Thứ Bảy , 11 Tháng Mười Một 2023

Đâu là cảnh giới chân thực “núi là núi sông là sông”?

09/12/22, 18:08 Nhân sinh cảm ngộ
Đâu là cảnh giới chân thực "núi là núi sông là sông"?

Cảnh giới trí tuệ: “núi sông vẫn là núi sông”; con người chỉ có thể hiểu thấu sau khi đã nếm trải đủ nhiều. Vậy cảnh giới này là như thế nào?

Cảnh giới tư tưởng của một vị thiền sư

Thiền sư Thanh Nguyên Duy Tín thời nhà Tống đã đúc kết hành trình tu luyện của mình trong suốt hàng chục năm bằng 3 câu nói nổi tiếng:

“Trước khi gặp thiện tri thức, tôi thấy núi sông là núi sông.

Sau khi gặp thiện tri thức chỉ dạy, tôi thấy núi sông không phải là núi sông.

Sau ba mươi năm, tôi thấy núi sông là núi sông.”

Trí huệ người xưa "núi là núi sông là sông"?
Nhân sinh là trường tu hành (ảnh: Thuthuatnhanh).

Chúng ta có thể hiểu đại ý của ông muốn nói rằng: khi chưa tu luyện, ông thấy núi chỉ là núi, sông chỉ là sông. Sau này khi bắt đầu nhập đạo tu hành thì nhân sinh quan của ông thay đổi, nhìn núi không phải là núi, nhìn sông lại không phải là sông. Nhưng đến khi giác ngộ, ông lại thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông.

Vị thiền sư nói rằng, ông đã trải qua 3 nấc thang tiến đến cảnh giới trí tuệ. Thực ra, cuộc đời mỗi người cũng là như vậy, từng bước trải qua các giai đoạn để tìm về bản tính tiên thiên vốn có.

Cảnh giới thứ nhất: Nhìn núi là núi, nhìn sông là sông

Ở giai đoạn này, tuổi đời còn ít, chưa qua trải nghiệm, con mắt của vị thiền sư chỉ là mắt thịt ngây thơ. Khi tiếp xúc với cảnh tượng bên ngoài, ông nhìn thấy điều gì liền tiếp nhận một cách chân thực những gì nó phản ánh ra. Ông nhìn thấy cái mà ai cũng có thể thấy. Nhìn thấy núi sông thì đó chẳng phải là núi sông thì còn có thể là thứ gì?

Tuổi trẻ chính là thời điểm sơ cơ nhất, khi bản tính con người là non nớt nhưng vô cùng thuần khiết

Tiến nhập vào cảnh giới thứ hai: Nhìn núi lại không phải là núi, nhìn sông nhưng không phải là sông

Khi bước sang giai đoạn tiếp theo này, con người bắt đầu có sự trải nghiệm. Nhờ ma sát với cuộc sống mà tích lũy thêm những kinh nghiệm. Mọi cảm nhận về thế giới bên ngoài đã mang theo cảm thụ xuất phát từ “sự trải đời”. 

Lúc này, chúng ta đã nhìn nhận được sự phức tạp ẩn sâu trong mỗi sự vật, hiện tượng. Con người có mặt thiện và mặt ác, cũng như sự việc nào cũng có một bản chất bên trong nó và trạng thái thông thường nó biểu hiện ra bên ngoài.

Đâu là cảnh giới chân thực "núi là núi sông là sông"?
Càng trưởng thành tâm lý con người lại càng phức tạp (ảnh: Thienphatgiao).

Đó là khi con người ta đã hình thành thói quen phân tích kỹ lưỡng vấn đề trước khi đánh giá. Bởi vậy, họ nhìn núi đã không đơn thuần là một ngọn núi, nhìn sông cũng chẳng thấy nó đơn giản chỉ là một dòng nước chảy. 

Chẳng hạn, người thợ săn nhìn lên núi, anh ta sẽ nghĩ đến những con thú hoang. Đó không còn là một ngọn núi mà là tinh thần trách nhiệm, là áp lực công việc, là cơ hội tìm miếng cơm manh áo. Núi này nào có còn là núi?

Rừng núi vào ngày đông giá rét, thì trước mắt người thợ săn ngập tràn hiểm nguy. Cơ hội săn được rất ít vì những con thú đang vào kỳ ngủ đông mất rồi.

Lại ví như người nông dân nhìn vào con sông, họ sẽ nhìn vào mực nước, nhìn vào tốc độ dòng chảy, nhìn màu phù sa; bởi đó là nhân tố quyết định vụ mùa của họ. Nếu mưa to gió lớn, nước sông dâng cao, họ phải đối mặt với nạn ngập úng, lũ lụt; nếu nước rút, hạn hán thì hoa màu khô héo và điều họ phải đối mặt là sự đói kém.

Đâu là cảnh giới chân thực "núi là núi sông là sông"?
(ảnh: Doisong).

Giai đoạn mà con người phải chịu khổ sở do áp lực lớn về tâm lý. Biết càng nhiều về thế giới hoa lệ bên ngoài, chúng ta lại càng khó lòng thỏa mãn với những gì mình đang có. Tâm trăn trở lo sợ được mất, tâm cầu thị tranh đấu… từ đó những thủ đoạn được sinh ra. Danh lợi tình bủa vây khiến núi sông cũng chẳng còn là phong cảnh như vốn có.

Khi đó, đúng không hẳn đã là đúng, mà sai cũng chưa chắc đã là sai. Thị phi và đen trắng cũng khó có thể phân biệt rõ ràng. Con người sống một cách mông lung đầy trừu tượng.

Thăng hoa ở cảnh giới thứ ba: Nhìn núi vẫn là núi, nhìn sông vẫn là sông

Nhiều người nghĩ rằng, hiểu được lý “không”, tức là có mà cũng như không, trong không mà như có, như vậy là đã đạt được trí tuệ cao siêu rồi. Nhưng kỳ thực, chỉ những người thông qua quá trình tu luyện, nghiêm túc yêu cầu bản thân, lấy đạo đức làm cơ sở để đề cao phẩm hạnh và quan niệm, thực sự từ trong khổ nạn mà thoát thai, đạt được sự thăng hoa về tâm tính mới mở ra cảnh giới tư duy thứ ba: “Nhìn núi vẫn là núi, nhìn sông vẫn là sông“. 

Đâu là cảnh giới chân thực "núi là núi sông là sông"?
Bình thản nhìn mọi thứ như nó vốn là (ảnh: Doisong).

Bỏ qua tất cả những ngụy biện và tranh cãi thì ngoài kia núi vẫn là núi mà sông vẫn là sông. Vạn vật dù khoác lên mình bao nhiêu lớp áo thì bản chất của nó vẫn luôn là chính nó. Duy chỉ có cảnh giới tư tưởng của người nhìn nhận sự việc đó có đúng là chân thật, đúng là lương thiện, đúng là nhẫn nại bao dung hay không mà thôi.

Sự lương thiện bởi ngây thơ của giai đoạn đầu khác với cảnh giới “chân thiện” cuối cùng này. Chỉ có những người đã từng trải nghiệm, từng vượt qua nhiều sóng gió cuộc đời mới có thể tĩnh tại, thuận theo tự nhiên mà hành xử. Thế giới có ra sao, họ vẫn cần phải làm điều họ nên làm.

Người trẻ sống trong vội vã bởi con mắt ngây thơ, nông cạn. Tuy nhiên thất bại là chuyện hết sức bình thường. Người đạt được đỉnh cao có mấy ai chưa từng rơi xuống dốc? Chặng đường còn ở phía trước, nếu đi đúng đường chúng ta nhất định có thể thành công viên mãn.

Theo Cafebiz

x