Cha mẹ thường có định nghĩa về hạnh phúc cho riêng mình và ép con cái phải theo, nhưng họ đâu biết, giấc mơ của cha mẹ lại là ác mộng cho tâm hồn trẻ thơ.

Tuổi thơ của tôi là học và học thêm nữa

Hồi nhỏ, tôi vẫn nghĩ cha mẹ sống lâu hơn mình, nên chắc họ sẽ biết bí mật gì đó về hạnh phúc trong cuộc sống. Hơn nữa, họ cũng là mẫu phụ huynh thành công và giàu có, mấy đứa bạn cùng lớp của tôi bảo thế.

Cha tôi là chủ một doanh nghiệp, còn mẹ tôi làm ngân hàng. Sự nghèo khổ trong ký ức của tôi chỉ là hình ảnh những em bé vùng cao xuất hiện trong các chương trình trên ti vi. Tôi sống sung sướng từ nhỏ, không thiếu thốn bất cứ thứ gì.

Cha mẹ tôi kiếm được rất nhiều tiền, và họ cũng muốn sau này tôi có một cuộc sống thoải mái như họ. Mà chắc bạn biết rồi, những người thành công đã nói là làm, và họ lên kế hoạch cực kỳ chi tiết. Đó là một nguyên tắc mà tôi đọc trong cuốn “cha giàu cha nghèo”, hình như cha tôi giao cho tôi đọc khi mới học lớp 9.

Vậy là cuộc đời tôi được thiết kế bởi hai kiến trúc sư tài năng mà không cần tham khảo ý kiến của tôi. Nhưng tôi cũng thông cảm với cha mẹ; vì lúc nhỏ nếu cha mẹ có hỏi tôi muốn gì thì tôi cũng chỉ trả lời là muốn đi chơi, về quê, đọc truyện tranh… những việc rất ‘sai’ trong mắt của những người chăm chỉ.

Tôi học điên cuồng như một con robot

Tâm hồn trẻ thơ; Tâm hồn trẻ thơ hóa; Tâm hồn trẻ thơ là gì
Suốt ngày tôi chỉ biết học và học (ảnh Adobe Stock)

Ngày nay muốn thành công thì phải dạy con những gì? Về mặt năng lực thì phải giỏi tiếng Anh, giỏi toán, biết chơi piano; phải học trường chuyên và đi du học. Về mặt kỹ năng thì phải có năng lực lãnh đạo giỏi; phải biết lên kế hoạch, biết quản lý thời gian tốt. Về mặt xã hội thì phải biết hòa đồng, biết xã giao, tạo các mối quan hệ v.v.

Và bạn biết đó, tôi đã được trang bị toàn bộ những ‘bộ giáp’ này như một con robot từ lúc học mẫu giáo cho đến khi trưởng thành.

Sau này lớn lên nhìn lại thì tôi nghĩ cha mẹ cũng không có gì sai. Vì đó là tất cả những gì họ biết về hạnh phúc, hạnh phúc là phải kiếm được thật nhiều tiền. Thế nên tôi làm sao có thể trách họ được. Nhưng đằng sau tất cả những thành công đó, tôi vẫn cảm thấy đời mình khuyết thiếu một thứ gì đó.

Nghĩ lại về tuổi thơ, tôi hầu như chẳng có ký ức gì cả; ngày nào cũng giống như ngày nào. Sáng đi học, chiều học thêm, sau đó ăn vội ăn vàng bữa tối rồi lại ra trung tâm học tiếng Anh; tối về nhà còn phải học thêm 1 tiếng piano; cuối cùng là chuẩn bị bài cho buổi sáng ngày mai. Có cuốn sách “Em phải đến Harvard học kinh tế”, hình như mẹ tôi coi đó là cuốn cẩm nang để dạy dỗ tôi thành một đứa trẻ tài năng. 

Kỳ vọng của cha mẹ tạo áp lực cho tâm hồn trẻ thơ của tôi

Với lịch học dày đặc như thế thì việc tôi đứng đầu lớp cũng không có gì là ngạc nhiên. Nhưng cái giá mà tôi phải trả đó là một tuổi thơ vô nghĩa. So với một đứa trẻ nông thôn thì chắc chắn là tôi học giỏi hơn. Nhưng liệu tôi có một tuổi thơ ý nghĩa hơn không? Tôi nghĩ là không. Đơn giản là tôi chẳng có kỷ niệm gì về nó cả. Ai mà lại đi nhớ những điểm mười, những tờ giấy khen, những bảng thành tích làm gì cơ chứ.

Tâm hồn như trẻ thơ; Người có tâm hồn trẻ thơ; Vẻ đẹp tâm hồn trẻ thơ
Tôi phải học đủ thứ để trở thành một con người hoàn hảo (ảnh Adobe Stock)

Đó đâu có phải là kỷ niệm, đó chỉ là những mục tiêu mà bố mẹ buộc tôi phải đạt cho bằng được. Tôi có cảm giác mình đang ‘làm thuê’ cho giấc mơ ‘đứa con thành đạt’ của cha mẹ.

Tôi đã bị trầm cảm, điều mà ít ai ngờ tới. Nhìn bề ngoài ai cũng nghĩ là tôi thật sung sướng; nhưng họ đâu có biết lúc nào tôi cũng phải sống trong nỗi lo sợ thất bại. Đó dường như là căn bệnh phổ biến của những đứa trẻ phải cố gắng bắt kịp với kỳ vọng của cha mẹ.

Tôi còn nhớ hồi cấp 3 tôi có tham gia một cuộc thi và đạt giải nhất. Trong lễ trao giải, khi cô giáo thông báo tôi đứng đầu cuộc thi vì trả lời đúng 59/60 câu hỏi, bạn biết bố tôi đứng bên cạnh đã nói gì không? “Thế tại sao con lại sai một câu?”. Cảm xúc của tôi đã rơi thẳng từ trên trời xuống mặt đất; lúc đó tôi chỉ cảm thấy ‘thất bại’ trước mặt bố mẹ. 

Chạy theo chủ nghĩa hoàn hảo

Đến khi đi du học thì cảm giác ‘hoàn hảo’ đó vẫn luôn đeo bám tôi. “Đời có bao nhiêu đâu mà suốt ngày cứ phải lo học và làm giàu”, mấy đứa bạn Tây của tôi hay nói vậy để chỉ trích tôi vì cái đặc thù ‘học quên mất sống’ của dân châu Á.

Một lần nọ, tôi đạt điểm B đầu tiên trong đời ở môn Kinh tế học vĩ mô; tôi đã khóc mất cả một đêm. Với những đứa đã quen với việc đạt điểm trung bình thì chắc sẽ chẳng cảm thấy gì cả; đời vẫn vui như thường…

Cha mẹ quá nuông chiều con; Cha mẹ quá khắt khe; Cha mẹ quá bao bọc con
Tôi không được học cách đối diện với sự thất bại (ảnh Adobe Stock)

Nhưng với tôi, cả tuổi thơ chỉ được dạy làm sao để chiến thắng; chứ không được học cách đối đầu với thất bại và chấp nhận những khiếm khuyết của bản thân; thất bại như một vết cắt vào hình tượng đứa con hoàn hảo. Ám ảnh về sự hoàn hảo đã thúc đẩy tôi phải luôn cố gắng tiến lên; nó ám tôi cả những lúc giải lao vui chơi; hay chui vào cả giấc ngủ và dựng tôi dậy để tiếp tục làm việc.

Hạnh phúc không chỉ là giàu có và kiếm thật nhiều tiền

Nhìn lại cha mẹ tôi, họ đúng là giàu thật, và có vẻ họ cũng hạnh phúc thật. Tiền có thể làm cho người ta hạnh phúc, tôi cũng không phản đối việc này; tôi cũng không quá ảo tưởng về ‘một túp lều tranh hai quả tim vàng’. Nhưng có lẽ cuộc sống còn nhiều màu hơn thế, không chỉ là thành công và kiếm thật nhiều tiền.

Tất nhiên, tôi nghĩ trường hợp của tôi cũng khá cá biệt; nhưng khi quan sát những đứa bạn khác, những thế hệ cha mẹ Việt hiện đại khác, tôi cảm thấy họ đang nhốt con mình vào ‘nhà tù hạnh phúc’ do chính họ xây dựng nên. Hạnh phúc trong suy nghĩ của họ là sự thành công, giàu có, kiếm thật nhiều tiền; của những giá trị vật chất thay vì một cuộc sống ‘đáng sống’ và có ‘ý nghĩa’.

Giấc mơ của cha mẹ là ác mộng cho tâm hồn trẻ thơ
Sự kỳ vọng quá mức của cha mẹ sẽ tạo thành áp lực cho con cái (ảnh Adobe Stock)

Giấc mơ của cha mẹ là ác mộng cho tâm hồn trẻ thơ

Câu chuyện của tác giả ở trên đã trở nên rất phổ biến trong xã hội ngày nay. Giờ thì những gia đình ở tầm khá cũng có thể lo cho con một cuộc sống như vậy chứ không cần quá giàu có. Họ cũng ép con học đủ thứ, rồi phải đi nước ngoài du học, rồi phải kiếm thật nhiều tiền. Không biết từ lúc nào mà xã hội lại lấy tiền nhiều hay ít để làm thước đo cho hạnh phúc.

Những câu chuyện thương tâm về những đứa trẻ bị trầm cảm dẫn đến tự tử xuất hiện ngày càng nhiều. Mà nguyên nhân là do cha mẹ đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào con; đến khi gặp phải thất bại thì chúng tuyệt vọng chán nản, và cuối cùng là tìm đến cái chết để kết thúc tất cả.

Mỗi người sinh ra đều là duy nhất và đều có một sắp đặt riêng cho mình, không ai giống ai. Điều người này cho là hoàn hảo, nhưng nếu áp dụng vào người khác thì có khi đó lại là một sự khiếm khuyết. Thế nào là một xã hội phồn vinh? Chính là mỗi người đều mang một dáng vẻ khác nhau, một tính cách khác nhau; họ sẽ phát triển bản thân theo những hướng khác nhau; nếu cố tình ép họ vào một cái khung nào đó, thì rất nhiều khi là đang ép một con cá phải biết leo cây.

Các bậc cha mẹ hãy tự sống với giấc mơ của mình, đừng ép nhập nó vào con cái; vì rất có thể nó sẽ là ác mộng cho tâm hồn trẻ thơ.

Tổng hợp