Trái tim thiện lương của cô giáo có thể cải biến cả những trò cá biệt
Những trải nghiệm với cậu học trò cá biệt giúp cô Huệ nhận ra, chỉ có dùng trái tim mới cảm hóa được trái tim, mới có thể phát huy hết tiềm năng của học trò.
Huệ là học sinh cũ của tôi và hiện đang dạy tiểu học tại thành phố của một tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Mới đây cô đã kể cho tôi nghe câu chuyện cảm hoá một học trò cá biệt khiến tôi rất xúc động.
Nội dung chính
Phụ huynh cá biệt
Đã lâu ngày cô trò không gặp, một hôm, Huệ gọi cho tôi tâm sự: Năm nay em chủ nhiệm lớp 4 cô ạ. Trong lớp có cậu học trò tên Tùng không chịu học, nói bậy, rất hay quát nạt và đánh các bạn. Phụ huynh có con bị đánh liên tục gọi điện phản ánh, có người còn gọi cho cả Hiệu trưởng khiến em bị phê bình.
Huệ cũng nói, rằng cô cũng đã đến nhà Tùng rồi. Bố mẹ em đi làm ăn xa, ít khi có nhà, chủ yếu em sống với ông nội, khi cô trao đổi thì ông nói: Mày đánh chết nó đi tao cũng không bảo gì đâu. Tao mệt với nó lắm rồi.
Huệ vừa bất ngờ, vừa thất vọng trước lời nói của ông nội học sinh. Học trò cá biệt nhưng gặp phụ huynh còn cá biệt hơn. Tuy nhiên sau buổi đó Huệ cũng đã biết mình cần làm gì với cậu học trò này.
Trò thay đổi khi cô thay đổi
Từ đó, mỗi sáng Huệ đến lớp sớm hơn một chút. Khi thì cô mang cho Tùng cái bánh mì, khi thì mang cho em nắm xôi bởi cô biết em rất hay nhịn đói đến lớp. Thỉnh thoảng cô khâu lại cho em cái cúc áo hoặc gấu áo gấu quần bật chỉ. Mùa đông, cô mua cho em đôi tất, khâu cho em đôi giày bị rách… Đặc biệt, khi em gây sự, đánh bạn, cô không hề mắng mà nhẹ nhàng nói: Cô hiểu lí do em đánh bạn rồi!
Trên lớp, Tùng nghịch ngợm, Huệ hướng sự chú ý của em bằng cánh gọi đọc bài, phát biểu nhiều hơn. Cho dù đứng im, không thực hiện được yêu cầu, cô vẫn kiên nhẫn, nhẹ nhàng chỉ dẫn cho em. Đây chính là cách để Huệ kéo trò tập trung vào bài học. Dần dần cô phát hiện được Tùng có khả năng học toán nên đã luôn khích lệ, khen em trước lớp. Những giờ toán sau đó, Tùng đã bắt đầu chăm chú, hăng hái giơ tay, tích cực giải toán hơn.
Huệ thấy cậu học trò nhỏ đang dần tiến bộ nhưng vẫn không thích môn tập đọc. Một hôm cô nói với Tùng: Cô đang đọc một cuốn sách rất hay và cần một người đọc cùng. Em có thể đến nhà cô vào buổi tối để đọc sách cùng cô không?
Tùng đồng ý và Huệ đã đến nhà xin phép ông nội của em. Từ đó, mỗi tuần 3 buổi tối, hai cô trò lại cùng nhau đọc một cuốn sách. Sau mỗi buổi, hai cô trò lại chia sẻ, đặt ra những câu hỏi để hiểu rõ hơn. Dần dần em cũng hiểu được rằng làm người tốt cần biết sống chân thành, thiện lương, quan tâm tới mọi người xung quanh và biết kiên trì, nhẫn nại vượt qua khó khăn.
Cứ như vậy, em không còn sợ môn tập đọc nữa. Trên lớp em đã chăm chú nghe giảng và thực hiện nhiệm vụ cô giao một cách tự giác. Đặc biệt, em không còn quát nạt, đánh mắng bạn mà thay bằng sự hòa ái, vui vẻ. Những hôm tổ em phải trực nhật, em đi sớm quét lớp, giặt giẻ lau xong các bạn mới đến. Các bạn không còn sợ em mà đã vui vẻ rủ em đánh cầu, đá bóng trong những giờ giải lao. Tùng đã có thể hòa nhập và bắt nhịp được cùng các bạn cả trong học tập lẫn vui chơi.
Kết thúc năm học, bài kiểm tra định kì theo đề ra của Sở Giáo dục, Tùng được điểm 10 toán và 9 tiếng Việt. Em đã cười rất tươi, còn Huệ cũng vui lắm. Chia tay các em về nghỉ hè mà cô trò cứ bịn rịn mãi. Cậu học trò đặc biệt của Huệ thì khỏi phải nói, cứ quanh quẩn mãi dưới sân trường trong khi các bạn đã về hết. Em đợi cho đến khi Huệ đi xe ra cổng để nói với cô rằng: Em cảm ơn cô ạ!
Quả ngọt đầu mùa
Năm học mới, Huệ được phân công dạy một lớp 5 chọn của trường. Cô đến lớp chia tay các trò, cả lớp đều im lặng không muốn xa cô, còn cậu học trò đặc biệt của cô thì nhìn cô bằng đôi mắt đượm buồn.
Hôm sau, Hiệu trưởng gọi cô Huệ lên nói rằng ông nội của cậu học sinh ấy đã đến gặp Ban giám hiệu xin cho cháu ông được học lớp cô Huệ nếu không sẽ không đi học nữa. Ông còn nói rằng cháu ông đã thay đổi thành người tốt, không nổi nóng, không nói bậy nữa. Ngoài ra cháu còn biết quan tâm chăm sóc ông, biết nấu cơm, quét nhà giúp ông kể từ khi học cô Huệ. Vì thế, nhà trường nhất định phải cho cháu của ông vào học lớp của cô Huệ.
Hiệu trưởng đành hứa với ông sẽ hỏi ý kiến cô Huệ. Sau khi Huệ nói Tùng có thể theo học lớp chọn và cô đảm bảo bằng danh dự là em ấy có tiềm năng. Hiệu trưởng đã kí giấy cho phép em vào lớp và đùa Huệ rằng, cô có bùa gì mà mê hoặc học sinh đến thế.
Kết thúc lớp 5, Tùng chứng minh rằng cô Huệ đã đúng khi tin em. Em đạt nhiều thành tích cao khiến nhà trường rất tự hào. Đó là thành tích: Thần đồng đất Việt, giải vàng toán Ôlympic, thủ khoa lớp chọn Toán của trường chất lượng cao thành phố.
Phương pháp giáo dục học sinh hiệu quả
Nghe xong chuyện của cô trò Huệ, tôi vừa cao hứng vừa tò mò. Tôi hỏi: Em đã cho trò của mình đọc sách gì mà tốt vậy?
Huệ tủm tỉm: Là sách “Chuyển Pháp Luân” cô ạ. Cuốn sách của tác giả Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp. Cuốn sách dạy con người làm người tốt và tốt hơn theo nguyên lý Chân- Thiện- Nhẫn. Nhờ đọc sách và thực hành ba chữ này mà em mới có thể hành xử được với học trò như vậy. Và cũng nhờ đọc sách này mà học trò của em thay đổi.
Sau bao nhiêu năm trăn trở, giờ em đã tìm được phương pháp giáo dục học sinh hiệu quả rồi cô ạ! Huệ reo lên khe khẽ.
Hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục, có tới 3 lần tôi được trải nghiệm chương trình cải cách, thay sách giáo khoa. Tuy nhiên, tôi nhận thấy, rằng chương trình dù có tiên tiến đến đâu cũng không thể đạt hiệu quả nếu thiếu đi vai trò của người thầy. Người thầy không chỉ giỏi chuyên môn mà quan trọng phải tâm huyết với đối tượng giáo dục của mình.
Nghe chuyện của cô học trò cũ, tôi mừng cho em và cũng tin rằng em đã chọn đúng phương pháp để giáo dục học sinh của mình. Bởi Chân- Thiện- Nhẫn là giá trị phổ quát mà toàn nhân loại cần hướng tới.