Đỉnh cao của nghệ thuật giao tiếp không phải là khả năng hùng biện mà là biết lắng nghe người khác. Người vô duyên đa phần cũng là vì không biết lắng nghe, làm người khác khó chịu mà lại còn tưởng rằng mình nói hay. 

Những tiếng cười vội vàng đã trở thành vô duyên

Trong một chương trình truyền hình thực tế ở Mỹ, khi tới phần hỏi đáp, người dẫn chương trình hỏi một cậu bé: “Nghề mơ ước sau này của cháu là gì?” Cậu bé hào hứng trả lời: “Cháu muốn làm phi công lái máy bay”.

Người dẫn chương trình muốn thử cậu bé một chút nên hỏi: “Vậy giả sử máy bay đang bay ngang qua biển mà bị hết nhiên liệu thì cháu sẽ làm thế nào?”

Cậu bé nhanh nhảu đáp: “Cháu sẽ yêu cầu hành khách thắt dây an toàn và bình tĩnh ngồi yên tại chỗ. Sau đó cháu sẽ mang dù và nhảy ra ngoài…”

Cậu bé vừa nói tới đây thì cả khán phòng đều cười ồ lên. Mọi người cho rằng cậu bé này thông minh nhưng lại hơi ích kỷ. Khi tiếng cười vẫn còn chưa dứt thì cậu bé lại nói tiếp: “Cháu nhảy ra ngoài đi lấy nhiên liệu. Sau đó sẽ trở lại máy bay để cứu mọi người ạ!”.

Nghe xong, mọi người đều im lặng…

Bí quyết trong giao tiếp chính là biết lắng nghe

Vô duyên là gì; Vô duyên bất tương phùng; Người vô duyên
Nói hay cũng không bằng biết lắng nghe người khác (ảnh Adobe Stock)

Cuộc sống của chúng ta ngày nay là như vậy, mọi người sống gấp, sống vội. Ngay cả trong giao tiếp hàng ngày cũng vội vàng, không cho nhau cơ hội để nói hết lòng mình; người khác chưa nói hết câu đã vội ngắt lời hoặc vội vàng đưa ra kết luận của mình.

Nhưng chúng ta thử quan sát một chút xem, những người thành công trong xã hội, cũng như những người có sức cuốn hút người khác lại không phải là người nhanh mồm nhanh miệng. Trái lại họ là những người rất biết lắng nghe. 

Lão Tử từng nói: “Đại biện nhược nột”, nghĩa là người có tài hùng biện thì có vẻ ngoài như là ấp úng. Họ nói năng chậm rãi, lời nói ra kín đáo, thận trọng và chính xác. Sở dĩ như vậy là vì họ đã dùng trái tim để lắng nghe và thấu hiểu đối phương.

Bởi vậy, bí quyết để giao tiếp tốt với tất cả mọi người không phải là thể hiện tài ăn nói hùng biện, mà mấu chốt là ở chỗ biết lắng nghe người khác. Người không biết lắng nghe thì ở đâu cũng có thể trở nên vô duyên và làm cho người khác khó chịu.

Dưới đây là một vài gợi ý để bạn có thể lắng nghe người khác được tốt hơn:

Lắng nghe để thấu hiểu, đừng lắng nghe vì muốn tỏ ra lịch sự

Ajit Singh, giáo sư tư vấn tại khoa Y thuộc đại học Stanford đưa ra lời khuyên: “Thông thường người ta lắng nghe nhau vì muốn tỏ ra lịch sự, chứ không phải vì tò mò. Lắng nghe là rất cần thiết, nhưng ý định lắng nghe tốt nhất nên xuất phát từ sự tò mò. Một cuộc hội thoại thực sự sẽ không xảy ra khi chúng ta giả vờ lắng nghe, và nó chắc chắn không thể xảy ra nếu chúng ta không chịu lắng nghe”.

Những người vô duyên; Kiểu người vô duyên; Loại người vô duyên
Lắng nghe vì lịch sự thì câu chuyện sẽ ngày càng nhạt nhẽo (ảnh Adobe Stock)

Lắng nghe chỉ vì tỏ ra lịch sự thì thường sẽ rất gượng gạo, người nói chỉ cần quan sát ánh mắt là sẽ biết mức độ quan tâm của bạn đến câu chuyện của họ ra sao. Hãy thử tìm những điều bạn thực sự quan tâm và đặt ra câu hỏi; khi đó bạn sẽ thực sự quan tâm đến câu trả lời chứ không chỉ là hỏi cho có. 

Nhiều cuộc nói chuyện trở nên vô duyên và nhạt nhẽo cũng vì như vậy. Người nói cảm thấy mất hứng mà người nghe cũng thấy chán nản, chỉ mong thời gian trôi qua mau hơn.

Đợi người khác nói xong rồi hãy trả lời, đừng vội cướp lời mà thành vô duyên

Leslie Shore – tác giả của cuốn sách Listen to Succeed (lắng nghe để thành công) cho biết, cái khó nhất của việc lắng nghe là phải biết chờ một chút trước khi đưa ra câu trả lời. Cô nói: “Khi chúng ta trả lời mà người diễn giả chưa nói xong thì chúng ta sẽ mất hai thứ. Đó là thông tin người nói cung cấp; và sự hiểu biết về trạng thái cảm xúc trong giao tiếp của người nói”.

Hal Gregersen – Giám đốc điều hành của Trung tâm lãnh đạo tại Đại học MIT cho biết: “Khi tôi tự cho rằng mình là người quan trọng, lúc đó nhiều khả năng tôi sẽ suy nghĩ về những gì tôi muốn nói thay vì lắng nghe việc bạn trình bày. Khi làm như vậy thì chính là tôi đang tuyên bố rằng tôi quan trọng hơn bạn. Đó là một cách tiếp cận cuộc sống đầy vị tư”.

Chắc hẳn bạn cũng từng bị người khác cướp lời hay ‘nhảy vào miệng’ khi đang nói; cảm giác lúc đó đúng là không dễ chịu chút nào; cảm thấy người kia thật là vô duyên. Hơn nữa, vì bạn chưa trình bày hết ý tưởng của mình, nên người kia vội vàng đưa ra kết luận lại thường không đúng. Bởi vậy, trong giao tiếp rất cần cho nhau một khoảng hòa hoãn.

Nghệ thuật giao tiếp để thành công; Nghệ thuật giao tiếp; Giao tiếp giữa các cá nhân
Dụng tâm để lắng nghe thì mới thấu hiểu được lòng người (ảnh Adobe Stock)

Lắng nghe bằng cả trái tim

Người ta truyền tai nhau rất nhiều bí quyết để lắng nghe như: Gật đầu, thường xuyên mỉm cười, hướng mắt nhìn theo… Kỳ thực, đây cũng chỉ là tỏ ra ở vẻ bề ngoài; điều quan trọng là bạn có dụng tâm lắng nghe đối phương nói hay không.

Khi bạn dụng tâm lắng nghe, không những khiến cho người khác cảm nhận được sự tôn trọng của bạn dành cho họ, mà còn giúp bạn có thể hiểu được đối phương. Và chỉ có sau khi hiểu được đối phương thì ‘một lời nói ra liền trúng đích’; một lời nói ra sẽ khiến đối phương cảm động không thôi.

Dù có là phương pháp hay bí quyết nào thì cũng không quan trọng bằng việc dùng tâm để lắng nghe. Khi bạn thực sự muốn quan tâm đến người khác thì bạn sẽ biết cách để lắng nghe họ. Còn vô tâm vô ý thì sẽ khó tránh khỏi những lúc trở nên vô duyên và làm mất lòng người khác.

Tổng hợp