Tự sự: Cảnh Giới quyết định sự ung dung tự tại của đời người
Ai cũng muốn có được thái độ thản nhiên đối mặt với sóng gió cuộc đời nhưng không phải muốn là được. Cảnh giới quyết định sự an nhiên của đời người.
Cảnh giới quyết định sự ung dung của mỗi người
Con người thường mơ ước được sống ung dung tự tại; hồn nhiên vô ưu như cây như cỏ, không vướng phiền não, không sầu lụy bi ai. Nhưng làm sao để được như vậy thì mỗi người lại có mỗi cách nghĩ. Có người cho rằng phải kiếm thật nhiều tiền; như chốn giang hồ hay nói: “ Đàn bà phải tự biết kiếm tiền để làm đẹp và thuê giang hồ khi cần thiết”, hay như câu “ Đàn ông phải có một vợ, hai con, ba lầu, bốn bánh” vv…
Nhưng ngẫm lại; khi người ta có đủ những thứ ấy rồi người ta vẫn không thể nào ung dung tự tại được. Bởi vì cái “ muốn “ của con người thật là vô biên. Rốt cuộc những thứ bên ngoài ấy không quyết định được cái vui buồn chân thực của kiếp nhân sinh; mà chỉ có cảnh giới cao hay thấp mới quyết định được điều này.
Một lần nọ khi tôi đang ngồi thiền thì cảm giác có kiến cắn ở bàn chân trái; tôi khó chịu nhưng vẫn cố giữ nguyên tư thế. Sau đó một lát thì có cảm giác không chỉ một con mà nhiều con cùng bò lên bàn chân; hé mắt nhìn xuống tôi giật mình vì thấy trên chân quả thực là một bầy kiến đang bò loạn; nhưng thật lạ là dường như chúng chỉ bò mà không cắn thêm; tôi cố gắng không nhúc nhích và nhắm mắt lại tiếp tục ngồi im; trong lòng nôn nóng mong thời gian qua mau để âm nhạc kết thúc và thoát khỏi tình huống hiện tại. Cuối cùng tôi cũng luyện hết bài với một cái tâm không hề được yên tĩnh. Và sau đó tôi nhận ra rằng: Đó chính là cảnh giới hiện tại của tôi.
Trải nghiệm trong thiền định giúp nhìn ra cảnh giới
Cùng một hoàn cảnh như vậy; người ở cảnh giới cao sẽ không còn quan tâm đến bầy kiến; mọi thứ với họ chỉ là hư vô, không động được tâm họ. Người ở cảnh giới thấp hơn một chút họ không cho bầy kiến là hư vô; nhưng tâm họ vẫn bất động.
Người ở cảnh giới thấp hơn nữa sẽ động tâm, nhưng không thấy khó chịu nhiều. Người thấp hơn nữa thì thấy khó chịu quá và cái tâm náo loạn không ngừng; tuy nhiên vẫn cố gắng chịu đựng.
Người thấp hơn nữa thì tâm vừa náo loạn chưa lâu là đã không chịu đựng thêm được và sẽ phát ra hành động phản ứng lại: đưa tay phủi bầy kiến đi.
Người thấp hơn nữa là kiến vừa bu vào sẽ ngay lập tức đưa tay chà sạch; giết hết, tay vừa giết miệng vừa chửi bọn kiến đáng chết, bực bội hết một buổi.
Người thấp hơn nữa thì chắc có lẽ là sau khi mắng và giết một số kiến xong sẽ đi kiếm chai dầu lửa hoặc một nùi rơm để thiêu rụi cả ổ kiến. Nổi quạo với cả người xung quanh và bực bội hết ngày.
Vậy có thể nói tâm tính càng cao thì cảnh giới càng cao.
Cảnh giới càng cao tâm càng tĩnh
Chúa Giê-su dạy rằng “Hãy thương yêu kẻ thù ”.Nhà Phật dạy “Lấy ân báo oán”. Người tu luyện ít nhất phải làm được “Mạ bất hoàn khẩu, đả bất hoàn thủ”. Đều là những cảnh giới cao hơn bình thường. Cảnh giới thấp hơn chút nữa là không thù lại kẻ thù, không lấy oán báo oán. Nhưng “nước sông không phạm nước giếng”.
Thấp hơn chút nữa là ghét kẻ thù; giữ hận trong lòng nhưng không có ý định trả thù.Thấp hơn nữa là tìm mọi cách để trả thù…
Từ cái chỗ quyết ý trả thù sẽ phải chịu không biết cơ man nào là khổ: khổ do bày mưu tính kế, do cắn rứt lương tâm..vv… đến cái chỗ có thể lấy ân báo oán để hết khổ thì không biết qua bao nhiêu là cảnh giới mới đạt được. Nói thì nghe đơn giản vậy nhưng làm không khi nào là dễ, bởi vì điều đó phụ thuộc vào việc đề cao tâm tính. Có câu: “dễ tha thứ nhưng chẳng dễ quên đi”; chính cái “không thể quên đi” khiến lòng người luôn cay đắng.
Cho nên người mà cảnh giới càng cao thì tâm càng tĩnh; càng ít bị ngoại vật chi phối, càng ít khổ. Nhưng cảnh giới là cái ở trong lòng mình, mình tự biết, mình tự đánh giá. Người cao hơn mình “có thể” biết mình nhưng người thấp hơn mình không thể hiểu mình.
Vậy nên đừng hi vọng người khác hiểu mình; nâng cao cảnh giới để tự mình thoát khỏi trói buộc của tâm tình phàm tục là cách duy nhất để an vui một đời rồi đó!