Cô con dâu kiệm lời bây giờ đã mở lòng với mẹ, có chuyện buồn vui đều tâm sự với mẹ. Anh con trai trước đây lầm lì cau có nay đã thay đổi thái độ ứng xử với mẹ. Chân lý của chị đơn giản mà thật sâu xa: Thay đổi chính mình và nghĩ cho người khác trước.

Gia đình bố mẹ chồng của tôi không sinh sống ở quê, nên mãi sau này tôi mới nhớ mặt biết tên những người họ hàng bên chồng. Với chị cũng vậy, mãi hơn mười năm làm dâu tôi mới gần gũi với chị và có dịp hiểu chị hơn.

Bây giờ hoàn cảnh của tôi cũng có phần giống chị nên càng có phần thương chị hơn. Chồng chị mất sớm, cuộc sống ở quê với vài sào ruộng nên càng khó khăn. Những năm xa xưa, khi tôi còn chưa bước chân vào dòng họ của chị, chị bươn chải với bao công việc làm thuê làm mướn để nuôi con nhỏ.

Và trong một lần đi gánh hàng thuê ở một tỉnh biên giới phía Bắc chị đã vướng phải bom mìn trên con đường mòn dưới chân núi. Tai nạn đó đã cắt đứt một bên chân từ ngang ống chân trở xuống. Từ bận đó chị mang thương tật suốt đời với một chiếc chân giả.

Vốn đã gầy yếu lại thêm thương tật nên cuộc sống càng khó khăn hơn. Bố mẹ chồng của chị thương con thương cháu đã thu xếp cho chị mua một mảnh đất nhỏ ở đầu làng, ngay trên bờ đê con sông Ngũ Huyện Khê để chị có thể mở quán bán hàng làm kế mưu sinh.

Từ ngôi quán nhỏ ấy, chị đã cặm cụi xoay sở với đủ thứ hàng lặt vặt: Nấu chè đỗ đen, làm sữa chua, kem hoa quả… vào mùa hè; bán bánh mì, bánh rán vào mùa đông, chị làm cả ruốc thịt lợn, ruốc mắm tép, sấu dầm, sấu ngâm mắm.

Cứ chăm chỉ và tiết kiệm, rồi chị cũng xây cất được ngôi nhà ba tầng, rất nhỏ nhưng gọn gàng sạch sẽ. Con trai cũng lớn khôn trưởng thành, học hết phổ thông rồi học nghề cơ khí, chăm chỉ làm thuê cho người ta vài năm, tay nghề đủ vững để mở cửa hàng độc lập, chuyên nhận làm đồ nhôm kính.

Cuộc sống càng thêm vui khi cháu có bạn gái, rồi kết hôn, sinh con. Ngôi nhà hai mẹ con côi cút năm xưa đã thành đại gia đình ba thế hệ chung sống. Hàng ngày chị vẫn làm hàng, bán hàng và thêm cả việc nấu cơm, trông nom các cháu khi ở trường mầm non về.

Con dâu làm cô giáo dạy học gần nhà, con trai bày việc ngay bên cửa mà làm. Bề mặt là êm đềm đầm ấm, nhưng mỗi thành viên đều có nỗi niềm , cá tính riêng của mình. Vì không cởi mở nên dần dần tích tụ lại thành ấm ức, giận hờn… Không khí gia đình trở lên lạnh lẽo, căng thẳng, bữa cơm chung cũng thưa nhặt dần.

Thế rồi cuộc sống gia đình chị có sự thay đổi khi chị hiểu được một chân lý, đó là: Thay đổi chính mình và nghĩ cho người khác trước. Chị kể với tôi rằng khi hành xử theo điều này cuộc sống gia đình chị đã thay đổi hẳn.

Thay đổi chính mình nghĩ cho người khác trước là bí quyết hoá giải mọi mâu thuẫn giúp gia đình hoà thuận (ảnh: shutterstock).

Chị bảo: Trước đây mình chỉ quan tâm đến cảm xúc của mình mà không nghĩ cho con trai, con dâu, mình nghĩ mình làm cha mẹ thì mình có quyền yêu cầu các con phải làm thế này, phải làm thế kia theo ý mình. Khi không đúng ý thì bực bội, khó chịu, càng bực bội khó chịu thì tình cảm mẹ con càng xa cách nhau.

Bây giờ mình nghĩ khác rồi, thay vì yêu cầu các con phải thay đổi, thì tự mình thay đổi trước. Các con đi làm về nó không chào hỏi mình, thì mình chào hỏi nó trước, chúng có mặt nặng mày nhẹ thì mình không chấp trách các con nữa.

Các con ra ngoài làm việc phải đối mặt với nhiều khó khăn nên cũng vất vả, về nhà mình lại giận hờn chúng là mình thiếu thiện tâm với các con. Mình cứ niềm nở trò chuyện, quan tâm nhiều đến các con, tự nhiên thấy lòng bao dung hơn, thanh thản hơn, cũng không thấy mệt mỏi như trước nữa.

Dần dần các con cũng nghĩ cho mẹ rồi em ạ… Chị đưa mấy bộ quần áo mới khoe với tôi, nói là con dâu mới mua để mẹ mặc vào mùa hè cho mát.

Cô con dâu kiệm lời bây giờ đã mở lòng với mẹ, có chuyện buồn vui đều tâm sự với mẹ. Anh con trai trước đây lầm lì cau có nay đã thay đổi thái độ ứng xử với mẹ. Công việc trong nhà, ngoài xóm, công việc làm ăn cũng đã bàn bạc hỏi ý kiến mẹ. Tôi đã rất ấn tượng với câu chuyện của chị, chân lý đơn giản mà thật sâu xa: Thay đổi chính mình và nghĩ cho người khác trước.