Không có gì là đương nhiên, chỉ là bạn quá vô tâm
Có những thứ bạn cho là đương nhiên, nhưng thực ra đó lại là sự phó xuất không ngừng của người khác; không có gì là đương nhiên cả!
- Cội nguồn của hạnh phúc là “lòng biết ơn”
- Biết ơn mọi điều trong cuộc sống này, tất cả đều là ân nhân
Nội dung chính
Bạn có quá vô tâm?
Bạn cảm thấy thế nào nếu hàng ngày ân cần hỏi han một ai đó mà không được cảm ơn? Nếu như bạn cung cấp cơm ăn áo mặc, che nắng che mưa cho một ai đó mà không được cảm ơn thì bạn sẽ cảm thấy ra sao? Hầu hết mọi người sẽ khó chịu và thậm chí không bao giờ cho người đó bất cứ thứ gì nữa. Người mà không có một chút lòng biết ơn nào thì cơ bản cũng không cần phải cố gắng quá phải không?
Vậy mà khi cha mẹ làm điều này cho bạn, bạn lại coi là đương nhiên, không những thế còn đòi hỏi này nọ. Đây chẳng phải là có vấn đề hay sao?
Khi bạn cho rằng cha kiếm tiền để nuôi gia đình là điều hiển nhiên; vậy thì bạn sẽ thấy rằng việc cảm ơn là không cần thiết.
Khi bạn coi việc mẹ dọn dẹp nhà cửa là đương nhiên; vậy thì bạn sẽ không cần chủ động phụ giúp mẹ rửa bát, lau sàn.
Khi bạn cho rằng việc cha mẹ quan tâm hỏi han đến bạn là điều đương nhiên; vậy thì bạn sẽ không biết ơn, thậm chí còn cảm thấy phiền hà.
Đừng coi tình thương của người khác là đương nhiên
Có một câu chuyện như sau: Một cô gái cãi nhau với mẹ rất gay gắt. Cô tức giận đến mức quyết định không quay trở lại ngôi nhà khó chịu này nữa. Cả ngày cô lang thang bên ngoài; tiền tiêu vặt cũng không mang theo thế là bị cơn đói hành hạ, nhưng cô vì vẫn giận dỗi nên nhất định không chịu về nhà ăn cơm.
Buổi tối đi ngang qua một tiệm mì thơm phức, cô rất muốn ăn một tô, nhưng vì không có tiền nên đành nuốt nước bọt quay đi. Đột nhiên, ông chủ quán hỏi: “Cô bé ơi, cô có muốn ăn mì không?” Cô ngượng ngùng đáp: “Dạ… nhưng cháu không mang theo tiền…” Ông chủ cười lớn: “Ha ha, không sao cả, hôm nay coi như ông chủ mời khách!”
Cô gái không thể tin vào tai mình, cô ngồi xuống ghế chờ. Một lát sau, mì được bưng ra, cô ăn một cách ngon lành, cô nói: “Bác thật là tốt bụng!”
Ông chủ nói: “Ồ? Cháu nói sao?” Cô gái đáp: “Dạ đúng là thế! Bác không biết cháu, vậy mà lại đối với cháu rất tốt; không giống như mẹ của cháu, chẳng hiểu cháu một chút nào, thật là bực mình!”
Ông chủ lại cười nói: “Ha Ha, cháu ơi, bác chỉ cho cháu một tô mì mà cháu đã biết ơn như thế. Vậy mà mẹ cháu nấu cho cháu hơn 20 năm qua, chẳng lẽ cháu lại không biết ơn hay sao?”.
Người cho chúng ta nhiều nhất thì chúng ta lại vô tâm
Cô gái nghe xong thì chợt giật mình, nước mắt lưng tròng. Cô bỏ dở nửa tô mì rồi chạy về nhà.
Vừa đến con hẻm trước nhà, nhìn từ xa đã thấy mẹ lo lắng nhìn quanh ở phía trước cửa, trái tim cô như quặn thắt… Cô chưa kịp nói gì thì mẹ cô đã nói: “Ôi con đi đâu cả ngày vậy? Làm mẹ sợ chết khiếp! Con mau và nhà tắm rửa rồi ăn tối”.
Đêm đó, cô gái mới nhận ra tình yêu thương sâu sắc mà mẹ dành cho mình.
Ánh sáng thầm lặng xua tan màn đêm
Chúng ta thường dịu dàng ân cần với người ngoài, nhưng đối với người thân trong gia đình thì lại lạnh nhạt. Khi bạn bè quan tâm đến bạn, bạn sẽ rất biết ơn. Nhưng khi về đến nhà, bạn lại coi những lời quan tâm đó là quản quá nhiều. Nếu ai đó rủ bạn đi ăn hoặc giúp bạn làm một việc nhỏ, bạn sẽ cảm thấy rất ấm áp. Nhưng đối với người thân, những người đã làm cho bạn nhiều nhất thì bạn lại thờ ơ.
Nhiều đêm trên đường về nhà, bạn đi qua ngọn đèn đường, nhưng bạn chỉ lướt qua mà không để ý. Bạn chưa bao giờ quan tâm đến việc nó chiếu sáng con đường cho bạn, dù sao nó vẫn luôn đứng ở đó; sự tồn tại của nó dường như là đương nhiên. Bạn có bao giờ nhận ra, ngọn đèn vẫn âm thầm đợi bạn trên đường về nhà, giúp bạn xua đi bóng tối của màn đêm lạnh giá?
Người khác có thể không kể công, nhưng bạn cũng cần phải biết ơn
Bạn thử nghĩ xem, xung quanh bạn luôn có những người âm thầm giúp đỡ bạn mà bạn không để ý đến. Bạn thường chỉ nhận ra sự thiếu thốn khi những người đó mất đi. Lúc đó bạn mới biết những người đó đã hy sinh cho bạn nhiều như thế nào. Những điều bạn cho là đương nhiên, thì thực ra ẩn sâu trong đó là tình yêu thương vô bờ bến; không cầu báo đáp, chỉ nhất mực cho đi.
Có một số lý do khiến chúng ta hiếm khi bày tỏ lòng biết ơn đối với những người thân yêu của mình. Những lời bào chữa thường là: “Họ sẽ biết được cảm giác của tôi. Không cần tôi phải nói ra điều đó!”; “Đôi khi tôi cũng muốn nói, nhưng lại thấy hơi ngượng”; “Đều quen như vậy rồi, có gì đâu mà phải nói ra!”. Tuy vậy, nhưng hầu như ai cũng thích được người khác khẳng định và đánh giá cao. Vậy thì sao bạn lại quá kiệm lời và không nói lời cảm ơn đối với người thân của mình?
Đừng bao giờ cho lòng tốt của người khác là đương nhiên, họ có thể không kể công, nhưng bạn cũng cần phải biết ơn.
Theo Epoch Times
Xem thêm video: