Nhiều người cảm thấy sợ sự cô độc, sợ khi phải ở một mình, cảm thấy mình đã bị cả thế giới này bỏ rơi… nhưng chính sự cô tịch mới sinh ra trí tuệ.

Trưởng thành rồi mới thấy giá trị của việc ở một mình

Lúc còn nhỏ chúng ta sợ một mình, khi đêm đến chúng ta luôn quen với việc ở trong vòng tay của cha mẹ. 

Lúc đi học, chúng ta cảm thấy bị bỏ lại một mình là điều xấu hổ. Vì vậy bạn bè trong lớp thường khoe là có bao nhiêu bạn bè; rằng quen biết nhiều người từ các trường khác nhau. Điều đó cũng là để muốn chứng tỏ chúng ta không hề cô độc.

Nhưng khi trưởng thành rồi chúng ta mới nhận ra giá trị của việc ở một mình.

Nhiều người đàn ông sau khi tan sở làm, lúc lái xe về nhà thì cố tình đi chậm một chút. Vì khoảng thời gian đó anh ta sẽ không phải đối mặt với những rắc rối ở công ty; cũng không phải đối mặt với mắm muối củi lửa ở nhà. Lúc đó anh ta có thể tận hưởng được sự cô độc của mình.

Nhiều phụ nữ sau khi làm mẹ thì lại tắm lâu hơn. Bởi trong không gian tĩnh mịch khép kín ấy, họ chẳng phải quan tâm đến tiếng trẻ con bi bô khóc lóc bên ngoài; cứ như mọi muộn phiền trên đời chẳng liên quan gì đến họ.

Một mình có buồn không; Một mình sống trong rừng; Một mình cô đơn
Trưởng thành rồi mới quý những phút giây khi được ở một mình (ảnh Adobestock)

Người trưởng thành mệt mỏi bởi vì chồng chất quá nhiều thân phận

Mỗi ngày chúng ta vội vã bước đi trên đường, thân phận của chúng ta không ngừng chuyển đổi, từ cha mẹ đến con cái, từ nhân viên công ty đến vợ chồng…

Trong suốt những năm được sống, chúng ta đóng đủ vai diễn khác nhau, mà đôi lúc quên đi mất cả bản thân mình. Lúc này chúng ta mới giật mình, hóa ra ở một mình là điều xa xỉ nhất đối với người trưởng thành.

Nhân sinh giống như chuyến tàu một chiều. Trong suốt cuộc hành trình chúng ta sẽ gặp rất nhiều người; nhưng dù là ai đi nữa thì cũng chỉ có thể đồng hành với chúng ta một đoạn thời gian; cuối cùng thì cũng chỉ có bạn là người đồng hành cùng bạn cho đến cuối cùng.

Vì vậy, cảm thấy cô độc, đây là trạng thái bình thường của cuộc sống; có thể tận hưởng sự cô độc, đây là năng lực của một người.

Khi đi mua sắm một mình, bạn không bị hạn chế bởi thời gian của người khác; có thể đi dạo một chút, nhìn ngắm một chút.

Khi đi du lịch một mình, bạn vừa có thể tản bộ, vừa có thể tĩnh tâm mà ngắm cảnh dọc đường.

Khi đọc sách một mình, bạn có thể tận hưởng sự yên tĩnh của màn đêm và tìm thấy một thế giới khác trong thế giới của những cuốn sách.

Trưởng thành là khi bạn không cần phải giả vờ mình có nhiều bạn bè nữa; bạn có thể trở về với sự cô độc và sống với con người thật của chính mình.

Một mình ta; Cô độc là gì; Cô độc hướng ngoại
Trí huệ sinh ra từ sự tĩnh lặng (ảnh Adobestock)

Để lại khoảng trống trong cuộc sống của bạn

Sau những bận rộn trong công việc, hãy để bản thân có chút thời gian ở một mình, thưởng thức hoa, nghe nhạc, đọc sách, uống trà… Chỉ cần để cho bản thân có một khoảng lặng, đừng cứ mãi lãng phí thời gian và tinh lực ở trong đám đông. 

Chỉ khi ở một mình người ta mới có thể hoàn toàn cởi bỏ mặt nạ, cởi bỏ áo giáp và thể hiện bản thân chân thật nhất.

Chỉ khi ở một mình, người ta mới có thể ‘bắt tay giảng hòa’ với cuộc sống tẻ nhạt và làm cho phần còn lại của cuộc sống thoải mái hơn.

Ở một mình là giai đoạn quan trọng nhất để tăng giá trị của một người

Một người muốn trở nên xuất sắc thì thường phải trải qua giai đoạn ở một mình. Bởi vì con đường đến với sự ưu tú luôn cô đơn.

Nhà văn Mộc Tâm sống ẩn dật trên núi Mạt Can 6 năm. Trong thời gian này, ông tự đọc vào ban ngày và viết vào ban đêm.

Ông treo một câu nói của Flaubert (tiểu thuyết gia người Pháp) trên bàn làm việc: “Nghệ thuật rộng lớn đến mức có thể chiếm trọn một con người”.

Sau 6 năm, Mộc Tâm quyết định xuống núi. Lúc thu thập hành lý ông mới phát hiện ra, trong 6 năm ông đã viết được hơn 100 truyện ngắn, vẽ vô số bức tranh sơn thủy.

Trong cuộc sống, chúng ta luôn thấy những người đạt được thành tựu trong lĩnh vực nào đó thì ít nhiều đều có phần cô độc.

Einstein từng nói rằng, đối với một nhà vật lý chiêm nghiệm, thì công tác an tĩnh cô tịch giống như một người gác ngọn hải đăng là lý tưởng nhất.

Ngược lại, những người bận rộn với công việc ăn uống và giao tiếp xã hội dường như bận rộn hàng ngày; họ không còn thời gian để cải thiện bản thân.

Cô đơn là gì; Cô đơn sẽ tốt hơn; Cô đơn và cô độc
Con người sợ cô độc, nhưng cô độc lại có thể chữa lành tâm hồn (ảnh Adobestock)

Ở một mình là liệu pháp chữa lành rất tốt

Ở một mình đã trở thành thứ xa xỉ phẩm đối với người trưởng thành. Nhưng điều đáng tiếc là chúng ta thường sợ sự cô độc, coi bầu bạn kết giao là chiếc vé thông hành trong cuộc sống, còn cô độc như một con ác ma đáng sợ. Chúng ta quen với việc làm hài lòng và phục vụ người khác; chúng ta sợ bị đối xử như một bệnh nhân cô độc không có bạn bè.

Tốt hơn hết là bạn nên dành một chút thời gian cho bản thân trong cuộc sống bận rộn này; từ việc chịu đựng sự cô độc, cho đến chấp nhận sự cô độc, và cuối cùng là tận hưởng sự cô độc.

Ở một mình là cách chữa lành bản thân cực kỳ hiệu quả. Những vết sẹo tinh thần sẽ tự hàn gắn theo một cách bạn không thể ngờ tới.

Theo Aboluowang

Xem thêm video: