Mảnh đất phong thủy bảo địa sao có thể khiến một gia đình diệt vong?
Tìm được mảnh đất phong thủy an táng cho người thân khi qua đời là nguyện vọng tốt đẹp. Tuy nhiên, người sống vô đức cho dù sở hữu đất lành vẫn gặp phải kết cục bi thảm.
Bài viết dưới đây xin giới thiệu với mọi người câu chuyện về một phú ông lựa chọn mảnh đất tốt, nhưng sau đó vẫn phải đối diện với sự nghèo túng không nơi nương tựa.
Nội dung chính
Thế nào là một mảnh đất phong thủy tốt?
Vào thời nhà Thanh, tại tỉnh An Huy có một phú ông giàu có họ Từ. Khi mẹ qua đời, ông đi khắp nơi tìm kiếm mảnh đất có phong thủy tốt. Ông nhờ nhiều thầy phong thủy. Ông cũng đi tới thâm sơn cùng cốc, chèo đèo lội suối nhưng vẫn không tìm thấy.
Một lần nọ, khi vô tình đi qua nhà một người tiều phu, thầy phong thủy nói với ông: “Nơi đây được bao bọc bởi núi, gió tàng khí tụ, thực sự là một mảnh đất phong thủy tốt”. Vị phú ông cảm thấy kỳ lạ và thắc mắc: nếu là đất có phong thủy tốt tại sao gia đình này lại nghèo khó bần cùng tới vậy. Ông hỏi và được trả lời: “Mảnh đất này chỉ thích hợp với âm trạch, không thích hợp với dương trạch”.
Nghe lời thầy phong thủy, nhà giàu nọ bèn nhờ người tìm tới gặp tiều phu nói muốn mua lại mảnh đất. Người tiều phu trả lời: “Đây là mảnh đất tổ tiên để lại. Dù ông có trả giá nhiều tiền hơn nữa tôi cũng không thể bán”.
Phú ông dùng thủ đoạn để có được mảnh đất phong thủy
Phú ông có một người giỏi bày mưu tính kế, giỏi ăn nói họ Chu. Vị nhà giàu nhờ người này tới cũng không thể thuyết phục được người tiều phu. Khi người này thuyết phục không được và chuẩn bị rời đi, đột nhiên có một cô gái khuôn mặt thanh tú xinh đẹp cõng bó củi bước vào nhà.
Người họ Chu hỏi tiều phu: “Đây là “viên minh châu” trên tay ông phải không?”. Người này đáp: “Lão phu không có con trai, chỉ có cô con gái này”. Người này lại hỏi cô gái xuất gia chưa và được biết cô gái chưa thành thân.
Người họ Chu trở về nói với vị nhà giàu: “Có cách rồi. Nhà ông lão có một cô con gái, cùng lứa tuổi với con trai thứ ba của ông. Chi bằng cưới cô gái đó về làm dâu thì sẽ có được mảnh đất”.
Vị nhà giàu nói: “Nhà ông ta chỉ là tiều phu đốn củi, sao có thể môn đăng hộ đối mà kết thông gia với gia đình ta”. Người họ Chu trả lời: “Sao ông phải câu nệ chuyện đó. Sau khi có được mảnh đất, cô gái này đi hay ở đều do ông quyết định mà”.
Hỏi cưới con gái người tiều phu
Sau đó, ông ta đứng ra mai mối, tìm tới hỏi con gái người tiều phu cho con trai vị nhà giàu. Ban đầu, người tiều phu lấy lý do thân phận không môn đăng hộ đối để từ chối. Tuy nhiên, người họ Chu năm lần bảy lượt lui tới nói rõ hơn thiệt, tốt xấu nên ông lão đồng ý.
Khi gần tới cuối năm, gia đình họ Từ vội vàng qua quýt chuẩn bị hôn sự cho hai trẻ thành thân. Gia đình họ Từ vì không chú trọng tới cuộc hôn nhân này mà có mưu đồ khác nên làm qua loa lấy lệ cho xong. Gia đình người tiều phu vì cả đời nghèo khó, không hiểu lễ nghĩa quy tắc về hôn sự nên cũng không bới móc lễ lạt mà gia đình nhà trai mang đến.
Tâm nguyện cả đời của gia đình người tiều phu chỉ là mong con gái tìm được tấm chồng tốt để nương tựa cả đời.
Sắp xếp hôn sự qua loa
Sau khi hai nhà kết thông gia, người phú ông nói với gia đình người đốn củi: “Nhà tôi còn rất nhiều phòng trống, sau ông không chuyển về ở đây cùng con. Con gái mới xuất giá có thể sớm chiều gặp mặt phụng dưỡng. Ông sẽ không thấy cô đơn, tủi buồn”. Ông lão cảm động thương con nên đồng ý cùng vợ dọn tới ở trong gia đình nhà giàu.
Ban đầu, gia đình nhà giàu gần gũi tiếp xúc đối xử với họ như với bạn bè tốt. Tuy nhiên sau khi đã thân quen, đợi thời cơ đến, họ Từ lại đề cập tới mảnh đất nọ. Ông lão tiều phu ngay thẳng thật thà không chút suy nghĩ. Ông vui vẻ nói: “Chúng ta đã thành thông gia, mảnh đất cũ nát đó giờ không ai ở. Tôi xin dùng làm lễ vật tặng cho gia đình ông”.
Sau khi đạt được mảnh đất như mơ ước, phú ông chọn ngày tốt. Ông tìm thầy phong thủy đặt định huyệt và cho người đào mộ chôn cất. Sau khi đào sâu vài thước, thì đào được một tấm bia đá bị sứt. Trên đó viết dòng chữ: “Cư thử tuyệt, táng thử cát”. Tạm dịch: Sống ở nơi này thì tuyệt đường, táng tại nơi này thì đại cát. Lúc này, ông mới ngẫm thấy lời nói của vị thầy phong thủy trước kia về mảnh đất chắc chắn là thật, là đúng.
