Trong văn hóa Trung Hoa cổ xưa, “Mai – Lan -Trúc – Cúc” được mệnh danh là “Tứ quân tử”, đại biểu cho những nhân cách tốt đẹp của bậc quân tử chân chính

“Tứ quân tử” lần lượt là hoa mai, hoa lan, cây trúc và hoa cúc. Bốn loại cây mang các đặc điểm sinh tồn tự nhiên vô cùng đặc biệt, tượng trưng cho những phẩm chất cao quý của bậc quân tử chân chính thời xưa. Chúng là đề tài bất tận cho nghệ thuật như hội họa, thi ca, gốm sứ,…

Hoa mai – biểu tượng của sự kiên cường và nhẫn nại

Hoa mai thường nở vào mùa đông, những cánh mai mỏng manh và rực rỡ, tô điểm trên nền tuyết trắng, như dấu hiệu của hy vọng, báo hiệu một mùa xuân tươi đẹp sắp tới. 

Sự kiên cường để chống chọi, nhẫn chịu cái lạnh đầy khắc nghiệt, bất động trước sương giá và tuyết lạnh của hoa mai, tượng trưng cho sự dung nhẫn, ý chí bất khuất, dũng cảm đối mặt với khó khăn và vượt qua nghịch cảnh bằng trái tim kiền tịnh của một bậc quân tử.

Văn hóa Trung Hoa; Văn hóa Trung Hoa cổ đại
Phải một phen sương tuyết lạnh, hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương (ảnh: Spiderum)

Hoa mai có xuất xứ từ miền nam Trung Quốc, xuất hiện cách đây khoảng hơn 3000 năm. Trong suốt chiều dài lịch sử, nó đã gắn liền với nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật, như gốm sứ, điêu khắc gỗ, thêu thùa, đặc biệt là hội họa và thi ca. 

Những phẩm chất cao quý của hoa mai, đã truyền cảm hứng cho rất nhiều thi sĩ, trong đó có nhà thơ Lâm Bô thời nhà Tống:

“Chúng phương dao lạc độc huyên nghiên,
Chiếm tận phong tình hướng tiểu viên”.

Dịch nghĩa: 

Khi tất cả các loài hoa thơm khác đều đã rụng, thì riêng hoa mai vẫn còn xinh đẹp diễm lệ,
Trong khu vườn nhỏ, hoa mai độc chiếm hết mọi vẻ đẹp.

Trích  trong“Sơn viên tiểu mai”

Hoa lan – tinh tế và khiêm nhường

Hoa lan xuất hiện ở Trung Quốc từ hơn 2.000 năm trước. Với vẻ ngoài kiều diễm, tinh tế và hương thơm nhẹ nhàng, thuần khiết; nó tượng trưng cho đức hạnh cao quý và khiêm cung.  

văn hóa truyền thống; văn hóa cổ xưa; nét đẹp cổ xưa
Khổng Tử là một trong những học giả đầu tiên ca ngợi hoa lan (ảnh minh họa: DKN)

Khổng Tử là một trong những học giả đầu tiên ca ngợi hoa lan là biểu tượng của đức hạnh. Trong “Khổng Tử gia ngữ” có viết: “Chi lan sinh vu thâm cốc, bất dĩ vô nhân nhi bất phương. Quân tử tu đạo lập đức, bất vi bần khốn nhi biết tiết.” nghĩa là: Cây Chi Lan (thuộc họ hoa Lan) mọc ở trong núi sâu, không vì ở chốn không người mà không thơm; người quân tử tu Đạo lập đức, không vì khốn cùng mà thay đổi khí tiết.

Giống như hoa mai, hoa lan cũng truyền cảm hứng cho rất nhiều thi ca. Nhà thơ Khuất Nguyên đã từng ca tụng hoa lan như biểu tượng của sự cao quý và thánh thiện. Trong suốt cuộc đời của mình, ông đã trồng rất nhiều loài lan trong vườn và chúng trở thành đề tài bất tận trong các bài thơ của ông:

“Nội tâm ta đã mười phần lộng lẫy,
Trọng tu dưỡng lại thêm phần đoan trang
Giắt cỏ giang li với cây bạch chỉ này,
Mùa thu lan kết làm thành dây đai” 

Trích trong bài thơ “Ly tao”.

Cây trúc – hiện thân của sự công bằng và chính trực

Trúc là một loài cây có khả năng giữ được sắc xanh thuần túy suốt bốn mùa, thân cây luôn thẳng đứng hiên ngang bất quản gió mưa bão táp. 

Chính bởi những đặc điểm này, mà người xưa lấy hình ảnh của trúc để tượng trưng cho sự thanh liêm, chính trực.

văn hóa truyền thống; văn hóa cổ xưa; nét đẹp cổ xưa
Cây trúc là biểu tượng của sự chính trực, liêm khiết (ảnh: Epochtimes)

Trung Quốc có câu thành ngữ “hung hữu thành trúc”, gắn liền với một điển cổ. 

Vào thời nhà Tống, có một người tên là Văn Dữ Khả, đặc biệt thích hội họa. Ông rất thích vẽ trúc, để có thể vẽ chân thực nhất, ông đã trồng trúc trong vườn của mình. Ngày qua ngày, mùa này qua mùa khác, cẩn thận quan sát quá trình cây lớn lên, để ý xem chồi, thân và lá của chúng trông như thế nào trong suốt bốn mùa. 

Dần dần, ông đã trở nên nổi tiếng vì vẽ trúc. Kỹ thuật vẽ của ông vô cùng điêu luyện, thủ pháp vừa nhanh vừa tỉ mỉ. Người ta nói rằng Văn Dữ Khả có thể vẽ hai bức tranh trúc cùng một lúc bằng cách dùng một tay để cầm hai cây bút.

Khi được hỏi về bí quyết vẽ tranh, ông cho biết chỉ cần có hình ảnh rõ ràng về cây trúc trong đầu là có thể có một bức tranh đẹp. Với một hình ảnh rõ ràng sẵn có trong đầu, quá trình vẽ trở nên nhanh hơn và dễ dàng hơn. Kể từ đó, người ta sử dụng thành ngữ “hung hữu thành trúc” để chỉ một người hiểu rõ mục tiêu của mình.

Hoa cúc – biểu tượng của sự thanh cao thoát tục

Hoa cúc xuất hiện vào đầu mùa xuân nhưng chỉ bắt đầu nở hoa khi đến mùa thu, khi những loài hoa khác khô héo trong không khí se lạnh. 

Người ta thường gọi cúc là loài hoa ẩn sĩ, cao thượng, chính bởi đặc tính nở muộn, không muốn cùng quần hoa tranh xuân. Điều này tượng trưng cho phẩm chất điềm tĩnh của bậc quân tử, thờ ơ với danh lợi, tâm tình chẳng vướng nơi bụi trần.

Cúc biểu tượng cho sự thanh cao thoát tục (ảnh: Vision Times)

Đào Uyên Minh, nhà thơ và chính trị gia thời Tấn, là người rất yêu quý loài hoa này. Sinh thời, ông có thiên hướng lui về sống một cuộc sống ẩn dật, tránh xa nơi ồn ào náo nhiệt của thế gian. Ông mong muốn một cuộc sống hòa mình với thiên nhiên và tận hưởng những thú vui giản dị.

Tuy nhiên, ông được gọi ra làm quan trong thời điểm chính trị bất ổn. Bị giằng xé giữa bổn phận trách nhiệm và sự liêm khiết, ông từ chức sau 10 năm làm quan, trở về cuộc sống bình lặng nơi làng quê. 

“Hái hoa cúc dưới giậu Đông,
Nhàn nhã ngắm nhìn Nam Sơn

Trích bài thơ “Ẩm tửu kỳ 5”

Trong văn hóa Trung Hoa cổ xưa, con người và thiên nhiên vốn là tương hợp, cỏ cây đều có những phẩm chất và đức hạnh của riêng mình, con người cũng cần tu dưỡng và bồi đắp phẩm hạnh.

Theo Vision Times