Đức Khổng Tử làm thế nào để dạy các học trò của mình?
Đức Khổng Tử cả đời coi việc truyền thừa văn hóa truyền thống là nhiệm vụ của mình. Ông coi trọng việc giáo dục và cảm hóa con người.
- Khổng Tử đàm luận: Tôn trọng người khác là đạo lý quan trọng nhất trên đời
- Nghệ thuật nhìn người: 4 bí quyết của Khổng Tử
- Khổng Tử: “Thiên hạ có 5 điều đáng lo ngại”, ngày nay điều nào đang phổ biến?
Nhan Hồi nói: “Phu tử tuần tuần nhiên thiện dụ nhân”, ý nói: Thầy tuần tự mà khéo léo dẫn dắt người.
Còn Chu Hy thì nói: “Phu tử giáo nhân, các nhân kỳ tài”, có nghĩa là: “Thầy dạy người dựa trên trình độ khác nhau của từng người”. Qua những câu chuyện dưới đây có thể thấy Khổng Tử giáo dục học trò ngay cả khi giao tiếp thường ngày.
Nội dung chính
1. Đức Khổng Tử dạy học trò về đạo đối nhân xử thế
Lần nọ, Đức Khổng Tử và học trò của ông bàn luận về đạo đối nhân xử thế.
Tử Lộ nói: “Khi người khác dùng thiện đối đãi với con, con cũng dùng thiện đối đãi với họ; người khác không dùng thiện đối đãi với con, con cũng không lấy thiện đối xử với họ”. Khổng Tử bình luận: “Đây là cách làm không có đạo đức lễ nghi của dân tộc thiểu số”.
Tử Cống nói: “Người khác dùng thiện đối đãi với con, con cũng dùng thiện đối đãi họ; Người khác không dùng thiện đối đãi con, con sẽ dẫn dắt họ hướng thiện”. Khổng Tử bình luận: “Đây là cách làm nên có giữa bạn bè”.
Nhan Hồi nói: “Người khác dùng thiện đối đãi với con, con cũng dùng thiện đối đãi với họ; người khác không dùng thiện đối đãi con, con cũng dùng thiện đối đãi họ và dẫn dắt họ hướng thiện”.
Khổng Tử bình luận: “Đây là cách làm nên có giữa người thân. Nếu có thể mở rộng nó, lấy tâm chân thành đối đãi với mọi người trong thiên hạ, mới thực sự là thiện đãi với mọi người”.
2. Điều Đức Khổng Tử nói khi tiễn biệt học trò
Tử Lộ, học trò của Khổng Tử phải đi xa một thời gian nên tới cáo biệt thầy.
Khổng Tử nói: “Con muốn ta tặng con một chiếc xe, hay tặng con một vài lời?”. Tử Lộ nói: “Xin Phu tử tặng đệ tử một vài lời ạ”.
Khổng Tử nói: “Không ngừng nỗ lực vươn lên thì không thể đạt được mục tiêu to lớn; không chăm chỉ làm tốt việc của mình thì không thể có được kết quả tốt; không đối xử chân thành với người khác mà so đo tính toán thì không thể thân cận với người ta; bản thân không coi trọng chữ tín thì không thể mong người khác giữ chữ tín với mình; không chân thành và khiêm tốn với người khác thì không thể phù hợp với lễ nghĩa. Nếu có thể áp dụng năm điều này trong cách hành xử và làm việc thì có thể làm được lâu dài”. Tử Lộ cảm ơn thầy đã chỉ giáo rồi lên đường.
3. Ba việc thiện tại Bồ Ấp
Ba năm sau khi Tử Lộ cai trị tại Bồ Ấp. Lần nọ, khi Khổng Tử đi ngang qua, vừa vào tới biên giới nơi đây; liền khen ngợi nói: “Tử Lộ làm tốt, làm được cung kính và có chữ tín”. Khi đi vào trong thành, Khổng Tử lại khen: “Tử Lộ làm rất tốt, có thể làm được trung tín và rộng lượng”. Đến phủ quan nơi Tử Lộ làm việc, Khổng Tử thốt lên rằng: “Tử Lộ làm quá tốt, làm được minh xét và quyết đoán”.
Tử Cống nghe thấy lấy làm kỳ lạ, tay cầm dây cương hỏi Khổng Tử: “Thầy chưa gặp Tử Lộ mà đã ba lần khen ngợi; xin thầy chỉ cho con biết chỗ mà Tử Lộ làm tốt?”
Khổng Tử nói: “Ta thấy rằng đi đến nơi này thấy ruộng nương chỉnh tề, đất đai trù phú, cỏ dại được nhổ sạch, đường nước ở ruộng sâu thêm; đó là vì Tử Lộ cung kính cẩn thận và có chữ tín, vì vậy nông dân mới cố gắng đi làm. Đi vào ấp thấy tường nhà đều kiên cố, chợ đông tấp nập, cây cối tươi tốt; đó là nhờ Tử Lộ trung tín và rộng lượng, nhờ vậy người dân mới không gây gổ cãi lộn. Phủ quan thì sạch sẽ, người hầu cận bên dưới đều rất cần mẫn, tận tình; đó là vì Tử Lộ minh xét thiện đãi, chính sách không gây phiền hà cho dân.
Xem ra đó chính là thành quả mà Tử Lộ đạt được; mặc dù ta ba lần liên tiếp khen Tử Lộ làm tốt, cũng không sao nói hết những điểm tốt của Tử Lộ”.
Về sau, Bạc Ấp đã trở thành “tam thiện chi địa”.
4. Chấp chính cần cải chính những điều sai trái
Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy, khi Tề Cảnh Công thỉnh giáo thầy làm thế nào mới có thể khiến cho việc triều chính được minh bạch; thầy nói: ‘Triều chính minh bạch ở chỗ tiết kiệm tài chính.’
Lỗ Ai Công thỉnh giáo thầy làm thế nào để việc triều chính được minh bạch; thầy nói: ‘Triều chính minh bạch ở chỗ giáo dục hạ thần.’
Sở đại phu Diệp Công thỉnh giáo thầy làm thế nào để triều chính được minh bạch; thầy nói: ‘Triều chính minh bạch ở chỗ giúp cho người ở gần an vui, người ở xa muốn đến quy phục’.
Ba người hỏi cùng một câu hỏi; sao thầy lại trả lời khác nhau, lẽ nào là có nhiều cách giải thích khác nhau?”.
Khổng Tử đáp: “Đó là vì mỗi người có hoàn cảnh khác nhau. Tề Cảnh Công trị vì quốc gia, kiến trúc cung điện xa xỉ, khu vực đi săn quá rộng. Nên ta nói ‘xử lý việc triều chính ở chỗ tiết kiệm tài chính’.
Lỗ Ai Công có ba quyền thần là Mạnh Tôn, Thúc Tôn, Quý Tôn, họ ở trong nước kéo bè phái, ở ngoại quốc thì áp bức các nước chư hầu. Nên ta nói ‘xử lý việc triều chính ở chỗ giáo dục các quần thần’.
Còn nước Sở, lãnh thổ rộng lớn mà các đô ấp lại nhỏ, dân chúng vẫn có sự chia rẽ, không có nguyện ý ở đó an cư lạc nghiệp. Vì vậy ta nói ‘xử lý triều chính ở chỗ khiến cho người ở gần thì vui, người nơi xa muốn quy phụ’. Đó là cách xử lý khác nhau cho những hoàn cảnh khác nhau.
Hoàn cảnh khác nhau cách xử lý khác nhau
Trong “Kinh Thi” có nói: ‘Trải qua tang loạn thời gian dài, dân chúng đã nghèo khổ cùng cực, nhưng triều đình lại không hề cứu trợ cho dân’. Đó là tiếng than thở về họa loạn tạo ra bởi sự xa xỉ lãng phí. Lại nói: ‘Những kẻ tiểu nhân nịnh thần luôn đặt điều vu khống’. Đó là chế giễu họa loạn gây ra bởi những gian thần bịt mắt bậc quân chủ. Còn nói: ‘Trong tang loạn có nỗi buồn chia ly, nỗi đau khổ của chết chóc, rốt cuộc phải chạy đến nơi đâu?’. Đó là những họa hại gây ra bởi sự ly tán. Xem xét ba phương diện này có thể thấy lẽ nào những khó khăn cần giải quyết trong chính sự; có thể dùng cùng một cách được sao?”
5. Người quân tử không chỗ nào không cẩn thận
Tử Cống làm quan lớn ở Tín Dương, khi sắp nhậm chức, đến chào tạm biệt Khổng Tử, Khổng Tử nói: “Phải cần cù chăm chỉ, phải cẩn thận, phải chỉ đạo sản xuất nông nghiệp dựa vào thiên nhiên thời tiết. Không tranh đoạt, không cướp bóc.” Tử Cống nói: “Từ hồi trẻ, con đã theo học thầy, lẽ nào con đã từng phạm lỗi cướp bóc.”
Khổng Tử nói: “Con còn không hiểu sâu thêm nữa. Dùng người tài đức đi thay thế người đại tài đức thì gọi là “đoạt”; dùng kẻ bất tài thay thế người có tài gọi là “phạt”; chính lệnh nới lỏng mà hình phạt tàn bạo gọi là “bạo”; lấy hết điều tốt về mình thì gọi là “đạo” (trộm). Đạo không chỉ là trộm cắp tài vật.
Ta nghe nói: Thiện ở làm quan, hành sự theo pháp luật giúp cho bách tính được lợi; kẻ làm quan bất thiện, khiến cho bách tính bị tổn hại, đây là căn nguyên của dân oan. Chỉnh đốn quan phong, không có gì tốt bằng công bằng; đứng trước tài vật, không có gì tốt bằng sự liêm khiết. Thanh liêm và công bằng không biến đổi. Giấu điểm tốt của người khác chính là mai một nhân tài; bên trong không khuyên bảo mà ra ngoài phỉ báng nhau thì không thể sống hòa thuận. Người có tu dưỡng đạo đức, không điều gì là không cẩn thận. Nghiêm khắc với bản thân, rộng lượng với người khác mới có thể dùng đức hạnh và trí huệ của mình để tạo phúc cho muôn dân”.
Không chỉ với các học trò mà tư tưởng của Đức Khổng Tử có ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa Đông Á.
Theo Vision times