Phú ông phát tài phát lộc nhờ mảnh đất phong thủy
Sau khi an táng mẹ tại mảnh đất này mấy năm sau tài lộc gia đình ông ngày một nhiều lên. Ông cho con trai lớn tiền bạc mua công danh, làm huyện lệnh tỉnh Thiểm Tây. Con trai thứ trúng tuyển kỳ thi hương.
Đến lúc này, gia đình họ Từ bỗng nhiên trở thành gia đình có chức có quyền. Chỉ có người con trai thứ ba, cũng chính là người đã lấy cô con gái người tiều phu vẫn ăn uống, cờ bạc chơi bời gái gú. Anh ta còn cưới con gái phường phong lưu về làm vợ lẽ. Chính thất chỉ hơi có ý kiến về vấn đề này, anh ta liền trở mặt khiến quan hệ vợ chồng trở nên ngày càng tồi tệ.
Sau đó, cô tới thưa với cha mẹ chồng về việc này. Ông Từ với tư cách bậc làm cha làm mẹ không những mặc kệ. Ông còn nói: “Cô xuất thân trong gia đình nghèo khó, kiến thức thiển cận sao hiểu được. Công tử nhà giàu có ngủ ở phía Đông sống ở phía Tây là điều bình thường. Năm thê bảy thiếp cũng là điều thường thấy. Sao có thể so sánh với gia đình nông dân nghèo vợ lẽ cũng không thể cưới được”.
Mảnh đất phong thủy bảo địa trở thành “nghịch chủ”
Người thiếp nghe được câu chuyện, càng trở nên ngang ngược kiêu ngạo. Ngày nào cũng nói xấu người vợ cả trước mặt chồng. Cô ta còn bịa đặt những việc không có để vu khống hãm hại. Con gái người tiều phu vì không cách nào chứng minh sự trong sạch, trong lòng phiền muộn nên không lâu sau qua đời.
Mẹ cô gái vô cùng đau buồn vì cái chết của con gái nên sau đó cũng lìa trần. Cuối cùng người tiều phu bị đuổi ra ngoài. Ông lão quay về nơi mảnh đất mình đã sống năm xưa. Ông khóc nức nở nơi gia đình họ Từ đặt mộ. Vì đau thương quá nên ông cũng chết tại đó. Cả gia đình ba người đều lần lượt bỏ mạng như vậy.
Không lâu sau đó, một ngày nọ trong vùng có mưa lớn, giông tố sấm chớp đùng đùng. Vì thế sét đánh trúng mộ phần gia đình họ Từ khiến mộ huyệt bị nứt ra và vỡ tan quan tài bên trong. Ông Từ sau khi biết chuyện, bất đắc dĩ đi mua cỗ quan tài khác và lại chôn xuống đất lần nữa.
Lời nhắn nhủ: “Nhân nghĩa thì cát, bất nghĩa thì tuyệt tự”
Lần này, dưới lòng đất lại nhặt được một đoạn bia đá. Trên đó viết: “Nghĩa tắc cát, bất nghĩa tắc tuyệt”. Tạm dịch: Nhân nghĩa thì cát, bất nghĩa thì tuyệt tự. Ý nghĩa tương đồng với tấm bia đá lần trước. Hóa ra tấm bia đá này và lần trước là một khối.
Ngày cải táng, người con trai thứ ba của gia đình ông Từ đột tử qua đời. Năm sau, người con trai thứ hai trên đường tới kinh thành tham gia thi lễ bộ. Anh ta bị rơi từ trên xe xuống và tử vong. Người con trai lớn làm quan tại Thiểm Tây, chiếm hữu quân lương phi pháp, bị phạt tử hình. Phú ông họ Từ những năm cuối đời không nơi nương tựa, lang thang trôi dạt khắp nơi. Cuối cùng ông đau buồn mà chết.
Vị thuyết khách họ Chu nọ, có một lần đi qua mộ phần họ Từ. Vô tình ông ta nhìn thấy ông lão tiều phu chắp tay chào và quay người đi vào căn nhà cũ của mình. Ông ta vô cùng ngạc nhiên hoảng sợ giật mình hóa ra đang nằm mơ. Sợ hãi lập cập, ông ta chạy về nhà và kể lại câu chuyện với người nhà. Ông nói chưa dứt câu chuyện đột nhiên hét lên: “Ông lão tiều phu lại tới rồi” và nôn ra máu rồi chết.
Phong thủy tốt nhất của đời người là lương thiện
Qua câu chuyện có thể thấy, dù là mảnh đất phong thủy bảo địa, cũng cần phải là người có phúc đức, nhân nghĩa mới phát huy tác dụng. Người thất đức, không có nhân nghĩa cho dù sở hữu trong tay cũng vẫn bị lụn bại, vô ích.
Điều này cũng giống như câu thơ trong bài “Tiền nhân phu” của cư sĩ Đông Hồ thời Minh. Ông viết: “Tầm sơn bản bất vi thân mưu, đại bán đa nhân phú quý cầu. Khẳng tín nhân gian hảo phong thủy, sơn đầu bất tại tại tâm đầu”. Nghĩa là: Tìm núi bản chất không vì mưu đồ thân nhân, mà đa phần là vì phú quý. Tin chắc là nơi phong thủy tốt nhưng nó nằm tại tâm chứ không nằm tại núi.
Như vậy, phong thủy tốt nhất của đời người chính là sống lương thiện. Chỉ có tích đức hành thiện mới có thể cải biến con đường đời của mỗi người.
Theo Vision Times
Xem thêm: