Đã bao giờ bạn tức giận vì người hàng xóm hay lớn tiếng trách phạt con cái chưa? Bạn có biết rằng tức giận làm hại thân thể con người một cách đáng sợ không?

Bác sĩ Lobsang, một chuyên gia nổi tiếng về y tế dự phòng cơ thể và tâm hồn, trong cuốn sách: “Thuật dưỡng sinh không tức giận của người Tây Tạng: Phương pháp phòng ngừa và chăm sóc toàn diện cơ thể – trí tuệ – tâm hồn” đã tiết lộ rằng: 

“Khi mức độ tức giận của bạn tăng lên, để đối phó với phản ứng căng thẳng, một lượng lớn phức hợp B bao gồm axit folic, vitamin C, khoáng chất magie và các chất dinh dưỡng quan trọng khác giúp duy trì hoạt động trơn tru của các chức năng của cơ thể sẽ được tiêu hao với số lượng đặc biệt đáng báo động. Như vậy, để bảo vệ sức khỏe của mình, bạn có nên tìm một phương pháp khác để đối phó với cơn tức giận hay không?”

Lửa giận bùng lên, thương tổn cả trong lẫn ngoài

Khi bạn tức giận, dây thần kinh giao cảm của bạn hoạt động mạnh hơn, kích hoạt giải phóng hormone cortisol, làm tăng huyết áp, tăng tốc độ nhịp tim.

hậu quả của tức giận; cơn nóng giận; sự thịnh nộ
Tức giận có thể làm tổn hại đến tim mạch (ảnh minh họa: NTV Haber)

Một người bình thường, chỉ có thể thấy được bản thân đang chiến đấu với thế giới bên ngoài, cùng người khác đánh đánh, chửi chửi, nhưng lại quên mất rằng ngọn lửa này đã mở ra chiến trường trong chính cơ thể của mình. Bất kể là chiến tranh lâu dài hay chiến tranh tiêu hao, chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng, phàm là chiến tranh thì tất có thương tích.

Khi làm tổn hại người khác thì cũng đồng thời làm tổn thương các tế bào thân thể của chính mình. Hãy phòng ngừa trước để tránh đau khổ sau, chứ đừng để tới khi toàn bộ cơ thể bị suy sụp vì hậu quả của tức giận, rồi mới cảnh giác hoặc tìm bác sĩ. 

Giận dữ làm tổn hại thân thể

Các cơ chế miễn dịch, tự phục hồi và tự thanh lọc của cơ thể thông qua nghỉ ngơi, ăn uống, bài tiết, ngủ,… đều bị gián đoạn và trì hoãn bởi cơn tức giận.

Khi tức giận, bạn không chỉ phá hủy mối quan hệ hài hòa với thế giới bên ngoài, mà còn gia tăng áp lực lên mạch máu não, làm suy yếu tế bào não, khiến huyết thanh đục, làm tổn thương gan và phổi. Nếu mặc kệ những thứ này tiếp tục tàn phá cơ thể, nó sẽ làm rối loạn hệ thống miễn dịch và nội tiết của bạn.

Khi bạn tức giận, không chỉ hệ thống tim mạch bị ảnh hưởng mà tất cả các cơ quan trong cơ thể bạn cũng có nguy cơ bị tổn thương.

Vì một cơn giận dữ, mà con người phải trả giá bằng sức khỏe của chính mình, liệu có đáng không? Trong tất cả các loại cảm xúc không tốt, tức giận giống như một loại độc tố, nó tàn phá thân thể con người một cách tàn nhẫn. 

Sự tức giận có tác động tiêu cực toàn diện đến cơ thể con người, tình trạng càng kéo dài, đối với phụ nữ thậm chí còn có thể bị rối loạn kinh nguyệt. 

Sự tức giận làm tổn thương các cơ quan trong cơ thể, thứ đầu tiên phải chịu đựng chính là hệ thống tiêu hóa

Có người thường nói: ‘Tức muốn no luôn rồi”. Thực sự là tức giận có thể sinh ra cảm giác chán ăn, ức chế cảm giác thèm ăn, gây khó ngủ và rồi sinh ra bệnh tật.

Đương lúc chán ăn, thì ăn cũng không thấy vị gì, nhai chưa kỹ đã nuốt, tiêu hóa không tốt, khiến đau dạ dày, viêm loét dạ dày mãn tính. 

Ăn không ngon thì ngủ không ngon, nếu người đã có bệnh rồi mà vẫn ngủ không ngon thì đến bác sĩ cũng bó tay. Thiếu ngủ và khó ngủ thì chắc chắn cơ chế tự phục hồi, tái tạo tế bào, và hệ thống miễn dịch sẽ bị suy giảm.

Tức giận là bản năng, biết kiềm chế mới là bản lĩnh

Khi khai chiến với người khác, đừng quên nhìn lại cuộc chiến trong thân thể mình. Cái người mà đã chọc giận bạn đó, bạn có làm gì thì cũng chưa chắc đã khiến hắn đau khổ, thậm chí hắn còn vui vẻ cũng nên. 

Nhưng đối với bản thân mình mà nói, cơn giận kia quay lại đánh mình là điều không thể tránh khỏi. Vậy nên, người ta thường nói “tức giận là bản năng, biết kiềm chế mới là bản lĩnh”. Thực vậy, người có thể kiểm soát được cảm xúc của mình mới thực là người có dũng khí và trí tuệ. 

hậu quả của tức giận; cơn nóng giận; sự thịnh nộ
Tức giận là bản năng, biết kiềm chế mới là bản lĩnh (ảnh minh họa: IStock)

Thử nghĩ mà xem, so với việc đỏ mặt tía tai cãi nhau với người khác, tức đến sùi bọt mép, thì sự cúi đầu bình thản chẳng phải sẽ nhẹ nhàng và tao nhã hơn sao?

Đừng để tức giận làm hại thân thể bạn. Nếu có thể chém xuống một kiếm, hãy nguyện rằng có thể chém cơn thịnh nộ ngu muội của mình, chứ không phải là bất cứ một ai!

Theo Vision Times