Có nhiều người rất thành kính quỳ gối trước Thần Linh mà cầu xin điều này điều nọ, sắm đủ loại lễ vật để tỏ lòng thành kính của mình. Nhưng cuối cùng họ vẫn không được Thần linh giúp đỡ. Vậy nguyên nhân là do đâu?

Lên núi cầu xin Thần linh

Ở một vùng nọ, có một ngôi miếu nằm ở trên đỉnh một ngọn núi. Mọi người trong vùng đều truyền tai nhau rằng, vị Thần ở trong ngôi miếu này rất linh thiêng. Những ai có lòng tin vào Thần thì chỉ cần thành tâm thành ý cầu nguyện thì sẽ được Thần từ bi giúp đỡ.

Trong vùng có một thư sinh biết được điều này nên cũng muốn đến cầu nguyện. Để tỏ lòng thành kính của mình, anh ta đã sắm sửa một mâm lễ thật đầy và tự mình đội lên núi. Sau cả ngày đường leo núi vất vả thì cuối cùng anh cũng đến được ngôi miếu.

Thư sinh quỳ gối trước Thần linh và chắp tay trước ngực nói: “Thần linh thiêng! Con đi thi khoa cử đã 10 năm nhưng không đỗ đạt. Nay con mang lễ vật thành tâm dâng lên Ngài. Mong Ngài giúp cho con năm nay có tên trong bảng vàng”.

Thần chú phật giáo; Thần thoại phật giáo; Thần chú phật pháp
Dâng lễ đầy đủ thì có phải là ‘thành tâm thành ý’? (ảnh Adobe Stock)

Thư sinh sau khi cầu xin xong thì thu dọn mâm lễ và đi xuống núi. Anh ta vừa đi ra đến cổng ngôi miếu thì gặp một người ăn mày. Người ăn mày chìa tay về phía thư sinh và nói: “Thí chủ hào phóng! Tôi bị đói đã ba ngày, xin ngài thương xót bố thí cho chút đồ cúng để tôi ăn cho đỡ đói”.

Thấy người đáng thương không cứu giúp

Thư sinh nhìn thấy bộ dạng người ăn mày bẩn thỉu thì đưa tay gạt ra rồi nói: “Mau đi đi! Ngươi rách rưới bẩn thỉu như vậy, đừng làm bẩn đồ cúng lễ của ta. Lễ của ta còn phải mang về cho vợ và con ăn để hưởng lộc. Đâu có thể cho ngươi được”.

Người ăn mày không ngừng dập đầu cầu xin: “Thí chủ hào phóng! Tôi sắp chết đói rồi! Ngài chỉ cần bố thí cho tôi một chút là được. Xin Ngài cứu mạng tôi với”.

Thư sinh sợ người ăn mày cướp lễ nên vội vàng bê mâm lễ chạy xuống núi. Người ăn mày đói khát chỉ còn cách ngồi xuống trước cổng ngôi miếu. Trên người chỉ có một tấm chăn bông quấn quanh người.

Thần linh là gì; Thần phật bảo hộ; Phật thần thánh
Thần Phật chỉ xét nhân tâm (ảnh Adobe Stock)

Màn đêm nhanh chóng buông xuống, trời càng lúc càng lạnh hơn. Người ăn mày quấn tấm chăn bông nằm co ro chịu đói. Đột nhiên, từ đâu một con chó nhỏ chạy đến và dụi vào chăn của người ăn mày để sưởi ấm. Chú chó nhỏ tội nghiệp run lên vì lạnh, thân gầy gò lộ ra toàn xương, chắc chú cũng phải thường xuyên chịu đói. 

Người ăn mày thấy con chó nằm lên chăn thì lấy chân đạp nó một cái và quát: “Cút ngay! Cái thứ bẩn thỉu này làm bẩn hết chăn của ta. Đi đi không ta đánh chết bây giờ”.

Con chó nhỏ co rúm người lại đứng lên, chạy ra một góc của cổng miếu và nằm xuống. Đến sáng hôm sau thì chú chó đã chết lạnh ở đó.

Vì sao cầu xin Thần linh lại không được giúp đỡ?

Nửa năm sau, vị thư sinh kia đi thi mà không đậu. Anh nổi giận oán trách Thần linh: “Vì sao mọi người đều nói pháp lực của Ngài vô biên, vậy mà không chịu giúp con đỗ đạt? Chẳng phải con đã dâng lễ lên Ngài rất thành kính rồi hay sao?”

Anh ta càng nghĩ càng tức tối, đến đêm đi ngủ thì mơ thấy vị Thần đó hiện ra nói với anh ta rằng: “Vì sao ta phải giúp ngươi?”

Thư sinh đáp: “Con đã thành tâm thành ý mang lễ đến cầu xin ngài”.

Thư sinh vừa nói xong thì linh hồn của người ăn mày hiện ra và nói với anh ta: “Tôi cầu xin ngài một chút lễ để ăn đỡ đói, vậy mà ngài cũng không cho. Một chút tâm bố thí cũng không có, vậy thì sao Thần linh có thể giúp ngài được?”.

Người ăn mày lại tranh thủ nói với vị Thần kia: “Nhưng mà Thần linh cũng thật tàn nhẫn. Ngài thà nhìn con chết đói cũng không giúp con có được một chút đồ ăn. Chẳng lẽ ngài không có một chút lòng thương nào hay sao?”

Người ăn mày vừa nói xong thì lại thấy linh hồn con chó hiện ra và nói với người ăn mày: “Tôi chỉ xin nằm ké chăn bông của ông một chút để đỡ lạnh, cũng đâu có ảnh hưởng gì đến ông, vậy mà ông cũng không cho. Vì sao Thần linh phải thương xót ông cơ chứ?”

Phù hộ độ trì; Phù hộ độ trì là gì; Thần bảo hộ
Chỉ muốn được mà không muốn mất, Thần Phật liệu có thể ban phước? (ảnh Adobe Stock)

Đạo Trời không thiên vị, nhưng thường giúp đỡ người thiện lương

Lúc này vị Thần mới nói: “Các ngươi chỉ muốn cầu xin ta ban phước. Nhưng khi thấy người khác khó khăn cũng không cứu giúp. Các ngươi không muốn chịu thiệt một chút nào mà lại muốn được phúc báo là sao? Đạo Trời công bằng, ta cũng không thể tùy tiện giúp đỡ các ngươi được”.

Cầu xin Thần Phật phù hộ cũng là điều chính đáng, nhưng nói rằng ‘thành tâm thành ý’ cầu nguyện thì không phải ai cũng làm được. Vì nếu thành tâm thành ý thì sau lời cầu xin đó phải đi đôi với hành động cụ thể, phải chiểu theo những lời Thần Phật khuyên bảo để làm theo; như thế mới gọi là tâm chân thành. Còn như chỉ muốn được lợi cho mình mà không muốn mất mát một chút gì thì Thần linh cũng không có cách nào để giúp đỡ.

Theo DKN