Quan điểm “thấy mới tin” của mọi người thực ra là một sai lầm. Bởi vì khả năng thị giác của mắt người tương đối thấp. Nó chỉ có thể cảm nhận vật thể ở một kích thước nhất định. “Thực tại” mà chúng ta nhìn thấy là trạng thái bề ngoài bằng mắt thường. Đó không phải là bản chất của sự vật.

Chẩn đoán bệnh từ cách xa hàng ngàn dặm

Cảnh giới tối cao của Trung y khi chẩn đoán bệnh là có thể “nhìn bề ngoài là biết”. Có thể nhìn ngũ sắc hoặc nghe ngũ âm là có thể đoán được bệnh. Các đại y học gia thời cổ đại không cần nhìn thấy bệnh nhân nhưng vẫn có thể chẩn đoán bệnh chính xác.

Biển Thước là danh y thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, họ Tần, tên Việt Nhân, người vùng Bột Hải. Biển Thước là người sáng tạo ra các phương pháp nhìn, nghe, hỏi, sờ để chẩn đoán bệnh, là ông tổ của mạch học Trung y.

Y thuật của Biển Thước là do Trường Tang Quân truyền thụ. Biển Thước khi còn trẻ là chủ của một khách quán. Trường Tang Quân quan sát ông hơn 10 năm, nhận thấy đức hạnh của Biển Thước rất cao. 

Trường Tang Quân bí mật dạy cho ông phương thuốc bí truyền. Tặng cho ông những thảo dược quý hiếm. Còn cho ông uống “Thượng trì chi thủy”, chỉ 30 ngày sau là đã có thể nhìn xuyên tường. Theo lời của Biển Thước, sau khi uống thuốc vào, có thể nhìn xuyên qua bức tường mà thấy vật. Ông dùng phương pháp này để khám bệnh.

Được Trường Tang Quân bí mật truyền thụ y học, trong một thời gian ngắn Biển Thước đã có thể 'cách tường khán vật'
Biển Thước được Trường Tang Quân bí mật truyền thụ y học, trong một thời gian ngắn đã có thể ‘cách tường khán vật’ (ảnh Ifuun)

Y thuật có thể ‘cải tử hoàn sinh’

Theo “Sử ký – Quyển 150 – Biển Thước thương công liệt truyện thứ 45”, Biển Thước đi ra bên ngoài hành nghề y, và gặp phải trường hợp đột tử của thái tử Quắc Quốc. Sau khi hỏi thăm triệu chứng và thời gian tử vong của thái tử, ông nói rằng có thể làm cho thái tử sống lại. 

Đại thần Trung Thứ Tử (tên chức quan, chuyên giáo dục các hoàng tử, quan chức) hoài nghi y thuật của Biển Thước, chế nhạo rằng: “Y thuật của ngài có thể so với Du Phu thời cổ đại không? Ông ấy chỉ cần cởi bỏ y phục nhìn qua một cái là đoán được bệnh rồi”.

Biển Thước thở dài: “Tôi không cần bắt mạch, xem khí sắc, nghe âm thanh, hay quan sát hình thái thân thể của bệnh nhân. Tôi có thể chẩn đoán bệnh từ cách xa hàng ngàn dặm. Ngài thử đi kiểm tra tình trạng của thái tử. Sẽ thấy trong tai thái tử có tiếng kêu, mũi có chút phập phồng, nửa phần dưới thân bắt đầu ấm dần. Điều đó chứng tỏ là thái tử còn sống”.

Sau khi Trung Thứ Tử đi bẩm báo cho quốc vương, Quắc Quốc lập tức triệu kiến Biển Thước đến để trị bệnh cho thái tử. Biển Thước nói với Quân Vương rằng, thái tử đang bị “bất tỉnh”, chứ cũng chưa chết. Biển Thước dùng kim châm vào huyệt vị của thái tử. Thái tử lập tức tỉnh dậy. Biển Thước lại sắc thuốc cho thái tử dùng. Chỉ 20 ngày sau, thái tử đã khôi phục lại được sức khỏe như xưa.

Từ đó trở đi, y thuật cải tử hoàn sinh của Biển Thước đã được lan truyền nhanh chóng.

Thấy những cái người thường không thấy

Trung y có nhiều phương thuốc bí truyền, chỉ cần thuốc vào là bệnh khỏi
Trung y có nhiều phương thuốc bí truyền, chỉ cần thuốc vào là bệnh khỏi (ảnh Epoch Times)

Trong “Hạt Quan Tử – Quyển hạ – Thế Hiền thứ 16” có ghi chép lại, Ngụy Văn Vương hỏi Biển Thước, “Trong nhà ông có 3 người đều tinh thông y thuật. Người nào có y thuật cao minh nhất?”

Biển Thước nói với Ngụy Văn Vương rằng, anh cả của ông giỏi nhất, sau đến anh thứ, còn y thuật của ông là kém nhất. 

Bởi vì anh cả trị bệnh là trước khi bệnh phát tác thì đã diệt trừ cái gốc của bệnh rồi. Vậy nên người bình thường mới hiểu nhầm rằng anh cả trị bệnh không hiệu quả. Vì thế mà anh cả không được nhiều người biết đến. 

