Trang Tử tên thật là Trang Chu, là bậc hiền triết nổi tiếng thời Chiến Quốc, ông lấy nền tảng tư tưởng của Đạo gia làm căn bản. “Chiếc thuyền rỗng” là một trong những câu chuyện ngụ ngôn truyền tải những tư tưởng đạo lý của ông. 

Tương truyền rằng, khi Trang Tử tới chân núi Nam Hoa ở ẩn, ông đem hết tinh hoa Đạo Giáo của Lão Tử viết thành bộ sách, lấy tên núi Nam Hoa mà đặt, gọi là Nam Hoa Kinh, người đời sau gọi là “Trang Tử Nam Hoa Kinh”. “Chiếc thuyền rỗng” là một câu chuyện cổ được trích trong chương “Sơn Mộc” của “Nam Hoa Kinh”.

Câu chuyện và đạo lý “chiếc thuyền rỗng” 

“Chuyện kể rằng, có một người khi đang chèo thuyền qua sông, thì bỗng phía trước có một chiếc thuyền lạ sắp đâm vào thuyền của anh ta. Anh ta rất tức giận, gọi lớn tìm chủ thuyền vài tiếng mà không thấy ai đáp lại, thấy thế anh bèn chửi ầm ĩ lên, rằng chủ của chiếc thuyền kia là đồ không có mắt.

Kết quả khi lại gần mới phát hiện trên thuyền không có ai, hóa ra nó chỉ là một con thuyền trống trơn, cùng lúc đó cơn giận của anh ta cũng tự nhiên tiêu mất”.

Tư tưởng của Trang Tử; Bách Gia Chư Tử; Mạnh Tử
Chiếc thuyền rỗng kia, nó chính là lấy cái khoảng không trống rỗng mà vân du khắp bốn bể (ảnh minh họa: Art2all)

Khi cho rằng phía trước có chiếc thuyền bị người lái thuyền lái không cẩn thận mà va phải thuyền của mình, có thể bạn sẽ rất tức giận. Nhưng nếu trên thuyền chẳng có ai, chỉ là chiếc thuyền rỗng phiêu bạt nhờ gió thổi mà va vào thuyền mình, lẽ nào bạn còn tức sao? 

Thật vậy, đôi khi chúng ta tức giận chỉ vì nghĩ rằng “người nào đó” đã làm mình tổn thương, chứ không chú ý thực sự tới những tổn thương thực tế mà mình nhận phải. Những tổn thương sẽ do cái  quan niệm về “cái người đó” như thế nào mà biến hóa. Nếu không có “cái người đó” thì cũng không còn tức giận. Điều này cũng giống như câu “Tướng tùy tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển” vậy. Chủ yếu là những quan niệm nặng nề của bản thân mà tự phát sinh những chuyện phiền não.

Vậy nên trong cuộc sống, chúng ta nên gắng tận lực buông bỏ những thành kiến của mình với người khác, không nên dùng quan niệm của mình mà tùy ý phán xét đúng sai của người khác, cũng đừng dễ dàng để người khác ảnh hưởng tới tâm trạng của mình. 

Trang Tử nói: “Không chỉ trích thị phi, hòa hợp với thế tục”

Một người mà “nhìn gì cũng không thuận mắt”, thì càng dễ phát sinh nhiều chuyện phiền phức, cảnh giới người này càng thấp, tâm địa ngày càng hẹp hòi.

Câu chuyện nhắc chúng ta nên coi người khác cũng như chiếc thuyền rỗng vậy.

Khi bị ai đó làm tổn thương, đừng nghĩ tới trả thù, cũng đừng sa vào đau khổ, buồn bực.

Ví như khi đi qua cửa bị đồng nghiệp làm vấp ngã, chúng ta nên nghĩ rằng “chỉ là anh ấy vô tình thôi”. 

Hãy coi vết thương này như một sự cố trên thuyền kia, chỉ là bị một chiếc thuyền trống đâm phải, chứ đâu phải người ta cố ý dùng thuyền đâm vào bạn.

Chỉ có như vậy, những tức giận và thống khổ mới mau chóng nguôi đi, tổn thương cũng theo đó mà lành lại, đồng thời cũng không ngừng đột phá cảnh giới tâm tính của bản thân. 

Nhà triết học người Đức Schopenhauer từng nói rằng: “Tức giận trước hành động của người khác cũng ngu ngốc như tức giận với một hòn đá cản đường chúng ta”. Điều này cũng giống như đạo lý trong câu chuyện chiếc thuyền rỗng vậy.

Chiếc thuyền rỗng kia, nó chính là lấy cái khoảng không trống rỗng mà vân du khắp bốn bể.

Vậy thì con người chúng ta cũng có thể dùng “cái khoảng trống” ấy mà du ngoạn thế gian, tự do tự tại, không phiền não.

“Để mình trống rỗng mà du ngoạn thế gian”

Một người nếu luôn cho mình là trung tâm, quá coi trọng bản thân, thì rất dễ xung đột với người khác. 

Một người nếu bớt nghĩ nhiều về mình một chút, bớt ích kỷ và biết buông bỏ cái tôi đi một chút, cũng không quá câu nệ sĩ diện và các loại thành kiến, thì ai có thể làm thương tổn được chứ?

Ví như, có hai người va vào nhau ở cửa, câu cửa miệng của bạn là: “Mắt mù rồi sao? sao lại va vào tôi thế này”. Đối phương nhất định giận tím mặt, bởi vì họ thấy bạn chỉ nghĩ tới bản thân mà không nói lý. Có khác gì bạn bị một chiếc thuyền có người va phải đâu. 

Nếu câu đầu tiên bạn nói là: “Thật xin lỗi quá, bạn không sao chứ?”

Kết quả có thể hoàn toàn ngược lại. Bởi vì lúc này họ cảm giác được “cái khoảng không” của chiếc thuyền. Như vậy sẽ không có tranh cãi, không có người nào bị thương tổn cả. 

Tư tưởng của Trang Tử; Bách Gia Chư Tử; Mạnh Tử
Để mình trống rỗng mà du ngoạn thế gian (ảnh minh họa: Pinterest)

Ở góc độ thế tục mà giảng, ai cũng rất coi trọng bản thân, dễ vì cái tôi mà phát sinh mâu thuẫn với người khác, nếu có được cảnh giới tâm tính như “chiếc thuyền rỗng” kia, thì nhân sinh sẽ bớt đi những phân tranh, giận hờn. Ở góc độ tu dưỡng thì chính là như Trang Tử nói “Để mình trống rỗng mà du ngoạn thế gian”. 

Theo Zhuanlan.zhihu