Có lần tôi và nhóm bạn phối hợp với nhau cùng làm một việc. Khi đến bước kia phải thực hiện một số thao tác trên máy tính; tuy chưa làm việc đó bao giờ, nhưng tôi nghĩ nếu tôi tìm hiểu thì chỉ 15 phút là cũng làm được. Nhưng anh bạn trưởng nhóm nói tôi đừng làm, mà nhờ một người khác vốn đã quen với việc này làm; mặc dù việc nhờ vả này có thể sẽ mất mấy tiếng để chờ đợi. Anh trưởng nhóm nói với tôi: “Không phải nhanh hay chậm, mà phối hợp với nhau mới là quan trọng; đôi khi thiếu một chút thì lại là đủ”.

Cứ thiếu một chút thì lại là đủ

Tôi rất ấn tượng với câu nói của anh “Cứ thiếu một chút thì lại là đủ”. Tính tôi cầu toàn nên làm việc gì cũng mong sao cho thật hoàn hảo; và việc này nhiều lúc khiến tôi rất mệt mỏi. Đôi khi do không yên tâm để người khác làm nên tôi tự tay đi làm hết mọi việc. Kết quả là tôi bị quá tải, đầu óc như muốn xì khói; rồi vì thế mà lại đi nóng giận với những người khác.

Đặc biệt là trong giao tiếp, việc sợ làm mất lòng người khác thường khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều; không biết mình làm vậy thì người khác có khó chịu không? Tôi không biết là người ta có khó chịu không; còn tôi cứ suy nghĩ về nó hoài thì thấy cũng thật mệt. Từ lúc nghe anh trưởng nhóm nói vậy, tôi lại nghĩ ‘đôi khi cứ để thiếu một chút’ xem sao? Nghĩ vậy mà đầu óc lại thấy thoải mái hơn.

Cố gắng hoàn hảo đôi khi lại trở thành cực đoan

Phật dạy biết đủ là hạnh phúc; Biết đủ là hạnh phúc; Biết đủ là gì
Nhân vô thập toàn, làm người ai cũng sẽ mắc sai lầm (ảnh biblegateway)

Nhân vô thập toàn, tôi nghĩ làm người thì có mấy ai mà không mắc sai lầm; cứ cố gắng hoàn hảo quá đôi khi lại trở thành cực đoan. Người ta kể chuyện một nhà xuất bản nọ ở Pháp nhất định in một cuốn sách không có lỗi. Ông lựa cuốn Kinh Thánh. Sắp xong trang nào ông đưa ba thầy cò coi lại; sửa cho hết lỗi rồi đem một bản dán ở cửa; yêu cầu bất kỳ nhân viên nào đi qua cũng ngừng lại đọc và chỉ cho những lỗi in. 

Công việc làm đâu một năm mới xong. khi sách đem bán, ông tuyên bố trên báo chí rằng độc giả nào lượm được lỗi thì xin cho ông hay; ông sẽ thưởng mỗi lỗi một trăm quan tiền vàng. Một tuần lễ sau, một độc giả viết thư vạch ra một lỗi rất lớn: Trong cái tít đầu một chương nọ, chữ BIBLE (Kinh Thánh) đã in là BILBE. Câu chuyện đó đã thành một giai thoại trong làng xuất bản.

Đầy đủ trọn vẹn chưa chắc đã là hay

biết đủ là đủ; chỉ thiếu một chút nữa; biết đủ thường vui; sống biết đủ là cách sống trí tuệ
Cầu toàn quá sẽ trở thành cực đoan (ảnh Adobe Stock)

Tôi cũng không có ý nói là người ta nên dễ dãi với bản thân; chỉ là đừng làm quá đi thì nó lại trở thành không đúng nữa thôi. Tôi rất ấn tượng với một câu chuyện đã đọc từ lâu, chuyện kể rằng: Ở một ngôi làng nọ có một bà lão rất chân chất, lương thiện. Ngôi làng của bà nhà cửa lụp xụp và toàn làm bằng các thứ dễ cháy nên vào mùa hè thì thường xuyên xảy ra hỏa hoạn; gây ra rất nhiều thiệt hại cho người dân. 

