Chúng ta cần uống nước và giữ nước cho cơ thể để duy trì một sức khỏe tốt. Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến ​​​​khác nhau về việc uống bao nhiêu nước mỗi ngày thì đủ.

Đài phát thanh NPR (Mỹ) đã mời Tamara Hew-Butler – phó giáo sư khoa học Vận động tại Đại học bang Wayne, Mindy Millard-Stafford – Chủ nhiệm Phòng Thực nghiệm Sinh lý học Vận động tại Viện Công nghệ Georgia, và Yuki Oka – giáo sư Sinh vật học tại Viện Công nghệ California, để cùng bàn luận về những lầm tưởng trong việc uống nước.

Lầm tưởng thứ nhất: Uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày

Hew-Butler cho biết nước rất quan trọng đối với cơ thể, là thành phần chính của các tế bào và máu; giúp loại bỏ các chất thải qua nước tiểu và làm mát cơ thể qua mồ hôi. 

Nếu chúng ta uống quá ít nước, các tế bào của chúng ta sẽ bị mất nước, nhưng nếu uống quá nhiều nước, các tế bào của chúng ta sẽ phồng lên do hạ natri máu.

​Về việc nên uống bao nhiêu nước mỗi ngày thì tùy theo từng người, tùy vào hình dáng cơ thể, mức độ hoạt động, nhiệt độ và lượng mồ hôi của mỗi người. Không có quy tắc cứng nhắc nào cả. 

Hew-Butler nói: “Lời khuyên tốt nhất là hãy lắng nghe cơ thể bạn. Nếu khát, hãy uống nước. Nếu không khát, bạn không cần uống nước”.

Điều này để tránh tình trạng uống quá nhiều hoặc quá ít.

cân bằng lượng nước; cần uống bao nhiêu nước; bổ sung nước
Tamara Hew-Butler – phó giáo sư khoa học Vận động tại Đại học bang Wayne (ảnh: Physiology)

Ngoài ra, việc giữ nước còn liên quan đến sự cân bằng của muối Natri. Natri rất cần thiết cho các chức năng thần kinh và cơ bắp, cơ thể chúng ta sử dụng natri để kiểm soát lượng chất lỏng trong cơ thể nhằm duy trì đủ nước.

Nói tóm lại, bạn không cần phải sử dụng ứng dụng điện thoại để biết nên uống bao nhiêu nước; bạn chỉ cần tin tưởng vào cơ thể mình và để nó cho bạn biết khi nào nên uống nước.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp ngoại lệ cần chú ý. Một số nghiên cứu cho thấy người lớn tuổi ít nhạy cảm với cơn khát hơn và có thể uống ít nước hơn. Họ cần chú ý uống nhiều nước hơn. Ngoài ra, đối với bệnh nhân mắc bệnh thận có thể uống nhiều nước hơn, nó sẽ tốt cho tình trạng bệnh của họ.

Lầm tưởng 2: Uống nước giúp giảm cân

Có người nói rằng uống nước trước bữa ăn có thể giúp giảm cân vì nó khiến dạ dày có cảm giác no, khiến bạn ăn ít hơn; nhưng nhiều nghiên cứu chính thức lại cho ra kết quả hoàn toàn khác.

Các nhà nghiên cứu đã lập luận rằng, sự liên quan giữa uống nước và giảm cân là rất thấp. Cũng không có bằng chứng nghiên cứu nào chứng minh được rằng uống nước có thể giảm cân.

Một vài nghiên cứu cho thấy uống nước có thể giúp giảm cân khi bạn thay thế đồ uống có đường bằng nước lọc. Nghiên cứu được công bố năm 2012, người ta yêu cầu hơn 300 người thừa cân và béo phì uống nước lọc thay vì uống các loại đồ uống có đường như nước ngọt, trà sữa,… Kết quả, những người này giảm trung bình từ 2% đến 2,5% trọng lượng cơ thể. 

Bản chất là bỏ nước ngọt, giảm lượng đường. Còn đối với người bình thường, và tình huống thông thường thì nó không có tác dụng. 

Lầm tưởng 3: Uống đồ uống thể thao để bổ sung muối và chất điện giải

Các chuyên gia cho rằng nếu bạn tập thể dục hơn một giờ, bạn có thể cần bổ sung lượng muối bị mất qua mồ hôi bằng đồ uống thể thao.

Đồ uống thể thao (ảnh: Making)

Nhưng thực ra bạn không cần phải uống đồ uống thể thao, bạn cũng có thể lấy muối từ thức ăn hoặc đồ uống khác; giống như việc thiếu nước khiến bạn khát nước, cơ thể cũng sẽ cho bạn biết khi nào cần bổ sung muối.

Đại não sẽ theo dõi lượng muối bạn mất đi và sau đó tạo ra cảm giác thèm ăn đồ mặn, hoặc đồ ăn nhẹ có vị mặn, chẳng hạn như đậu phộng. Vì thế, bạn nên tin tưởng vào cơ thể mình và để nó hướng dẫn bạn bổ sung muối.

Lầm tưởng 4: Muốn giữ nước cho cơ thể thì không nên uống cà phê

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đối với những người không quen uống cà phê, uống một lượng lớn cà phê có tác dụng lợi tiểu nhẹ. Đồ uống có chứa caffein ở mức độ vừa phải có thể mang lại tác dụng giữ nước tương tự như đồ uống không chứa caffein.

Millard-Stafford cho biết: “Đồ uống có chứa caffein và ít cồn, chẳng hạn như bia, không khác nhiều so với uống nước”.

5 lầm tưởng trong việc uống nước và giữ nước cho cơ thể
Cà phê là đồ uống có chứa caffeine (ảnh: Shutterstock)

Về cơ bản, ngoại trừ đồ uống có nồng độ cồn cao (như rượu ); tất cả các chất lỏng đều có chức năng giữ nước và đối với thực phẩm cũng vậy. Các chuyên gia cho biết, khoảng 20% ​ dịch lỏng trong cơ thể đến từ nhiều loại thực phẩm khác nhau như rau củ và trái cây.

Vậy nên bạn không cần phải kiêng cà phê quá đâu nhé! Uống với lượng vừa phải thì sẽ không ảnh hưởng gì tới cơ chế giữ nước của bạn.

Lầm tưởng 5: Nước tiểu sẫm màu có nghĩa là bạn bị mất nước

Hew-Butler cho biết, các nhà khoa học thường đo tình trạng mất nước bằng cách xem xét mức natri và các chất rắn khác trong nước tiểu; nhưng đó không phải là cách chính xác nhất để biết liệu mọi người có cần uống nhiều nước hơn hay không.

Cô ấy cho biết nước tiểu của bạn sẫm màu không có nghĩa là cơ thể bạn bị mất nước. Điều đó chỉ có nghĩa là thận của bạn không tiết ra đủ nước để giữ cân bằng lượng natri trong máu. Sẽ chính xác hơn nếu xem xét nồng độ natri trong máu, vì các cảm biến của não sử dụng điều này để xác định lượng nước cơ thể cần.

Millard-Stafford kết luận rằng, để giữ nước cho cơ thể chúng ta cần biết cân bằng, không quá nhiều cũng không quá ít. Hãy để cơ thể tự lên tiếng, thay vì chạy theo các phương pháp chung.

Theo Epochtimes