Trí tuệ nhân sinh: Không tức giận, không sợ hãi, không tranh cãi
Không tức giận, không sợ hãi, không tranh cãi, đây là ba trí tuệ nhân sinh mà một người trưởng thành cần đạt được trong đời.
- Muốn biết nhân phẩm của một người, hãy xem thái độ của họ khi tức giận
- Vì sao người trí tuệ thường không giải thích khi bị hiểu lầm?
Nội dung chính
Không tức giận
Pháp sư Trang Viên từng nói: Thế giới là một tấm gương, bạn cười với nó, nó mỉm cười với bạn; bạn tức giận với nó, nó tức giận với bạn.
Trong giao tiếp giữa người với người, có thể khống chế cảm xúc của bản thân, đặc biệt là sự tức giận, đó mới là một người trí tuệ sáng suốt.
Lý Hàng là một tể tướng nổi tiếng trong những năm đầu của triều đại Bắc Tống, được mọi người gọi là “Thánh Tướng”. Ông làm quan ngay chính, liêm khiết, phúc hậu, khoan dung.
Có một lần khi bãi triều, có một chàng thư sinh đã ngăn kiệu của Lý Hàng lại. Chàng thư sinh này đưa lên mấy đơn kiện, bên trong đều là tố cáo Lý Hàng.
Lý Hàng nhìn một lượt, sau đó thu hết mấy tờ đơn kiện lại, vẻ mặt ôn hòa mà nói với chàng thư sinh: “Chờ ta trở về nhà rồi sẽ xem cẩn thận sau”.
Dùng lòng khoan dung cảm hóa người khác
Chàng thư sinh vẫn không buông tha, anh ta chỉ tay vào mũi Lý Hàng rồi nói: “Ông thân làm tể tướng, không thể giúp được thiên hạ, thật là vô dụng. Chiếm địa vị tốt, không để cho người hiền, thật là vô đức! Ông không hổ thẹn sao?”
Thuộc hạ của Lý Hàng vô cùng tức giận, xông lên phía trước trói chàng thư sinh lại, muốn trị tội anh ta.
Lý Hàng lại ra hiệu cho thuộc hạ thả chàng thư sinh ra. Ông điềm đạm nói với chàng thư sinh: “Ta đã nhiều lần xin từ quan. Nhưng hoàng thượng không chấp thuận, cho nên ta không dám rời đi”.
Đến đây thì chàng thư sinh đã hoàn toàn bị tấm lòng của Lý Hàng chinh phục.
Pythagoras nói: Sự tức giận bắt đầu bằng sự ngu ngốc và kết thúc bằng sự hối hận.
Tức giận khiến người ta đánh mất lý trí, hành động không có chừng mực, tạo thành tổn thất không thể bù đắp được.
Khi giao tiếp với người khác thì phải giữ tâm bình khí hòa, như vậy mới có thể nghe được ý kiến của đối phương; đồng thời có thể suy xét lại chính mình, từ đó mà tìm ra các cách giải quyết khác nhau.
Không sợ hãi
Tô Đông Pha nói: “Thái Sơn sụp đổ trước mắt mà tâm không kinh hãi, con nai đứng ngay bên trái mà mắt không chớp”.
Gặp biến không sợ hãi, gặp chuyện không hoảng hốt, đây là một tố chất cần thiết của người ưu tú.
Tạ An là một tể tướng nổi tiếng thời Đông Tấn. Năm 383, Phù Kiên dẫn đại quân Tiền Tần xuôi xuống phía Nam, muốn tiêu diệt Đông Tấn. Hai bên phát động trận chiến tại sông Phì Thủy.
Tiền tuyến của hai bên đối đầu với nhau, âm thanh giao chiến rung trời dậy đất; văn võ bá quan ở phía sau lo lắng như con kiến trên chảo lửa. Trận chiến này quyết định sự sinh tử tồn vong của Đông Tấn.
Vậy mà vào lúc này, Tạ An không hoảng hốt, không vội vàng, vẫn cùng bằng hữu chơi cờ vây.
Không lâu sau, tiền tuyến đưa đến tin chiến sự, Đông Tấn đã chiến thắng Tiền Tần. Tạ An nghe vậy thì vẫn ung dung như không, bình thản nói với bạn đánh cờ: Đại thắng!
Người trí tuệ gặp chuyện mà không loạn. Họ luôn có thể nhận định tình hình, phân tích vấn đề, tìm ra phương pháp, không tránh né, bình tĩnh đối diện.
Không tranh cãi
Tục ngữ nói: “Đúng sai trắng đen, cực khổ tranh biện, tự có nhật nguyệt phân minh”. Đôi khi cứ mãi tranh luận đúng sai lại không có kết quả gì, cứ để thời gian trôi qua rồi mọi thứ lại có câu trả lời.
Vào thời Hán Vũ Đế, Công Tôn Hoằng đảm nhiệm chức tể tướng. Ông quyền cao chức trọng nhưng sống rất tiết kiệm, thanh đạm; mọi người đều nói ông là một hiền tướng.
Có một lần, đại thần Cấp Ảm chỉ trích Công Tôn Hoằng là tìm cách lấy lòng thiên hạ. Công Tôn Hoằng cười không đáp. Cấp Ảm tức giận đã đi nói với Hán Vũ Đế.
Hán Vũ Đế hỏi Công Tôn Hoằng: “Điều Cấp Ảm nói có đúng không, vì sao ngươi không tranh biện?”
Công Tôn Hoằng đáp: “Điều Cấp Ảm nói là sự thực”.
Không cần tranh biện đúng sai
Còn có một lần, Công Tôn Hoằng cùng các đại thần bàn việc nào đó. Nhưng lúc tấu lên, Công Tôn Hoằng tạm thời thay đổi ý tưởng. Cấp Ảm rất tức giận, chỉ trích ông lật lọng.
Công Tôn Hoằng cũng không có tranh biện, sau đó sự thực đã được chứng minh, biện pháp của Công Tôn Hoằng là đúng. Cấp Ảm biết rằng bản thân đã trách lầm Công Tôn Hoằng, vì vậy mới đi xin lỗi ông; đồng thời hỏi ông tại sao không tranh biện.
Công Tôn Hoằng điềm đạm nói: “Tôi lúc ấy mà biện giải thì mọi người có nghe theo không?”
Lão Tử nói: “Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện”. Nghĩa là người thiện không tranh biện, người tranh biện không thiện.
Đa phần khi mâu thuẫn xảy ra thì lời giải thích của bạn chỉ làm cho tình thế trở nên căng thẳng hơn. Nếu bạn có thiện ý muốn giải thích cho đối phương thì hãy chờ đến thời điểm thích hợp. Nhưng đa phần là thời gian sẽ tự trả lời mà không cần một lời giải thích nào.
Kẻ đại trí dường như ngu ngốc, người khéo nhất lại như vụng về, trí tuệ nhân sinh rất đơn giản nhưng không mấy ai có thể làm được.
Theo 360doc
Xem thêm video: