“Tiểu bố thí” và “đại thiện tâm”
Phú ông bố thí cho chùa rất nhiều, nhưng chỉ được gọi là “tiểu bố thí”, vì chưa có được “đại thiện tâm”, vậy như thế nào mới gọi là “đại bố thí”?
- Vì sao ni cô, hoà thượng ăn thịt mà vẫn đắc thần thông?
- Chú tiểu ngạo mạn và bài học sâu sắc từ chậu hoa của sư trụ trì
Có một câu chuyện như thế này, ngày xưa, có một phú ông rất xảo quyệt, ông coi tiền bạc như là mạng sống của mình. Vào năm ấy, ông đã tìm được một đầy tớ tên là Trương Sỏa Tử (Sỏa Tử nghĩa là kẻ ngốc). Nói là Trương Sỏa Tử, nhưng thực ra anh cũng không phải là kẻ ngốc, chỉ bởi vì anh rộng lượng trong xử lý sự việc, không tính toán chi li, không qua loa cho xong chuyện, không tham danh lợi. Lúc đầu năm Trương Sỏa Tử đến đây, phú ông đã nói sẽ cho anh 1 năm tiền công tương đương với một con bò.
Từ đó trở đi, Trương Sỏa Tử tận tâm làm việc, không nề hà mệt mỏi, chịu thương chịu khó. Vào cuối năm, Trương Sỏa Tử yêu cầu chủ nhân trả tiền công cho mình. Phú ông đã bán đứng lương tâm và đưa cho Trương Sỏa Tử một chai dầu, Trương Sỏa Tử hỏi: “Ông không phải nói sẽ cho tôi một con bò sao? Tại sao lại trở thành một chai dầu vậy?” Phú ông mở to mắt và giận dữ nói: “Rõ ràng ta nói là một chai dầu, ở đâu ra con bò chứ?” Trương Sỏa Tử không kiên trì được nữa, cầm chai dầu đi ra ngoài.
Khi Trương Sỏa Tử trở về tay không, phú ông cảm thấy kỳ lạ và hỏi: “Anh đang làm gì vậy? Chai dầu ta đưa cho anh đâu?” Trương Sỏa Tử bình tĩnh đáp: “Tôi đã mang đến chùa làm ‘đại bố thí’ rồi”. Phú ông nhếch miệng cười lớn: “Mỗi năm, ta đều mang lên chùa 1 xe dầu, nhưng cũng chỉ là ‘tiểu bố thí’ thôi, ngươi chỉ có 1 chai dầu mà nói là ‘đại bố thí’, ngươi gạt người sao?” Phú ông lắc đầu không tin. Trương Sỏa Tử nghiêm túc nói: “Thật mà, tôi vừa tới cửa chùa đã nghe thấy tiếng hô lớn từ bên trong, người đưa ‘đại bố thí’ tới rồi, lấy trà hảo hạng để thiết đãi”.
Lúc này phú ông đã tin điều đó, bởi vì mỗi lần ông đi bố thí, vừa đến trước chùa đã nghe thấy tiếng hô lớn từ bên trong: “Người đưa ‘tiểu bố thí’ đến rồi, lấy nước trà để thiết đãi“. Nghĩ đến đây, phú ông lập tức nổi giận đùng đùng: “Được rồi, hòa thượng trong chùa là đồ lừa gạt, hành động của hòa thượng không công bằng. Năm nào ta cũng đem xe dầu đến chùa, nhưng hòa thượng chỉ gọi ta là ‘tiểu bố thí’, Trương Sỏa Tử chỉ đưa 1 chai dầu, nhưng hòa thượng lại gọi là ‘đại bố thí’ … Không được, ta phải tìm hòa thượng để tranh luận!”
Phú ông vô cùng giận dữ chạy đến ngôi chùa trên núi, khi ông đến cổng chùa, thật ngạc nhiên, lão hòa thượng đã chào đón ông ở cổng chùa với vẻ mặt tươi cười. Ông trút hết cơn giận lên lão hòa thượng. Lão hòa thượng thấy ông tức giận, chỉ vuốt bộ râu trắng, mỉm cười không nói một lời. Đợi ông nói xong, lão hòa thượng liền dẫn ông vào tịnh thất của thiền đường, mời ông ngồi xuống rồi rót cho ông một tách trà thơm để ông bình tĩnh lại. Ông không uống được nước trà, chỉ ngồi đó khó chịu. Nhìn thấy ông như vậy, lão hòa thượng nói: “Nhắm mắt lại, ta sẽ khiến ông bình tĩnh lại”.
Phú ông nhắm mắt lại và thầm nghĩ: “Để xem ông có thể làm được trò gì?” Phú ông cảm thấy lão hoà thượng gõ nhẹ ngón tay vào giữa hai lông mày của mình, và ngay lập tức, một cảnh tượng kỳ lạ hiện lên trong đầu ông. Chỉ nhìn thấy một trang viên tráng lệ, được bao quanh bởi những cánh đồng lúa tươi tốt thẳng cánh cò bay, khắp nơi trong trang viên đều có những người hầu ăn mặc chỉnh tề làm việc.
Ngồi trong phòng lớn nguy nga lộng lẫy là một người đàn ông ăn mặc sang trọng, là một người có tướng đại phú đại quý, nhìn kỹ lại hóa ra là Trương Sỏa Tử! Đang ngạc nhiên thì ông chợt nghe thấy một tiếng hét lớn truyền đến. Khi nghe thấy âm thanh đó, phú ông tìm kiếm thì phát hiện âm thanh đó phát ra từ cối xay ở góc trang viên. Tiến vào bên trong, ông thấy một người đầy tớ đang dùng roi quất một con lừa gầy gò và mù lòa. Ông cũng phát hiện có chữ viết trên thân con lừa! Khi ông nhìn kỹ, không ngờ đó là tên của bản thân ông! Phú ông giật mình mở mắt ra…
Phú ông bối rối và vội hỏi nguyên do. Lão hòa thượng trầm tư suy nghĩ một chút rồi nói: “Đừng tưởng rằng sau khi chết thì không còn có cái gì nữa, hoàn toàn không phải như vậy. Ở dương gian sinh mệnh sau khi chết sẽ có luân hồi. Điểm đến tiếp theo của luân hồi hoàn toàn phụ thuộc vào những gì ông đã làm trong suốt cuộc đời mà quyết định.
Cảnh tượng mà ông vừa thấy là kiếp sau của ông và Trương Sỏa Tử, ông vì tiền tài mà không từ thủ đoạn nào, làm những chuyện thất đức, có hại cho người khác và có lợi cho chính mình. Nếu điều này tiếp diễn, kiếp sau ông sẽ không thể chuyển sinh làm người, chỉ có thể rơi vào đạo súc sinh, biến thành một con lừa mù gầy gò da bọc xương và bị đánh suốt ngày!”
Ông vẫn còn không hiểu và hỏi lại: “Vậy tại sao tên Trương Sỏa Tử, anh ta chỉ là một người hầu, làm sao lại trở thành viên ngoại đại phúc đại quý như vậy được?” Lão hòa thượng trả lời: “Đừng nghĩ rằng anh ta đời này là một người người hầu, anh ta không coi trọng việc tổn thất, cả đời tích đức, không tổn đức.
Ví như việc ông nên cho anh ta một con bò, nhưng ông lừa dối lương tâm và cho anh ta một chai dầu. Ông nghĩ ông đang làm điều gì? Mặc dù anh ta chỉ đưa một chai dầu để làm bố thí, nhưng đó là thành quả sự chăm chỉ của anh ta trong một năm! Còn ông, mặc dù hàng năm ông đều tặng một xe dầu để bố thí, nhưng đây chỉ là một phần thu nhập của ông từ việc lừa gạt cưỡng đoạt mà có được thôi! Ta gọi ông là ‘tiểu bố thí’, còn có phần khó nói đó”.
Phú ông nghe xong toát mồ hôi lạnh, vội vàng hỏi: “Có biện pháp nào phá giải không?” Lão hòa thượng thấy ông đã thông suốt liền mỉm cười nói: “Tích đức hành thiện, làm việc tốt, kiếp này không được báo đáp thì kiếp sau được. Hãy ghi nhớ, tự thu xếp ổn thoả!”
Phú ông vội vàng quay về, tìm Trương Sỏa Tử, đưa cho anh một con bò và thêm một chai dầu như một lời xin lỗi. Thật kỳ lạ, đêm đó, phú ông có một giấc mơ, ông mơ thấy cảnh tượng mà lão hòa thượng đã để cho ông thấy trong chùa, tại cối xay của trang viên, vẫn là con lừa bị mù gầy gò da bọc xương trên thân có tên của ông đang cố hết sức kéo cối xay, nhưng điểm khác biệt là không có người đầy tớ quất roi bên cạnh. Khi tỉnh dậy khỏi giấc mơ, ông cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Ông đã phát thệ, quyết tâm thay đổi quá khứ, thay đổi triệt để, trọng đức hành thiện và trở thành một con người mới, để xứng đáng với sự nỗ lực cứu độ của lão hòa thượng!
Chẳng bao lâu, phú ông đã trở thành một nhà từ thiện vĩ đại, được mọi người ca tụng và nổi tiếng xa gần. Nhờ đó, câu chuyện “tiểu bố trí” và “đại thiện tâm” lan rộng, nó vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay và vẫn còn phổ biến.
Theo Vision Times