Bả danh lợi khiến nhiều người bán rẻ linh hồn
Ngày nay có người chỉ vì chút danh lợi mà bán rẻ linh hồn của mình, đúng là “ma đưa lối, quỷ đưa đường; lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”(*).
Con người sống mà truy cầu lợi ích thì không có gì sai, nhưng vì lợi ích mà làm những việc trái với lương tâm của mình thì cũng không khác nào đang bán rẻ linh hồn cho quỷ dữ, bởi vì một khi chúng ta thỏa thuận với cái ác trong tâm thì cái ác đó sẽ lớn dần và đến một lúc nào đó nó sẽ xâm chiếm toàn bộ linh hồn chúng ta.
Vậy một người có đạo nghĩa khi đối diện với dụ hoặc của danh lợi thì sẽ xử sự như thế nào? Có một câu chuyện kể về Tằng Tham, nhà Nho nổi tiếng thời Xuân Thu, ông là người nước Lỗ và là một trong 72 học trò tài đức của Khổng Tử.
Sau khi cùng Khổng Tử rời nước Sở trở về nước Lỗ, ngày nào cũng vậy, Tằng Tham ban ngày cày ruộng còn buổi tối thì học cho tới tận đêm khuya. Do không đảm nhận chức quan nào nên cuộc sống của ông vô cùng khó khăn.
Vua nước Lỗ khi đó nghe nói đến phẩm hạnh của Tằng Tham, đã quyết định tặng ông một thực ấp. Tằng Tham kiên quyết từ chối, nói rằng ông không làm thì không hưởng. Sứ giả được phái đến thuyết phục ông: “Không phải do tiên sinh cầu xin thì sao lại không nhận?”
Tằng Tham chân thành đáp: “Tôi thường nghe người ta nói rằng kẻ cho thì kiêu ngạo, kẻ nhận thì phải khúm núm. Cho dù người cho đó không hề kiêu ngạo, làm sao tôi có thể không khúm núm?” Khổng Tử biết được sự việc này, ông đã khen ngợi học trò: “Lời nói của Tằng Tham đủ để giữ tròn tiết tháo của trò ấy”.
Đúng như câu nói của Tằng Tham, cho dù người cho không kiêu ngạo thì người nhận cũng khó tránh khỏi phải khúm núm. Hay như người xưa cũng hay nói “của biếu là của lo, của cho là của nợ”, đã nhận ân của người khác thì lại phải tìm cách báo ân. Đặc biệt là khi ân nhân yêu cầu chúng ta làm một việc gì không đúng đắn lắm, liệu lúc đó chúng ta có đủ kiên định để từ chối hay không? Đối với người giúp chúng ta một cách vô tư thì không sao, nhưng với người đầy tâm cơ thì miếng mồi danh lợi họ đưa ra lại không hề đơn giản.
Học giả Nguyễn Hiến Lê được nhiều người nể phục vì ông đã 2 lần từ chối không nhận giải Tuyên dương sự nghiệp văn học nghệ thuật do chính quyền Sài Gòn trao tặng. Khi có một số bạn hữu thắc mắc tại sao lại làm như thế thì ông cho hay: “Nguyên tắc của tôi là không nhận một vinh dự gì do một chính quyền tôi không trọng ban cho”. Được biết số tiền dành cho giải thưởng bấy giờ rất cao, lên tới 1.000.000 đồng, tương đương với 25 lượng vàng.
Ở đây cũng không phải muốn nói chính quyền Sài Gòn như thế nào, mà là muốn nói chí khí của học giả Nguyễn Hiến Lê. Bản thân ông có điều không đồng tình với chính quyền đó nên cũng không muốn nhận ân huệ của họ, vì nếu nhận rồi thì sẽ khó tránh khỏi những gượng gạo về sau.
Người ta nói “cưỡi hổ khó xuống”, đã vướng phải “bả danh lợi” rồi thì muốn buông ra cũng khó. Nó cứ mê hoặc con người ta dần dần, từng bước xâm chiếm linh hồn họ, mãi cho đến lúc họ hoàn toàn đánh mất bản thân mình.
