Chúng ta nên sợ ma hay ‘sợ’ Phật?
Ngày còn nhỏ, như bao đứa trẻ khác ở làng quê, tôi yếu bóng vía lắm; những đêm có trăng sáng còn đỡ; những đêm trời không trăng sao mà người lớn sai ra đường đi việc gì đó là tôi sợ lắm. Đường ở quê hẹp và dài, hai bên nhiều cây cối; trời tối đường càng thêm tối, sợ bóng tối là nỗi sợ thường có ở một người bình thường. Tự nhiên như vậy, con người ai ai cũng hướng đến chỗ sáng mà tránh chỗ tối. Mà hễ rơi vào đêm đen thì trẻ con nghĩ ngay đến ma. Lúc nhỏ tôi cũng rất sợ ma!
- Bái Phật không thành tâm ngược lại chiêu mời ma quỷ
- Điều gì quan trọng khi dâng lễ bái Phật, cúng Thần linh?
Nội dung chính
‘Ma có thể có, mà cũng có thể không có’
Rồi một ngày kia, khi tôi đã bắt đầu có những nhận thức và có thể diễn tả nỗi sợ mơ hồ ấy với cha tôi, người bảo:
“Ma có thể có, mà cũng có thể không có. Trong trường hợp chúng ta tin là có, thì ma cũng có việc của ma; ma không can thiệp vào chuyện của người. Việc của người là sống hiền lành lương thiện, biết trước biết sau; hiểu rằng ‘gieo nhân sẽ gặt quả’ vì luật nhân quả bao trùm vũ trụ này. Vậy nên dù có ma thì con cũng không cần phải sợ ma nếu con không làm việc gì xấu”.
Từ đó, tôi không còn sợ ma nữa, đối với một đứa trẻ thì người cha là đáng tin nhất. Và tôi tin ma lo việc của ma, người không làm việc xấu thì không cần sợ ma…
Nhưng chuyện không đơn giản thế, câu nói kết thúc cuộc trò chuyện hôm ấy của cha tôi là: “Nhưng rốt cuộc tới giờ vẫn chưa có gì chứng minh được là có ma”. Vậy là tôi vừa không sợ ma nếu như ma là có thật; lại vừa tin tưởng rằng ma chưa chắc đã có thực.
Cô hai Thí hay nói lời tục tĩu
Làng tôi không có chùa thờ Phật hay nhà thờ Chúa; cả làng chỉ có hai người Phật tử. Cứ khi đến ngày rằm là hai người ấy cùng nhau khăn áo lội bộ ngang qua một cánh đồng rộng lớn đi đến một ngôi chùa nhỏ ở làng bên cạnh để lễ Phật; một người là cô hai Thí và một người là bà ba Phi.
Cô hai Thí lớn tuổi rồi mà không lấy chồng; nghe kể là ai cô cũng chê, cho rằng không có người nào xứng đáng với nhan sắc của cô. Hồi trẻ cô cũng đẹp lắm, nhưng giờ thì tàn phai nhiều rồi; mà cô lại rất lười biếng, rồi ngồi đâu gãi đó nên người cô hay có ghẻ. Lúc nhỏ tôi thường băn khoăn là vì gãi nhiều quá sinh ra ghẻ hay vì ghẻ ngứa quá nên mới gãi… Tới giờ tôi cũng không biết như thế nào là đúng.
Và tệ nhất là cô hỗn lắm, cô chửi hỗn nhất xóm. Khi cô giận dữ thì không có gì ngăn nổi những lời tục tĩu của cô được; kèm với đó là nước bọt văng tung tóe và sủi bọt ra hai bên khóe miệng có nhiều chấm ghẻ lở li ti.
Bà ba Phi hay la lối quát nạt
Bà ba Phi thì già rồi, hai vợ chồng bà sống yên bình trong một khu vườn nhỏ sâu trong hẻm. Nhà bà trồng nhiều loại rau củ và không làm ruộng vì ông bà đều đã già; ông bà sống biệt lập và không mấy khi giao thiệp qua lại với bà con trong xóm. Và có lẽ vì vậy mà ông bà lại được cái tiếng ki bo.
Ông bà không đụng tới ai nhưng rủi mà ai đụng chạm đến ông bà là bà nhảy xổ ra la lối. Người bà gầy guộc mà giọng thì cao vút, cả làng đều nghe; người đang làm ngoài đồng cũng phải chạy về… vì người ta thường ham hóng hớt chuyện lạ.
Vậy nên mỗi lần làng tôi nói đến người đi chùa thì lại đem cô hai Thí và bà ba Phi ra nói những lời chẳng mấy tốt đẹp, kiểu như: Đó, Phật tử đó, đi chùa mà như vậy như vậy… không tu mà như người này người nọ thì còn tốt hơn.
Phật có thật hay không?
Tôi lại chạy về hỏi cha tôi là Phật có thật không? Phật có thể cứu độ được chúng sinh không? Cha tôi nói Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một người có thật trong lịch sử, Ngài ở nước Ấn Độ, Ngài dạy từ bi hỷ xả,… Người ta tin rằng Đức Phật sau khi nhập niết bàn thì vẫn luôn chăm sóc cho các đệ tử của Ngài ở nhân gian; nhưng không ai có thể khẳng định được điều này. Người ta tôn thờ Ngài là muốn nêu cao đức từ bi; sống theo những lời Ngài dạy để trở thành người tốt hơn.
Tôi thắc mắc, “vậy thì tại sao cô hai Thí lại không tốt và bà ba Phi lại bị cả làng chê cười vậy cha?”.
Cha tôi nói rằng: “Cũng như ma vậy, nếu con lương thiện thì không có gì phải bận tâm đến ma. Lời Phật dạy nếu con không làm theo, vậy thì con cũng không có liên quan gì đến Phật; Phật cũng không thể quản con được.
Cũng như con người ta ở hiền thì gặp lành, ở ác thì gặp dữ thôi. Tâm con đủ thứ xấu xa mà Phật lại phù hộ độ trì giúp con đủ thứ, vậy thì còn gì là thiên lý; hoặc như con tốt bụng hiền lành thế mà ma lại trù dập con thì cũng đâu có được.
Con nói cô hai Thí và bà ba Phi bị cả làng cười chê; điều đó thì là đương nhiên rồi, vì họ có làm theo lời Phật dạy đâu”.
Chúng ta nên sợ ma hay ‘sợ’ Phật?
Nghe cha nói xong tôi lại nghĩ trước giờ mình nhầm, đáng lý ra thì ma không có gì phải sợ, mà phải kính sợ Thần Phật mới đúng. Người thiện lành thì ma quỷ nào dám lại gần; nhưng thường giữ tâm kính sợ Thần Phật để không làm những việc phóng túng dục vọng; như vậy mới có thể đề cao phẩm hạnh của bản thân được.