Trong cuốn “Đại thiên đồ thuyết”, được cho là của “Đệ nhất thần đồng Dân Quốc”, đã miêu tả về nhiều chủng người ngoài hành tinh khác nhau.

Giang Hy Trương (1907 – 2004), tự là Mộ Cừ, người huyện Lịch Thành, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Lúc nhỏ được nhà văn, nhà tư tưởng Khang Hữu Vi khen là “Đệ nhất thần đồng Dân Quốc”; sau khi lớn lên trở thành một nhà khoa học; tuổi già đạm bạc không màng danh lợi, năm 2004 an nhiên rời khỏi nhân thế, hưởng thọ 97 tuổi.

Vậy Giang Hy Trương thuở bé giỏi đến mức nào mà được gọi là thần đồng? Ông 3 tuổi đã biết hơn 800 chữ Hán, thuộc lòng hơn 100 bài thơ Đường, đến năm 4 tuổi thì đã thuần thục ngâm thơ, làm câu đối, ý cảnh trong sáng tác thơ văn có thể so với một người trưởng thành. 5 tuổi có thể chú giải kinh thư, hạ bút liền viết được ngàn chữ. 

Vào cuối thời nhà Thanh, Tuần phủ Sơn Đông là Tôn Bảo Kỳ đã từng hết lòng tiến cử Giang Hy Trương (lúc này mới chỉ 4 tuổi) vào kinh, với tư cách là bạn học của Hoàng đế Phổ Nghi, người hơn ông 1 tuổi. Khang Hữu Vi thấy ông, lòng đầy vui mừng, phá lệ thu nhận ông làm học trò.               

Thần đồng; Thần đồng ở đâu
Ảnh Giang Hy Trương năm 9 tuổi (ảnh: Soundofhope)

Thịnh Văn Cường trong cuốn “Cố quốc chi yêu” đã giới thiệu danh tác “Tam thiên đại thiên thế giới đồ thuyết” (gọi tắt là Đại thiên đồ thuyết) của Giang Hy Trương, cuốn sách “Đại thiên đồ thuyết” này được xuất bản vào năm Dân Quốc thứ 5 (năm 1916). 

Giang Hy Trường vào năm 9 tuổi đã sớm vẽ ra hình tượng của người ngoài hành tinh trong vũ trụ. Trong cuốn “Đại thiên đồ thuyết” ông đã lấy dưa hấu làm ví dụ, chia vũ trụ thành thượng giới, trung giới, hạ giới, ông viết: “Tam giới về tổng thể thì như quả dưa hấu vậy, các hạt ở trong nó, thì giống như các tinh cầu ở trung giới, ruột của nó, thì giống như là không khí và quỹ đạo của các tinh cầu trong trung giới”. 

Còn “thượng giới” được miêu tả ở trong sách thì giống như là chỗ ở của Thiên thần được nói tới trong thần thoại Đạo gia. Hạ giới thì cũng giống như trong truyền thuyết dân gian, có âm tào địa phủ, Diêm la phán quan, đầu trâu mặt ngựa, núi đao chảo dầu. 

“Trung giới” chính là tương đương với vũ trụ ngày nay mà con người có thể nhận thức được. Ngoài ra bên ngoài Thái dương hệ còn có Bắc cực tinh hệ, Nam cực tinh hệ, bức tranh về vũ trụ dần dần được triển hiện ra.

Trong sách nói mặt trời “tự xoay mà không di động, chính là hằng tinh”, nhưng ngay sau đó lại nói “sức nóng của nó cực lớn, con người không thể sinh sống, là nơi Thái dương tinh quân cư ngụ”, cũng kèm theo một bức họa của Thái dương tinh quân, mặc áo dài, đội mũ quan, là một bậc đế vương trang nghiêm. 

Trong sách vẽ hình dạng của người ngoài hành tinh, ngoại trừ 3 đầu 6 tay, đa phần đều là có cánh dài, từ 2 cánh cho đến có nhiều cánh, còn có sừng dài trên đầu. Nhưng rất nhiều hình vẽ và miêu tả có thể là bị ảnh hưởng của cuốn cổ thư “Sơn hải kinh”. Người thầy Khang Hữu Vi của ông ở trong cuốn “Đại đồng thư” cũng từng thể hiện ra là có hứng thú với người ngoài hành tinh. Giang Hy Trương có lẽ cũng đã xem qua cuốn sách này.

"Đệ nhất thần đồng Dân Quốc" viết sách về người ngoài hành tinh?
Hình vẽ trong cuốn “Đại thiên đồ thuyết” (ảnh: Soundofhope)

Theo “Đại thiên đồ thuyết”, có những người ngoài hành tinh với nhiều hình dạng và đặc điểm khác nhau ở bên trong và bên ngoài Thái dương hệ. Trong đó người sao Thủy trung bình cao 5 xích (1 xích = 1/3 mét), ngôn ngữ của họ tương tự như tiếng chim hót, sống ở trong sơn động.

Người sao Kim thì có 2 cánh, có thể bay lượn tự do trên không trung, không bị ảnh hưởng bởi nước và lửa, tuổi thọ trung bình là 50 tuổi; họ dùng tấm kim cương để khắc chữ lên. Người sao Hỏa thì thân cao 1 trượng (3,33 mét), nói chuyện giống như tiếng gầm của hổ.

Người sao Mộc còn chưa khai hóa, vẫn thuộc về thời đại mông muội, ăn sống thịt dã thú. Người sao Thổ có chỉ số thông minh cao, trí tuệ giống như Thần linh, họ sống ở bên trong hang động, lấy trái cây làm thức ăn. Đến như Thiên vương tinh và Hải vương tinh ở rất xa, thì không thấy có người ngoài hành tinh sống.

Tại Bắc cực tinh hệ vẫn còn một số người ngoài hành tinh kỳ lạ. Ví dụ như người sao Tam sư, ở ngực có một cái lỗ nhỏ, có thể xuyên sợi dây qua đó. Người sao Thiên sàng khi đứng thì nhấc chân trái lên và dùng tay cầm lấy hai lỗ tai, lúc cùng đồng loại gặp nhau thì sẽ phát ra tiếng cười nhạo, lúc đối mặt với mãnh thú thì sẽ gầm thét lên. Còn có người sao Diêu quang, họ có một tay và một con mắt, đồng thời còn có đuôi và sừng, trên mũi của họ có một vật hình khoan, có thể dùng để tự vệ.

Tại Nam cực tinh hệ, có người sao Thiên địch với bề ngoài giống như là con dơi. Người sao Thiên cổ làm ổ ở trên cây. Ngoài ra còn có người sao Thiên tiêu với 6 lỗ tai, 2 cánh, một cánh tay và một cái đuôi, trên đầu còn có một cái sừng dài.

Những người ngoài hành tinh này có khả năng là đã phát minh ra ngôn ngữ và chữ viết của riêng mình, sáng tạo ra một loại văn hóa và xã hội đặc biệt. Hình thái và đặc điểm của họ hoàn toàn khác với người trên trái đất, thật khiến cho người ta kinh ngạc.

Một tập tranh tư liệu về người ngoài hành tinh hiếm có như vậy không biết từ đâu mà ra, người ta đồn nhau rằng Giang Hy Trương là dùng “Thiên nhãn” (mắt trời) để nhìn, như vậy mới có thể nhìn thấy được hết thảy những thứ này. Cũng có người cho rằng đây chỉ là trí tưởng tượng của ông. 

Tuy nhiên, trong những năm cuối đời, Giang Hy Trương lại lên tiếng phủ nhận cuốn sách này, nói cuốn sách này là người khác mạo danh tên ông, mượn danh thần đồng để mưu lợi. Chân tướng việc này là như thế nào? Rốt cuộc đã trở thành một vụ việc chưa có lời giải, rất khó kiểm chứng.

Theo Sound of hope