Có những người tài giỏi, ăn ở hiền lành nhưng tại sao lại luôn gặp bất hạnh, đau khổ? Rất nhiều người không hiểu được nguyên nhân mà sinh lòng oán thán, tâm ý càng thêm đau khổ.

Người ta nói “có làm thì mới có ăn”, “trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”, những gì con người gặp phải trong cuộc đời cũng vậy. Dường như phúc báo của con người dựa vào nỗ lực và tài năng mà tới? 

Có những người rõ ràng tài năng hơn người, nhưng lại toàn gặp phải những chuyện thống khổ, bất như ý. Thậm chí người khác có muốn giúp đỡ cũng không được. Vậy rốt cục là vì sao? 

Câu chuyện dưới đây kể về một người văn võ toàn tài, nhưng lại gặp đủ việc ngang trái, bất hạnh, phải sống cuộc sống phiêu bạt khốn khó. 

Văn võ song toàn nhưng thất bại trong thi cử

Thời nhà Thanh có một vị thư sinh tên là Lý Bân Như, văn chương xuất chúng, lại thêm tinh thông võ nghệ; có thể nói là tuổi trẻ tài cao, văn võ song toàn. Có điều thời vận không có, thi cử hơn hai mươi năm vẫn không thành, mỗi lần đều thất bại, buồn bã trở về. 

Tri phủ Trương Hóa Bằng là người quý trọng nhân tài, đã đặc biệt đề bạt Bân Như đứng đầu văn khoa. Ở phủ huyện, anh tham gia thi võ cũng đứng thứ nhất. Mọi người quê nhà đều xem trọng anh, cho rằng anh lên kinh ứng thí chắc chắn sẽ thi đậu.

Gặp bất hạnh; Gặp bất hạnh làm sao vượt qua
Không chỉ giỏi văn chương, Lý Bân Như còn tinh thông võ thuật (ảnh minh họa: Sohu)

Sau đó anh lên kinh thành dự thi, ngày thi trời mưa to, sau khi vào chỗ, nhận bài và làm bài thi xong. Lúc đó anh đang mang một đôi giày đinh (giày đi mưa thời xưa), anh đặt bài thi đã làm xong lên bàn, cúi đầu xuống mang tất vào; vừa ngẩng đầu lên thì không thấy bài thi đâu nữa, anh hết sức hoang mang. Rõ ràng mới để bài thi trên bàn, mà bây giờ không thấy nữa. 

Anh lập tức đứng dậy đi tìm khắp nơi, hóa ra nó đã bị rơi xuống đất, nhưng anh không biết lại kiếm tới kiếm lui, giẫm phải chính bài thi của mình. Kết cục khi nhận ra thì bài thi đã bị giày đinh giẫm nát. Lúc nhận ra sai lầm lớn của mình, anh tái mặt, khóc lóc bẩm báo với quan chủ khảo.

Quan chủ khảo tuy rằng thông cảm cho anh nhưng cũng lực bất tòng tâm, bởi vì trước giờ chưa từng xảy ra chuyện như vậy, cũng chưa có tiền lệ đổi bài thi bao giờ nên đành mời anh ra khỏi phòng thi. 

Sau đó Lý Bân Như vẫn cố tham gia cuộc thi võ nghệ. Không ngờ lại bị ngã ngựa, chấn thương ở thắt lưng, đến cơ hội tham gia thi đấu cũng không có. Vì thế, hai thành quả đứng thứ nhất cả văn lẫn võ lúc ở trong phủ đều trở thành vô ích. Từ đó trở đi anh phải sống một cuộc sống nghèo khó, thất vọng.

Một cơn lũ quét ngang, cơ hội lại tan biến

Người thân bạn bè thấy anh như thế thì không khỏi thở dài, liền giúp anh tìm một công việc dạy học tạm bợ ở ngoài trấn. Anh cũng tính sẽ đặt tâm vào việc dạy học, nên đã mang theo rất nhiều sách tới thôn kia, muốn phát huy hết tài năng của mình. 

Nào ngờ bất hạnh lại ập tới, nửa đêm bất ngờ có lũ quét, phá hủy toàn bộ thôn làng. Tất cả hành lý cùng sách vở đều bị cuốn trôi hết, chỉ may mắn giữ được cái mạng. Anh khóc không ra nước mắt, quay trở lại ngôi nhà nghèo khổ của mình. 

Không ngừng gặp bất hạnh, người khác trợ giúp cũng không được

Lúc bấy giờ, vị tri huyện Trương Hóa Bằng từng đánh giá cao anh, nay được thăng chức thành Quảng Đông vận ti. Lý Bân Như trong lòng ôm ấp một tia hy vọng, liền ngàn dặm xa xôi trèo non lội suối đến tận Quảng Châu cầu kiến.

Không may, nhà họ Trương lại gặp tang sự, Trương Hóa Bằng đã về quê mấy ngày. Anh kiên trì đuổi theo tới nửa đường thì gặp được Trương Hóa Bằng. 

Trương đại nhân sau khi nghe anh kể lại sự tình thì rất đồng cảm, nói: “Than ôi, sao lại ra nông nỗi này? Ngươi tài hoa như vậy, sao lại bần cùng tới tận đây? Ta hiện đang chịu tang, không thể tiến cử ngươi được. Bất quá, con trưởng của ta đang làm quan ở Hàng Châu, hiện trong phủ thiếu nhân lực, để ta viết phong thư, ngươi mang đi tìm nó; với tài năng và học vấn của ngươi, tạm thời ở Hàng Châu an thân không có vấn đề gì”.

Lý Bân Như rối rít cảm tạ, cầm thư tới Hàng Châu. Không ngờ khi tới nơi, con trai của Trương Hóa Bằng lại đang lâm bệnh nặng, không kịp đọc thư của cha thì đã chết. 

Lúc này, ở nơi đất khách quê người, không ai thân thích, đến bước đường cùng, nghĩ đến bản thân rõ ràng có năng lực, vậy mà quá nhiều xui rủi liên tiếp giáng xuống đầu, không khỏi cảm thấy bi thống.

Tích đức hành thiện, thay đổi vận mệnh

Bỗng nhiên, Lý Bân Như thấy một ông lão râu tóc bạc phơ, tướng mạo từ ái, liền tới bái kiến, khóc lóc kể lể về cuộc đời cơ hàn khốn khó của mình. Thậm chí còn tức giận bất bình nói: “Ông trời thật là không có mắt. Tôi chưa từng phạm phải lỗi lầm gì lớn, vì cớ gì mà đại nạn cứ dồn dập kéo tới, đủ thứ bất hạnh, thiên lý ở đâu chứ?”

gặp đau khổ; gặp vận hạn; số xui rủi
Ông lão khuyên giải Lý Bân Như (ảnh minh họa: tinhhoa)

Ông lão nghe xong liền khuyên giải: “Không phải đâu, là ông trời từ bi với chúng sinh, nào có thiên vị ai bao giờ? Phúc – lộc – thọ của kiếp này, tất cả đều là do kiếp trước tích đức hành thiện mà được. Nghèo khổ cơ hàn cũng bởi kiếp trước tạo nghiệp mà ra.

Ngươi nói kiếp này không có lỗi, nhưng kiếp trước ngươi từng hành ác. Ngươi cậy mình thông minh, có tài ăn nói hùng biện; luồn cúi khắp nơi, hãm hại lừa gạt, chẳng quan tâm đến cảm giác khốn khổ của những người bị ngươi làm hại; thực hiện được quỷ kế còn đắc chí. Hôm nay chẳng qua là cho ngươi lĩnh hội cái cảm giác đau khổ khi ngươi gây ra cho người khác mà thôi, đây gọi là báo ứng. Không có gì phải oán hận cả. 

Nếu như đời này ngươi trả không hết nổi những món nợ tích từ kiếp trước, thì đời sau lại tiếp tục chịu khổ để trả cho bằng hết những món nợ người từng tạo. Ta khuyên ngươi, hãy mau tỉnh ngộ, từ giờ trở đi đừng tiếp tục oán hận; giữ tâm lương thiện, làm nhiều việc thiện giúp người, chăm chỉ đọc sách, làm một người tốt, chân chính sám hối mới có thể tránh họa gặp may, không còn đau khổ”.

Lý Bân Như nghe xong thì như sấm đánh ngang tai, đột nhiên tỉnh ngộ. Từ đó về sau anh thời thời khắc khắc nhắc nhở bản thân, nghe theo lời khuyên của ông lão, tích đức hành thiện. Quả nhiên sau này Lý Bân Như thi đỗ Tiến sĩ, cuộc đời còn lại bình an trôi qua tới già, không còn gặp xui rủi nữa.

Theo Vision Times