Người Việt trên đất Mỹ và con đường tu Đạo không thành suốt 15 năm
Út Hằng – một người Việt trên đất Mỹ, từ nhỏ đã thích đi tu. Sau 15 năm tu Đạo, chị đã tìm được điều mình hằng mong đợi.
- Chuyện của Diu: người phụ nữ dân tộc Thái mang niềm vui đến dân bản
- Chặng đường buông bỏ tâm oán hận người thân của cô giáo vùng cao nhờ tu luyện Phật Pháp
Nội dung chính
Người con gái Tây Ninh với mong ước đi tu từ nhỏ
Tôi là Dương Thị Hằng, tên thân thương mọi người thường gọi là Út Lùn, hay Út Út Hằng. Tôi sinh năm 1982, quê tại Long An nhưng lớn lên, đi học tại Tây Ninh – vùng thánh địa, cái nôi của đạo Cao Đài. Người dân nơi đây đa phần theo Đạo Cao Đài, niềm tin tín ngưỡng ăn sâu một cách tự nhiên. Tôi cũng vậy, từ nhỏ đã thích tu luyện. Nhà gần chùa, mỗi ngày ba chở ngang qua, tôi luôn nhìn vào chùa thầm khấn: “Ông Phật ơi, phù hộ cho con lớn lên đi tu, con không muốn lấy chồng đâu.”
Năm học lớp 11, gia đình tôi xảy ra biến cố lớn. Ba mẹ tôi làm nghề buôn bán, thảo hụi lâu đời, có uy tín, kinh tế thuộc diện khá giả trong xóm làng. Từ bé tôi chưa phải chịu khổ hay thiếu thốn gì. Đột nhiên một hôm, anh trai tôi lái xe gây tai nạn, phải ở tù. Mọi chuyện xui xẻo từ đó dồn dập đổ xuống gia đình tôi. Việc làm ăn của mẹ cũng bị phá sản. Thiếu nợ người ta, mẹ phải bỏ xứ, bị người đời khinh khi…
Chị em tôi bị sốc. Đang tuổi phát triển tâm lý, bị cú sốc lớn nên tôi khó khăn vượt qua. Tôi học hành sa sút, thi rớt tốt nghiệp. Tôi nhận ra cuộc đời đúng là bể khổ, là vô thường nên lại càng thích đi tu hơn. Là một tín đồ đạo Cao Đài hàng ngày quỳ cúng lạy Tứ thời ra, tôi đọc thêm kinh sách bên Phật giáo và nhiều môn khác để che lấp nỗi thống khổ hiện tại.
Tu trong Đạo Cao Đài nhưng không tìm được vị Minh Sư dẫn dắt
Ở vùng Đạo, những người con trai, con gái khi lớn lên vào ngày rằm đều mặc áo dài ra Thánh Thất làm lễ nhập môn. Họ trở thành những tín đồ tốt, thực hành những luật lệ trong 36 lời thề Minh Thệ. Có người ăn chay 10 ngày, có người ăn chay trường. Họ cũng ước thúc bản thân thành người tốt, làm nhiều việc phụng sự cho nhơn sanh và lập công bồi đức. Anh Hai của tôi tu Đạo Cao Đài từ khi 5 tuổi. Tôi thường theo anh Hai đi đến Thánh Thất cúng, từng đi nhiều nơi theo đoàn thiện nguyện để khám chữa bệnh, phát thuốc, phát quà…
Tuy nhiên, tôi muốn tu luyện ngồi thiền nhưng tín đồ Cao Đài phải lập công, bồi đức, phục vụ nhân sanh đến một giai đoạn cao nào đó mới được tu thiền. Tôi chưa đủ duyên để gặp ai hướng dẫn. Tôi hiểu rằng, muốn tu luyện dạng thiền định để đạt được viên mãn thì phải có thầy dẫn dắt. Mà biết tìm ai là Minh Sư chân chính để dìu dắt mình đây? Người nào muốn tu thiền chẳng phải tự mình thắp đuốc mà đi sao? Thật khó biết bao!