Khổng Tử nói: “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo”. Nghĩa là quân tử coi trọng của cải nhưng không thể tùy tiện nhận của cải khi chưa biết được nguồn gốc và mục đích của nó. Nhìn lại cách hành xử của Tằng Tham và học giả Nguyễn Hiến Lê thì đúng là cách hành xử của bậc quân tử, cuộc sống dù khó khăn nhưng không thể để danh lợi mê hoặc.
Chỉ là thời nay tốt xấu đảo lộn, người ta “chê người nghèo mà không chê kỹ nữ”, người ta tôn trọng và ngưỡng mộ người giàu mà không cần biết người đó làm giàu bằng cách nào; người ta khinh thường và cười chê người nghèo mà không cần biết đức hạnh của người đó ra sao. Sự cao quý của một người đáng lý phải nhìn vào đạo đức và phẩm hạnh của họ, nhưng nay lại dùng kim tiền làm thước đo. Vậy nên thế gian mới xảy ra nhiều chuyện oái ăm, nào là “bố đường”, “con gái đường”, chân dài cặp đại gia… những chuyện đáng xấu hổ đó lại dần được cho là việc bình thường; người ta tôn sùng danh lợi, “thà khóc trên xe hơi còn hơn là cười trên xe đạp”, không còn coi trọng đạo đức luân lý.
Rất nhiều tín ngưỡng đều công nhận sự tồn tại của linh hồn và luân hồi, coi thân xác phàm chỉ là nơi linh hồn ở tạm trong quãng thời gian ngắn ngủi ở trần gian, vậy nên mất đi linh hồn thì người đó coi như đã chết. Trong kinh Tân Ước có kể lại chuyện quỷ dữ cám dỗ Chúa Giê-su. Trong lần cám dỗ cuối cùng, nó đã đưa Chúa Giê-su đến một ngọn núi, để Ngài có thể nhìn thấy vẻ đẹp của toàn bộ những vương quốc trên mặt đất, và hứa hẹn rằng nếu Chúa Giê-su từ bỏ đức tin thì sẽ được toàn quyền cai trị thế giới này. Ác quỷ nói: “Tôi sẽ cho ông tất cả quyền lực và vinh quang, vì tất cả là của tôi, và tôi có thể cho ai tuỳ ý, nếu ông thờ lạy tôi, tất cả sẽ thuộc về ông”. Tuy nhiên Chúa Giê-su đã kiên định trả lời: “Người được cả thế gian mà lại đánh mất linh hồn thì sẽ được ích lợi gì? Người ta sẽ đánh đổi điều gì để cho đi linh hồn của mình đây?”
Những người vì danh lợi mà cúi đầu thì cũng là đang từng bước bán đi linh hồn của mình, quỷ dữ sẽ xâm chiếm từng phần cho đến khi khống chế hoàn toàn. Người ta hay nói “tướng tùy tâm sinh”, có người bạn gặp thấy rất hiền lành, nhân hậu; có người vừa gặp đã thấy ớn lạnh, tàn ác; những cảm nhận này không phải là vô căn cứ, nó là những thứ ẩn sâu trong tâm hồn thông qua thân thể mà biểu hiện ra ngoài; vậy nên một người đã bị tà ác khống chế hoàn toàn thì không những hành vi quái đản mà trường khí xung quanh người đó cũng có thể khiến người ta không lạnh mà run.
Cho nên, chúng ta phải kiên định với chính kiến của mình, không thể làm việc trái với lương tâm dù chỉ một lần, vì khi đã mắc câu thì sẽ khó tự gỡ ra được. Con người ngày nay dễ bị lung lay trước danh lợi là do đã không còn được câu thúc bởi những giá trị văn hóa truyền thống, trở nên yếu nhược trước những dụ dỗ mê hoặc. Nếu có thể trang bị cho bản thân một nền tảng văn hóa truyền thống sâu sắc, thì cũng như mặc một chiếc áo giáp kiên cố để bảo vệ bản thân khỏi những chiêu trò của quỷ danh lợi; người có đạo nghĩa trong tâm thì ma quỷ cũng không dám lại gần.
(*): Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du.