Theo nhiều thư tịch cổ còn ghi chép lại thì ôn dịch không phải tự nhiên diễn ra mà đều xảy đến ở những nơi có đạo đức xuống cấp nghiêm trọng; xem đây như là lời cảnh tỉnh cho con người thế gian; và vị Thần chuyên cai quản việc phát tán ôn dịch gọi là Thần ôn dịch.

Người nhà đột ngột qua đời

Ở thị trấn Thân Cảng, thành phố Giang Âm, tỉnh Giang Tô có một ngôi miếu thờ nhân vật Quý Trát thời Xuân Thu. Những gian phòng còn thừa trong miếu được chính phủ trưng dụng để lập thêm trường tiểu học thứ hai của thôn. Hiệu trưởng của trường này là Trương Cửu Cao, một người nổi tiếng lương thiện, một bậc chính nhân quân tử. 

Vào khoảng tháng giêng năm Dân Quốc, cháu đích tôn của hiệu trưởng là Trương Bảo Ngọc không may chết yểu. Ngày 20 tháng 7 năm đó, con trai cả của hiệu trưởng là Trương Ứng Trân cũng bị nhiễm ôn dịch mà tử vong. Đối với một người cả đời hành thiện như hiệu trưởng Truơng mà nói, chỉ nửa năm mà con trai và cháu lần lượt qua đời là điều vô cùng bất hạnh; khốn khổ tới không thể tả thành lời. 

Ngày 22 tháng 7, ngày thứ ba sau khi con trai cả của ông qua đời, chín giờ sáng hôm đó, khi con trai thứ của hiệu trưởng là Trương Ứng Giới ra ngoài mua đồ ăn, đột nhiên nhìn thấy anh trai cùng cháu đã mất tiến tới trước mặt; anh chỉ kịp kêu lên một tiếng “Đại ca” rồi ngã xuống đất bất tỉnh nhân sự. 

Hàng xóm láng giềng thấy vậy liền chạy tới đỡ; không ngờ sau khi tỉnh dậy, Trương Ứng Giới lớn tiếng nói: “Ta là Trương Ứng Trân”, lại yêu cầu mọi người mang giấy bút ra, rồi phẩy tay viết một bài văn, kể lại thân thế của mình. 

Hiệu trưởng Trương Cửu Cao là một người nổi tiếng lương thiện; một bậc chính nhân quân tử
Hiệu trưởng Trương Cửu Cao là một người nổi tiếng lương thiện; một bậc chính nhân quân tử (ảnh Secretchina)

Thần ôn dịch mắc sai lầm bị đọa xuống nhân gian

Hóa ra, Trương Ứng Trân vốn họ Lữ, là Thần ôn dịch. Vào ngày 14 tháng 7 năm Quang Tự thứ 20, khi phát tán ôn dịch tại Sơn Đông có sai sót; làm chết oan hai người. Còn em trai ông là Trương Ứng Giới, vốn là Thần thổ địa của địa phương năm đó; hai người vì phạm tội mà mất chức rồi bị giáng xuống trần thế. 

Khi chuyển sinh, cả hai nhất định muốn lựa chọn cha là người thiện lương; trằn trọc nhiều năm, cuối cùng tìm được gia đình Trương Cửu Cao. Trương Ứng Trân bị qua đời vì ôn dịch lần này, chẳng qua chỉ để hoàn trả tội nghiệp năm đó mà thôi. Tội nghiệp đã trả xong liền quy vị quay trở về. Con trai của Trương Ứng Trân là Trương Bảo Ngọc, vốn là người hầu của ông khi đó, nên cũng theo ông quay trở về. 

Ông cũng dặn dò mọi người không cần quá đau thương; bởi ông vẫn luôn dành chút thời gian chăm sóc người nhà tại thế gian. 

Người hành thiện có thể tránh được tai ương

Ôn dịch sẽ tránh những người thiện lương
Ôn dịch sẽ tránh những người thiện lương (ảnh NTDVN)

Ngoài ra, Thần ôn dịch còn viết một vài lời khuyến thiện: “Làm việc thiện là vui nhất, thật giả phải phân biệt cho rõ ràng. Như thế nào mới là thiện? về nhà phải hiếu thuận với cha mẹ, ra ngoài cần kính nhường yêu quý anh em”.

Viết xong, lại cho mời vợ chồng Trương Cửu Cao tới, động viên an ủi; và quỳ xuống đất dập đầu 8 lần cảm tạ công ơn dưỡng dục của cha mẹ. Sau khi hành lễ xong thì rời đi, và Trương Ứng Giới cũng tỉnh lại.

Đạo lý ‘thiện ác hữu báo’ không chỉ áp dụng đối với nhân loại, mà với các sinh mệnh ở không gian khác cũng có tác dụng tương tự; Thần ôn dịch và Thần thổ địa mà làm sai thì cũng sẽ bị phạt tội. 

Mặt khác, “ông trời có đức hiếu sinh”, khi ôn dịch xảy đến cũng không cần phải quá hoảng sợ; theo như Thần ôn dịch nói, chỉ cần giữ thiện niệm; làm nhiều việc thiện, tất có thể tự tránh được tai họa. 

Theo Secret China