Chỉ một chữ Hải – 海 đã thể hiện đầy đủ phẩm cách đạo đức của người quân tử, sự bao dung của người nhân hậu, biển lớn dung nạp trăm sông.

Chữ Hải – 海 (Biển), gồm bộ Chấm thủy – 氵(3 giọt nước nối lại quanh co như dòng nước chảy trên mặt đất) và chữ Mỗi – 每 (mỗi lần, thường, luôn) hợp thành. Trong chữ Mỗi – 每 lại chứa chữ Mẫu – 母 (Mẹ).

Đại ý rằng Biển (Hải) rộng lớn bởi luôn đặt mình nơi đất thấp, sẵn lòng dung nạp trăm sông, chào đón từng giọt nước đi hết hành trình của đời mình, trở về với vòng tay của mẹ biển cả. Cũng không phải ngẫu nhiên khi có câu ví rằng “Tình mẹ bao la như biển cả.”

Biển cả () đong đầy con nước (), nước lại được sánh với đức của người quân tử

Nước phân bổ khắp nơi trong thiên hạ, nuôi sống vạn vật mà không thiên vị; đó là đạo đức của người quân tử.

Đến bất cứ nơi đâu, nước cũng mang tới sự phồn thịnh cho vạn vật; như tấm lòng nhân ái của người quân tử.

Nước chảy chỗ trũng, tùy vật mà nên hình thành dạng; như sự cao quýnghĩa khí của người quân tử.

Khi nước chảy ngang, khiến người ta không dễ đoán nông sâu; như trí tuệ của người quân tử.

Khi đổ xuống vực sâu muôn trượng, nước cũng không hề do dự; như sự quyết đoán và lòng can đảm của người quân tử.

Biển lớn dung nạp trăm sông; Đạo của nước; Đạo của nước Lão Tử
Đức của người quân tử cũng giống như nước (ảnh Facebook)

Khi vào khúc quanh co, nước lại có thể chảy tới mọi ngóc ngách; như người quân tử tỏ tường mọi việc.

Dù trộn lẫn bùn đất, cuối cùng dòng nước trong xanh vẫn nổi lên trên, cát bụi lắng xuống; như người quân tử dùng thiện cảm hoá vạn vật.

Dòng chảy có lúc nhanh lúc chậm; như người quân tử coi trọng chừng mực, lễ độ.

Dẫu có rẽ thành nghìn nhánh, nhưng nước vẫn kiên trinh đổ về biển lớn; như ý chí và niềm tin của người quân tử không thể lay chuyển.

Biển lớn dung nạp trăm sông

Trong chữ Hải – 海 có chữ Mẫu – 母. Chữ Mẫu – 母 mang hình đôi mắt của người mẹ, luôn đau đáu hướng về những đứa con thân yêu của mình, cả khi sinh lẫn khi khuất bóng.

Hình ảnh người mẹ giống như những chiếc lá chuối khô. Ngay cả khi héo mòn và kết thúc sinh mệnh của mình, cũng vẫn quấn quýt, bao bọc lấy thân cây; vẫn dùng thân mình che chở, bao bọc cho con, mà không nỡ rời khỏi gốc.

Vậy nên, biển rộng (Hải) không chỉ là sự cộng dồn hay tích tụ đơn thuần của nhiều giọt nước một cách cơ học. Mà bởi mỗi giọt nước được là chính mình, được yêu thương, nâng đỡ, thanh lọc, bình yên khi trở về với biển cả; như những đứa con được trở về với mái nhà bình yên có bóng hình thân thương của mẹ.

Đạo về nước của Lão Tử; Quân tử là gì; Quân tử chi giao
Biển nuôi dưỡng vạn vật sinh sôi mà cũng không cần kể công (ảnh minh họa Adobe Stock)

Đức khiêm nhường của biển cả (Hải)

Trong “Đạo Đức Kinh” có câu: “Người không dám đứng trước thiên hạ mới có thể có được thiên hạ.” Đại ý rằng, người khiêm nhường ắt được lòng thiên hạ, vậy nên không dám đứng trước thiên hạ, mà lại có được thiên hạ.

Trong 64 quẻ của Kinh Dịch, hầu như mỗi quẻ đều có cả điềm lành lẫn điềm hung. Chỉ duy nhất quẻ Khiêm là chỉ có cát mà chẳng có hung. Vậy nên mới thấy khiêm nhường và dung nhẫn không khiến con người trở nên yếu nhược và hèn kém. Ngược lại, đó là biểu hiện của đức nhẫn nại và một nội tâm mạnh mẽ.

Bởi lẽ đức khiêm nhường tất sẽ thu phục được lòng người. Ví như, Phạm Trọng Yêm, một trọng thần thời Bắc Tống có câu nói nổi tiếng rằng: “Lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ.” Cả cuộc đời ông luôn đau đáu vì nước vì dân; đến khi nhắm mắt xuôi tay, tiếng thơm vẫn lưu mãi ngàn đời.

Cũng giống như một câu nói thời hiện đại: “Kẻ mạnh không phải kẻ giẫm đạp trên vai người khác, mà là nâng bổng người khác trên đôi vai của mình.”

Cái gốc của sự khiêm nhường là vì biết thời thế, hiểu Đạo và kính Thần

Nếu ai đã từng đọc bài văn vần “Phá Diêu Phú” (Bài phú về cái hốc đá bên sườn núi mà người nghèo dùng làm nơi ở) của Lã Mông Chính, vị tể tướng phò tá 3 đời vua, sẽ hiểu sâu sắc hơn về quan niệm thời thế của cổ nhân.

Trong đó có câu: “Đời sống của ta phú quý, chẳng phải vì tài năng của ta, mà đó là thời của ta! Cũng là vận của ta! Cũng là Mệnh của ta!”

Bài phú còn kể rằng:Hàn Tín khi chưa gặp thời, nghèo đến độ thường ngày không có đủ ba bữa cơm ăn, nhưng khi vận may đến, thì lưng đeo ngọc ấn dài 3 thước; một khi số mạng suy sụp thì cũng phải chết vào tay một người phụ nữ.”

Hay như câu: “Cung nữ trong hoàng cung, gặp vận không may thì cũng thành kỹ nữ và hầu thiếp; gái lầu xanh gặp thời thế lại trở thành phu nhân quý phái.

Vậy nên, khi thất thế chẳng thể thoái chí hay tuỳ tiện từ bỏ lễ nghi, “giấy rách vẫn phải giữ lấy lề”. Lúc gặp thời cũng phải giữ gìn sự khiêm tốn và tôn kính với con người và Trời đất.

Thiển ngộ về chữ Hải - 海: Biển lớn dung nạp trăm sông
Bậc quân tử thắng không kiêu, bại không nản, biết thuận theo Thiên ý (ảnh minh họa read01)

Khiêm nhường ắt sẽ đắc được nhân tâm

Cổ nhân có câu “Không tham công của Trời”. Bởi người xưa hiểu rằng, Trời thương dân như con đỏ, phái bậc quân vương, thiên tử (con của trời), công khanh, đại thần xuống giúp Ngài bảo vệ con dân của mình. “Dân vi trọng, quân vi khinh” (Coi trọng dân, mà coi nhẹ vua), nên làm tốt sứ mệnh Trời ban thì được tưởng thưởng giàu sang, phú quý; làm không tốt ắt sẽ bị Trời trách tội.

Vậy nên, người hiểu Đạo ắt sẽ khiêm nhường, bao dung như biển cả; ắt sẽ đắc được nhân tâm và quy tụ được lòng người như biển lớn.

Có câu rằng: “Văn dĩ tải Đạo” (Văn tự là để chở đạo). Hán tự chính thể (không phải chữ giản thể hiện đại xuất hiện từ năm 1945 đến nay) với mạch sống xuyên suốt 5.000 năm văn hoá, vẫn chảy mãi cho tới ngày nay; mang theo trí huệ sâu sắc và ẩn chứa nhiều thiên cơ.

Một chữ “Hải” từ tầng nghĩa bề mặt nông cạn, cho đến nội hàm thâm sâu vẫn khiến người đời không khỏi tán thán, ngợi khen.

Biển lớn dung nạp trăm sông, hòa đồng vạn vật, là chí khí ngút trời của bậc quân tử, là sự khiêm nhường của bậc Đế vương, tất cả gói gọn trong một chữ Hải.