Con đường tu Đạo tìm kiếm suốt 15 năm trong khổ đau, sầu muộn
Muốn tu nhưng không biết cách nào mà tu, một nỗi buồn khổ cứ khắc khoải trong tâm tôi. Hàng ngày tôi luôn quỳ lạy, cúng vái Tứ Thời; tôi cầu xin Chí Tôn, Phật Mẫu, các đấng thiêng liêng cho con gặp được một vị Minh Sư để dìu dắt trên bước đường tu luyện. Ngày qua ngày tôi luôn cầu nguyện điều đó.
Tôi tìm đọc rất nhiều kinh sách và hiểu sâu sắc một điều là. Muốn tu đến giác ngộ, giải thoát thì chỉ có duy nhất con đường thiền định, mà thiền phải có khí công hỗ trợ. Điều đó khiến tôi mong muốn có một vị Minh Sư chỉ đạo tu luyện càng mãnh liệt hơn.
Tôi tu sang cả Tịnh Độ, Thiền Tông. Đi đến đâu tôi cũng dò hỏi xem có thầy nào đạo đức cao thượng để bái sư, nhưng càng tìm càng thất vọng. Mỗi đêm thức giấc, tôi không ngủ được, lục tìm kinh sách, tôi thấy buồn và trống trải. Một cảm giác đau khổ xâm chiếm trái tim tôi,… Trong suốt nhiều năm như vậy, tôi luôn có cảm giác thiếu vắng điều gì trong đời. Nó khiến tôi không bao giờ thấy hạnh phúc, cảm giác như tôi đi tìm chính tôi vậy.
Nên duyên vợ chồng với người đàn ông Iran
Sau khi thi trượt tốt nghiệp 12, tôi may mắn được anh rể họ thương và dạy tiếng Anh miễn phí. Có chút vốn liếng, tôi đi làm thêm cho nhà hàng để kiếm chút tiền trang trải cho việc học. Tôi vừa làm vừa học lớp dược tá và lớp y tá sơ cấp. Có bằng tôi xin vào xí nghiệp làm y tế. Tôi lại học tiếp lên dược trung, rồi về quê mở tiệm thuốc nho nhỏ, phục vụ bà con quê tôi.
Một người quen giới thiệu bạn anh là người Iran cho tôi. Lần đầu gặp nhau, anh ấy khá bất ngờ vì thấy tôi có nét giống người của dân tộc anh. Anh ấy hỏi bạn anh: “Có chắc em ấy là người Việt Nam không? Sao nhìn giống người dân tộc tao vậy?”. Có lẽ duyên nợ đã đặt định sẵn, hai con người không có ý định kết hôn lại gặp nhau và trở thành vợ chồng.
Thân tu trong Đạo mà vẫn mang một trời oán hận, sân si, thống khổ
Sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, tính cách, kể cả khoảng cách tuổi (anh hơn tôi 30 tuổi) đã khiến tôi gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống hôn nhân. Do chưa thật sự thấu hiểu về anh nên tôi có cái nhìn hạn hẹp. Tôi sống rộng rãi, hay giúp người, còn anh thì ích kỷ, keo kiệt, tính toán từng đồng. Rất nhiều thứ trái ngược nhau và quá trình sống chung có rất nhiều bất đồng, nhiều chuyện xảy… Lúc đó, tôi chỉ nhìn thấy anh là một người xấu xa, bất cứ hành xử hay lời nói nào anh nói ra tôi đều rất khó chịu. Từ ghét anh dần tăng lên thành hận…
Đọc nhiều kinh sách nên tôi thấu hiểu rất rõ về nhân quả báo ứng, nghiệp báo. Tôi hiểu mâu thuẫn vợ chồng có thể là nghiệp báo của mình nên cần phải hoàn trả. Hiểu như vậy nên tôi vơi bớt phần nào và cố gắng tu hơn. Do quá thống khổ nên tôi bắt đầu ăn chay trường, vì tôi nghĩ ăn chay, tu thiền mới mong thoát khổ. Tôi ăn chay được hơn 2 năm, nghe giảng bên Phật giáo hàng ngày. Nhưng cứ hễ có chuyện tôi lại cứ chìm đắm trong nỗi khổ, niềm đau, nhiều lúc muốn chết cho rồi vì nghĩ mình khổ quá.
Lúc đó, tôi không hiểu ý nghĩa chân chính của việc tu là buông xả, tôi vẫn mang một trời oán hận, sân si và luôn cho rằng mình là người tốt.
