Cao nhân không dễ lộ mình, họ thường che giấu đi tài năng của bản thân, nhờ đó mà tránh được rất nhiều rắc rối không cần thiết.

Cây đại thụ và cây nhỏ

Có một câu chuyện như sau: Một cây đại thụ và một cây nhỏ cùng sinh trưởng trên một mảnh đất. Cây đại thụ với hình dáng to lớn hùng vĩ, tán cây chiếm nhiều không gian để hấp thụ ánh sáng mặt trời, bộ rễ cũng đâm sâu để hấp thụ nhiều tinh hoa của đất. Còn cây nhỏ thì chỉ có thể nép mình dưới những cây khác.

Một đêm nọ trời bỗng nổi cơn giông bão, đến hôm sau gió ngừng mưa tạnh, cây đại thụ đã bị bật gốc, nhưng cây nhỏ vẫn bình an vô sự. 

Che giấu tài năng mới là người trí tuệ
Cây cao dễ bị gió bão quật đổ, cây nhỏ, cỏ dại có thể náu mình mà bình an (ảnh: Aliexpress)

Cây đại thụ lấy làm lạ bèn hỏi cây nhỏ: “Trước cơn cuồng phong, tại sao cây lớn không thể qua được, nhưng cây nhỏ lại có thể bình an thoát nạn?”.

Cây nhỏ đáp rằng: “Chả lẽ bạn đã quên lời người xưa nói ‘Mộc tú vũ lâm, phong tất tồi chi’ (một cây cao hơn cả khu rừng chắc chắn sẽ bị gió quật đổ)”.

Cũng giống như một người xuất chúng thì dễ bị người khác sinh lời đàm tiếu, dị nghị. Bi kịch của cuộc đời chẳng qua là cố gắng phô trương bản thân để đạt được vinh quang cao nhất, nhưng cuối cùng, một khi thất bại, nó sẽ trở thành điểm ngắm của mọi người. 

Trong đời, một người biết kính sợ và hiểu được cách để che giấu tài năng, mới có thể thận trọng trong lời nói và việc làm, tìm kiếm vận may và tránh tai họa.

Quỷ Cốc Tử từng nói: “Thánh nhân chi đạo, tại ẩn dư nặc“, có nghĩa là Đạo của Thánh nhân chính là ở chỗ biết ẩn mình và che giấu. Một người thực sự mạnh mẽ kỳ thực giống như một bông lúa chín, có thể khom lưng và cúi đầu. Bất kể bạn cư xử hay hành động như thế nào, che giấu bản thân là sự khôn ngoan tuyệt vời trong cuộc sống.

Người xưa hiểu được đạo lý che giấu tài năng của bản thân

Trong “Lễ ký _ Biểu ký” có nói: “Quân tử bất tự đại kỳ sự, bất tự thượng kỳ công”, ý tứ rằng người quân tử không kiêu ngạo về công việc của mình, cũng không tự hào về công trạng của mình. Thay vào đó, họ sẽ ẩn giấu tài năng của bản thân. Con người dù sao cũng không phải Thánh nhân, vẫn còn rất nhiều tâm xấu ẩn sâu, và đặc biệt đáng sợ đó là lòng ghen tị; có người thà chấp nhận thành công của người lạ, chứ khó có thể chịu đựng được sự xuất sắc của những người xung quanh mình.

Che giấu tài năng mới là người trí tuệ
Cao nhân bên trong mạnh mẽ nhưng bên ngoài dường như yếu đuối (ảnh: cgtn)

Vì vậy, bản sự của bạn giống như cái gai, dễ làm tổn thương người khác. Từ xưa đến nay, các bậc cao nhân thường mạnh mẽ bên trong nhưng bên ngoài lại thường tỏ ra yếu đuối; dũng cảm bên trong và nhút nhát bên ngoài; khôn ngoan bên trong và ngốc nghếch bên ngoài. Bởi vì họ hiểu rằng kiêu ngạo không thể khiến người khác tâm phục, thâm sâu khó dò mới là phong thái của người trí tuệ. 

Vào thời Tam Quốc, Tuân Du phò tá Tào Tháo. Tuy rằng địa vị thuộc hàng nhất nhì không ai sánh bằng, nhưng ông luôn tâm niệm rằng “Công cao không thể lấn chủ, sắc sảo không thể xúc phạm người”.

