nữa cũng không dám có thái độ đùa giỡn. Vậy nên bây giờ hỏi con gái, tôi cũng dùng giọng điệu bình đẳng.
Con gái nói đúng trọng tâm của vấn đề
Tôi nói: “Tay trái của mẹ bị thương, không thể cầm đồ nặng được, ngày mai mẹ nghỉ làm được không?” Con gái có vẻ rất quan tâm và hỏi: “Vậy tay phải của mẹ có bị thương không?” Tôi không khỏi xúc động, hay là con gái đang đồng cảm với nỗi đau của tôi, tôi nói: “Tay phải không sao”. Con gái nói: “Vậy mẹ có thể dùng tay phải để làm việc được mà!” Tôi lập tức cụt hứng. Hơn nữa con gái đã nói trúng điểm mà tôi đang do dự.
“Nhưng có lúc sẽ phải dùng 2 tay để xách đồ”. Tôi vẫn không muốn bỏ qua cơ hội được nghỉ làm. “Vậy mẹ có thể dùng cái cặp ở sau lưng kìa!” Nói xong, con gái chạy đi mang tới một cái cặp nhỏ từ nhà trẻ, rồi nói: “Mẹ bỏ đồ vào trong đây, sau đó đeo vào lưng, vậy là mẹ có thể đi được rồi đúng không?”
Cuối cùng tôi không còn cớ gì nữa, đành phải nói: “Thôi được rồi! Ngày mai mẹ sẽ đi làm nhé!” Con gái tôi tìm được đồ gì đó, sau đó chạy đi tìm anh trai để cùng chơi.
Tôi lặng lẽ nghĩ: Dùng một cái cặp nhỏ để đeo trên lưng, chuyện đơn giản như vậy, tôi sao lại không nghĩ tới nhỉ? Kỳ thực không phải là không nghĩ tới, mà là không muốn suy nghĩ; trong tiềm thức đang muốn dùng cái cớ này để nghỉ ngơi.
Phải chăng trẻ em là sứ giả của Thần?
Tôi xấu hổ không dám nói với con gái, rằng nếu tôi nghỉ ốm thì có thể được trợ cấp khi nghỉ ốm; vì con gái rất đơn thuần, không có khái niệm về lợi ích, càng không hiểu ‘kiếm cớ’ là gì. Tuy con gái không hiểu ‘công việc’ là gì, chỉ biết ‘làm việc’, nhưng con luôn cố gắng để làm hết sức mình.
Tôi thường cảm thán rằng trẻ con tràn đầy năng lượng và có trí tưởng tượng phong phú. Chẳng phải tâm hồn nhiên không tạp niệm đó chính là nguồn cội của sức sống hay sao? Khi tôi bị trói buộc bởi những suy nghĩ “cái này không thể nào”, “cái này thoải mái hơn”, sức sống của tôi đã bị rút cạn, mọi suy nghĩ đều bế tắc.
Nếu tôi ‘khôn khéo’ một chút, tôi có thể lấy được giấy chứng nhận bị bệnh của bác sĩ, nghỉ ngơi vài ngày còn lấy được trợ cấp nghỉ ốm; nhưng tôi đã không thể nào đủ tự tin và niềm vui sướng để có thể làm như vậy nữa.
Nghe tiếng cười nói của hai con từ phòng bên truyền tới, tôi cảm thấy con chính là sứ giả của Thần được phái xuống để giúp tôi không mê mờ mất bản tính.
Theo Epoch Times