Người Việt trên đất Mỹ và câu chuyện của người bạn thuở nhỏ
Năm 2009 tôi lấy chồng, năm 2013 sanh một cậu con trai đầu lòng, năm 2016 tôi qua Mỹ định cư và sinh thêm một cậu con trai nữa.
Tiếng là người Việt trên đất Mỹ nhưng tôi lệ thuộc vào chồng. Chồng tôi là người Iran, gia đình, họ hàng anh phải rời khỏi đất nước, định cư tại Mỹ. Vì đạo của anh không phải Hồi giáo nên bị chính quyền truy đuổi. Từ đó, anh rất ghét tôn giáo và cấm không cho mang tôn giáo vào nhà anh.
Tôi là tín đồ Cao Đài, việc thờ, cúng Khánh Thầy, phụng sự nhơn sanh, lập công bồi đức là điều quan trọng nhưng tôi không thể làm được trên đất Mỹ. Buồn khổ tôi không biết làm sao, tôi chỉ có lên mạng nghe mấy thầy bên Phật giáo giảng đạo để vơi đi phần nào nỗi khổ, niềm đau. Nhưng khi đối diện với mâu thuẫn tôi lại khó vượt qua. Tôi lại chìm đắm, miên man trong nỗi khổ, suy nghĩ tiêu cực.
Tôi có người bạn sát vách cùng quê, cũng là người Việt trên đất Mỹ. Bạn ấy vốn bị bệnh trầm cảm rất nặng, phải nhập viện nhiều lần do khó thở, không ăn uống được. Gia đình bạn vốn tín ngưỡng Phật giáo. Bạn đi tụng kinh, lạy sám hối, ngồi thiền, chạy vạy khắp nơi không khỏi. Khi sang Mỹ, có lần nửa đêm bạn lên cơn khó thở phải đi cấp cứu. Quá thống khổ, hết cách, bạn lên mạng tình cờ đọc được Pháp Luân Công và tu theo, bệnh của bạn khỏi hoàn toàn.
Chưa tin tưởng Pháp Luân Công
Do khỏi bệnh một cách thần kỳ và ngộ ra nhiều Pháp lý quá cao thâm, bạn ấy mừng quá chia sẻ cho tôi. Do mới tu luyện nên bạn nói khá cao.
(Người biên tập: Vì chia sẻ những pháp lý quá cao nên chị Hằng đã không thể chấp nhận được. Chị còn gọi điện về quê để hỏi một người chị tin tưởng, và người này cũng nói Pháp Luân Công là không tốt.)
Tôi từ chối thẳng: “Cảm ơn Nguyên đã có ý tốt nhưng mình cũng có một tín ngưỡng. Con đường tu Đạo của mình khá ổn.” Nguyên nói: “Tùy Út. Tuy nhiên, Út thử suy nghĩ và tìm hiểu xem Pháp Luân Công là gì mà rất nhiều người trên khắp thế giới, họ là những người có tri thức, trình độ rất cao; họ đến từ nhiều tầng lớp, thấp có, cao có, đều tu pháp môn này. Họ không phải là người dễ bị mê tín, phải có cái gì tốt mới có nhiều người tu theo như vậy. Hơn nữa, nó là miễn phí. Út cứ tự mình tìm hiểu đi nhé.”
Chấn động khi nghe một người phương Tây nói về Pháp Luân Công
Tuy lúc đó tôi không thích Nguyên nói về Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) nhưng lời nói ấy cứ để mãi trong tâm. Vốn tò mò về tu luyện, tôi lên mạng thử tìm hiểu Pháp Luân Công. Tin xấu có, tin tốt có, tôi không biết tin thế nào. Rồi tôi xem một video, một người phương Tây nói những điều khiến tôi chấn động. Cô ấy nói cô đã thu được lợi ích như thế nào kể từ ngày tập Pháp Luân Công. Cô biết nghĩ cho người khác và không nghĩ đến bất kỳ điều xấu nào, ngay cả người đi đường cũng không dám nghĩ họ xấu…
“Pháp Luân Công là gì, sao có thể tạo nên người có đạo đức như vậy? Người phương Tây vốn là người phóng túng, sao họ có thể kiểm soát tốt được như vậy? Mình là người đã 15 năm trên con đường tu Đạo còn chưa làm được điều đó”. Tôi đã chấn động với suy nghĩ này. Lập tức gọi cho người bạn: “Ê, mày mang sách cho tao đọc nhé”.