Tuân Du là người tài trí mưu lược, dụng binh xuất chúng, nhiều lần giúp Tào Tháo đại thắng nhưng chưa bao giờ thể hiện tài năng của mình. Mỗi lần hiến kế, ông sẽ luôn cố tình mắc một lỗi nhỏ để Tào Tháo sửa cho mình, và cố tình đưa ra kế thấp hơn Tào Tháo một nửa.

Khi nhận được phần thưởng, ông sẽ luôn ghi nhận công của những người cố vấn khác và nói rằng ông cũng nhận được chỉ điểm của họ. Chính vì Tuân Du đã che giấu công trạng, trí tuệ và tâm trạng của mình mà ông đã nắm quyền hơn 20 năm. Bất kể tình thế thay đổi như thế nào, ông vẫn luôn bất khả chiến bại.

Người xưa có câu: “Thiên bất ngôn tự cao, địa bất ngôn tự hậu“, có nghĩa là trời vốn tự cao, đất vốn tự dày mà không cần đến lời nói, không cần khoe khoang. Do đó, người thực sự có năng lực, có nội hàm sẽ biết cách ẩn mình, không mở miệng khoe khoang bản thân với người khác.

Người không biết “ẩn mình” dễ gặp tai họa

Vào đời nhà Tống ở Trung quốc có một đôi bạn thân, cả hai người đều học rộng, tài cao. Đó là nhà văn Vương An Thạch và nhà thơ Tô Đông Pha. Cả hai đều văn hay chữ tốt và có những tác phẩm rất nổi tiếng, Vương An Thạch giữ chức Tể tướng Còn Tô Đông Pha thì làm quan cai trị một vùng.

Có một lần Tô Đông Pha thấy Vương An Thạch tả cảnh mùa đông lạnh lẽo, tuyết rơi, hoa cúc rụng tơi tả. Ông thấy không đúng vì trên thực tế không bao giờ có chuyện hoa cúc lại rụng. Hoa cúc cho dù tàn héo nó vẫn cứ bám vào đài và thân hoa cho đến khi cây cúc chết. Nghĩ vậy, ông cầm bút viết ngay vào bên cạnh bài của tác giả để nói thẳng với tác giả rằng “Hoa cúc không bao giờ rụng cả”.

Về sau Tô Đông Pha bị giáng chức đến Hoàng Châu. Thời gian trôi đi, khi mùa đông phương Bắc lạnh lẽo tràn về, Tô Đông Pha ngồi trong nhà nhìn ra ngoài thấy tuyết trắng xóa bay đầy trời và ở dưới vườn nhà những cánh hoa cúc bị tuyết bám vào rụng rơi lả tả. Nhà thơ mới giật mình và thở dài, thì ra có hoa cúc rụng thật. Chỉ có điều là nó rụng trong hoàn cảnh và môi trường như thế nào mà thôi.

Che giấu tài năng mới là người trí tuệ
Giữ mình khiêm tốn để khỏi bị xấu hổ về sau (ảnh minh họa Tansinh)

Trong tâm lý học, có một hiện tượng được gọi là “Hiệu ứng Dunning–Kruger”. Đây là một loại thiên kiến nhận thức khi một người tự đánh giá khả năng của bản thân cao hơn trình độ thực tế của chính họ. Do đó, một số người luôn có cảm giác ưu việt, thường xuyên tỏ ra xuất sắc hơn người khác, nhưng họ không biết rằng năng lực bản thân càng thấp, họ lại càng đánh giá cao năng lực của bản thân, và họ coi kiến ​​thức nửa vời của mình là hiểu biết chính xác.

Sự kiêu ngạo tự cho mình là đúng rất có thể sẽ trở thành trở ngại. Trong “Chu Dịch” viết: “Quân tử tàng khí ư thân, đãi thời nhi động”, ý tứ là quân tử che giấu tài năng, chờ thời mà hành động. Trí tuệ thực sự là biết cách ẩn mình và tích lũy sức mạnh.

Trên thế giới, người có thể phát triển tài năng của mình không hiếm, nhưng những người có thể che giấu tài năng của mình thì lại không nhiều.

Theo 360doc