Kẻ vô ơn còn đáng sợ hơn cả loài lang sói, có thể còn lấy oán báo ân, hại người hại mệnh, loại người này nhất định sẽ bị quả báo.

Vị tăng có kiến thức Phật học uyên thâm

Trong “Thái bình quảng ký” có chép lại một câu chuyện như sau:   

Sư Dạ Quang là một hòa thượng nổi tiếng vào triều đại nhà Đường. Ông là người ở Kế Môn, thuở nhỏ thông minh, hiếu học, rất thích nghiên cứu Phật học, vì vậy xuất gia làm tăng nhân. Ông ở Kế Môn chịu khổ nghiên cứu Phật học 10 năm, tự cảm thấy cuối cùng cũng liễu giải được sự huyền áo của Phật học, thiên mục (con mắt thứ 3) cũng đã khai mở; có thể nhìn thấy ma quỷ từ không gian khác. 

Lại có một hòa thượng rất giàu có tên là Huệ Đạt, tích cóp được rất nhiều tiền tài; nhưng đối với Phật học lại không hiểu rõ lắm. Huệ Đạt rất muốn có được học vấn như Sư Dạ Quang; Sư Dạ Quang thì cũng rất vừa ý với tiền tài của Huệ Đạt. Hai người vẫn thường qua qua lại lại, anh dâng chút lễ vật, tôi truyền thụ vài điều tâm đắc, bù đắp cho nhau, tán dương lẫn nhau. Cuối cùng cả hai trở thành bằng hữu thân thiết của nhau.

Kẻ vô ơn bội nghĩa; Kẻ vô ơn bạc nghĩa; Những kẻ vô ơn bạc nghĩa
Người có học vấn, người có tiền tài, hai người trở thành bằng hữu thân thiết của nhau (ảnh Adobe Stock)

Lúc ấy Hoàng đế Huyền Tông rất kính Phật và lễ Đạo, hay chiêu mộ những tăng nhân, phương sĩ (những người cầu tiên học Đạo). Sư Dạ Quang thì lại không có tiền, không thể đi đến Trường An được. Sư Dạ Quang than thở không có tài học tuyệt thế, rồi lại thiếu đi vài thứ mà uổng phí cả đời; trong tâm thường không được vui. 

Lên kinh thành tìm đường tiến thân

Huệ Đạt biết được tâm tư của Sư Dạ Quang nên đã xuất 70 vạn tiền cho Sư Dạ Quang lên đường. Còn nói rằng: “Với tài học của đại sư, tôi thiết nghĩ thiên hạ không có ai cao minh hơn được. Hiện nay Thánh thượng đề bạt bậc anh tuấn trong thiên hạ. Hòa thượng chúng ta có thể là cao nhân đứng đầu, được đắm mình trong hoàng ân. Sau khi đại sư đi Trường An, nhất định là sẽ một bước lên mây, đã là cao tăng của Phật môn, không sớm thì muộn cũng sẽ là trọng thần của thiên tử. Nhưng đến lúc đó, tôi nhất định sẽ đến tìm đại sư nương tựa, hy vọng ngài sẽ không quên tình bằng hữu xưa”. 

Sư Dạ Quang nói: “May mắn được đại sư giúp đỡ, tôi mới có thể đi về phía Tây đến Trường An. Nếu như tôi làm được quan ngũ phẩm, ngày đó nhất định sẽ nhân cơ hội báo đáp ân huệ của đại sư”.

Sư Dạ Quang đến Trường An, dùng tiền hối lộ một số nơi, cuối cùng cũng có cơ hội được triệu kiến. Đường Huyền Tông ở tại suối nước nóng triệu kiến Sư Dạ Quang, lệnh cho thái giám chọn lựa hơn 10 tăng nhân học rộng để cùng biện luận Phật học với Sư Dạ Quang. Sư Dạ Quang diễn dịch kinh điển, luận về huyền lý, mở ra những điều đáng ngờ, chúng tăng không ai có thể cùng ông tranh cao thấp. 