Tôi đọc sách, có hiểu ra nhiều điều nhưng thực sự không thấu được Pháp lý. Chỉ sau khi tôi học Pháp chung với mọi người, các đạo lý thâm sâu hơn tôi hiểu ra. Tôi giật mình nhìn lại con đường tu Đạo 15 năm qua, hóa ra tôi chưa hề tu, chỉ là người thường ham thích đọc sách Phật. Từ đó, từng bước tôi thay đổi chính mình và chân chính bước trên con đường tu luyện…
Chân chính tu luyện là tu thẳng cái tâm của mình
Tuy tu Đạo, hiểu đạo lý nhân quả trong Phật giáo nhưng khi đối diện với nỗi khổ, niềm đau của riêng mình thì tôi không cách nào thoát khỏi nó, vẫn chìm sâu trong mê lạc, danh, lợi, tình. Nhưng khi đọc “Chuyển Pháp Luân”, những lời Sư phụ Lý giảng, từ ngữ giản đơn nhưng lại tác động mạnh mẽ đến tâm can tôi. Tôi oán giận chồng con, la hét con cái như con điên; không thích hay ghét bỏ điều gì đều không biết cách buông bỏ. Nhưng Pháp của Sư phụ khiến tôi chấn động và muốn buông bỏ cho bằng được. Lần thứ nhất không bỏ được, thì nỗ lực lần thứ 2, 3, cuối cùng phải buông bỏ.
Khi bỏ đi nỗi ghét và oán hận chồng, tôi mới nhìn ra điểm tốt của anh ấy. Hóa ra anh không xấu mà chỉ có mình xấu. Anh ấy xài cái gì đáng xài, cái gì tiết kiệm được thì nên tiết kiệm. Đó là tính cách, là văn hóa của dân tộc họ, tôi nên tôn trọng điều đó. Buông bỏ được nhân tâm rồi điều kỳ diệu là anh lại thay đổi. Anh phóng khoáng, rộng rãi hơn,… Bạn bè thân của anh còn nói: “Mày làm gì mà thay đổi chồng vậy?” Tôi đã hiểu ra khi người ta còn nợ nghiệp thì sẽ gây khổ đau cho nhau. Nhưng khi mình đề cao tâm tính thì cái nghiệp đó tiêu đi, họ không còn đối xử xấu nữa.
Bước vào tu luyện chân chính sau 15 năm tu Đạo
Sau 15 năm trên con đường tu Đạo, tôi đã tìm được vị Đại sư có đạo đức cao thượng, dẫn dắt tôi đi trên con đường tu luyện. Hóa ra tu thì phải chân chính tu tâm, chỉ đọc kinh sách mà không tu tâm thì không phải là tu.
Tôi nhìn lại mọi mối quan hệ, với người thân trong gia đình, đối chiếu với Pháp để thay đổi. Đối xử tốt với người từng không tốt với mình, nhờ Đại Pháp tôi thấu hiểu, vị tha, yêu thương họ hơn. Lúc đầu, chồng tôi gây nhiều khó khăn, thậm chí buông lời chửi. Nhưng khi tôi chứng minh: “Nhờ tu luyện mà tâm tính em trở nên tốt hơn. Em không gây sự và lớn tiếng với anh như trước. Sức khỏe tốt, gia đình tốt đẹp hơn rất nhiều…” Anh ấy đã không nói gì được mà còn cười nói: “Vậy à”.
Con đường tu Đạo của tôi phải mất 15 năm mới tìm được Sư phụ của mình. Giờ tôi thật hạnh phúc bước trên con đường tu luyện chân chính. Tôi sẽ cố gắng tu luyện tốt bản thân, không phụ công phổ độ của Sư tôn. Lời cảm ân sâu sắc ấy thật khó diễn tả thành lời…
***
Người Việt trên đất Mỹ có thể liên hệ trực tiếp với chị qua số điện thoại 1-424-3789622, chị luôn sẵn lòng chia sẻ về tu luyện. Hoặc nếu bạn muốn tìm hiểu về Pháp Luân Công thì có thể vào trang web chính https://vi.falundafa.org/ hay vào link https://hocphapluancong.com/ để được hướng dẫn thêm về pháp môn này.
Xem thêm video: