3 dấu hiệu chứng tỏ trẻ được cha mẹ giáo dục tốt
Giáo dục trẻ không chỉ là quan tâm đến việc học hành mà còn phải giúp trẻ hình thành những đức tính rất cần thiết khác như tính tự lập, tư duy, kiên nhẫn…
- Giáo dục gia đình là gốc rễ của mọi sự thành bại trong đời người
- 7 chi tiết nhỏ cho thấy một người có giáo dưỡng
Các bậc cha mẹ trên đời đều chỉ mong con cái thành đạt, thành long thành phụng, lớn lên có tiền đồ tươi sáng, nhưng nếu chỉ chú trọng phát triển thành tích học tập cho con thì có phải là điều đúng đắn?
Khi con cái có thể trở thành một người ưu tú cả về nhân phẩm và tài năng thì quả thật đáng mừng, những đức tính này có thể quyết định hạnh phúc cả đời của đứa trẻ: tính tự lập, tự tin, giỏi tư duy, tập trung làm việc, lòng biết biết ơn, v.v.
Bất kể thành tích học tập của trẻ có khác biệt hay không, những đứa trẻ ưu tú thường có dấu hiệu để nhận biết. Nếu bạn nhận thấy 3 dấu hiệu này ở con mình thì có nghĩa là chúng đã được giáo dục rất tốt.
1. Tính tự lập
Trong việc giáo dục con cái, đứa trẻ không nhất định phải quá ưu tú, nhưng phải có tính tự lập. Nếu một đứa trẻ không thể thích nghi một cách tự lập với xã hội thì cho dù cha mẹ có dạy dỗ bao nhiêu đi chăng nữa thì điều đó cũng chỉ uổng công vô ích.
Có người từng nói: “Thà giáo dục con cái tính tự lập còn hơn là trở thành người giỏi nhất”. Con cái cuối cùng sẽ lớn lên, rời xa vòng tay che chở của cha mẹ và một mình đối mặt với xã hội muôn hình muôn vẻ ngoài kia.
Cha mẹ không thể bên cạnh đồng hành cùng con cái suốt đời, dạy con tính tự lập để con có động lực cố gắng và trưởng thành trong tương lai.
Tiến sĩ Montessori chia sẻ rằng: “Mục tiêu cao nhất của việc giáo dục trẻ là giúp trẻ tự lập, không cần phụ thuộc vào cha mẹ cả về tinh thần lẫn vật chất, và tự chịu trách nhiệm về suy nghĩ, hành vi của mình”.
Là cha mẹ, chúng ta không thể chỉ quan tâm đến việc học hành của con cái, dù thành tích học tập của con có tốt đến đâu, nếu con không có khả năng tự chăm sóc bản thân và kỹ năng sống cơ bản, cuối cùng chúng sẽ bị xã hội đào thải.
Năng lực sống tự lập của trẻ bao gồm:
1. Tự mình hoàn thành mọi việc
Tự mình thu dọn đồ chơi, tự mình sắp xếp cặp sách và bút viết, tự mình giặt những chiếc tất bốc mùi, tự mình lau sàn phòng ngủ của bản thân…
2. Đưa ra quyết định cho việc của bản thân
Nhiều khi, không phải bản thân trẻ không thể đưa ra quyết định, mà là người lớn cho rằng trẻ không thể làm được.
Khi bạn có thể buông tay để đứa trẻ thử làm, bạn sẽ thấy con mình có thể tự mình đưa ra quyết định trong hầu hết các việc.
Khi 2 nhà sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin được các phóng viên phỏng vấn và hỏi về bí quyết thành công, họ nói rằng họ phải học cách chịu trách nhiệm về công việc của mình và giải quyết vấn đề của chính mình.
Page chia sẻ rằng, cả hai đều theo học ở các trường dạy theo phương pháp Montessori, giáo dục Montessori chủ trương “dạy chúng tôi suy nghĩ, cho chúng tôi tự do theo đuổi sở thích riêng và để chúng tôi làm việc riêng của mình”.
Cuộc đời của mỗi người rất dài, chỉ có thể học cách tự lập bạn mới có thể tiến xa được trong tương lai. Tuy nhiên, cha mẹ thường luôn chiều chuộng con cái quá mức.
Khi chúng ta chăm lo mọi thứ cho con cái dưới danh nghĩa “yêu thương”, điều đó không chỉ khiến chúng ta càng thêm vất vả, mà còn khiến con cái mất đi cơ hội tự lập.
Nếu thực sự yêu thương con cái thì cha mẹ cần phải dạy cho chúng học cách tự lập ngay từ khi còn nhỏ.
2. Khả năng tư duy: cẩn thận quan sát, đưa ra quyết định, rồi mới hành động
Có những đứa trẻ thích yên tĩnh, nhưng điều đó không có nghĩa là trẻ không có quan điểm hay cách nghĩ riêng của mình.
Trước khi làm bất cứ điều gì, chúng sẽ kiên nhẫn quan sát một khoảng thời gian và chỉ hành động sau khi đánh giá được khả năng và sự an toàn của bản thân. Nếu bạn thấy con luôn thích chơi một mình, giỏi tư duy và thích hỏi han thì bạn nên vui mừng. Điều đó cho thấy trẻ đã phát triển được tinh thần tự lập và đang dần phát triển khả năng quan sát, tư duy của bản thân.
J.K. Rowling, tác giả tiểu thuyết “Harry Potter” từng nói, mỗi khi có tiệc ở nhà và nhà đông người, Rowling sẽ cảm thấy rất khó chịu, cô thường lẻn vào phòng mình để đọc sách.
Cô nói rằng khi ở một mình, cô cảm thấy vô cùng tự do và thư giãn. Chính vì có nhiều thời gian ở một mình mà Rowling có thể tưởng tượng trong đầu hình ảnh Harry cầm cây đũa thần với đôi mắt viền đen đang bước đi trong học viện phù thủy.
Những đứa trẻ thích yên tĩnh thường có kỹ năng quan sát khá tốt. Phần lớn thời gian chúng thích ở một mình, thích môi trường yên tĩnh và theo đuổi sự ngăn nắp trong thế giới nội tâm của mình. Những đứa trẻ thuộc nhóm này biết mình thích gì, phù hợp với điều gì, có thể làm theo trái tim mình. Ở mỗi ngã rẽ trong cuộc đời, chúng có thể làm theo trái tim mình, làm những gì mình thích và phù hợp với chính mình.
3. Tập trung và kiên nhẫn
Trong cuộc sống, chúng ta sẽ thấy rằng có những đứa trẻ dù cha mẹ có thúc giục hay môi trường ồn ào đến mấy, chúng vẫn luôn làm việc của mình một cách chậm rãi, kiên nhẫn và chăm chú.
Có những lúc đứa trẻ một mình ở nhà chơi một cách vui vẻ, cũng không bao giờ đòi người lớn đưa đi chơi.
Những đứa trẻ như vậy đã quen với việc suy nghĩ sâu sắc và làm việc tập trung, chúng sẽ xử lý mọi việc bằng những suy nghĩ độc đáo của riêng mình.
Tiến sĩ Montessori đã viết trong cuốn sách “Bí mật tuổi thơ” (The Secret of Childhood): Khi chúng ta nhận thấy trẻ thường lặp lại một hoạt động với sự tập trung, không có sự can thiệp từ thế giới bên ngoài và khi trẻ luôn trải qua trải nghiệm này, toàn bộ con người chúng rất vui vẻ và tràn đầy sức sống.
Chúng luyện tập lặp đi lặp lại nhiều lần, chúng làm điều này không phải vì mục đích bên ngoài, mà vì nhu cầu bên trong của trẻ. Trẻ biết mình cần gì, việc tự mình kiếm niềm vui và thỏa mãn với điều đó của chúng không phải là chơi ở nhà một cách vô nghĩa trong mắt người lớn, mà chúng đang lắng nghe tiếng gọi của sự phát triển nội tâm của chính mình.
Những bậc cha mẹ trí tuệ sẽ không ép buộc con mình làm những điều chúng không thích.
Thay vào đó, họ cố gắng khám phá điểm mạnh của con là gì, đồng thời tạo môi trường phù hợp để kích thích điểm mạnh của con và ủng hộ chúng làm những việc chúng yêu thích. Một đứa trẻ ưu tú không thể thành công nếu thiếu sự hướng dẫn của cha mẹ. Sự ưu tú của một đứa trẻ không nhất thiết phải được thể hiện qua thành tích học tập, mỗi phụ huynh đều có những tiêu chí riêng để đánh giá con cái của mình.
Những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong nền tảng giáo dục gia đình tốt sẽ có lòng biết ơn, sự ấm áp, chăm chỉ và kiên cường.
Sự trưởng thành của con cái thường có thể theo dõi được, cha mẹ cần dành cho con sự hỗ trợ tốt nhất để chúng có thể trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Không phải đứa trẻ nào cũng đều ưu tú và vượt trội, vì vậy chấp nhận sự bình thường của con cái chính là sự phi thường của cha mẹ. Chúng ta đã trải qua rất nhiều sóng gió để nuôi dưỡng con cái trưởng thành, nhưng cuối cùng điều chúng ta mong mỏi nhất là con cái có thể sống khỏe mạnh, hạnh phúc và tự lập.
Theo Vision Times