Điều con người sợ nhất là gì? Chính là “mất đi”. Tuy nhiên, những điều mất đó có thực sự đáng khiến ta buồn khổ không?

Người nắm quyền, sợ mất đi quyền thế. Bậc phú thương giàu có sợ mất đi tài phú. Người có tuổi thọ, sợ mất đi sức khỏe. Bậc anh tuấn tài giỏi đẹp trai sợ mất đi tài năng và học vấn. Thục nữ xinh đẹp, sợ mất đi diện mạo. 

1. Điều con người sợ nhất có thực sự trân quý? 

Trên thế gian này, con người thật sự sợ mất đi là những điều đã được xã hội công nhận. Mất đi quan niệm và tình cảm vốn có, mất đi sự thư thái và an nhàn mà bản thân đang nắm giữ, thậm chí không dám nghĩ tới.

Sợ mất đi vì còn người chưa thực sự hiểu điều gì là trân quý nhất của sinh mệnh (ảnh minh hoạ: Pixabay).

Tuy nhiên, thế sự đời người đều là vô thường, cũng là điều không thể tránh khỏi. Điều chúng ta có thể làm, chỉ là tự thay đổi chính mình. Thay đổi những thứ vốn có quan niệm xử sự làm người của mình.

Sợ mất đi, có lẽ bởi chúng ta vẫn chưa thể hiểu, đối với một sinh mệnh điều gì là trân quý nhất. Nếu mất đi thực sự là những thứ không tốt, hoặc không đủ tốt, chúng ta có còn sợ mất không? Chắc hẳn là không, ngược lại ta còn cảm thấy may mắn.

Kỳ thực, mọi thứ trên cõi đời này đều là vô thường. Thuộc tính này cũng quyết định nó không phải là tốt nhất, không phải là điều gì quá trân quý. Bởi trí tuệ chịu nhận hạn chế, chúng ta khó nhìn thấu mọi chuyện.

Vậy điều gì là đáng quý nhất với mỗi sinh mệnh khi đến với thế gian? Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, nhất là văn hóa tu luyện, chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời.

2. Phương thuốc đối diện với điều con người sợ nhất

Trong cuộc sống, khi gặp vấn đề hoặc những điều khó khăn, hãy dừng lại suy nghĩ một chút. Có thể tự thay đổi bản thân, thử học cách làm “mất đi” những quan niệm cũ cố hữu, thử không tiếp tục dùi mãi vào cái sừng bò của bản thân.

Khi người khác tranh quyền đoạt lợi với mình, điều đầu tiên ta nghĩ tới có thể là “đạt được”. Vì vậy, khi mang trong tâm sự căm giận, ta vẫn muốn vắt óc suy tính, bày mưu tính kế sao để có được nó. Vào lúc này, chúng ta có can đảm dám lựa chọn “mất đi”? Chúng ta có dám lựa chọn vứt bỏ tranh đoạt với người khác không? Có thể, nhiều người sẽ nghĩ, mình dựa vào cái gì mà phải làm như vậy? Mình dựa vào cái gì mà phải nhường cho người khác ? Mình dựa vào cái gì mà phải nhường lợi ích cho họ?

Không dựa vào cái gì cả! Chỉ là cho mình một lần tự thay đổi, là cơ hội cho mình vứt bỏ những quan niệm cố hữu vốn có. Nếu mỗi lần đều không làm được “mất đi” như vậy, có lẽ lần này hãy thử cố gắng một lần, xem kết quả sẽ ra sao. Chúng ta tranh đoạt lẫn nhau, chẳng qua chỉ là mò trăng đáy nước. Đám mây thực sự thuộc về chúng ta vẫn ở trên không trung.

Vì vậy, nếu những vật chất, danh lợi này thật sự thuộc về mình, cũng không cần quá lo lắng, vì cuối cùng vẫn sẽ quay trở về với chúng ta. Bởi vì “Người đang làm, trời đang nhìn”. Nếu thật sự bị người khác cướp đoạt, cuối cùng họ cũng sẽ mất đi những điều này.

Kỳ thực, trước mâu thuẫn, khi lựa chọn vứt bỏ và mất đi quan niệm “tranh đấu”, “giành giật” vốn có, chúng ta sẽ ngạc nhiên phát hiện, sự tĩnh tại và bình thản trong tâm, là vĩnh viễn thuộc về chúng ta. Đây cũng là cội nguồn của hạnh phúc và sức khỏe. Lùi một bước biển rộng trời cao, nhẫn một chốc trời yên biển lặng.

3. ‘Đi theo dòng nước chảy, ngồi ngắm mây trời bay’

“Mất đi”, là sự vứt bỏ ở tầng cảnh giới thấp, cũng để bước vào cảnh giới cao hơn. Thực sự có thể làm được điểm này, đó không phải sự kiên cường bất khuất hữu hình nơi thế gian, mà là biểu hiện tự nhiên sự thăng hoa của sinh mệnh.

Có lẽ, khi thực sự có thể làm được tâm tĩnh lặng như nước, thẳng thắn chính trực, từ thiện đãi người, bao dung vạn vật như biển nạp trăm sông, con người dễ dàng vượt qua sự trói buộc và trở ngại của chữ “tư” và “tự ngã” nơi chính mình. Tất cả những điều này, có thể đều xảy ra ở một tầng thâm sâu. Điều bộc lộ trong cuộc sống của chúng ta, chẳng qua chỉ là một tầng bề ngoài đơn giản.

Khi thực sự dám để mất đi những ham muốn và hành vi xấu, sự tham lam và kiêu ngạo của chính mình, chúng ta sẽ không còn sợ mất mọi thứ trên thế gian. Bởi vì chúng đã trở nên nhỏ bé như hạt bụi. Vào lúc này, ta vẫn có thể tận hưởng mọi thứ trên đời như bình thường. Nhưng khi ta mất đi chúng chỉ như cơn gió thoảng qua, không còn đau khổ và mất mát nữa. Vì những thứ này không còn tác dụng với những người thực sự dám để mất đi. Biển lớn chính là không quan tâm đến việc mất đi một giọt nước.

4. Lưu luyến phong cảnh dưới chân, chúng ta bỏ qua một đỉnh núi cao hơn

Mọi người thường nghĩ rằng mọi thứ của họ là tốt. Suy nghĩ và lựa chọn của mình là đúng. Nỗ lực và kinh nghiệm của mình là hay. Có lẽ điều này là do “tư” và “tự ngã” tạo thành. Tất nhiên, chúng ta có thể đồng ý những gì của riêng mình là tốt. Nhưng chúng ta không thể cứng nhắc và cố bám đến nó.

Không ngừng mất đi để có thể thăng hoa trong mọi thời khắc (ảnh: Pixabay).

Trong một phạm vi nhỏ nhất định, những điều cá nhân này truy cầu quả thực là tốt và có lợi. Nhưng nếu mở rộng phạm vi rộng hơn của sinh mệnh, ở tầng diện sâu hơn, có thể bộc lộ tính hạn chế của nó.

Cái “tư” mang tính hạn chế. Nó sẽ khiến chúng ta dễ dàng rơi vào khuôn khổ cố hữu của những ý tưởng của riêng mình. Và ta cảm thấy khó khăn trong việc tự giải thoát. Không ngừng phủ nhận “tự ngã” và “tư” riêng của bản thân trong cuộc sống, mới là sự đảm bảo để sinh mệnh thăng hoa lên tầng cao hơn.

Từ cổ chí kim, nhiều người thành đạt, các nhà khoa học vĩ đại, nghệ sĩ vĩ đại đã dám từ bỏ hào quang và ý nghĩ vốn có ban đầu của mình. Từ bỏ cuộc sống thoải mái, không ngừng thử thách bản thân và bứt phá để đạt được những thành tựu to lớn đó.

Nếu chỉ quan tâm lưu luyến cảnh vật dưới chân, chúng ta khó có thời gian và tâm trí để mong muốn leo lên những ngọn núi cao hơn.

5. Đời người giống như đánh cờ, và “tự ngã” là đối thủ của chính mình

Đời người là một ván cờ, quan niệm về “tự ngã” chính là đối thủ của chính mình. Quá trình này rất khó khăn, thậm chí có thể nhận ra đối thủ cũng không hề đơn giản. Bởi “Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã thông”. Vì vậy, không cần đòi hỏi nghiêm khắc thắng cuộc trong từng bước. Chỉ cần chúng ta không ngừng nhận thức rõ và vượt qua “cái tôi” của mình trong mỗi bước đi. Phần thắng cuối cùng sẽ thuộc về chúng ta.

Chơi cờ với thái độ này, chúng ta có thể không còn quan tâm đến thành bại cuối cùng khi kết thúc. Bởi vì bạn là người chiến thắng ngay khi bắt đầu ván cờ. Bởi vì sinh mệnh của bạn đã bắt đầu thăng hoa khi con tốt đầu tiên được bày ra.

Trong quá trình đánh cờ, chẳng qua để xem bạn có thể loại bỏ được bao nhiêu điều xấu của bản thân. Tất nhiên, nếu trong một khoảng thời gian nhất định, rất nhanh vượt qua “tự ngã”, đó thực sự là điều đáng mừng. Nhưng đây hẳn là một quá trình rất gian nan.

6. Không ngừng mất đi để thăng hoa trong mọi thời khắc

Phát hiện và để mất đi những quan niệm tự ngã ban đầu là một quá trình khó khăn. Nhưng đó là con đường tắt dẫn đến sự thăng hoa của sinh mệnh. Giống như thác trong suối. Mỗi một tình huống khó khăn gặp phải thực ra đều là một quá trình thanh lọc tịnh hóa. Sau khi loại bỏ những tạp chất không tốt, chúng ta vẫn trong suốt như ban đầu.

Hãy thử nghĩ xem, trong những người và sự việc gặp phải ngày hôm nay, chúng ta có phát hiện ở mình những tâm tham lam nào? Niệm đầu suy nghĩ bất hảo nào? Nếu phát hiện ra, hãy cố gắng loại bỏ một chút chúng đi. Sau đó, tự vấn còn nên loại bỏ những ý tưởng và hành vi xấu nào khác? Nếu ngày hôm nay, chúng ta có thể loại bỏ thoát khỏi một chút những điều không tốt, chúng ta sẽ thăng hoa lên một chút.

Nếu chúng ta có thể làm điều này trong 7 ngày tới, loại bỏ từng chút suy nghĩ và ý niệm xấu mỗi ngày. Sau đó kiên quyết làm điều này trong hai tuần và 30 ngày tiếp theo. Đến ngày thứ 31 khi quay đầu nhìn lại, chúng ta sẽ phát hiện hóa ra có rất nhiều sự việc, chúng ta có thể dùng quan điểm và thái độ khác nhau để đối đãi. Hóa ra có rất nhiều sự việc ta đều có thể bình thản đối diện như vậy.

Điều con người sợ nhất thực ra lại không đáng sợ. Không biết được mục đích của sinh mệnh bản thân mình đến đây là điều gì mới là điều đáng sợ nhất.

Theo Sound of Hope