Anh thứ thì khi bệnh đang ở giai đoạn đầu thì đã có thể trị khỏi rồi. Mọi người cho rằng anh ấy chỉ có thể trị bệnh nhẹ. So với anh cả thì anh thứ còn có một chút tiếng tăm.

Còn Biển Thước trị bệnh là khi bệnh nhân đã ở vào giai đoạn nghiêm trọng. Cho nên mọi người đều cho rằng y thuật của Biển Thước cao minh. Bởi vậy danh tiếng so với hai anh mới lớn hơn.

Mầm bệnh cần phải diệt trừ, càng để lâu sẽ càng nguy hiểm

Khi Biển Thước ở Tề Quốc, trong lúc bái kiến Hoàn Hầu thì có nói rằng: “Ngài hiện đang bị bệnh, ở giữa da và thịt. Nếu không trị sớm thì sẽ xâm nhập vào bên trong”.

Hoàn Hầu nói: “Ta không có bệnh”. Sau khi Biển Thước rời đi, Hoàn Hầu nói với mọi người rằng: “Vị thầy thuốc này ham danh lợi, cứ muốn trị bệnh cho người không có bệnh. Sau đó lại nói là y thuật của mình cao minh”.

5 ngày sau, Biển Thước lại đến gặp Hoàn Hầu và nói rằng: “Ngài có bệnh ở trong huyết mạch. Không trị sớm thì bệnh sẽ càng xâm nhập sâu hơn”. Hoàn Hầu nói: “Ta không có bệnh”. Sau khi Biển Thước rời đi thì Hoàn Hầu cảm thấy rất bực bội.

Lại 5 ngày nữa trôi qua, Biển Thước lại gặp Hoàn Hầu. Ông nói với Hoàn Hầu rằng: “Bệnh của ngài đã vào trong dạ dày, không trị sớm thì bệnh sẽ càng xâm nhập sâu hơn”. Hoàn Hầu không có đáp lại.

5 ngày tiếp theo, Biển Thước lại gặp được Hoàn Hầu. Nhưng lần này ông không nói gì hết, chỉ lui lại phía sau và rời đi. Hoàn Hầu cảm thấy rất kỳ lạ, mới sai người đến hỏi Biển Thước nguyên nhân.

Đợi đến khi “thấy mới tin” thì mọi chuyện đã muộn màng

Bệnh nên được trị sớm, càng để bệnh xâm nhập sâu vào cơ thể thì càng khó chữa hơn
Bệnh nên được trị sớm, càng để bệnh xâm nhập sâu vào cơ thể thì càng khó chữa hơn (ảnh Aviamost)

Biển Thước nói: “Ngay lúc bệnh tật ở giữa da và thịt thì có thể dùng thuốc để trị được; bệnh tật đã vào trong huyết mạch thì châm cứu có thể trị được; bệnh tật đã vào trong dạ dày thì dùng rượu thuốc là có thể trị được; bệnh tật đã vào trong xương tủy thì vô phương cứu chữa. Hiện tại bệnh của Hoàn Hầu đã vào trong xương tủy, ta cũng không còn cách nào nữa”.

5 ngày sau, Hoàn Hầu phát bệnh và đi tìm Biển Thước, nhưng Biển Thước đã rời đi rồi. Không lâu sau thì Hoàn Hầu qua đời.

Lão Tử có nói trong “Đạo Đức Kinh” rằng: “Bất xuất hộ, tri thiên hạ, thị dĩ thánh nhân bất hành nhi tri, bất kiến nhi danh, bất vi nhi thành”. Có nghĩa là không ra khỏi cửa mà biết được [sự lý trong] thiên hạ; không dòm ra ngoài cửa mà biết được đạo trời. Càng đi xa càng biết được ít. Cho nên thánh nhân không đi mà biết, không nhìn mà thấy rõ, không làm mà nên.

“Thấy mới tin” là một sai lầm

Nhiều người hiện nay đã tuyệt đối hóa việc “thấy mới tin”. Trên thực tế, mắt người chỉ có thể nhìn thấy ánh sáng từ 400 nanomet đến 700 nanomet (1 nanomet bằng một phần tỷ mét). Có những hạn chế trong việc nhìn các vật thể bằng mắt. Chẳng hạn như vật thể quá tối, quá sáng, quá nhỏ, quá lớn và quá xa… đều sẽ ảnh hưởng đến tầm nhìn của mọi người.

Mắt người không thể nhìn thấy tia hồng ngoại do điều khiển từ xa của TV phát ra, cũng như tia cực tím, tia X, siêu âm B, CT, chụp X quang, vi khuẩn, nấm, cơ quan nội tạng, thiên hà, v.v. Thậm chí các thiết bị khoa học cũng chỉ có thể nhìn thấy vật thể trong một phạm vi nhất định. 

Kỳ thực, “thấy mới tin” là một tư duy quán tính của mắt người. Việc này thể hiện sự giáo dục và tính tự cân nhắc của mỗi người. Hoàn cảnh môi trường cũng có tác động rất lớn đối với việc này. 

Theo Secret China