Một ngày kia, có một tăng nhân đi ngang qua ngôi làng; khi nhìn thấy tình trạng hỏa hoạn như vậy thì ông mới chỉ cho bà lão cách niệm kinh Phật. Do bà lão không biết chữ nên ông chỉ có thể dạy một câu ngắn; và dặn bà lão mỗi lúc nguy nan thì cứ niệm câu đó với tâm thành kính thì nhất định có thể vượt qua hiểm họa. 

Sau khi vị tăng nhân đi rồi thì mấy ngày sau lại xảy ra cháy. Bà lão y theo lời chỉ dạy mà niệm Phật thì đúng là đám cháy đã được dập tắt và không có lan ra các nhà khác. Sự việc này cứ lặp đi lặp lại; và cứ hễ bà lão niệm Phật thì hỏa hoạn lại được ngăn chặn kịp thời; cũng nhờ thế mà tín tâm của bà lão ngày càng lớn hơn.

Quan trọng là ở tín tâm

Mấy năm sau, vào một ngày nọ, vị tăng nhân lại đi qua ngôi làng này và có ghé thăm bà lão. Ông định dạy thêm Kinh Phật cho bà, nhưng lại phát hiện ra bà đã đọc sai một chữ trong câu Kinh mà ông chỉ cho bà mấy năm trước kia. Vị tăng nhân kinh ngạc, vậy là mấy năm qua bà lão đều niệm câu Kinh Phật sai này. Ông liền sửa lại câu này cho đúng và nói bà lão học lại. Xong việc ông lại đi qua làng khác.

Một thời gian sau, vị tăng nhân có việc đi qua ngôi làng thì phát hiện ngôi nhà của bà lão đã bị cháy mất. Ông rất ngạc nhiên mới đi tìm bà lão và hỏi tại sao bà lại không niệm kinh Phật để tai qua nạn khỏi. Bà lão nói: “Tôi niệm lại câu kinh Phật như ông đã sửa cho tôi; nhưng trong tâm lại nghi ngờ không biết có tác dụng hay không. Tôi không còn đủ tín tâm như lúc niệm câu Kinh Phật bị sai kia nữa. Có thể vì vậy mà không có hiệu quả”. 

Đời người cứ thiếu một chút thì lại là đủ

biết đủ thường thấy an vui; sống ở trên đời; thuận theo tự nhiên
Cân bằng là chìa khóa của hạnh phúc (ảnh Adobe Stock)

Qua câu chuyện này chúng ta có thể thấy là đôi khi thiếu một chút thì lại là đủ. Tôi thấy trong văn hóa Nhật Bản có một thuật ngữ khá hay là Wabi-sabi. Trong đó Wabi có nghĩa là khiêm tốn, giản dị; còn Sabi nói về vẻ đẹp của tạo hóa, của thời gian. Kết hợp lại, Wabi-sabi là tính thẩm mỹ của những gì tự nhiên nhất. Đó là vẻ đẹp của những điều không hoàn hảo, vô thường và dở dang; vẻ đẹp của những thứ bất toàn và chưa trọn vẹn; vẻ đẹp của những thứ khiêm tốn và nhún nhường; vẻ đẹp của những thứ bất thường và khiếm khuyết.

Đạo gia hay nói thuận theo tự nhiên, nhưng đôi khi người ta cũng không biết thế nào là tự nhiên để mà thuận theo; là phó mặc tất cả thì cũng không đúng; là kiểm soát tất cả thì lại càng không. Theo tôi nghĩ là phải biết cân bằng giữa nắm và buông; cân bằng giữa khiếm khuyết và vẹn toàn; làm được như vậy thì ‘tự nhiên’ lại thấy mọi thứ đủ đầy trọn vẹn. Càng nghĩ tôi càng thấy câu ‘thiếu một chút thì lại là đủ’ cũng có đạo lý lắm!