Câu chuyện trí tuệ của Ả Rập: Chia 17 con lạc đà cho 3 người con
Chúng ta đã quá quen với tư duy “phép trừ” và phải tìm ra kết quả rõ ràng, nhưng câu chuyện trí tuệ sau đây sẽ cho bạn một góc nhìn mới.
- Thuật giả kim dưới góc nhìn của phương Tây và phương Đông và vấn đề luyện đan
- 6 tấm gương phản chiếu con người bạn
Câu chuyện trí tuệ ở Ả Rập
Một cụ già qua đời đã để lại 17 con lạc đà cùng di chúc cho 3 người con trai. Theo di chúc, con trưởng được một nửa số lạc đà, con thứ hai được 1/3 số lạc đà, con thứ ba được 1/9 số lạc đà.
Bây giờ vấn đề liền nảy sinh, 17 con lạc đà không thể chia thành 2, 3 hay 9, thế thì phải giết 2 con lạc đà và phân chia thì mới đủ. Nhưng một con lạc đà chết chẳng có giá trị gì, nên 3 anh em vì vấn đề này mà gặp rắc rối lớn, thậm chí dẫn đến hiềm khích giữa họ, cuối cùng họ không còn cách nào khác là phải hỏi ý kiến của tộc trưởng.
Sau khi tộc trưởng biết được sự việc, ông ấy cười nói rằng, để giúp 3 anh em sống hòa thuận nên ông quyết định tặng cho họ một con lạc đà khác, tổng cộng là 18 con.
Như vậy, người con cả được 9 con lạc đà, trong khi người con trai thứ 2 được 6 con lạc đà và người con thứ 3 được 2 con lạc đà. Điều thú vị là tổng số lạc đà mà 3 anh em sở hữu vẫn là 17 con, con lạc đà được thêm vào được trả về nguyên vẹn cho tộc trưởng.
Câu chuyện này được đưa vào rất nhiều sách tham khảo toán học hoặc các câu đố trí tuệ, thực chất nó không chỉ là một bài toán, mà nó còn cho chúng ta biết trí tuệ khi giải quyết vấn đề.
Câu chuyện chia tiền xe taxi
Trong đời thực cũng xảy ra tình huống tương tự như vậy.
Một câu chuyện thú vị đã xảy ra với ông Hà Tiến Tài, nguyên là Vụ trưởng Vụ Xã hội của Bộ Giáo dục Đài Loan.
Quê hương của ông Hà ở Tân Cảng, Gia Nghĩa, nếu đi tàu hoả từ Đài Bắc về Gia Nghĩa, ông sẽ phải tốn thêm 200 Đài tệ để đi taxi mới về tới nhà.
Có một lần, ông Hà bắt tàu hoả về quê, lúc lên taxi ông chợt nghĩ, chỉ có một người đi taxi thì tốn 200 Đài tệ, 3 người thì cũng là giá tiền này thôi, sao không tìm 2 người đồng hương để họ đi xe miễn phí một đoạn đường.
Quả nhiên, sau khi hỏi thăm thì tìm được 2 người đồng hương cùng bắt xe về Tân Cảng.
Trên đường trở về nhà, 3 người nói chuyện hàn huyên vui vẻ. Sau khi trò chuyện, họ phát hiện ra ông Hà làm việc ở Bộ Giáo dục và luôn được dân làng kính trọng. Lúc này, 2 người đồng hương được đi nhờ đồng thanh nói: “Anh Hà, vừa rồi tôi không biết anh, nên mới nhờ anh trả tiền cho tôi. Bây giờ tôi đã biết anh rồi, để tôi trả tiền cho anh nhé!”
Ông Hà liền vội vàng xua tay từ chối, thế là 3 người đều muốn trả tiền.
Lúc này, tài xế taxi lên tiếng: “Các bạn đồng hương, tôi cũng là người Tân Cảng. Điều này thật tuyệt vời. Các anh mỗi người góp 100 Đài tệ thì sẽ tiết kiệm được 100 Đài tệ so với việc đi taxi một mình. Cũng để cho tôi kiếm thêm được 100 Đài tệ, như vậy thì mọi người đều được lợi 100 Đài tệ!”
Thế là, trong xe tràn ngập tiếng cười, mọi người đều nhất trí tán thành.
Trên thực tế, có rất nhiều cách để giải quyết vấn đề, nhưng trong xã hội hiện đại đầy áp lực và cạnh tranh ngày nay, chúng ta đã quá quen với việc sử dụng tư duy “phép trừ”, nhằm tìm kiếm một kết quả thắng bại rõ ràng, đến cuối cùng thì cả hai đều chịu thua thiệt.
Có lẽ chúng ta nên tìm hiểu thêm về tư duy “phép cộng” và không theo đuổi mục tiêu thắng thua thiệt hơn. Chúng ta nên cho đi nhiều hơn và tạo ra tình huống đôi bên cùng có lợi. Chẳng phải mọi người đều vui vẻ sao?
Theo Vision Times