Một tên cướp ngồi tù 37 năm, tại sao thẩm phán vẫn tôn trọng?
“Ông đã xem bộ phim ‘The Town’ bao giờ chưa?”- người tội phạm hỏi thẩm phán. “Tôi chưa!” – Ngài Frank Caprio trả lời. “Vậy ông hãy xem bộ phim đó đi, Ben Affleck đã đóng vai tôi trong bộ phim đó”…
Ông Frank Caprio là thẩm phán của thành phố Providence thuộc tiểu bang Rhode Island, Hoa Kỳ. Ông được nhiều người biết đến bởi phong cách xử án “không giống ai”, và người ta yêu mến ông vì tính nhân văn trong những bản án ông dành cho các tội phạm.
Đoạn hội thoại trên trích từ một phiên tòa hoàn toàn có thật diễn ra cách đây 2 năm. Tại phiên toà này, một cựu tội phạm từng làm rúng động nước Mỹ trong những thập niên cuối thế kỷ XX đang phải đối mặt với bản án…vượt đèn đỏ.
Phiên toà đặc biệt
Bắt đầu phiên tòa, ngài thẩm phán gọi tên: “William Sequeria!”
– “Xin chào!” – Người đàn ông trung tuổi râu đã bạc ⅔ nhưng được cắt tỉa gọn gàng lên tiếng – “3 tấm vé phạt, tôi không biết mình đã vi phạm gì nữa” – Ông nở nụ cười nhưng nét mặt lại biểu lộ sự lúng túng pha lẫn thất vọng về hành vi của mình – “Tự dưng tôi tìm thấy nó trong hộp thư.”
– “Rõ ràng là có người đã để 3 tấm vé phạt vào hộp thư của anh” – Ngài thẩm phán quay sang nói với đồng nghiệp – “Thanh tra Carignan, xin hãy kiểm tra lại đi!”
– “Ông ấy vượt đèn đỏ.” – Thanh tra trả lời.
– “Tôi làm bên vận chuyển cho một công ty phân phối và đôi khi tôi đi làm muộn, hoặc cố gắng để kịp giờ làm. Vậy nên đôi khi xảy ra chuyện này.” – bị cáo chấp nhận.
Ngài thẩm phán hỏi: “Anh làm công việc gì? Anh giao hàng à?”
-“Đúng thế! Nhưng do tình hình dịch bệnh hiện nay, thời gian làm việc của tôi bị rút ngắn. Mỗi tuần tôi chỉ làm việc được 20 giờ đồng hồ. Nhân viên giao hàng nào cũng chỉ có 20 giờ. Tôi đã ở bên trong nhà tù liên bang 30 năm. Tôi mới ra tù được 2 năm, người ta cũng thuê tôi làm việc được 2 năm rồi.” – William Sequeria giải thích.
– “Anh đã ra tù 2 năm rồi sao?” – Thẩm phán nghiêm túc hỏi.
– “Tôi bị phạt 30 năm với tội danh cướp ngân hàng. Người ta đã cho tôi một công việc, vì vậy, tôi luôn cố gắng làm việc đúng đắn. Nhưng vì dịch bệnh…và cũng rất khó khăn để trả tiền thuê nhà.” – với gương mặt khắc khổ, cựu tội phạm lên tiếng với chất giọng khàn đặc.
– “Vì vậy anh đã hạ quyết tâm sẽ không bao giờ quay lại đó nữa?”
– “Dĩ nhiên rồi! Tôi không muốn mình phải vào tù một lần nữa. Tôi đã ở trong đó 37 năm rồi. Ông đã xem bộ phim “The Town” bao giờ chưa? “
– “Tôi chưa!“
– “Vậy ông hãy xem bộ phim đó đi, Ben Affleck đã đóng vai tôi trong bộ phim đó.“
Ngài thẩm phán đề nghị người phạm tội kể lại câu chuyện của mình. Họ nói chuyện ngoài lề một chút, chẳng hạn: vì sao cảnh sát bắt được anh?…
-“Nhưng anh rút ra được cho mình bài học rồi phải không?” – Sau khi nghe xong câu chuyện ông thẩm phán hỏi.
