Người ta vẫn thường dễ dàng phán xét người khác theo cảm tính chủ quan qua những lời nói; hành vi của người đó. Trong thời buổi mà nhiều giá trị bị đảo lộn như hiện nay thì càng có nhiều đạo lý bị đảo lộn, trong đó có cách nhìn về “nịnh”.

Thế nào là nịnh

Xưa có câu dạy rất hay rằng :

“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang

Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”

Thì nay, thấy một người có lời “rảnh rang” khen người khác ta liền nói họ là “nịnh”. Hay khi thấy một người nói lời thô lỗ thiếu lịch sự ta lại cho rằng đó là người thẳng thắn; nói sự thật nên lời mới khó nghe; (nhưng cũng lời ấy mà người đó nói với ta thì ta lại nổi giận đùng đùng và chỉ trích lại họ liền) .v.v… Như vậy là ta chưa hiểu rõ thế nào là nịnh và thế nào là ngay thẳng.

Muốn biết một người có thói nịnh hay không trước tiên phải hiểu thế nào là nịnh. Nịnh là biểu hiện của một tâm tính hèn hạ; dùng lời hoa mỹ đầu môi chót lưỡi; tặng vật, kim ngân hoặc tìm cách giúp đỡ những việc nhỏ nhặt… tùy theo nhu cầu; tính cách của từng đối tượng cần nịnh mà có chọn lựa phù hợp; cốt để chiếm lấy cảm tình, làm phương tiện mềm hòng đạt được mục đích riêng tư.

Mục đích cuối của nịnh thì quá rõ ràng: danh-lợi-quyền.

Thế nào là nịnh
Giữa “nịnh” và đối xử ân cần, quan tâm là những khoảng cách cần được phân biệt, nhận biết (Ảnh minh họa: nguồn internet).

Biểu hiện của nịnh

Thông thường, kẻ nịnh là kẻ cấp dưới hoặc kẻ nghèo hèn. Kẻ cấp dưới nịnh kẻ cấp trên để giữ vững chỗ ngồi và mong tiến lên địa vị cao hơn. Còn kẻ nghèo hèn nịnh kẻ giàu có để mong hưởng chút cơm thừa của cặn. Đó đều là những hành vi của kẻ hèn mọn, không tự trọng, vô liêm sỉ.

Nịnh có nhiều hình thức biểu hiện, điển hình là hai hình thức: Một là ngôn ngữ nịnh; hai là hành động nịnh. Tùy theo thói quen và tính cách của người sử dụng mà biểu hiện khác nhau. Có kẻ thường dùng lời nói ngon ngọt để bợ đỡ. Có kẻ không nói nhưng lúc nào cũng tranh thủ cơ hội để giúp đỡ cấp trên những việc riêng tư ngoài việc công.

Ví như nhà sếp có việc ma chay, cưới hỏi,… mình xon xen đến giúp để lấy lòng sếp, tư tâm hi vọng sự chiếu cố của sếp về sau,… So với loại nịnh chỉ biết dùng lời nói thì loại dùng hành động nịnh sẽ mang lại kết quả cao hơn; đơn giản là đầu tư càng nhiều thì cũng sinh lãi càng cao nhưng để tối ưu nhất là dùng cả hai. Điển hình người thành công tuyệt đối trong việc dùng cả hai phương cách này là nịnh thần nổi tiếng số một trong lịch sử Trung Hoa: Hòa Thân.

Hòa Thân, một vị lộng thần nổi tiếng về tài nịnh

Trong thời gian tại vị, vua Càn Long tỏ ra là một vị vua anh minh sáng suốt về nhiều mặt từ hành chính, tư pháp, kinh tế, giáo dục, quân sự…, mang lại cho nhân dân Trung Hoa một giai đoạn lịch sử thái bình thịnh trị kéo dài ngót 60 năm. Vậy tại sao một người thông minh như ông lại để Hòa Thân qua mặt mấy mươi năm, tham nhũng, vơ vét mấy mươi năm tới nỗi khi Gia Khánh lên ngôi, tịch biên gia sản của ông ta giá trị lên tới một con số khổng lồ, tương đương 15 năm tiền thuế của Thanh triều thời bấy giờ?

Và một lần nữa hậu thế phải thừa nhận rằng sự thông minh của Càn Long vượt khỏi tầm nhìn của thường dân. Nhà vua chẳng qua là biết rõ mà ngó lơ, chỉ có Hòa Thân mới là kẻ không biết.

Càn Long giữ Hòa Thân bên mình trước nhất là Hòa Thân thỏa mãn được cho ông một số nhu cầu. Bên cạnh một Lưu Dung chăm chăm chuyện nước; một Kỷ Hiểu Lam tài hoa uyên bác với thái độ làm việc nghiêm túc và giữ khoảng cách quân thần; thì Hòa Thân đối với ông lại khác. Dù là một vị vua ông vẫn là con người; chưa phải Thần thánh nên vẫn có những nhu cầu rất trần tục, vẫn muốn có kẻ tán tụng mình; vẫn thích nghe những lời dễ nghe, và dĩ nhiên lời nịnh bao giờ cũng dễ nghe. (Nhưng cũng có thể lời dễ nghe thì chưa chắc khi nào cũng là lời nịnh nọt).

“Thưa bệ hạ, thần không phải gian thần, cũng không phải trung thần, thần là lộng thần”

Thứ hai, Càn Long thấu suốt con người Hòa Thân chỉ là kẻ hám lợi; lòng tham vô bờ bến nhưng không phải là kẻ ôm mộng bá vương, mưu đồ chính trị. Càn Long có lần trực tiếp hỏi Hòa Thân rằng: “Khanh nói xem khanh là gian thần hay là trung thần?”. Thân đáp: “Thưa bệ hạ, thần không phải gian thần, cũng không phải trung thần, thần là lộng thần.” (*Lộng thần là một chức vị trong cung đình thời cổ đại, thường diễn hí khúc trong cung đình, bày trò giúp vua tiêu phiền giải sầu, chữ lộng ở đây mang nghĩa trào lộng, không phải lộng quyền).

Vậy thì Càn Long còn gì để lo lắng một nịnh thần như Hòa Thân; cứ để cho hắn béo tốt lên và mua vui cho mình, con lợn có mập đến mấy cũng ở trong chuồng; muốn thịt lúc nào mà chẳng được. Cả Đại Thanh là của nhà Vua; cung điện nguy nga, kho tàng bến bãi của Hòa Thân đều nằm trên đất Đại Thanh; chỉ cần nhà Vua muốn; dùng một lỗi nhỏ cũng có thể gán cho cái tội khi quân phạm thượng thì 100 Hòa Thân cũng không còn; chơi với vua như chơi với cọp là như thế.

Càn Long hiểu rõ Hòa Thân là một nịnh thần( Ảnh: Cắt từ phim)

Càn Long chẳng qua là để dành món quà này lại cho con trai Gia Khánh. Gia Khánh vừa lên ngôi; liền xử tội Hòa Thân, một kẻ tham nhũng cấp quốc gia mà nhân dân oán thán; nhân dân lẽ nào chẳng cảm kích coi ông là vị vua có uy có đức? Ngoài ra; số tài sản kia đủ cho Gia Khánh lấp đầy quốc khố, từ đó giúp Gia Khánh ổn định chính trị; củng cố ngai vàng. Đó là dụng ý sâu xa của Càn Long.

Người thanh cao nhất thiết không xu nịnh

Đã biết thói nịnh ở đời là xấu thì làm người muốn giữ được cốt cách thanh cao nhất thiết không xu nịnh. Nhưng trong cuộc sống, giữa con người với nhau có các mối quan hệ thân-sơ; từ gia đình ra đến cơ quan, từ đồng nghiệp cho đến bằng hữu, làm sao không tiếp xúc; không có sự khen chê trong lời nói hay những hành động giúp đỡ nhau lúc hữu sự? Vậy muốn nhìn nhận một người là xu nịnh ta đừng vội dùng cảm giác chủ quan mang theo đầy tâm chấp trước của bản thân mình mà xét người; như vậy dễ lầm.

Cũng là lời khen nhưng lời khen vừa phải; chân thật, xuất phát tự trong lòng; đúng với những gì mọi người nhìn thấy thì đó là biểu hiện của người có tính cởi mở; chân thành muốn người khác được vui vẻ. Nó khác với cái tâng bốc vô hạn độ; dùng những lời xiển dương rỗng tuếch; những ý khen không đúng với sự thật của kẻ nịnh bợ kém tinh tế khiến cho chính người được khen cũng cảm thấy sượng sùng đỏ mặt.

Cũng là sự giúp đỡ cấp trên trong những việc riêng tư; nhưng nếu đó là xuất phát từ tấm lòng vô tư; muốn giúp người lúc hữu sự mà không cầu mong báo đáp; thâm tâm không nghĩ đến cái địa vị cao của họ; cái giàu có của họ mà chỉ coi họ như người thân; bạn bè đang cần sự giúp đỡ, đó không phải là xu nịnh, đó là sự quan tâm nhau, là lòng tốt. Có thể người khác nhìn thấy cho đó là nịnh; nhưng tự mình không thẹn với mình mới chính là cảnh giới cao.

Sống sao không thẹn với lòng!( Ảnh: Pixabay)

Trước hết hãy sống thật với chính mình

Còn nếu đã không có cảm tình thật sự; không muốn khen thì đừng khen; không muốn giúp thì đừng giúp; khen hay giúp mà chỉ vì để mong được hồi báo về sau thì thôi đừng làm; bởi vì con người ai cũng có chỗ thông minh của họ; họ có ngu dốt thì vẫn còn những người khác thông minh hơn bên cạnh họ; mình có chắc mình phỉnh phờ được họ chăng? Hay cũng chỉ như Hòa Thân; cứ ngỡ mình khôn nhưng hóa ra chỉ là trò con trẻ; một đời múa may diễn trò cho Càn Long vui?

Đó là xã hội, còn trong gia đình thì sao? Gíup đỡ hỗ trợ nhau là bổn phận, trách nhiệm, trong khả năng gánh vác san sẻ được thì nhất định phải làm, vậy sao gọi là nịnh được?. Còn “Mẹ hát con khen” là chuyện thường xưa nay rồi, miễn phải bàn thêm nữa. Chỉ khi không thực sự coi nhau là người nhà thì mới phải hiềm nhiều nỗi.

Con người sống trong xã hội đạo đức tụt dốc ngày nay đã quen với lối sống 2 mặt; giả tạo mọi lúc mọi nơi; nói dối không chớp mắt, khi đối đãi ra bên ngoài thường bị thao khống bởi tâm lý suy bụng ta ra bụng người hoặc là vơ đũa cả bó. Lại thêm tính tật đố phương đông, tiết kiệm với nhau lời khen, lời khích lệ, động viên…mà lại hào phóng với nhau lời chê bai; xúc xiểm, nói những lời thô lỗ, thiếu lịch sự, tổn thương người khác… lại tưởng rằng như vậy mới là lời ngay thẳng. Hậu quả là càng ngày người ta càng không phân biệt được đâu là chân tình, đâu là nịnh nọt, đâu là thẳng ngay, đâu là vô Lễ.