Đại bàng kiêu ngạo, chim sẻ láu cá: Con nào thông minh hơn?
Thông minh phải gồm trí tuệ và thiện lương thì mới là thông minh thực sự; nhưng cái thông minh được nhiều người ngày nay ca tụng lại thường chỉ mang tính khôn vặt, nhỏ mọn. Vậy đại bàng kiêu ngạo vỗ cánh và chim sẻ láu cá ăn theo: Con nào thông minh hơn?
- Người thực sự thông minh sẽ không đối đầu với người khác
- Người thực sự thông minh thường có phẩm chất đặc biệt gì?
Nội dung chính
Đại bàng đọ sức cùng chim sẻ
Trong một căn bếp nhỏ của một gia đình nọ có hai mẹ con, người mẹ đang nấu cơm và đứa trẻ đang đọc truyện, chợt đứa trẻ gọi mẹ: “Mẹ ơi, hôm nay con mới biết loài chim sẻ mới là vĩ đại hơn cả; không phải loài đại bàng như mẹ nói đâu. Sau này con cũng sẽ học tập con chim sẻ thông minh này mới được”.
Người mẹ ngạc nhiên hỏi: “Ai nói con thế?”
Đứa bé nhanh nhảu: “Đây này, sách kể rõ ràng ở đây, mẹ đọc đi”.
Người mẹ ngồi xuống đọc câu chuyện từ đầu. Chuyện kể rằng có một con đại bàng to lớn hợm hĩnh; gặp bất cứ loài chim nào cũng tự khoe ta là vô địch; khỏe mạnh nhất, kêu to nhất, bay cao nhất. Một hôm nó tập hợp hết các loài chim lại và tổ chức một cuộc thi để chứng minh cho những lời nó nói.
Trong khi tất cả các loài chim khác đều không dám ho he gì thì có một con chim sẻ nhảy ra đáp ứng. Con chim sẻ nói nó chịu là không khỏe bằng, không kêu to bằng, nhưng nó có thể thử thi bay cao với đại bàng một lần.
Cả đại bàng và các loài chim khác đều sửng sốt nhưng con chim sẻ không hề nao núng. Khi bắt đầu cuộc thi, con chim sẻ lén nhảy lên đầu con đại bàng. Con đại bàng dù bay cao bay xa tới đâu, băng qua cả những ngọn núi, lên đến tận mây xanh… thì khi cất tiếng hỏi vẫn nghe tiếng con chim sẻ trả lời; chứng tỏ nó vẫn bay theo kịp.
Chim sẻ láu cá được khen là thông minh, dũng cảm
Đại bàng lấy hết chút sức tàn cố vươn lên cao hơn nữa nhưng không được; nó hụt hơi, tắt thở chết. Câu chuyện kết luận: “Bằng trí thông minh và lòng dũng cảm, chim sẻ nhỏ bé đã thắng đại bàng kiêu ngạo và to lớn hơn nó gấp nghìn lần”.
Người mẹ đọc xong nói: “Con đại bàng này là Mỹ, còn con chim sẻ này là Trung Quốc”.
“Ủa tại sao lại như vậy hả mẹ?”, đứa nhỏ thắc mắc.
Người mẹ biết chẳng thể nào giảng với một đứa con nít về chuyện “thời sự quốc tế”. bà suy nghĩ một chút thì nhớ ra cái gì mà nó liên quan trực tiếp tới quyền lợi bản thân thì người ta mau ngộ hơn, vậy là bà nói:
“Mỗi lần đến lượt con và bạn cùng bàn trực nhật lớp, bạn ấy cố tình đi thật trễ để một mình con trực; nhưng đến khi cô giáo tới thì bạn ấy lăng xăng lên lau bảng và cô khen bạn là học sinh tốt; còn con thì bị chê là đứa lười. Vậy theo con đứa quét dọn hết cái lớp với đứa không làm gì cả, chờ cô giáo tới mới lên lau bảng cho cô xem, đứa nào tốt?”
“Tất nhiên là đứa quét lớp rồi mẹ”, đứa bé đáp.
Người mẹ nói tiếp: “Thì đó, con Đại bàng nó bay muốn hết hơi; nó chính là cái đứa đã quét hết cả cái lớp kia. Con chim sẻ nó có làm gì đâu; nó là cái đồ lưu manh lừa gạt người chứ thông minh nỗi gì”.
Đứa bé như chợt tỉnh ngộ: “Ôi, giờ mẹ nói con mới thấy”
Đại bàng kiêu ngạo nhưng lại chân thật
Người mẹ lại giải thích: “Nhưng cũng tại con đại bàng nó tự cao tự đại quá nên không còn thấy được gì nữa; chứ mà nó biết mình biết người chút thì nó đã nhận ra bản chất con chim sẻ kia rồi. Con chim sẻ láu cá kia làm sao mà đủ sức vươn lên tận mây xanh được; lên cao là nó đâu có chịu nổi gió. Dù có ở trên đầu con đại bàng thì nó cũng bị gió thổi bay rớt xuống thôi”.
Đứa bé hỏi: “Vậy tại sao nó không rớt xuống hả mẹ?”
“Là tại người ta cho rằng con đại bàng thất bại là do thói kiêu căng hợm hĩnh; nhưng mà kẻ mạnh thì mấy ai tránh được thói này. Nó chính là kẻ mạnh thực sự mà, nó có hợm hĩnh thì nó cũng là kẻ chân thật. Nhưng có phải khi con đọc con chỉ thấy con chim sẻ bất tài nhỏ bé lưu manh gian xảo này là thông minh và muốn bắt chước nó có đúng không?”, người mẹ nói.
Đứa trẻ gật gật đầu, nói nhỏ: “Sao họ lại viết ra như vậy để lừa con nít nhỉ?”
Người mẹ nói: “Chưa hẳn là họ cố tình lừa con đâu mà có khi chính họ cũng tưởng con chim sẻ như thế mới là thông minh con ạ”.
Tiếp thu kiến thức có chọn lọc
Đứa bé lại hỏi: “Sách đã như vậy, sao mẹ lại còn nói con nên đọc sách cho nhiều”.
Người mẹ cười nói: “Mẹ nói đọc cho nhiều chứ mẹ có bảo con tin hết vào sách đâu. Sách là thức ăn cho tâm hồn của con; giống như thức ăn cho vào miệng vậy, có cái ăn được có cái không; có cái ăn được nhưng ăn vào bị ngộ độc. Vì vậy phải lựa ra cái nào ăn được mà không bị độc thì mới nên ăn”.