Cứu vật vật trả ơn: Chó mẹ xả thân cứu sống hơn 30 người
Người xưa vẫn nói ‘cứu vật vật trả ơn’, con vật sống cũng có tình cảm, có ân nghĩa, đôi khi còn dám xả thân để cứu chủ thoát khỏi nguy hiểm.
Dưới đây là câu chuyện có thật được ghi lại. Một con chó đã tình nguyện chết để cứu người.
Nội dung chính
Chó mẹ biểu hiện bất thường
Chiều ngày 28/11/2003, thầy Lưu đã mua một con chó bị chết ở chợ mang về trường dạy lái xe. Người đầu bếp của căng tin đã hầm một nồi thịt chó để cải thiện bữa ăn cho hơn 30 nhân viên ở trường. Mùi thịt bay xa đã hấp dẫn một đám chó con đi vào căng tin kiếm ăn.
Một nhân viên khi thấy mấy chú chó con đến thì liền gắp một miếng thịt cho chúng ăn. Bất ngờ con chó mẹ có tên là ‘Tái Hổ’ đã xông đến, dùng hai chân chặn lấy miếng thịt ở trên mặt đất. Chó mẹ đột nhiên rú lên và tỏ ra rất hung dữ, không cho đám con của nó ăn. Một con chó con muốn đến gần mẹ nó để làm nũng, nhưng đã bị Tái Hổ hất văng ra ngoài cửa. Những con chó con khác thấy thế thì bỏ chạy tán loạn.
Đám chó con bỏ đi rồi, Tái Hổ lại sủa liên hồi vào miếng thịt chó ở trên mặt đất; nhưng mấy chục nhân viên của trường không có để ý đến, mọi người đang chuẩn bị để ăn thịt chó. Thấy mọi người không có phản ứng gì, Tái Hổ tỏ ra mất kiên nhẫn, nó cứ đi tới đi lui. Nó liên tục nhìn vào nồi thịt chó và rú lên.
Mấy nhân viên ở trường cho rằng Tái Hổ muốn được ăn nhiều thịt hơn, vì vậy lại gắp cho nó thêm vài miếng nữa. Nhưng Tái Hổ lại dùng chân dẫm lên miếng thịt ở dưới đất mà không ăn, nó chỉ sủa liên hồi. Mọi người thấy vậy thì thôi cứ mặc kệ nó không quan tâm nữa.
Chó mẹ Tái Hổ dường như đang muốn cảnh báo một điều gì đó
Tái Hổ nhìn thấy người vào căng tin mỗi lúc một đông, hơn nữa đều ngồi vây quanh nồi thịt chó, thì nó lại càng hướng vào nồi thịt chó mà sủa lớn hơn nữa; âm thanh ngày càng dồn dập thê lương.
Thấy mọi người không quan tâm gì đến nó, Tái Hổ lại nhảy dựng lên ở trên mặt đất, phát ra âm thanh còn thê thảm hơn nữa. Nghe thấy âm thanh não nề của chó mẹ, 4 con chó con lại tiến đến gần mẹ của nó. Tái Hổ dùng cái mũi ướt của nó ngửi từng con chó con, dùng lưỡi liếm cẩn thận chỗ dơ trên người của một chú cún. Nhưng ngay sau đó Tái Hổ lại chạy tới trước nhóm người, dùng đầu của nó húc vào chân của mọi người. Nhưng mọi người vẫn không hiểu là con chó này đang muốn gì.
Đột nhiên, Tái Hổ ngồi xuống đất, vừa chảy nước mắt, vừa thảm thiết kêu rên. Sau khi kêu lên một tiếng thì Tái Hổ ăn hết 3 miếng thịt chó ở dưới mặt đất… chưa đến 10 phút sau, Tái Hổ quằn quại ở dưới mặt đất, run rẩy, sau đó mắt mũi miệng của nó đều chảy máu, và thế là nó đã qua đời.
Chó mẹ đã xả thân cứu hơn 30 mạng người
Nhìn thấy cảnh này, mười mấy người đang ngồi chờ ăn thịt chó đều sợ đến ngây người. Lúc này mọi người mới hiểu ra, nồi thịt chó này vậy là có độc rồi!
Sau khi sự việc xảy ra, người ta đã lấy mẫu thịt chó đó đi xét nghiệm thì thấy có chứa thuốc diệt chuột (Tetramethylenedisulfotetramine); hàm lượng của nó đủ để giết chết một con trâu. Vậy là nhờ có Tái Hổ mà hơn 30 người đã được cứu mạng.
“Tôi trước đây từng nghe chuyện chó cứu người, nhưng đều cho đó là truyền thuyết. Vậy mà lần này nó lại xảy ra với chính bản thân tôi”. 3 năm qua rồi mà thầy Lưu vẫn còn cảm thán: “Con chó này là do tôi mua được, nếu như có chuyện gì thì tôi làm sao mà không bị liên lụy. Chính là Tái Hổ đã cứu mọi người”.
Nghĩa trang lập bia để tưởng nhớ Tái Hổ
Sau khi Tái Hổ chết, vợ chồng Phó Văn Khải chủ nhân của nó rất đau buồn. Họ đem Tái Hổ chôn ở đằng sau vườn nhà. Trương Ninh Kháng, giám đốc nghĩa trang Hạ Gia Sơn ở thành phố Cửu Giang, nghe nói Tái Hổ xả thân cứu người thì đã rất cảm động. Ông tìm đến nhà của vợ chồng Phó Văn Khải, tỏ ý muốn đem Tái Hổ đến chôn ở nghĩa trang Hạ Gia Sơn.
Vợ chồng Phó Văn Khải rất ngạc nhiên, mới nói rằng: “Anh coi trọng Tái Hổ của chúng tôi như vậy, chúng tôi rất lấy làm cảm kích. Nhưng nghĩa trang là nơi an táng cho người. Làm sao có thể chôn cất chó ở đó được?” Trương Ninh Kháng đáp: “Thiên địa vạn vật, tất cả rồi cũng chết, thứ lưu lại chỉ có thể là tinh thần. Chẳng lẽ tinh thần của Tái Hổ xả thân cứu người lại không thể khiến chúng ta bội phục hay sao?”
Hơn 100 người đội mưa đi đưa tang
Sau đó, Trương Ninh Kháng đã chi hơn 10.000 nhân dân tệ (hơn 35 triệu vnd) để nhờ người làm mộ cho Tái Hổ, làm quan tài, khắc bia. Ngày 10/12/2003, Trương Ninh Kháng đã thuê 4 công nhân, lái hai chiếc ô tô đi chôn cất Tái Hổ.
“Vào ngày hôm đó, có hơn 100 người đội mưa đi đưa tiễn Tái Hổ. Những người được cứu thậm chí còn rơi lệ thương tiếc. Hơn 10 quả pháo đồng loạt được đốt lên, cảnh tượng thật xúc động!” Thầy Lưu nghẹn ngào nhớ lại buổi tang lễ hôm đó.
Nghĩa trang còn đặc biệt làm một bức tượng điêu khắc của Tái Hổ và đặt ở phía trước mộ, để mọi người đi tảo mộ có thể nhìn thấy phong thái của Tái Hổ khi xưa.
Câu chuyện nhận nuôi Tái Hổ
Về việc nhận nuôi Tái Hổ, bà Vương – vợ ông Phó Văn Khải đã kể với phóng viên rằng, bà làm bảo vệ của trường dạy lái xe Lâm Nghiệp thành phố Cửu Giang. Một buổi sáng mùa Đông năm 1999, khi trời mới tờ mờ sáng, Phó Văn Khải mở cửa ra thì thấy có một con chó săn nhỏ đang rét run trong mưa lạnh. Vừa thấy cửa mở ra, con cún chạy thẳng vào trong nhà của Phó Văn Khải; tự nhiên cứ như là chạy về nhà chủ của mình vậy.
Lang thang nhiều ngày khiến cún con rất đói. Sau khi Phó Văn Khải cho nó ăn một miếng bánh mì, thì đưa nó vào nhà tắm để tắm rửa sạch sẽ. Lúc này Phó Văn Khải mới phát hiện ra đây là một con chó săn cái rất đẹp; đoán chừng cũng được 5 tháng tuổi rồi. Toàn thân nó màu nâu đậm, mõm dài, tai nhọn, mắt hổ sáng tinh, nhìn giống y như một con hổ nhỏ. Phó Văn Khải vì vậy mới đặt tên cho nó là “Tái Hổ”. Từ đó về sau Tái Hổ trở thành một thành viên quan trọng trong gia đình, đi đâu cũng được mang theo.
- Linh dương quỳ xin tha mạng – sự thật đằng sau khiến người thợ săn bỏ nghề
- Bí ẩn khả năng thần giao cách cảm ở loài vật
Cứu vật vật trả ơn
“Kỳ thực lúc đầu tôi cũng không tán thành việc nuôi con chó nhỏ này; sợ nó làm cho nhà cửa bẩn thỉu. Nhưng nhờ có một chuyện mà tôi đã thay đổi suy nghĩ của mình; hơn nữa lại còn rất thích nó”. Bà Vương nói với phóng viên, cháu trai của bà khi được 7 tuổi, từng có một ngày vui chơi ở trong khu vực của nhà máy, không cẩn thận mà rơi xuống một cái giếng nước bỏ hoang. Tái Hổ biết được việc này thì sủa ầm lên, nhưng mãi mà cũng không có ai đi đến. Cuối cùng nó đành phải chạy về nhà.
Tái Hổ về nhà liền cắn lấy ống quần của Phó Văn Khải và kéo ông đi ra ngoài; cứ thế mà đưa ông đến tận chỗ giếng nước. Tái Hổ nhìn xuống giếng, rồi lại nhìn Phó Văn Khải rồi sủa lên mấy tiếng. Phó Văn Khải nhìn xuống giếng thì thấy cháu trai đang nằm ở dưới đó, ông sợ tới mức mặt mũi trắng bệch.
“Việc này khiến cho Tái Hổ trở nên nổi tiếng ở chỗ tôi. Cả nhà chúng tôi vì vậy mà coi Tái Hổ cứ như con cái của mình. Có mua được miếng thịt bò, thịt dê thì cũng phải chia cho Tái Hổ ăn”. Bà Vương nói.
Cứu vật vật trả ơn, Tái Hổ quả thật là một con chó rất thông minh, thế giới động vật còn nhiều điều kỳ bí mà chúng ta chưa thể lý giải hết được.
Theo Aboluowang