Chớp mắt nhiều có phải là dấu hiệu của việc nói dối?
Các chuyên gia không chỉ lý giải nguyên nhân khiến con người chớp mắt nhiều lần, mà còn phát hiện mối tương quan giữa chớp mắt và nói dối.
Chuyên gia nhìn nhận về việc chớp mắt
Chớp mắt là một phản ứng tự nhiên của con người, nhưng chớp mắt quá mức có thể là do các vấn đề về thể chất hoặc tâm lý. Một số người cho rằng chớp mắt là dấu hiệu của sự nói dối. Các chuyên gia nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Nữ diễn viên người Mỹ Gwyneth Paltrow đã thu hút sự chú ý của mọi người khi cô thường xuyên chớp mắt khi làm chứng trước tòa, thậm chí có người còn tố cáo cô nói dối. Do đó, tờ Huffington Post đã mời một số chuyên gia nói về vấn đề chớp mắt này.
Nhà tâm lý trị liệu người Mỹ, chuyên gia ngôn ngữ cơ thể kiêm nhà văn Paul Hokemeyer cho biết, chớp mắt là phản ứng sinh lý thần kinh của cơ thể đối với các nguồn căng thẳng khác nhau, giúp mắt có thể phát hiện nguy hiểm bằng thị giác và nhanh chóng tìm ra cách thoát khỏi nguy hiểm.
Hokemeyer cho biết chớp mắt cũng liên quan đến nhịp tim. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi nhịp tim tăng lên do căng thẳng bên ngoài, tần suất chớp mắt cũng sẽ tăng theo. Do mối liên hệ giữa hai yếu tố này, việc chớp mắt nhiều hơn thường được cho là do nói dối.
Ông nói: “Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tốc độ chớp mắt [của mọi người] tăng lên một cách vô thức và không tự chủ được sau khi nói dối. Điều này là do chớp mắt là một trong những chức năng của hệ thần kinh giao cảm. Hệ thống thần kinh giao cảm kiểm soát các phản ứng vô thức của cơ thể và chịu trách nhiệm quản lý khả năng sống sót trong các tình huống bị đe dọa”.
Vì vậy, mọi người có thể nói dối một cách thuyết phục trong khi tỉnh táo. Nhưng trong tiềm thức lại coi việc nói dối là một mối đe dọa và phản ứng lại bằng cách chớp mắt tương ứng.
Chớp mắt nhiều có thực sự nghĩa là không trung thực không?
Traci Brown là chuyên gia ngôn ngữ cơ thể và là tác giả của cuốn sách “Cách phát hiện nói dối, gian lận và ăn cắp danh tính” (How To Detect Lies, Fraud and Identity Theft). Bà cho biết câu trả lời cho câu hỏi liệu chớp mắt có phải là dấu hiệu của nói dối hay không là điều đó còn tùy thuộc vào tình huống.
Brown nói rằng, mọi người đều có tốc độ chớp mắt của riêng mình. Điều quan trọng là nó bắt đầu thay đổi mạnh mẽ khi nào trong lúc mọi người trả lời câu hỏi.
Bà đề cập rằng tốc độ chớp mắt trung bình của người trưởng thành là 17 đến 20 lần/phút và nó khá đều đặn. Nhưng áp lực làm nó thay đổi, khiến nó tăng lên 160 lần/phút hoặc giảm xuống 3 lần/phút và trở nên không đều.
Một chuyên gia và tác giả ngôn ngữ cơ thể khác, Patti Wood, cho biết tốc độ chớp mắt của mỗi người là khác nhau. Nếu bạn đang cố gắng đánh giá tốc độ chớp mắt của ai đó thay đổi như thế nào khi họ được hỏi, cô ấy khuyên bạn nên trộn lẫn với những câu hỏi dễ hơn.
Bạn cũng có thể hỏi cùng một câu hỏi khó nhiều lần để so sánh. Nếu trạng thái chớp mắt của họ thay đổi, bạn có thể sẽ muốn biết trong lòng họ đang thực sự suy nghĩ như thế nào.
Cô nói rằng, có nhiều lý do để mọi người chớp mắt nhanh. Mặc dù có những nghiên cứu cho rằng chớp mắt có mối liên hệ với việc nói dối, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng, đặc biệt là khi hầu tòa. Xét cho cùng, có thể việc mọi người chớp mắt quá mức hoàn toàn là do căng thẳng khi đứng trước đám đông.
Các nguyên nhân khác làm tăng tỷ lệ chớp mắt
Hokemeyer nói rằng, chớp mắt quá nhiều có thể là dấu hiệu của việc nói dối, nhưng nó cũng có thể là do các bệnh tật về thần kinh, hoặc bị mỏi mắt, hay do hoàn cảnh không khí quá khô hay có nhiều phấn hoa…
Patti Wood nói rằng, căng thẳng và ánh đèn cũng có thể làm cho mắt chớp nhiều hơn. Cô kể lại rằng, khi bắt đầu thực hiện các cuộc phỏng vấn với truyền hình Mỹ, cô nhận thấy rằng mình có tốc độ chớp mắt cao vì cô lo lắng khi lên TV và ánh đèn chói lọi đập vào mắt khiến cô chớp mắt liên tục.
Cô cũng nói rằng, cô đã chớp mắt trong khoảng 30 giây đầu tiên của cuộc phỏng vấn, và khi bình tĩnh lại, cô sẽ ngừng chớp mắt.
Mặc dù việc chớp mắt quá nhiều có thể là dấu hiệu của việc nói dối, nhưng nó còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, chúng ta cần căn cứ tình huống thực tế để kết luận.
Theo Epoch Times