Vong ân bội nghĩa là gì; Vong ân phụ nghĩa; Vong ân bạc nghĩa
Nhờ tài hùng biện mà được Hoàng đế sủng ái (ảnh Adobe Stock)

Được Hoàng đế sủng ái

Đường Huyền Tông rất ngạc nhiên về tài hùng biện của Sư Dạ Quang, liền hạ chiếu ban thưởng cho Sư Dạ Quang ấn bạc và dải lụa đỏ; bái làm tiến sĩ tứ môn (tên chức quan), hàng ngày bên cạnh bầu bạn với Đường Huyền Tông. Sư Dạ Quang còn được ban cho nhà cửa xa hoa, cùng rất nhiều tiền bạc và lụa là. 

Sư Dạ Quang trở thành bề tôi được thiên tử sủng ái, danh vọng bậc nhất. Nhưng thỉnh thoảng khi gặp phải mấy cao nhân thâm sâu khó dò thì Sư Dạ Quang cũng phải bối rối. Đường Huyền Tông từng mời Trương Quả Lão (một trong bát tiên) đến ngồi cùng mình. Sau đó gọi Sư Dạ Quang đến dùng thiên mục để xem Trương Quả Lão là thần thánh phương nào. 

Sư Dạ Quang đến rồi nói: “Trương Quả Lão hôm nay đang ở đâu?”. Kỳ thực thì Trương Quả Lão đang ngồi đối diện với Sư Dạ Quang mà ông lại không nhìn thấy (đây cũng là do tầng thứ của hai người quá cách biệt, mấy tiểu năng tiểu thuật của Sư Dạ Quang không thể có tác dụng với Trương Quả lão).

Vong ân bội nghĩa

Huệ Đạt ở quê nghe nói Sư Dạ Quang đã thành công, liền từ Kế Môn xa xôi ngàn dặm đến Trường An để tìm Sư Dạ Quang; cũng muốn kiếm lấy một chức quan nào đó. Sư Dạ Quang nghe nói Huệ Đạt đến thì không được vui; bởi vì cho rằng Huệ Đạt đến tìm ông là để đòi nợ. Huệ Đạt thấy Sư Dạ Quang không chào đón mình, vì vậy cáo từ rời đi.

Sống vong ân bội nghĩa; Người vong ân; Vô ơn là gì
Dùng oán báo ân, lòng lang dạ sói (ảnh Adobe Stock)

Huệ Đạt quay trở về phương Bắc được mấy tháng nhưng Sư Dạ Quang vẫn chưa cảm thấy yên tâm. Ông sợ Huệ Đạt sẽ còn quay trở lại để tống tiền. Sư Dạ Quang mới nghĩ ra một độc kế. Ông ghi một mật thư đưa cho thống soái Kế Môn nói rằng: 

“Gần đây đại sư Huệ Đạt đến kinh thành, nói xấu đại nhân là tu sửa binh khí tại Kế Môn; có mưu đồ làm loạn. Mấy lời đồn này lan truyền nhanh chóng, e rằng sẽ có người biết được. Sự trung thành của đại nhân, thiên hạ đều biết, tôi há lại tin vào mấy lời đồn thất thiệt đó sao? Tôi chỉ lo là mấy lời đồn này sẽ hủy hoại thanh danh của ngài. Đại nhân nhất định phải có phòng bị”.

Thống soái Kế Môn đọc xong thì nổi giận đùng đùng, lập tức bắt Huệ Đạt đến đánh chết.

Quả báo thảm khốc cho kẻ vô ơn

Vài ngày sau, Sư Dạ Quang đột nhiên nhìn thấy Sư Huệ Đạt đi vào trong phòng, mắng Sư Dạ Quang rằng: “Ta lấy 70 vạn tiền hỗ trợ ngươi đi về phía Tây đến Trường An. Ngươi vì sao lại phản bội mà vu cáo ta, khiến ta phải chết oan như thế này! Ngươi thật là có lỗi với ta!” Nói xong nhảy lên công đường túm lấy Sư Dạ Quang; một lúc sau thì thấy biến mất không dấu vết. Người hầu của Sư Dạ Quang đều nhìn thấy việc này. Vài ngày sau thì Sư Dạ Quang đột nhiên qua đời.

Kẻ vô ơn thì sẽ khó có được chỗ đứng vững chắc trong xã hội. Sự nghiệp có thành thì rồi cũng sẽ mất, vì đã tự mình đánh mất hết phúc báo của bản thân.

Theo Vision Times