-“Tôi đã từng có rất nhiều tiền và bây giờ tôi nghèo kiết xác. Tôi phải đi làm việc để kiếm sống. Vào lúc tôi bị bắt, ở mấy cái hộp sữa trong tủ lạnh của tôi chứa 500.000USD. Đó là sự thật. Bọn tôi có lượng cảnh sát truy đuổi đông nhất và cao nhất trong lịch sử bang Rhode Island”.
Toà tuyên án
– “Tôi sẽ phạt anh 150 USD. Nhưng tôi cũng sẽ làm thế này, tôi nhắc lại một lần nữa là tôi nhận được tiền ủng hộ từ khắp nơi trên đất nước. Mọi người đóng góp cho tôi để tha bổng cho những người mà tôi cho là xứng đáng. Tôi tự hào về anh vì anh đã thay đổi cách sống của mình. Và tôi nghĩ, anh sẽ tiếp tục làm như vậy. Vậy nên tôi sẽ phạt anh 150 USD, nhưng tôi sẽ dùng số tiền ủng hộ của cựu Thị Trưởng của Warner Robins thuộc tiểu bang Georgia để bù vào. Anh cần được tha bổng.”
– “Nhờ ông chuyển lời hộ tôi cảm ơn ông ấy vì sự giúp đỡ”
– “Chúc anh mọi điều may mắn! ” – Ngài thẩm phán kết thúc phiên toà.
Một kẻ tội đồ nỗ lực trở thành một người làm ăn lương thiện, vậy anh ta hoàn toàn xứng đáng nhận được sự giúp đỡ cũng như sự tôn trọng từ mọi người.
Ngài thẩm phán công bằng và giàu lòng nhân ái
Giống với mọi phiên toà khác mà ông Frank Caprio chủ toạ, ông luôn từ tốn chăm chú theo dõi lắng nghe những câu chuyện của bị cáo. Và thay vì lên án những sai lầm của họ, ông thường trao cho họ cơ hội để phục hồi bằng cách dẫn dắt câu chuyện nhẹ nhàng, không phán xét.
Ngài thẩm phán từng nói: “Dưới tấm áo choàng thẩm phán của tôi không có huân chương nào cả. Tôi chỉ có một trái tim”. Tầm nhìn của ông vượt qua khỏi giới hạn của những phiên xử đơn thuần, ông luôn tự đặt câu hỏi cho mình kiểu như: Tại sao mọi người lại mắc lỗi? Họ thật sự cố tình hay chỉ vô ý vi phạm? Liệu có câu chuyện nào đằng sau việc họ vi phạm hay không? Làm thế nào để mọi người không tái phạm lỗi họ từng mắc phải?
Vị thẩm phán gần 90 tuổi quan niệm, hình phạt không phải cách phù hợp để yêu cầu người dân tuân thủ luật lệ. Việc giáo dục họ, giúp họ nhận ra sai lầm có thể mang đến hiệu ứng tích cực hơn. Trên thực tế, hạt Providence là một trong những địa phương có tỉ lệ vi phạm giao thông thấp nhất nước Mỹ, nhưng không phải vì cảnh sát làm việc không chuyên cần hoặc hình phạt quá nghiêm khắc.
Ông Caprio là một tín đồ của Chúa, ông tin rằng tình thương yêu có thể lan tỏa qua sự thấu hiểu và cho đi. Ở cuối phiên xử một bà mẹ đơn thân, ngài thẩm phán đã nói: “Tôi và những nhà hảo tâm không giúp đỡ cô vô điều kiện. Hãy luôn nhớ: Nếu một ngày nào đó cô thoát khỏi khó khăn, hãy quay lại giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình. Dù sao cô chắc chắn sẽ làm điều đó, phải không?”
Hy vọng câu chuyện về vị thẩm phán được yêu mến nhất nước Mỹ bên trên có thể mang lại cho các bạn những cảm xúc và suy nghĩ tích cực về tương lai và cuộc sống.
Theo Toà tuyên án/ Vaticannews