Khi con người đối diện với nỗi bi thương mất mát thì thường sẽ trải qua 5 giai đoạn cảm xúc: Phủ nhận, phẫn nộ, mặc cả, chán nản, chấp nhận.

Bác sĩ tâm thần người Mỹ gốc Thụy Sĩ Elisabeth Kübler-Ross đã đưa ra lý thuyết về 5 giai đoạn của đau buồn trong cuốn “On Death and Dying” (tạm dịch: Bàn về tử vong và lâm chung), 5 giai đoạn này còn được gọi là “Mô hình Kübler-Ross”, bao gồm: Phủ nhận, phẫn nộ, mặc cả, chán nản, chấp nhận.      

1. Phủ nhận

Trong giai đoạn 1 của quá trình bi thương, sự phủ nhận có thể giúp chúng ta giảm thiểu nỗi đau thương và mất mát. Đối diện với hiện thực mất mát, chúng ta thường sẽ đau khổ dằn vặt. Vậy nên phủ nhận chính là một cơ chế để phòng vệ, bởi vì thông tin quá tàn khốc, chúng ta thà lựa chọn là không tin, trước tiên tách biệt bản thân và hiện thực.

2. Phẫn nộ

Giai đoạn thứ 2 của bi thương là phẫn nộ. Khi không thể lừa dối bản thân thêm được nữa, có quá nhiều cảm xúc liên quan đến sự mất mát không thể giải phóng, sự tức giận thường trở thành lối thoát của cảm xúc, và nó thường là cảm giác đầu tiên. Ở giai đoạn này, bạn sẽ bắt đầu phản ánh tất cả sự tức giận của mình lên người khác hoặc chính mình, oán Trời trách người, trách tội chính mình.

Đối diện với bi thương, con người sẽ trải qua 5 giai đoạn cảm xúc
(ảnh minh họa Adobestock)

3. Mặc cả

Khi đối mặt với mất mát, để giảm bớt nỗi đau, bạn sẽ bắt đầu hy vọng là thông qua nỗ lực hoặc một điều kiện trao đổi nào đó có thể xoay chuyển được cục diện. Mặc cả là một loại bất lực, là do con người cảm thấy tuyệt vọng trước sự mất mát. Trong giai đoạn này, bạn thường tập trung vào những sai lầm hoặc hối tiếc cá nhân, nhưng hãy lưu ý rằng đôi khi những điều tồi tệ vẫn xảy ra dù bạn đã cố gắng hết sức.               

4. Chán nản

Ở giai đoạn này bạn sẽ bắt đầu bình tĩnh lại để xem xét tình hình thực tế, biết rằng mặc cả chỉ là tốn công vô ích, sự thất vọng và buồn bã bắt đầu tăng lên. Bạn có thể ngừng nói chuyện với người khác và phong bế chính mình. Mặc dù quá trình bi thương này là rất tự nhiên, nhưng cũng phải chú ý không để dẫn đến tình trạng bị trầm cảm. Nếu như bạn hoặc người thân bạn bè của bạn đang gặp phải tình huống này, thì tốt nhất nên tìm một chuyên gia tư vấn càng sớm càng tốt.          

5. Chấp nhận

Giai đoạn cuối cùng trong 5 giai đoạn đau buồn là chấp nhận. Khi đi đến giai đoạn này, không phải bạn không còn cảm nhận được nỗi đau mất mát, chỉ là bạn không còn chối bỏ hiện thực, cũng không còn cố gắng thay đổi mọi thứ.

Đối diện với bi thương, con người sẽ trải qua 5 giai đoạn cảm xúc
(ảnh minh họa Adobestock)

Vậy mỗi giai đoạn này sẽ kéo dài trong bao lâu? Dư Giai Dung, nhà tâm lý học tại Viện Tâm thần Trẻ em Đài Bắc (Đài Loan) cho rằng, không có thời gian cụ thể, đối với mỗi người lại rất khác nhau, và không nhất định là sẽ trải qua tuần tự 5 giai đoạn như trên, ranh giới giữa các giai đoạn cũng rất mơ hồ, và một giai đoạn có thể được lặp lại nhiều lần.             

Dư Giai Dung khuyên rằng, đừng ép buộc bản thân phải làm điều gì đó khi trải qua những điều này, nhưng bạn có thể thông qua 5 giai đoạn bi thương trên để hiểu được rằng, đây là một quá trình của cảm xúc, sau một thời gian rồi sẽ lại bước qua giai đoạn mới.       

Theo Sound of hope