Sự tham lam của con người có thể khiến bản chất thiện lương trở nên mờ nhạt, rồi tự đánh mất đi cơ duyên tốt đẹp. Đã có những bài học giáo huấn về việc này.

 Cổ nhân giảng “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, rất nhiều người có bản tính thiện lương, có khát khao đẹp đẽ hướng tới tiên giới và tôn kính Thần Phật. Chỉ vì mê mờ trong cõi hồng trần, biết rõ làm thần tiên tốt hơn làm người thường nhưng không vứt bỏ được tâm tham cùng những ràng buộc nhân tâm; cuối cùng không thể giải thoát. Cho dù thực sự gặp được người có đạo, dưới sự xúi giục của sự tham lam cũng mất đi phúc phận và sự lương thiện vốn có của mình.

Truyền thuyết về giếng rượu nhà Minh lưu lại bài học giáo huấn về hậu quả của lòng tham của con người.

Bài học giáo huấn về si mê và tỉnh ngộ

Trong hồi đầu tiên của Hồng Lâu Mộng, Chân Sĩ Ẩn chống gậy ra phố chơi cho đỡ buồn, chợt thấy một vị đạo sĩ khiễng chân, giày gai áo rách, ngông cuồng phóng túng, tập tễnh đi đến, miệng đọc mấy câu:

Người đời đều cho thần tiên hay,

Mà chuyện công danh lại vẫn say!

Xưa nay tướng soái nơi nào đây,

Một dãy mồ hoang cỏ mọc đầy!

Người đời đều cho thần tiên hay.

Những hám vàng bạc lòng không khuây!

Suốt ngày những mong chứa cho đầy,

Đến lúc dầy rồi nhắm mắt ngay!

Người đời đều cho thần tiên hay!

Nhưng thích vợ đẹp lòng không khuây!

Lúc sống ái ân kể suốt ngày,

Lúc chết liền bỏ theo người ngay!

Người đời đều cho thần tiên hay!

Muốn đông con cháu lòng không khuây!

Xưa nay cha mẹ thực khờ thay,

Con hiền cháu thảo ai thấy đây!

Từng câu từng chữ như nói rõ sự thực nơi cõi hồng trần. Cả đời mong cầu công danh lợi lộc, cuối cùng thành mồ hoang mọc cỏ đầy; Người thế gian cả đời lao tâm khổ tứ vì công danh lợi lộc, cuối cùng quay đầu lại vì tiền mà mất mạng, nhưng chẳng thể mang theo được gì; những người đàn ông đều ham thích có vợ đẹp, ham luyến mỹ sắc, nhưng vừa chết thì vợ đã tái giá lấy người khác; cha mẹ cả đời hết lòng vì con cháu, nhưng có mấy ai có thể hiếu thuận phụng dưỡng cha mẹ tới già. 

Si mê là hồ đồ, tỉnh ngộ là chân tướng

Đây là bài thơ cổ nổi tiếng Hảo liễu ca, lời thơ ý tứ thẳng thắn, nghe có vẻ rất đơn giản. Phàm ai đã đọc qua Hồng Lâu Mộng, ngay cả khi bạn chỉ đọc nó một lần, cũng không thể quên bài “Hảo liễu ca” này. Bài ca nói thật tài tình, thật chí lý; nói tận cùng những si mê và thanh tỉnh của một đời người. Si mê và tỉnh ngộ của một đời người đều nằm trong hai mặt của chiếc gương báu đó; chiếu chính diện thì là si mê hồ đồ, chiếu phản diện mới là chân tướng.

bài học giáo huấn
Si mê và tỉnh ngộ của một đời người đều nằm trong hai mặt của chiếc gương báu (ảnh: Pinterest).

Tóm lại, ý từ bài thơ muốn đúc kết đó chính là: Người ta sống trong kiếp nhân sinh này, tham vọng quá nhiều, tính toán quá nhiều; khi đại nạn đến những sự vật mà ta khổ cực theo đuổi; mưu cầu đều sẽ không thể mang theo được. 

Chân Sĩ Ẩn là người thông minh, có túc duyên, nghe bài thơ này của vị đạo sĩ, trong lòng đột nhiên tỉnh ngộ ngay lập tức. Từ đó đi theo vị đạo sĩ què, vận mệnh xoay chuyển, sinh mệnh vì vậy cũng được thăng hoa.  

Giếng rượu ở Đồng Lư và bài học giáo huấn

Vào thời nhà Minh, có một truyền thuyết về giếng rượu ở huyện Đồng Lư, tỉnh Chiết Giang. Theo ghi chép trong “Khoái Viên”, tương truyền có một đạo sĩ du hành đến đây. Người này uống rất nhiều rượu trong quán. Mỗi khi uống xong đều rời đi, chỉ nói lời cảm ơn với chủ quầy. Người chủ quán rượu cũng không đề cập tới tiền rượu là bao nhiêu. Mỗi lần đạo sĩ đến, chủ tiệm đều tiếp đãi lịch sự và tôn trọng. Sự việc như vậy cứ diễn ra trong một thời gian dài.

Một hôm, đạo sĩ từ biệt chủ quán. Nói rồi, ngài lấy ra hai viên thuốc từ chiếc trống da cá mang theo; viên thuốc có màu vàng và cứng. Nó to bằng quả nhãn, ném xuống giếng gần đó và nói với chủ quán: “Nhiều lần làm phiền ông cung cấp rượu và đồ ăn ngon; lại khoản đãi ân cần, mà tôi không có gì báo đáp. Hôm nay tôi sẽ ném những viên thuốc này xuống giếng. Như vậy ngày nào ông cũng có thể cung cấp rượu ngon cho khách, không cần vất vả nấu rượu nữa”. Nói xong, đạo sĩ rời đi.

Ngày hôm sau, nước trong giếng sôi lên, khi lấy ra, chính là thứ rượu ngon có mùi thơm và trong vắt. Mùi thơm của rượu êm dịu làm say lòng người. Vì vậy, nó được gọi là “rượu tiên”.

Lòng tham vô đáy cản trở sự thăng hoa của sinh mệnh

Chủ quán không cần phải vất vả nấu rượu từ đó cũng có thể thu được lợi nhuận khổng lồ. Dựa vào viên thuốc của  đạo sĩ, chủ quán tích lũy được gia tài khổng lồ từ việc bán rượu. Sau 30 năm kinh doanh rượu, ông đã trở thành một người giàu có.

bài học giáo huấn
Con người biết rõ làm thần tiên tốt hơn làm người thường nhưng không vứt bỏ được những ràng buộc nhân tâm (ảnh: thời đại thức tỉnh tâm linh).

Sau khi đạo sĩ bỏ những viên thuốc vào giếng, ông im hơi lặng tiếng và biến mất. Ba mươi năm sau, một ngày nọ, một đạo sĩ lại đến huyện Đồng Lư để thăm người chủ quán.

Đạo sĩ ung dung hỏi người chủ: “Gia đình ông kiếm được bao nhiêu tiền kể từ khi có giếng rượu?”

Ông chủ quán nói: “Rượu quả là rượu ngon nhưng lại thiếu bã rượu để nuôi heo nên có chút tiếc nuối”.

Đạo sĩ thở dài nói: “Trong lòng bất bình đến bước này rồi sao?”. Nói xong, đạo sĩ duỗi cánh tay xuống giếng lấy ra những viên thuốc trước đó đã bỏ vào. Điều kỳ lạ là những viên thuốc này đã được ngâm trong nước nhiều năm, không những không tan chảy mà ngay cả màu sắc cũng giống hệt như ba mươi năm trước, cũng không thay đổi chút nào. Sau khi đạo sĩ cất những viên thuốc đi, hơi rượu trong giếng cũng biến mất. Nước giếng khôi phục lại mùi vị như cũ và không còn mùi rượu nữa.

Bài học giáo huấn về lòng tham của con người

Người chủ cảm thấy rất xấu hổ và hối hận vì việc lỡ lời của mình. Từ đó, hoạt động kinh doanh của quán rượu cũng trở nên ế ẩm. Vào thời nhà Minh, khi Tiền Hy Ngôn ghi lại sự việc, giếng rượu ở huyện này vẫn còn. Câu chuyện đã được lưu truyền rộng rãi trong dân gian.

Người chủ quán rượu vốn có bản tính thiện lương, đối xử lịch sự, cung kính với đạo sĩ. Vị đạo sĩ cũng báo đáp một cách hậu hĩnh. Tuy nhiên, sự tham lam trong lòng mỗi người khiến bản chất thiện lương trở nên mờ nhạt; dần tăng lên và trở thành vô đáy cuối cùng trở thành trở ngại cho vận mệnh của mình.

Có lẽ lời nhắc nhở về lòng tham của con người luôn là hữu ích.

Theo Visiontimes