Nghiên cứu: Làm lợi cho người khác cũng là làm lợi cho chính mình
Ngày càng nhiều người phương Tây thấy rằng việc cho đi và làm lợi cho người khác một cách vô tư có thể giúp họ trở nên khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.
- Nhân quả tuần hoàn: Cứu người cũng là cứu chính mình
- Vốn không có con, nhờ cứu người mà thay đổi vận mệnh
Nội dung chính
Làm lợi cho người khác cũng là làm lợi cho chính mình
Cami Walker, một bệnh nhân mắc chứng đa xơ cứng, đã có kinh nghiệm sâu sắc về việc cho đi. Cô rất tin tưởng vào ‘đơn thuốc’ của một vị cố vấn tinh thần: Đó là mỗi ngày thực hành các hành động làm lợi cho người khác có thể làm chậm sự xuất hiện của bệnh tật và các triệu chứng.
Walker cho biết, trước khi tập cho đi, cô hoàn toàn sống trong thế giới riêng của mình. Cô tập trung vào bệnh tật, tự thương hại mình; sợ mình mãi mãi chỉ có thể ngồi trên xe lăn; sợ mình mất đi tất cả vì bạo bệnh.
Tuy nhiên sau khi chấp nhận lời khuyên của vị cố vấn để thực hành lối sống làm lợi cho người khác, cô bắt đầu tạo cơ hội để đi ra bên ngoài mỗi ngày. Cô tiếp xúc với thế giới bên ngoài và làm những điều có lợi cho người khác.
Walker còn xuất bản một cuốn sách tên là “29 món quà: Cho đi hàng ngày có thể thay đổi cuộc sống của bạn”, để chia sẻ những cải biến và thành quả mà việc làm lợi cho người khác đã mang lại cho cuộc sống của cô.
Giúp đỡ người khác một cách vô tư
Walker đã chỉ ra ở trong cuốn sách rằng: “Tôi đã bị bó buộc khi phải ngồi xe lăn. Vào ngày thứ 14 của thực hành việc cho đi, tôi đã có thể đứng dậy và cơ thể của tôi dần dần được cải thiện… Vì vậy tôi đã uống thuốc ít hơn; cũng không phải trải qua quét MRI”. Nhờ việc làm lợi cho người khác mà mỗi ngày cô đều có chút khác biệt. Walker cho rằng, lối sống làm lợi cho người khác không chỉ giúp cô khỏi bệnh mà còn tạo ra sự thay đổi rất lớn trong cuộc đời cô.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Boston cho thấy, những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính sẽ giảm bớt nỗi đau khi họ có nghĩa vụ tư vấn cho những bệnh nhân khác. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng, những bệnh nhân AIDS mà hay làm lợi cho người khác thì sẽ ít bị căng thẳng hơn những bệnh nhân khác.
Nhiều người đã có trải nghiệm giống như nghiên cứu của Đại học Boston. Ngay lúc họ bị rơi vào tuyệt vọng và chán chường thì lại phải đứng ra giúp đỡ người khác. Nhưng chính trong quá trình đó thì tinh thần của họ tự nhiên hồi phục lại; và dần dần họ cũng tự chữa lành được cho bản thân của mình.
Cho đi chính là một niềm hạnh phúc
Martin Seligman, nhà tâm lý học và cũng là tác giả cuốn “Hạnh phúc đích thực”, đã từng làm một khảo sát. Ông yêu cầu một số học sinh tích cực tham gia các hoạt động khiến họ vui vẻ. Một số khác thì tích cực tham gia các hoạt động làm lợi cho người khác; chẳng hạn như tham gia bếp ăn di động, cửa hàng từ thiện cho người nghèo hoặc nạn nhân thiên tai. Kết quả là cuộc sống của họ đã thay đổi rất nhiều.
Những học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động khiến họ vui vẻ thì ảnh hưởng của niềm vui sẽ nhanh chóng giảm đi theo thời gian. Còn nhóm học sinh tham gia vào các hoạt động làm lợi cho người khác thì sẽ có cảm giác vui vẻ mạnh hơn và kéo dài hơn. Điều này cho thấy rằng, làm lợi cho người khác sẽ khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hơn, và cuộc sống cũng có ý nghĩa hơn.
Các ví dụ đối lập cũng có thể phản ánh lẫn nhau. Một bài báo đăng trên Tạp chí Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng, trong số những bệnh nhân mắc bệnh tim, những người thường xuyên nói về tình trạng của họ có nguy cơ mắc bệnh tim nghiêm trọng hơn những người có suy nghĩ vô tư.
Làm lợi cho người khác là thiên tính của con người
Người ta cũng không biết chính xác tại sao cho đi và làm lợi cho người khác lại khiến cho con người khỏe mạnh hơn. Các nhà sinh vật học tin rằng có một mong muốn mạnh mẽ để giúp đỡ người khác. Ví dụ như đóng góp thời gian và năng lượng cho các hoạt động từ thiện; có thể là có liên quan đến DNA của chúng ta.
Từ quá trình phát triển của loài người, có thể thấy rằng khi con người xuất hiện trên trái đất, việc giúp đỡ người khác có thể đảm bảo sự tồn tại của một bộ tộc hoặc một nhóm. Nếu các nhóm giúp đỡ lẫn nhau thì tỷ lệ sống sót có thể cao hơn.
Vì vậy phương cách “giúp đỡ người khác cũng là giúp đỡ chính mình” đã trở thành thiên tính của sự sinh sôi của con người và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ việc quan sát thiên tính của trẻ em, chúng ta có thể nhận thấy rằng trẻ em sẵn sàng giúp đỡ và hợp tác với nhau hơn so với người lớn.
Lòng tốt tuần hoàn, cho đi để nhận lại
Walker chia sẻ: “Cho đi là sự phó xuất đến từ nội tâm. Đó là sự cẩn thận trong hành động; cho dù là bạn có biết người tiếp nhận nó hay không. Dù thứ bạn tặng là vật phẩm hữu hình hay vô hình như thời gian và lời động viên, hãy cứ cho đi và mọi thứ sẽ đều có ý nghĩa”. Tất nhiên có một điều phải lưu ý rằng, khi bạn muốn cho ai một cái gì đó thì bạn không nên mong đợi họ sẽ báo đáp lại cho bạn.
Điều không ngờ là làm lợi cho người khác thì bản thân lại có thể thu được lợi ích lớn hơn. Câu nói “cho đi để nhận lại” quả thực cũng rất đúng!
Theo Epoch Times
Xem thêm Video: