Làm người cần tự trau dồi bản thân và khiến người khác thoải mái
Nhà văn Chu Quốc Bình nói: “Sứ mệnh của cuộc sống là tự mình chăm sóc tốt cho bản thân và ổn định tâm hồn của bạn. Trạng thái tốt nhất của cuộc sống là sự phong phú và yên tĩnh.” Hay nói cách khác, làm người là tự trau dồi cho bản thân và làm cho người khác thoải mái, bằng sự lặng lẽ và bình yên nội tại.
Tự bản thân chúng ta cảm thấy ổn hơn là việc lấy lòng người khác
Làm người, chúng ta luôn phải lao động để có thu nhập chi trả cho sinh hoạt hàng ngày. Mỗi người đều giữ một vai trò nào đó do xã hội giao phó và trách nhiệm gia đình cần phải gánh vác. Nói chung, con người luôn có những mối ràng buộc bằng cách này hay cách khác.
Người Trung Hoa có câu nói: “Đừng đuổi theo con ngựa, thay vào đó hãy trồng cỏ. Khi mùa xuân ấm áp, hoa cỏ tươi tốt, sẽ có một đàn ngựa đến cho bạn có quyền lựa chọn. Đừng cố ý chiều chuộng một người, hãy tận dụng thời gian một mình để nâng cao khả năng và trau dồi phẩm hạnh của bản thân, và khi thời điểm thích hợp, sẽ có những người phù hợp tìm đến và đồng hành cùng với bạn.”
Vương Thông của Nhà Tùy nói: “Lấy lợi kết bạn, lợi cạn thì chia lìa; có tâm mới kết bạn lâu dài”. Bạn bè đến từ sự chân thành thì lâu bền.
Có 5 phương diện nhìn nhận một con người, đó là ngoại hình, năng lực, khí chất, tính cách và trái tim. Trong số đó, ngoại hình xấu đẹp thì do tạo hoá ban cho chúng ta và ta khó có thể hay đổi được nếu không dùng đến phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng bốn điểm còn lại thì có thể từ trau dồi mà có, có thể tự giúp bồi bổ cho mình.
Một con người có khí chất, phẩm chất nội tại sẽ tự nhiên biểu hiện ra bên ngoài là như vậy.
Vì sao cần phải trau dồi cho bản thân?
Hồ Đích tiên sinh từng nói: “Một người đạt được thành tựu như thế nào phụ thuộc vào cách họ sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình”. Nếu bạn dành 1 giờ mỗi ngày để tìm hiểu về một chủ đề nào đó, một năm sau, về mặt này, những gì bạn thu được sẽ là nhiều kiến thức hơn rất nhiều người khác.
Ngay cả khi bạn chỉ có 30 phút rảnh rỗi mỗi ngày sau khi tan sở, bạn vẫn có thể dễ dàng đọc xong một cuốn sách trong vòng một tuần.
Điều thực sự khiến bạn trở nên mạnh mẽ chính là sự tích lũy và tiến bộ trong tư duy độc lập và học hỏi. Con đường làm giàu bản thân chính xác phải là trau dồi, làm phong phú bản thân thông qua không ngừng học hỏi, luôn nhìn lại con đường mình đã đi và suy nghĩ nghiêm túc về những bài học mà nó đã mang lại cho bản thân.
Sự đầu tư và chải chuốt tốt nhất cho bản thân không phải là quần áo hàng hiệu hay mỹ phẩm cao cấp, mà là những thứ bạn đã thấy, con đường bạn đã đi, những rào cản bạn đã vượt qua và những cuốn sách bạn đã đọc.
Hãy là một người có trái tim phong phú và ấm áp, lấy phép cộng để yêu thương người khác, lấy phép trừ để đối đãi với oán giận, lấy phép nhân để biết ơn, dùng phép chia để lo lắng. Và bạn sẽ thấy rằng cả thế giới đang mỉm cười với bạn.
Cách khiến những người xung quanh cảm thấy thoải mái khi gần bạn
Xung quanh bạn có những người như thế này không? Họ có thể không quá xinh đẹp, có thể không quá tài giỏi, nhưng họ không thể không khiến người ta muốn lại gần. Họ đối xử hoà ái với mọi người và sử dụng ngôn ngữ đúng mực. Họ làm mọi việc một cách hợp lý, và khoảng thời gian bên họ luôn tạo cho người khác cảm giác ấm áp, trong sáng và đặc biệt thoải mái.
Một số người có thể nghĩ rằng, chúng ta chỉ cần sống bằng chính con người thật của mình, nếu khi nói chuyện và làm việc đều phải cân nhắc đến sự thoải mái của người khác, điều đó không phải là quá mệt mỏi và có lỗi với bản thân hay sao? Kỳ thực, nếu muốn người khác làm mình thoải mái thì trước hết, chúng ta phải học cách làm người khác thoải mái.
Thái Căn Đàm nói: “Lùi một bước là đỉnh cao của cuộc đời, lùi một bước là gốc của tiến bộ; khoan dung với người là phúc, làm lợi cho người là gốc của tư lợi”; có nghĩa là: để người khác tiến một bước trong việc đối nhân xử thế là một nước đi khôn ngoan, đồng nghĩa với việc chừa chỗ cho những bước tiến xa hơn. Đối xử tốt với người khác là tích lũy phúc lành cho bản thân, và đối xử tốt với người khác thực sự đặt nền tảng để được người khác đối xử tử tế.
Người xưa nói “lùi một bước” thực ra là bí quyết khiến người khác thoải mái trong giao tiếp. Sự nhượng bộ đó có nghĩa là không chạm vào điểm mấu chốt và nguyên tắc, không nên nói nhiều lời, không truy cầu cho bản thân, không đi đến tận cùng câu chuyện tức là không dồn người vào chân tường. “Không tranh giành” cuối cùng đạt được điều mà Lão Tử nói: “không ai trên thế giới có thể cạnh tranh với nó.”
Cái gọi là khoan dung chính là nhìn rõ ưu điểm của người khác, bao dung cho sự khác biệt của người khác, nhảy ra khỏi định kiến do thân phận và địa vị mang lại. Một người khiến mọi người thoải mái phải là người biết đồng cảm với người khác và những quan điểm sống khác.
Chúng ta nên suy nghĩ về các vấn đề từ quan điểm của đối phương, hiểu rằng mọi quyết định đều không dễ dàng với tất cả mọi người. Nếu đối diện với người khác bằng khuôn mặt dễ chịu, bạn cũng có thể nhận được mọi người xung quanh bạn đang cảm thấy thoải mái khi tiếp xúc với bạn.
Người càng tự tin và mạnh mẽ, họ càng cố gắng hết sức để khiến người khác thoải mái, đó là vì họ đã vượt qua giai đoạn “tự ngã” (cái tôi lớn) và bước vào trạng thái “vô ngã” (vì người khác). Nhờ đó họ có thể sống tốt cuộc sống của chính mình, đồng thời có thể dành tâm trí và năng lượng rảnh rỗi của mình để quan tâm đến cảm xúc của những người xung quanh.
Làm cho người khác thoải mái không chỉ là biểu hiện của chỉ số EQ cao mà còn là biểu hiện ra bên ngoài của nội tâm thuần thiện, tốt lành. Cuộc đời nhiều biến động, sóng gió và mỗi người đều muốn được đối xử một cách dịu dàng. Mong rằng chúng ta sẽ tự làm giàu có, phì nhiêu cho mảnh vườn tâm mình và khiến người khác thoải mái khi ở bên.
Theo: AboluoWang.