8 câu khen con đúng cách mà các bậc cha mẹ cần biết
Những lời khen mang lại nhiều cảm xúc tích cực cho trẻ. Nhưng khen như thế nào là cả một nghệ thuật và sự dụng tâm đầy trí tuệ. Dưới đây là 8 câu khen con đúng cách mà các bậc cha mẹ cần biết.
Khi người lớn nói: “Con thật thông minh, con thật giỏi”, sẽ khiến bất kỳ đứa trẻ nào cũng rất vui. Các nhà giáo dục và các bậc phụ huynh đều biết rằng lời khen ngợi có thể kích thích sự nhiệt tình và tự tin của trẻ trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, nuôi dạy con cái là một hành trình dài. Làm thế nào để lời khen ngợi phát huy được hiệu quả tốt nhất? Làm thế nào để tăng cường sự tự tin của trẻ mà không khiến chúng trở nên tự mãn? Đây là vấn đề nan giải mà nhiều bậc cha mẹ sẽ gặp phải.
Dưới đây là 8 câu khen con đúng cách, giúp cha mẹ có được phương thức đúng đắn để biểu đạt sự tán dương với con, để con trưởng thành theo phương hướng tốt hơn.
Nội dung chính
1. “Mẹ biết con đã nỗ lực rất nhiều, điều này thực sự rất đáng khen”
Khi trẻ nỗ lực hết mình để đạt được một mục tiêu nào đó, dù kết quả không hoàn hảo thì chúng ta cũng nên nhấn mạnh sự cố gắng và nỗ lực của trẻ.
Ví dụ, nếu một đứa trẻ luyện tập nhiều lần để chuẩn bị một bài phát biểu, ngay cả khi mắc một số lỗi nhỏ, chúng ta có thể nói: “Con đã rất cố gắng cho bài phát biểu rồi, điều này rất đáng khen. Mẹ tin là lần sau con sẽ làm tốt hơn. Cố lên!”
Những lời khen ngợi này có thể giúp trẻ hiểu được sự chăm chỉ và nỗ lực là một đức tính đáng quý, đáng được khen ngợi và nên phát huy.
2. “Sáng kiến này thật hay, mẹ cũng không nghĩ ra được”
Khi trẻ thể hiện sự sáng tạo hoặc nghĩ ra những ý tưởng mới lạ, cha mẹ nên ghi nhận và khen ngợi trẻ.
Ví dụ, nếu một đứa trẻ chế tạo một con robot nhỏ từ những đồ bỏ đi, chúng ta có thể nói:
“Thật là sáng tạo. Mẹ không ngờ con có khả năng sáng tạo và giàu trí tưởng tượng như vậy, lại có thể biến rác thành đồ chơi. Mẹ hy vọng con sẽ làm được nhiều tác phẩm xuất sắc như thế này nữa”.
Khen ngợi con kịp thời trong những tình huống như vậy, có thể kích thích khả năng sáng tạo của trẻ, khiến trẻ tự tin hơn trong việc thử sức và khám phá.
3. “Thái độ làm việc của con thật nghiêm túc, rất có trách nhiệm và rất đáng khen”
Khi trẻ thực hiện công việc được giao một cách nghiêm túc và có trách nhiệm, cha mẹ nên khen ngợi trẻ kịp thời.
Ví dụ, nếu một đứa trẻ chủ động làm việc nhà và hoàn thành nó một cách gọn gàng ngăn nắp. Cha mẹ có thể nói:
“Con làm việc nghiêm túc quá nhỉ? Rất có trách nhiệm và rất đáng được khen ngợi. Sự tự giác và độc lập này của con khiến mẹ tin rằng tương lai con nhất định sẽ thành công”.
Những lời khen ngợi như vậy có thể giúp trẻ hiểu rằng sự tận tâm và trách nhiệm là một phẩm chất rất quan trọng và là chìa khóa dẫn đến thành công trong tương lai của trẻ.
4. “Con tiến bộ nhanh thật đấy!”
Khi con có tiến bộ trong học tập hay cuộc sống, cha mẹ nên ghi nhận và động viên kịp thời.
Ví dụ, nếu điểm số của một đứa trẻ đã cải thiện đáng kể, chúng ta nên khích lệ con:
“Con tiến bộ nhanh quá nhỉ? Thật tự hào về con. Sự chăm chỉ và kiên trì sẽ được đền đáp, cứ tiếp tục duy trì đà tiến bộ này nha”.
Những lời khen này có thể khiến trẻ cảm nhận được sự trưởng thành và tiến bộ của bản thân; từ đó nâng cao sự tự tin và động lực học tập của trẻ.
5. “Cách xử lý này rất tốt. Mẹ đánh giá cao sự bình tĩnh và lý trí của con”
Khi trẻ giữ được bình tĩnh và lý trí khi gặp vấn đề khó khăn thì cha mẹ nên dành nhiều lời khen ngợi để khích lệ.
Ví dụ, nếu một đứa trẻ không nản lòng hay bỏ cuộc khi gặp khó khăn trong học tập hoặc các vấn đề khác trong cuộc sống, mà cố gắng giải quyết vấn đề bằng nhiều cách khác nhau. Cha mẹ hãy kịp thời động viên con: “Cách làm này rất tốt. Giữ được sự bình tĩnh trước khó khăn áp lực và xử lý các vấn đề một cách lý trí là điều rất xuất sắc. Con cứ phát huy điều đó thì sau này con sẽ gặt hái được nhiều điều tốt đẹp”.
Câu nói này giúp trẻ hiểu rằng sự bình tĩnh và lý trí là những phẩm chất quan trọng trong việc giải quyết vấn đề và cũng là chìa khóa dẫn đến thành công trong tương lai của trẻ.
6. “Con có kỹ năng phối hợp tốt đấy. Điều này thật khó khăn nhưng con đã làm được”
Khi trẻ thể hiện tinh thần đồng đội tốt và khả năng hợp tác khi làm việc với người khác, cha mẹ nên khen ngợi và ghi nhận đầy đủ.
Ví dụ, nếu một đứa trẻ tích cực tham gia các hoạt động nhóm, sẵn sàng giúp đỡ người khác và đóng góp vào sự thành công của nhóm, chúng ta có thể nói: “Con có kỹ năng làm việc nhóm tốt đấy. Đây là một tố chất tốt, có thể giúp con trở nên thành công hơn sau này.”
Những lời khen ngợi như vậy có thể giúp trẻ hiểu rằng làm việc nhóm là một kỹ năng rất quan trọng trong sự phát triển bản thân.
7. “Thất bại mà không nản, con thật dũng cảm. Mẹ tin là con sẽ học được nhiều điều từ nó”
Khi trẻ có thể giữ được thái độ dũng cảm và lạc quan trước thất bại, cha mẹ nên dành cho trẻ những lời khen ngợi và khẳng định đầy đủ.
Ví dụ, nếu một đứa trẻ không đạt được kết quả như mong muốn trong một cuộc thi nhưng không nản chí, bỏ cuộc mà bày tỏ rằng mình sẽ tiếp tục nỗ lực để nâng cao khả năng của mình. Cha mẹ cần khích lệ: “Thật là dũng cảm! Chắc hẳn là con đã học được nhiều điều từ nó. Cố lên!”
Điều này giúp trẻ hiểu rằng thất bại không có gì khủng khiếp, điều quan trọng là cách đối mặt với nó và học hỏi từ nó.
8. “Con là đứa trẻ ngoan và lương thiện, mẹ tự hào về con”
Khi con cái thể hiện sự thiện lương và lòng trắc ẩn, cha mẹ nên khen ngợi và ghi nhận đầy đủ.
Ví dụ, nếu một đứa trẻ chủ động giúp đỡ khi thấy người khác gặp khó khăn, hoặc quan tâm và giúp đỡ người bị tổn thương, cha mẹ nên bày tỏ thái độ hưởng ứng của mình: “Sự thiện lương và lòng trắc ẩn của con khiến mẹ tự hào. Điều này cũng giúp con có được nhiều bạn tốt và hạnh phúc hơn trong tương lai”
Lời khen đúng đắn này sẽ khơi dậy thiện tâm của đứa trẻ, giúp chúng hiểu rằng thiện lương là yếu tố quan trọng của hạnh phúc.
Khen con đúng cách là cả một nghệ thuật. Nó đòi hỏi sự dụng tâm của các bậc cha mẹ trong việc tìm kiếm những ưu điểm để cổ vũ, khích lệ con kịp thời, giúp chúng tự tin và không ngừng nỗ lực phát triển bản thân.
Theo Visiontimes